Tường thuật trực tuyến Hội nghị triển khai công tác ngành Kiểm sát nhân dân năm 2018

Ngày đăng : 08:00, 29/12/2017

(kiemsat.vn) - Hội nghị bắt đầu lúc 8h sáng ngày 29/12 tại Hội trường Bộ Quốc phòng, Hà Nội. Chủ tịch nước Trần Đại Quang đến dự, chỉ đạo Hội nghị.
 

Tới dự hội nghị còn có các đồng chí: Trần Quốc Vượng, Uỷ viên Bộ Chính trị, thành viên thường trực Ban Bí thư, Chủ nhiệm Uỷ ban kiểm tra Trung ương, nguyên Viện trưởng VKSND tối cao; Phan Đình Trạc, Bí thư Trung ương Đảng, Phó trưởng Ban thường trực Ban chỉ đạo Trung  ương về phòng chống tham nhũng, Trưởng ban Nội chính Trung ương; Nguyễn Hoà Bình, Bí thư Trung ương Đảng, Chánh án TAND tối cao, nguyên Viện trưởng VKSND tối cao; các đồng chí đại biểu đại diện Lãnh đạo các  bộ, ban ngành trung ương; các đồng chí nguyên lãnh đạo VKSNDTC, lãnh đạo VKSQS Trung ương, các đơn vị thuộc VKSNDTC, Kiểm sát viên VKSNDTC, Kiểm sát viên cao cấp, Điều tra viên cao cấp, Kiểm tra viên cao cấp, chuyên viên cao cấp, Viện trưởng, Chánh văn phòng VKSND cấp cao, VKSND cấp tỉnh, VKSQS cấp quân khu.

Đồng chí Lê Minh Trí, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Ban cán sự đảng, Viện trưởng VKSNDTC; đồng chí Nguyễn Hải Phong, Phó Bí thư Ban cán sự đảng, Phó Viện trưởng thường trực và các đồng chí Phó Viện trưởng VKSNDTC: Nguyễn Thị Thủy Khiêm, Lê Hữu Thể, Trần Công Phàn, Bùi Mạnh Cường, Nguyễn Văn Khánh chủ trì Hội nghị.

Chủ tịch nước Trần Đại Quang tiến vào hội trường trong tiếng vỗ tay chào đón của toàn thể đại biểu dự Hội nghị

 

 

Tiến sĩ Nguyễn Hải Phong, Phó Viện trưởng thường trực VKSND tối cao trình bày tóm tắt Báo cáo tổng kết công tác năm 2017 của ngành Kiểm sát nhân dân. 

 

Tiến sĩ Nguyễn Hải Phong, Phó Viện trưởng thường trực VKSND tối cao trình bày tóm tắt Báo cáo tổng kết công tác năm 2017 của ngành Kiểm sát nhân dân

Theo báo cáo tổng kết công tác kiểm sát năm 2017, với sự lãnh đạo, chỉ đạo của Bộ Chính trị, sự giám sát của Quốc hội, Ủy ban Tư pháp Quốc hội, VKSND tối cao đã quán triệt, thực hiện nghiêm túc các nghị quyết của Đảng, của Quốc hội; khẩn trương chỉ đạo toàn ngành triển khai thực hiện quyết liệt, đồng bộ nhiều giải pháp thiết thực trong các mặt công tác. Toàn ngành Kiểm sát tiếp tục thực hiện tốt chức năng, nhiệm vụ, đạt và vượt nhiều chỉ tiêu, nhiệm vụ trọng tâm theo yêu cầu của Quốc hội: Tập trung thực hiện nhiều biện pháp nhằm nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác thực hành quyền công tố, kiểm sát việc giải quyết các vụ án hình sự và công tác điều tra tội phạm thuộc thẩm quyền; nổi bật là: Trách nhiệm thực hành quyền công tố trong hoạt động điều tra các vụ án hình sự tiếp tục được tăng cường; đã kiểm sát chặt chẽ và hiệu quả hơn việc giải quyết tố giác, tin báo về tội phạm, hạn chế oan, sai và bỏ lọt tội phạm ngày từ giai đoạn tiền khởi tố; kiểm sát việc bắt, tạm giữ tạm giam ngày càng chặt chẽ; số lượng, chất lượng các bản yêu cầu điều tra được nâng lên, các trường hợp đình chỉ điều tra do bị can, bị cáo không phạm tội giảm; đã chú trọng áp dụng các biện pháp thu hồi tài sản do phạm tội mà có; làm tốt hơn công tác khởi tố, điều tra các tội phạm về tham nhũng, chức vụ trong hoạt động tư pháp, góp phần xây dựng hệ thống cơ quan tư pháp trong sạch, vững mạnh.

Chất lượng tranh tụng của Kiểm sát viên tại các phiên tòa chuyển biến tích cực; công tác kháng nghị được tiếp tục chú trọng, chất lượng đảm bảo; công tác giải quyết đơn đề nghị kháng nghị giám đốc thẩm, tái thẩm có nhiều chuyển biến tích cực; tỉ lệ giải quyết nâng lên.

Công tác điều tra tội phạm của Cơ quan điều tra VKSND tối cao tiếp tục được tăng cường, kiện toàn tổ chức, bộ máy, bổ sung lực lượng; tích cực bồi dưỡng chuyên sâu nghiệp vụ điều tra; chủ động phối hợp công tác;... nhằm nâng cao năng lực, đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ mới được giao

Công tác kiểm sát việc giải quyết các vụ án hành chính, các vụ việc dân sự được tăng cường, hiệu quả hơn; kiểm sát việc tạm giữ, tạm giam, thi hành án dân sự, thi hành án hình sự có chuyển biến tốt, góp phần quan trọng bảo đảm hoạt động tư pháp tuân thủ đúng pháp luật, quyền con người, quyền công dân được tôn trọng, thực hiện. Tăng cường quan hệ phối hợp với các cơ quan tư pháp trong đấu tranh phòng, chống tội phạm và xử lý kịp thời, nghiêm minh các vụ án tham nhũng: Thực hiện nghiêm chỉ đạo của Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng, VKSND tối cao phối hợp chặt chẽ với Bộ Công an, TAND tối cao tập trung chỉ đạo điều tra, truy tố và đưa ra xét xử nghiêm minh nhiều vụ tham nhũng, kinh tế lớn, như: vụ Hà Văn Thắm, vụ Phạm Công Danh, vụ Giang Kim Đạt,… và chú trọng thực hiện nhiệm vụ chống oan, sai.

Công tác xây dựng ngành được quan tâm chỉ đạo tích cực và có nhiều chuyển biến; đã quán triệt toàn ngành thực hiện nghiêm chủ trương của đảng và pháp luật của nhà nước về cải cách tư pháp. Công tác hoàn thiện thể chế, cải cách thủ tục hành chính, tổ chức bộ máy, công vụ, tài chính công và các nhiệm vụ khác đạt kết quả tích cực; chức năng, nhiệm vụ, cơ cấu tổ chức bộ máy của một số đơn vị được điều chỉnh, kiện toàn, khắc phục tình trạng chồng chéo trong thực hiện nhiệm vụ của các đơn vị; đổi mới công tác quy hoạch cán bộ lãnh đạo quản lý; công tác tuyển chọn, bổ nhiệm chức danh tư pháp, bố trí sắp xếp vị trí công tác được tiến hành chặt chẽ, đảm bảo chất lượng, phù hợp với năng lực cán bộ và đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ; vai trò, trách nhiệm của người đứng đầu cơ quan, đơn vị được nâng lên; đã kịp thời quán triệt, triển khai các luật, nghị quyết mới về tư pháp; công tác thanh tra, kiểm tra có nhiều đổi mới góp phần tăng cường kỷ cương, kỷ luật của ngành; hợp tác quốc tế được mở rộng, công tác tương trợ tư pháp về hình sự đạt nhiều kết quả thiết thực; cơ sở vật chất, các điều kiện bảo đảm công tác chuyên môn của một số đơn vị đặc thù tiếp tục được quan tâm, góp phần nâng cao chất lượng công tác, bảo đảm hoàn thành tốt chức năng, nhiệm vụ của ngành.

Bên cạnh đó, báo cáo cũng nêu rõ những khó khăn, vướng mắc của ngành KSND trong năm 2017 và các năm tiếp theo, đó là ngành kiểm sát phải đồng thời tổ chức thi hành nhiều đạo luật mới về tư pháp, chức năng thực hành quyền công tố và kiểm sát hoạt động tư pháp mở rộng hơn, vì thế nhiệm vụ mới của ngành được tăng thêm. Tuy nhiên, hiện nay nhiều đơn vị trong ngành đang thiếu biên chế và cán bộ có chức danh tư pháp; việc điều động, tăng cường, biệt phái cán bộ gặp nhiều khó khăn. Trong bối cảnh VKS các cấp đang thực hiện nghiêm việc tinh giảm biên chế nên sẽ khó khan trong việc bố trí, sắp xếp cán bộ để đảm bảo hoàn thành tốt nhiệm vụ mới được giao. Chế độ đãi ngộ với Kiểm sát viên, Kiểm tra viên và Điều tra viên, công chức của ngành Kiểm sát chưa tương xứng với tính chất lao động đặc thù; chính sách tiền lương còn nhiều bất cập so với một số ngành có yêu cầu, tính chất công việc tương tự. Đa số trụ sở làm việc của VKS các cấp được xây dựng đã nhiều năm, quy mô nhỏ hẹp, đã xuống cấp nhưng chưa được đầu tư, sửa chữa, nguồn kinh phí đầu tư xây dựng cơ bản hiện nay chưa đáp ứng yêu cầu.

Báo cáo tổng kết còn chỉ ra những hạn chế, thiếu sót, tồn tại trong một số khâu công tác như trong một số vụ án trách nhiệm thực hành quyền công tố trong hoạt động điều tra chưa tốt; chưa ban hành kịp thời các bản yêu cầu điều tra và theo sát nắm chắc quá trình điều tra, dẫn đến tiến độ, chất lượng giải quyết án chưa đáp ứng yêu cầu; một số trường hợp VKS truy tố thiếu căn cứ, sai tội danh, sai hình phạt nên phải rút truy tố, tòa án chuyển tội danh khác hoặc tuyên bị cáo không phạm tội; một số trường hợp, chất lượng tranh tụng của Kiểm sát viên tại phiên tòa chưa đạt yêu cầu; trách nhiệm kháng nghị phúc thẩm của VKS cấp sơ thẩm chưa được đề cao; số đơn đề nghị kháng nghị giám đốc thẩm, tái thẩm còn nhiều, tỉ lệ giải quyết vẫn chưa đạt chỉ tiêu theo yêu cầu. Việc VKS đề nghị hoãn thi hành đối với một số bị án còn chưa bảo đảm về căn cứ pháp luật; một số VKS chưa kiểm sát chặt chẽ, đầy đủ việc xác minh phân loại việc thi hành án… Còn có cán bộ vi phạm quy chế nghiệp vụ, vi phạm pháp luật phải xử lý kỷ luật.

Các đại biểu tham dự hội nghị

 

 

Đồng chí Bùi Mạnh Cường, Phó Viện trưởng VKSNDTC trình bày toàn văn Chỉ thị số 01/CT-VKSTC ngày 20/12/2017 của Viện trưởng về công tác của ngành Kiểm sát nhân dân năm 2018

Đồng chí Bùi Mạnh Cường, Phó Viện trưởng VKSNDTC trình bày Chỉ thị công tác năm 2017

Chỉ thị của Viện trưởng VKSNDTC nêu rõ, năm 2018, toàn ngành Kiểm sát nhân dân tiếp tục quán triệt, thực hiện nghiêm các nghị quyết, chỉ thị của Đảng và Quốc hội về công tác phòng, chống vi phạm pháp luật và tội phạm; tiếp tục thực hiện tốt phương châm "Đoàn kết, đổi mới - Trách nhiệm, kỷ cương - Chất lượng, hiệu quả". Trong đó tập trung đổi mới mạnh mẽ công tác tổ chức cán bộ, nâng cao tinh thần trách nhiệm, bản lĩnh chính trị và chuyên môn nghiệp vụ của đội ngũ cán bộ, Kiểm sát viên; triển khai thực hiện nghiêm các đạo luật mới về tư pháp; tăng cường trách nhiệm công tố và kiểm sát hoạt động tư pháp; xây dựng Ngành Kiểm sát nhân dân trong sạch, vững mạnh. Chỉ thị của Viện trưởng VKSNDTC xác định rõ 3 nhóm nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm trong năm 2018.

Một là, toàn Ngành tiếp tục tập trung làm tốt nhiệm vụ chống oan sai, chống bỏ lọt tội phạm, chủ động đề ra nhiều giải pháp nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác thực hành quyền công tố và kiểm sát hoạt động tư pháp góp phần bảo vệ công lý, bảo vệ quyền con người, quyền công dân và bảo vệ chế độ xã hội chủ nghĩa. 

Hai là, tiếp tục đổi mới công tác tổ chức cán bộ; tăng cường kỷ cương, kỷ luật, bản lĩnh, trách nhiệm của đội ngũ cán bộ, Kiểm sát viên trong thực thi công vụ; đề cao vai trò, trách nhiệm người đứng đầu; đánh giá năng lực, trách nhiệm của Viện trưởng Viện kiểm sát các cấp, Thủ trưởng đơn vị thông qua kết quả công tác của đơn vị.

Ba là, bảo đảm các điều kiện thực hiện tốt chức năng, nhiệm vụ của Viện kiểm sát nhân dân.

 

Chủ tịch nước Trần Đại Quang phát biểu chỉ đạo hội nghị

 
Phát biểu chỉ đạo Hội nghị, Chủ tịch nước Trần Đại Quang đánh giá cao và biểu dương những cố gắng, nỗ lực, kết quả, thành tích xuất sắc mà ngành Kiểm sát nhân dân đã đạt được trong năm qua

Chủ tịch nước ghi nhận, đánh giá cao và biểu dương những cố gắng, nỗ lực, kết quả, thành tích xuất sắc mà ngành Kiểm sát nhân dân đã đạt được trong năm qua, Chủ tịch nước Trần Đại Quang nhấn mạnh: Kết quả công tác của ngành Kiểm sát nhân dân đã góp phần quan trọng vào cuộc đấu tranh phòng, chống tội phạm, vi phạm pháp luật, bảo vệ pháp chế xã hội chủ nghĩa, bảo vệ quyền con người, quyền và lợi ích hợp pháp của công dân, giữ vững an ninh chính trị, trật tự, an toàn xã hội, xây dựng nền tư pháp trong sạch, vững mạnh, dân chủ, nghiêm minh, phục vụ thắng lợi sự nghiệp phát triển kinh tế - xã hội và hội nhập quốc tế của đất nước.

Phát biểu trước Hội nghị, Chủ tịch nước đề nghị Ngành KSND cần tập trung thực hiện tốt 04 nhiệm vụ trọng tâm, chủ yếu sau: Tiếp tục thực hiện có hiệu quả các chủ trương của Đảng, pháp luật của nhà nước về lĩnh vực tư pháp; chủ động nghiên cứu đề xuất với Đảng, cấp ủy, chính quyền các chủ trương, giải pháp đấu tranh phòng, chống tội phạm và vi phạm pháp luật, đặc biệt là tội phạm tham nhũng, chức vụ, tội phạm kinh tế. Tập trung đổi mới các mặt công tác gắn với trách nhiệm người đứng đầu lãnh đạo, chỉ đạo, điều hành và thực thi nhiệm vụ. Đề cao tinh thần “Thượng tôn pháp luật”, tăng cường pháp chế xã hội chủ nghĩa, bảo đảm công lý phải được thực thi, góp phần xây dựng một xã hội trật tự, công bằng, văn minh;  đề cao trách nhiệm, nâng cao trách nhiệm thực hành quyền công tố và kiểm sát hoạt động tư pháp; thực thi đúng, đúng, đầy đủ, hiệu quả nhiệm vụ, quyền hạn, trách nhiệm theo Hiến pháp và Pháp luật. Tập trung đấu tranh phòng, chống tội phạm, nhất là những tội phạm mới, chủ động phối hợp với các cơ quan liên quan đẩy nhanh tiến độ điều tra, truy tố, xét xử các vụ án tham nhũng, kinh tế lớn và thu hồi tài sản nhà nước bị chiếm đoạt; nâng cao chất lượng tranh tụng của Kiểm sát viên tại phiên tòa và kiểm sát việc giải quyết các vụ án hành chính, các vụ việc dân sự. Tăng cường năng lực của Cơ quan điều tra VKSND tối cao phải thực sự là công cụ hữu hiệu để ngăn chặn các hành vi xâm phạm hoạt động tư pháp và tham nhũng, chức vụ xảy ra trong hoạt động tư pháp; tiếp tục hoàn thiện và thực hiện tốt cơ chế phối hợp chặt chẽ giữa ngành KSND với Ban Nội chính Trung ương, Bộ Công an, Tòa án nhân dân tối cao; Bộ Tư pháp, Thanh tra chính phủ và các bộ, ban, ngành địa phương trong đấu tranh phòng, chống tội phạm, vi phạm pháp luật. Phối hợp với TAND tối cao trong nghiên cứu, đề xuất với Đảng, Nhà nước về cơ chế chính sách đặc thù cho các cơ quan tư pháp và mở rộng hợp tác quốc tế, đẩy mạnh xây dựng và thực hiện đầy đủ các hiệp định tương trợ tư pháp về hình sự, nâng cao hiệu quả hợp tác quốc tế trong đấu tranh phòng, chống tội phạm, nhất là tội phạm có tổ chức, tội phạm xuyên quốc gia, tội phạm sử dụng công nghệ cao, tội phạm khủng bố, tội phạm ma túy và tội phạm mua bán người.; chăm lo xây dựng tổ chức Đảng trong sạch, vững mạnh, xây dựng ngành Kiểm sát nhân dân vững mạnh toàn diện, xây dựng đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức “ Công minh, chính trực, khách quan, thận trọng, khiêm tốn” như lời Bác Hồ kính yêu đã dạy. Mỗi cán bộ, công chức, viên chức ngành Kiểm sát nhân dân phải là tấm gương trong việc chấp hành chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước.

Chủ tịch nước yêu cầu, ngành KSND tiếp tục quán triệt sâu sắc và triển khai thực hiện có hiệu quả Nghị quyết Hội nghị lần thứ tư Ban chấp hành Trung ương Đảng (Khóa XII) về tăng cường xây dựng, chỉnh đốn Đảng, ngăn chặn, đầy lùi sự suy thoái về tư tưởng, chính trị, đạo đức, lối sống, những biểu hiện “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa”  trong nội bộ gắn với Chỉ thị số 05-CT/TW của Bộ Chính trị (Khóa XII) về đẩy mạnh học tập và làm theo tấm gương, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh. Chủ động sắp xếp, kiện toàn tổ chức bộ máy theo hướng tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả theo tinh thần Nghị quyết Hội nghị lần thứ sáu Ban chấp hành Trung ương Đảng (khóa XII) “ Một số vấn đề về tiếp tục đổi mới, sắp xếp tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả” và Nghị quyết số 39-NQ/TW của Bộ Chính trị (Khóa XII) về tinh giảm biên chế và cơ cấu lại đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức

Chủ tịch nước tin tưởng rằng, ngành Kiểm sát nhân dân sẽ tiếp tục phát huy truyền thống vẻ vang và thực hiện tốt lời dạy của Bác Hồ kính yêu: “Công minh, chính trực, khách quan, thận trọng, khiêm tốn”, nhất định có những bước phát triển toàn diện và mạnh mẽ hơn trong năm 2018, xứng đáng với sự tin cậy của Đảng, Nhà nước và nhân dân.

 
 

Đồng chí Lê Minh Trí phát biểu tiếp thu ý kiến chỉ đạo của Chủ tịch nước Trần Đại Quang 

Phát biểu tiếp thu ý kiến chỉ đạo của Chủ tịch nước, đồng chí Lê Minh Trí thay mặt Ban cán sự đảng, tập thể Lãnh đạo VKSNDTC và toàn thể cán bộ công chức ngành Kiểm sát, trân trọng cảm ơn sự quan tâm, chỉ đạo và tình cảm của Chủ tịch nước dành cho ngành Kiểm sát và hứa tiếp thu đầy đủ các nội dung chỉ đạo của Chủ tịch nước để bổ sung vào chương trình kế hoạch công tác năm 2018 và sẽ tổ chức triển khai có hiệu quả chỉ đạo của Chủ tịch nước với tinh thần đoàn kết, với phương châm “thượng tôn pháp luật”.

 

Một số hình ảnh tại Hội nghị

Chủ tịch nước Trần Đại Quang và đồng chí Trần Quốc Vượng chụp ảnh lưu niệm với các đồng chí lãnh đạo Viện, nguyên lãnh đạo VKSND tối cao và các đồng chí đại diện các Bộ, ngành tư pháp trung ương.

Chủ tịch nước Trần Đại Quang và đồng chí Trần Quốc Vượng chụp ảnh lưu niệm với các đồng chí lãnh đạo Viện và các đồng chí thủ trưởng các đơn vị  trực thuộc VKSND tối cao

Chủ tịch nước Trần Đại Quang và đồng chí Trần Quốc Vượng chụp ảnh lưu niệm với các đồng chí lãnh đạo VKSND tối cao và các đồng chí Viện trưởng VKSND tỉnh, thành phố

 

Dưới sự chủ trì của Tiến sĩ Nguyễn Hải Phong, Phó Viện trưởng thường trực VKSND tối cao, các đồng chí đại diện lãnh đạo các đơn vị VKSND tối cao, VKSND các tỉnh, thành phố tham luận, đóng góp ý kiến về các khâu công tác của ngành KSND.

 
 

Đồng chí Dương Ngọc Hải, Viện trưởng VKSND TP Hồ Chí Minh tham luận giải pháp nâng cao chất lượng công tác giải quyết các vụ án hình sự do VKSND tối cao truy tố, phân công VKSND TP Hồ Chí Minh thực hành quyền công tố kiểm sát xét xử sơ thẩm.

Đồng chí Nguyễn Văn Quảng, Vụ trưởng Vụ Thực hành quyền công tố và kiểm sát điều tra án kinh tế (Vụ 3) VKSND tối cao tham luận tại Hội nghị thực trạng án đình chỉ điều tra, đình chỉ vụ án do bị can không phạm tội và miễn trách nhiệm hình sự của Cơ quan điều tra, VKS các cấp.

Đồng chí Nguyễn Duy Giảng, Viện trưởng VKSND TP. Hà Nội tham luận về một số giải pháp về công tác quản lý, chỉ đạo, điều hành để nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác thực hành quyền công tố và kiểm sát hoạt động tư pháp.

Đồng chí Nguyễn Huy Tiến, Vụ trưởng Vụ thực hành quyền công tố và kiểm sát điều tra án tham nhũng, chức vụ, tham luận về  một số giải pháp nhằm nâng cao tỉ lệ phát hiện, khởi tố, điều tra và giải quyết các vụ án tham nhũng, kinh tế.

Đồng chí Hồ Đức Anh, Viện trưởng VKSND tỉnh Hòa Bình tham luận về đổi mới công tác quản lý, chỉ đạo, điều hành nhằm xây dựng đơn vị đoàn kết, trong sạch, vững mạnh.

Đồng chí Nguyễn Quang Thành, Viện trưởng VKSND cấp cao tại Hà Nội tham luận về những kinh nghiệm, giải pháp nâng cao số lượng, chất lượng giải quyết đơn đề nghị kháng nghị giám đốc thẩm, tái thẩm thuộc thẩm quyền của VKSND cấp cao.

 

Hội nghị sẽ tiếp tục với các chương trình tại phiên bế mạc từ 14h chiều nay. Chúng tôi sẽ tiếp tục cập nhật nội dung chi tiết.

Mời Quý vị và các bạn quan tâm theo dõi.

 

Hội nghị tiếp tục thảo luận

Mở đầu là tham luận của đồng chí Phương Hữu Oanh, Vụ trưởng Vụ kiểm sát việc giải quyết các vụ án hành chính, vụ việc kinh doanh, thương mại, lao đông và các việc khác theo quy định của pháp luật (Vụ 10, VKSND tối cao).

 
 

Đồng chí Phương Hữu Oanh, Vụ trưởng Vụ kiểm sát việc giải quyết các vụ án hành chính, vụ việc kinh doanh, thương mại, lao đông và các việc khác theo quy định của pháp luật (Vụ 10, VKSND tối cao) tham luận về giải pháp nâng cao tỉ lệ giải quyết đơn đề nghị, kháng nghị giám đốc thẩm, tái thẩm.

 
 

Đồng chí Huỳnh Văn Ri, Viện trưởng VKSND TP. Cần Thơ tham luận một số giải pháp nâng cao số lượng, chất lượng kháng nghị, kiến nghị trong công tác kiểm sát giải quyết án dân sự, hôn nhân và gia đình, hành chính, kinh doanh, thương mại, lao động.

 
 

Đồng chí Tăng Ngọc Tuấn, Vụ trưởng Vụ Tổ chức cán bộ VKSND tối cao tham luận về đổi mới công tác tổ chức cán bộ đáp ứng yêu cầu thực hiện chức năng VKSND giai đoạn mới.

 
 

Tham luận về đổi mới, tăng cường công tác đào tạo, bồi dưỡng cán bộ tại chỗ nhằm nâng cao toàn diện nguồn nhân lực, đáp ứng yêu cầu về chất lượng cán bộ Kiểm sát trong tình hình mới do đồng chí Nguyễn Tiến Long, Viện trưởng VKSND tỉnh Bắc Ninh trình bày.

 
 

Đồng chí Nguyễn Văn Khánh, Phó Viện trưởng VKSND tối cao, Viện trưởng VKSQS trung ương trình bày tham luận về công tác thực hành quyền công tố, kiểm sát hoạt động tư pháp trong ngành kiểm sát quân sự, đáp ứng yêu cầu đấu tranh phòng, chống tội phạm và vi phạm trong tình hình hiện nay.

 

Phát biểu tổng kết phần thảo luận, đồng chí Nguyễn Hải Phong, Phó Viện trưởng thường trực VKSND tối cao đánh giá cao 11 ý kiến thảo luận trực tiếp tại Hội trường và 27 bản tham luận gửi về Ban tổ chức Hội nghị thể hiện tinh thần trách nhiệm chuẩn bị công phu có chất lượng, đi đúng trọng tâm. Nhiều nội dung đã nêu lên những kinh nghiệm hay trong công tác quản lý, chỉ đạo điều hành và trong các hoạt động nghiệp vụ, bám sát những yêu cầu, nhiệm vụ trọng tâm theo Chỉ thị công tác của Viện trưởng VKSND tối cao năm 2017. Đồng thời đóng góp nhiều ý kiến vào việc triển khai thực hiện nhiệm vụ công tác của ngành KSND năm 2018. 

Đối với những kiến nghị, Ban tổ chức Hội nghị ghi nhận, tổng hợp để báo cáo với lãnh đạo VKSND tối cao nghiên cứu, chỉ đạo, giải quyết.

 

Đồng chí Nguyễn Thị Thủy Khiêm, Phó Viện trưởng VKSND tối cao trình bày Chỉ thị công tác thi đua, khen thưởng của ngành KSND năm 2018. 

Đồng chí Nguyễn Thị Thủy Khiêm, Phó Viện trưởng VKSND tối cao trình bày Chỉ thị công tác thi đua, khen thưởng của ngành KSND năm 2018

Chỉ thị công tác thi đua, khen thưởng nêu rõ nhiệm vụ trọng tâm công tác thi đua, khen thưởng năm 2018 của ngành Kiểm sát nhân dân là đề cao vai trò, trách nhiệm của người đứng đầu; tập trung đổi mới mạnh mẽ, nâng cao chất lượng công tác thi đua, khen thưởng nhằm khuyến khích, động viên kịp thời phong trào, tạo khí thế thi đua sôi nổi, góp phần hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ được giao, đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ cải cách tư pháp trong tình hình hiện nay.

Để tiếp tục đổi mới công tác thi đua, khen thưởng, tạo sự chuyển biến mạnh mẽ trong tổ chức thực hiện phong trào thi đua yêu nước và công tác khen thưởng, Viện trưởng VKSND tối cao chỉ thị toàn Ngành nỗ lực thi đua phấn đấu hoàn thành tốt chức năng, nhiệm vụ được giao, trong đó yêu cầu tập trung thực hiện tốt 7 nhiệm vụ trọng tâm sau:

Một là, toàn Ngành triển khai thực hiện Đề án “Đổi mới công tác thi đua, khen thưởng trong ngành Kiểm sát nhân dân đáp ứng yêu cầu cải cách tư pháp”, trong đó tập trung hoàn thành việc xây dựng thể chế về công tác thi đua, khen thưởng trong ngành Kiểm sát nhân dân phù hợp với Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Thi đua, khen thưởng.

Hai là, các đơn vị trong toàn Ngành xây dựng kế hoạch phát động và tổ chức thực hiện phong trào thi đua năm 2018 phù hợp với đơn vị mình, trong đó đề ra các mục tiêu cụ thể để phấn đấu thực hiện với hiệu quả cao nhất. Đồng thời, tiếp tục hưởng ứng và phát động các phong trào thi đua theo chỉ đạo của Hội đồng Thi đua - Khen thưởng Trung ương, gắn với hoạt động thực hiện chức năng, nhiệm vụ của ngành Kiểm sát nhân dân.

Ba là, tổ chức phát động và thực hiện hiệu quả phong trào thi đua; đề ra các giải pháp, sáng kiến thực hiện đạt và vượt các chỉ tiêu, nhiệm vụ công tác theo các  Chỉ thị của Viện trưởng VKSND tối cao.

Bốn là, thi đua đẩy mạnh công tác xây dựng Ngành, đảm bảo đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ mới.

Năm là, các cấp uỷ Đảng, Thủ trưởng đơn vị trực thuộc Viện kiểm sát nhân dân tối cao, lãnh đạo Viện kiểm sát các cấp phải phát huy, đề cao vai trò, trách nhiệm của người đứng đầu, tạo chuyển biến mạnh mẽ trong lãnh đạo, chỉ đạo phong trào thi đua; phối hợp chặt chẽ với tổ chức Công đoàn, Đoàn thanh niên, Hội Phụ nữ, Hội Luật gia, Hội Cựu chiến binh… phát động sôi nổi, sâu rộng các phong trào thi đua của cấp, đơn vị mình.

Sáu là, mỗi đơn vị phải xây dựng được ít nhất 01 tập thể và 02 cá nhân có thành tích điển hình để tuyên truyền nhân rộng điển hình tiên tiến và coi đây là tiêu chí để chấm điểm thi đua.

Bảy là, tiếp tục đổi mới công tác khen thưởng, cụ thể: Nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác khen thưởng để bảo đảm chính xác, kịp thời, công khai, minh bạch, thực chất, công bằng, có tác dụng khuyến khích, động viên cán bộ, công chức, viên chức, người lao động trong toàn Ngành; chú trọng khen thưởng theo đợt (hoặc chuyên đề) kết hợp làm tốt công tác khen thưởng định kỳ; quan tâm khen thưởng tập thể, cá nhân có thành tích đột xuất, đảm bảo khách quan, phản ánh thực chất kết quả và năng lực hoàn thành chức trách, nhiệm vụ được giao; nâng cao tỷ lệ khen thưởng đối với tập thể nhỏ và công chức, viên chức, người lao động; tập trung lựa chọn các tập thể và cá nhân có thành tích xuất sắc, đủ điều kiện để bồi dưỡng, xây dựng điển hình tiên tiến và đề nghị khen thưởng hình thức cao, góp phần tạo động lực thi đua sôi nổi trong Ngành.

 

Tiếp theo chương trình Hội nghị là phần công bố và trao tặng các danh hiệu thi đua.

Đồng chí Vũ Việt Hùng, Vụ trưởng Vụ Thi đua – Khen thưởng VKSND tối cao công bố các quyết định khen thưởng.

Đồng chí Vũ Việt Hùng công bố các Quyết định khen thưởng

Tổng kết công tác thi đua khen thưởng năm năm 2017, toàn ngành KSND có:

20 đơn vị được tặng Cờ thi đua của Chính phủ, gồm có: Vụ Thực hành quyền công tố và kiểm sát điều tra án trật tự xã hội; Vụ Thực hành quyền công tố và kiểm sát điều tra án tham nhũng, chức vụ; Vụ Kiểm sát việc tạm giữ, tạm giam và thi hành án hình sự; Vụ Pháp chế và Quản lý khoa học; Vụ Tổ chức cán bộ; Văn phòng; Cơ quan điều tra VKSND tối cao; Thanh tra VKSND tối cao; VKSND cấp cao tại Hà Nội, VKSND các tỉnh, thành phố: Hà Nội, Tp. Hồ Chí Minh, Quảng Ninh, Hà Nam, Cao Bằng, Phú Thọ, Thanh Hoá, Bình Định, Quảng Nam, Lâm Đồng và An Giang.

60 đơn vị được tặng Cờ thi đua của ngành Kiểm sát nhân dân, bao gồm:  Vụ Thực hành quyền công tố và kiểm sát điều tra án an ninh; Vụ Thực hành quyền công tố và kiểm sát điều tra án kinh tế; Vụ Thực hành quyền công tố và kiểm sát điều tra án ma túy; Vụ Thực hành quyền công tố và kiểm sát điều tra án xâm phạm hoạt động tư pháp, tham nhũng, chức vụ xảy ra trong hoạt động tư pháp; Vụ Thực hành quyền công tố và kiểm sát xét xử hình sự; Vụ kiểm sát việc giải quyết các vụ, việc dân sự, hôn nhân gia đình; Vụ kiểm sát việc giải quyết các vụ án hành chính, vụ việc kinh doanh, thương mại, lao động và những việc khác theo quy định của pháp luật; Vụ kiểm sát và giải quyết đơn khiếu nại, tố cáo trong hoạt động tư pháp; Vụ Hợp tác quốc tế và Tương trợ tư pháp về hình sự; Vụ Thi đua - Khen thưởng; Cục Thống kê tội phạm và Công nghệ thông tin; Cục Kế hoạch - Tài chính; Trường đào tạo, Bồi dưỡng nghiệp vụ kiểm sát tại thành phố Hồ Chí Minh; VKSND cấp cao tại Đà Nẵng; VKSND cấp cao tại thành phố Hồ Chí Minh và VKSND các tỉnh, thành phố: Hải Phòng, Đà Nẵng, Cần Thơ, Bắc Ninh, Hải Dương, Hưng Yên, Nam Định, Thái Bình, Ninh Bình, Sơn La, Lai Châu, Lào Cai, Hà Giang, Lạng Sơn, Hoà Bình, Bắc Giang, Tuyên Quang, Yên Bái, Nghệ An, Hà Tĩnh, Quảng Bình, Thừa Thiên Huế, Quảng Ngãi, Phú Yên, Khánh Hoà, Gia Lai, Đắk Nông, Tây Ninh, Bình Dương, Bình Phước, tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu, Bình Thuận, Tiền Giang, Long An, Bến Tre, Trà Vinh, Vĩnh Long, Hậu Giang, Cà Mau, Bạc Liêu và Kiên Giang. VKSQS trung ương; VKSQS quân khu 5, VKSQS quân khu 9, VKSQS quân chủng hải quân. 

Bên cạnh đó, tặng “Cờ thi đua đơn vị dẫn đầu khối” có 278 tập thể;  tặng Bằng khen của Viện trưởng VKSND tối cao cho 238 tập thể và 830 cá nhân; công nhận danh hiệu “Tập thể lao động xuất sắc” cho 32 tập thể; công nhận danh hiệu “Chiến sĩ thi đua ngành Kiểm sát nhân dân” cho 256 cá nhân và công nhận danh hiệu “Chiến sỹ thi đua cơ sở” cho 99 cá nhân thuộc các đơn vị trực thuộc VKSND tối cao.

 

Các đồng chí lãnh đạo VKSND tối cao trao tặng các danh hiệu thi đua của ngành KSND năm 2017.

Đồng chí Lê Minh Trí, Viện trưởng VKSND tối cao trao Cờ thi đua của Chính phủ cho 20 đơn vị 

 

Đồng chí Trần Công Phàn, Phó Viện trưởng VKSND tối cao trao Cờ thi đua của ngành Kiểm sát nhân dân cho các đơn vị

Đồng chí Lê Hữu Thể, Phó Viện trưởng VKSND tối cao trao Cờ thi đua của ngành Kiểm sát nhân dân cho các tập thể 

 

Đồng chí Bùi Mạnh Cường, Phó Viện trưởng VKSND tối cao trao Cờ thi đua của ngành Kiểm sát nhân dân cho các đơn vị

Đồng chí Nguyễn Văn Khánh, Phó Viện trưởng VKSND tối cao, Viện trưởng VKSQS ttrung ương trao Cờ thi đua của ngành Kiểm sát nhân dân cho các đơn vị

Đồng chí Nguyễn Thị Thủy Khiêm, Phó Viện trưởng VKSND tối cao trao Cờ thi đua của ngành Kiểm sát nhân dân cho các đơn vị

Viện trưởng Lê Minh Trí, VKSNDTC tặng hoa các đồng chí Viện trưởng VKSND cấp tỉnh nghỉ hưu năm 2017

Đồng chí Nguyễn Hải Phong, Phó Viện trưởng thường trực VKSND tối cao trao Cờ thi đua của ngành Kiểm sát nhân dân cho các đơn vị

Viện trưởng VKSND tối cao Lê Minh Trí tặng Bằng khen cho sinh viên Phạm Thị Kiều Trang, lớp K1E Trường Đại học Kiểm sát Hà Nội có thành tích xuất sắc trong học tập.

 

Đồng chí Lê Minh Trí, Ủy viên trung ương Đảng, Bí thư Ban cán sự Đảng, Viện trưởng VKSND tối cao phát biểu chỉ đạo, kết luận Hội nghị.

Đồng chí Lê Minh Trí, Viện trưởng VKSND tối cao phát biểu chỉ đạo, kết luận Hội nghị.

Đồng chí Viện trưởng VKSND tối cao nhấn mạnh: Sau thời gian làm việc tích cực, khẩn trương, hiệu quả, Hội nghị triển khai công tác ngành KSND năm 2018 đã thành công tốt đẹp. Hội nghị cho thấy rõ sự quan tâm sâu sắc của Đảng và Nhà nước ta đối với ngành Kiểm sát nhân dân, đã góp phần tạo nên sự phát triển vững mạnh của toàn ngành, qua đó giúp chúng ta nhận thức đầy đủ hơn trách nhiệm của Ngành trước Đảng và trước nhân dân.

Theo đánh giá của đồng chí Viện trưởng VKSND tối cao Lê Minh Trí: Kết quả công tác năm 2017 của Ngành có nhiều chuyển biến tích cực trên nhiều mặt; chất lượng, hiệu quả trong thực hiện chức năng, nhiệm vụ được nâng lên, sự đoàn kết, kỷ cương, kỷ luật được tăng cường, nhưng vẫn còn những hạn chế, thiếu sót cần được nhìn nhận lại để khắc phục.

Bước sang năm 2018, tiếp tục tinh thần “Đoàn kết, đổi mới – Trách nhiệm, kỷ cương – Chất lượng, hiệu quả”, đồng chí Viện trưởng yêu cầu toàn ngành phải có chuyển biến đặc biệt, theo đó cần quán triệt một số nội dung sau: Tiếp tục nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ, trước hết là đề cao trách nhiệm của người đứng đầu, của đội ngũ lãnh đạo, Kiểm sát viên; làm tốt công tác đào tạo, bồi dưỡng, sắp xếp, luân chuyển cán bộ. Tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra, giải quyết đơn thư khiếu nại, tố cao... Chú trọng thực hiện tốt nhiệm vụ chống oan, sai, chống bỏ lọt tội phạm; rà soát việc quản lý, giải quyết án tạm đình chỉ; tập trung kiểm sát giải quyết các vụ án tham nhũng, kinh tế, chức vụ. Triển khai thực hiện tốt các đạo luật mới về tư pháp hình sự.

 

Cuối cùng, Viện trưởng VKSND tối cao Lê Minh Trí mong rằng, năm 2018, toàn ngành Kiểm sát nhân dân cần tiếp tục cố gắng, nỗ lực vượt qua mọi khó khăn, thử thách để hoàn thành tốt chức năng, nhiệm vụ được Đảng, Nhà nước, Nhân dân đã giao, góp phần tích cực cho sự phát triển bền vững của đất nước, đấu tranh phòng chống tội phạm, bảo vệ pháp chế xã hội chủ nghĩa.

Nhân dịp chuẩn bị bước sang năm mới, Viện trưởng VKSND tối cao Lê Minh Trí chúc cán bộ, công chức, viên chức toàn Ngành sức khỏe và thành công.

Nhóm PV Kiemsat.vn tường thuật trực tuyến từ Hội trường Bộ Quốc phòng, Hà Nội.