Bình luận những điểm mới của phần chung Bộ luật dân sự năm 2015
Ngày đăng : 03:31, 21/12/2017
Hộ gia đình, tổ hợp tác và tổ chức khác không có tư cách pháp nhân trong quan hệ dân sự
Hộ gia đình, tổ hợp tác và tổ chức khác không có tư cách pháp nhân trong quan hệ dân sự được đề cập trong Chương VI tại Phần thứ Nhất. Bộ luật Dân sự năm 2015 đã bổ sung một chủ thể khác trong giao dịch dân sự bên cạnh hộ gia đình và tổ hợp tác, đó là “tổ chức khác không có tư cách pháp nhân”, nhằm xác định rõ địa vị pháp lý của các chủ thể là tổ chức nhưng không có tư cách pháp nhân trong các giao dịch dân sự, giải quyết những bất cập trong thực tiễn thi hành pháp luật liên quan đến những chủ thể trên. Bên cạnh đó, BLDS năm 2015 không phân tách các quy định của hộ gia đình và tổ hợp tác ra thành 2 nội dung riêng biệt mà sử dụng những quy định nhằm điều chỉnh chung, căn cứ vào những đặc điểm giống nhau giữa các chủ thể, tránh những nội dung trùng lặp gây phức tạp trong quy định của pháp luật.
Về chủ thể, khoản 1 Điều 101 quy định trong quan hệ dân sự có sự tham gia của hộ gia đình, tổ hợp tác, tổ chức khác không có tư cách pháp nhân, thì các thành viên của hộ gia đình, tổ hợp tác, tổ chức khác không có tư cách pháp nhân là chủ thể tham gia xác lập, thực hiện giao dịch dân sự hoặc ủy quyền cho người đại diện tham gia xác lập, thực hiện giao dịch dân sự. Được hiểu là bản thân hộ gia đình, tổ hợp tác hay tổ chức không có tư cách pháp nhân không được xem là một bên chủ thể trong quan hệ dân sự mà là các thành viên của hộ gia đình, tổ hợp tác, tổ chức không có tư cách pháp nhân hoặc là người đại diện theo uỷ quyền. Quy định này phù hợp với tinh thần chung của BLDS năm 2015, đó là chỉ có cá nhân hoặc pháp nhân mới là chủ thể của quan hệ pháp luật dân sự. Đây là một bước tiến mới của BLDS năm 2015 nhằm phân định rõ trách nhiệm dân sự của các chủ thể khi tham gia vào quan hệ dân sự.
Tuy nhiên, khoản 1 Điều 101 ở đoạn thứ hai lại quy định thêm nếu thành viên của hộ gia đình, tổ hợp tác, tổ chức khác không có tư cách pháp nhân tham gia quan hệ dân sự không được các thành viên khác ủy quyền làm người đại diện thì thành viên đó là chủ thể của quan hệ dân sự do mình xác lập, thực hiện. Nói theo một cách khác, quy định này đòi hỏi phải có sự uỷ quyền của các thành viên khác thì thành viên được uỷ quyền mới có thể trở thành chủ thể quan hệ dân sự của hộ gia đình, tổ hợp tác, tổ chức không có tư cách pháp nhân. Theo chúng tôi, quy định này vô hình trung đã tạo nên sự mâu thuẫn và làm vô hiệu hoá quy định tại đoạn thứ nhất. Vậy câu hỏi đặt ra là có hay không cho phép thành viên là chủ thể tham gia xác lập, thực hiện giao dịch dân sự của hộ gia đình, tổ hợp tác, tổ chức khác không có tư cách pháp nhân khi không có sự uỷ quyền từ các thành viên khác? Thiết nghĩ, cần phải có hướng dẫn cụ thể cho nội dung này để tránh nhiều cách hiểu trái chiều.
Về trách nhiệm dân sự, việc xác định quan hệ dân sự của hộ gia đình, tổ hợp tác, tổ chức khác không có tư cách pháp nhân giúp làm rõ trách nhiệm dân sự của các thành viên hộ gia đình, tổ hợp tác, tổ chức khác không có tư cách pháp nhân trong quan hệ dân sự đó. Cụ thể là nghĩa vụ dân sự phát sinh từ việc tham gia quan hệ dân sự của hộ gia đình, tổ hợp tác, tổ chức khác không có tư cách pháp nhân được bảo đảm thực hiện bằng tài sản chung của các thành viên. Trường hợp các thành viên không có hoặc không đủ tài sản chung để thực hiện nghĩa vụ chung thì người có quyền có thể yêu cầu các thành viên thực hiện nghĩa vụ liên đới theo quy định tại Điều 288 BLDS năm 2015. Hoặc nếu các bên không có thỏa thuận, hợp đồng hợp tác hoặc luật không có quy định khác thì các thành viên sẽ chịu trách nhiệm dân sự theo phần tương ứng với phần đóng góp tài sản của mình; trường hợp không xác định được theo phần tương ứng thì xác định theo phần bằng nhau. Nói cách khác, các thành viên không còn phải chịu trách nhiệm liên đới vô hạn bằng tài sản riêng của mình, thay vào đó là trách nhiệm liên đới theo phần. Đây là một điểm mới của BLDS năm 2015.
Bộ luật Dân sự năm 2015 đã bổ sung quy định về hậu quả pháp lý đối với giao dịch dân sự do thành viên không có quyền đại diện hoặc vượt quá phạm vi đại diện xác lập. Điều 104 quy định: Nếu thành viên không có quyền đại diện mà xác lập, thực hiện giao dịch dân sự nhân danh các thành viên khác của hộ gia đình, tổ hợp tác, tổ chức khác không có tư cách pháp nhân hoặc người đại diện xác lập, thực hiện vượt quá phạm vi đại diện thì giao dịch dân sự đó vô hiệu đối với phần nội dung không có quyền đại diện. Nói cách khác, phần nội dung giao dịch dân sự do người không có quyền đại diện xác lập, thực hiện không làm phát sinh quyền, nghĩa vụ đối với người được đại diện.
Ảnh minh họa
Giao dịch dân sự
Tại Điều 117 quy định về điều kiện có hiệu lực của giao dịch dân sự đã thay thế từ “người” tham gia giao dịch bằng “chủ thể”. Điều này xác định rằng chủ thể tham gia giao dịch dân sự có thể là cá nhân (con người về mặt sinh học) hoặc pháp nhân (con người về mặt pháp lý).
Theo quy định tại Điều 122, giao dịch dân sự nếu không đáp ứng được một trong các điều kiện có hiệu lực của giao dịch dân sự nêu tại Điều 117 thì vô hiệu, trừ trường hợp BLDS năm 2015 có quy định khác.
Trường hợp giao dịch dân sự vô hiệu do vi phạm điều cấm của luật, trái đạo đức xã hội, BLDS năm 2015 đã thay thế từ “pháp luật” bởi từ “luật” trong quy định giao dịch dân sự do vi phạm điều cấm. Có thể thấy rằng từ “pháp luật” có nội hàm rộng hơn so với từ “luật”. Pháp luật có thể được hiểu là hệ thống các quy định pháp luật nhằm điều chỉnh một lĩnh vực cụ thể nào đó, trong đó mặt biểu hiện của nó là các quy định trong Hiến pháp, luật, nghị định, thông tư, chỉ thị… điều chỉnh lĩnh vực có liên quan. Vậy có thể hiểu từ “luật” được sử dụng tại Điều 122 BLDS năm 2015 là để chỉ các quy định trong văn bản luật mà không phải các quy định trong nghị định, thông tư, chỉ thị…?! Quy định này nếu được hiểu theo cách trên, có tác dụng nhấn mạnh tầm quan trọng và hiệu lực của văn bản luật so với các văn bản dưới luật, trong trường hợp có mâu thuẫn giữa các quy định với nhau.
Về giao dịch dân sự vô hiệu do người chưa thành niên, người mất năng lực hành vi dân sự, người có khó khăn trong nhận thức, làm chủ hành vi, người bị hạn chế năng lực hành vi dân sự xác lập, thực hiện. Khi quy định về vấn đề này, Điều 125 đã quy định thêm trường hợp ngoại lệ tại khoản 2, nhằm công nhận hiệu lực của các giao dịch dân sự dù không đáp ứng đủ các điều kiện có hiệu lực của giao dịch dân sự. Theo đó, giao dịch dân sự sẽ không bị vô hiệu trong trường hợp giao dịch dân sự của người chưa đủ sáu tuổi, người mất năng lực hành vi dân sự nhằm đáp ứng nhu cầu thiết yếu hàng ngày của người đó; giao dịch dân sự chỉ làm phát sinh quyền hoặc chỉ miễn trừ nghĩa vụ cho người chưa thành niên, người mất năng lực hành vi dân sự, người có khó khăn trong nhận thức, làm chủ hành vi, người bị hạn chế năng lực hành vi dân sự với người đã xác lập, thực hiện giao dịch với họ; và giao dịch dân sự được người xác lập giao dịch thừa nhận hiệu lực sau khi đã thành niên hoặc sau khi khôi phục năng lực hành vi dân sự. Những ngoại lệ này thể hiện sự tôn trọng quyền tự do ý chí, tính độc lập về tài sản, đảm bảo quyền và lợi ích của bên yếu thế trong giao dịch dân sự.
Đối với giao dịch dân sự vô hiệu do bị nhầm lẫn, được bổ sung một trường hợp ngoại lệ tại khoản 2 Điều 126: Giao dịch dân sự được xác lập có sự nhầm lẫn không vô hiệu trong trường hợp mục đích xác lập giao dịch dân sự của các bên đã đạt được hoặc các bên có thể khắc phục ngay được sự nhầm lẫn làm cho mục đích của việc xác lập giao dịch dân sự vẫn đạt được. Quy định này nhằm đảm bảo tính ổn định của các giao dịch dân sự, tránh việc lợi dụng vào quy định của pháp luật để yêu cầu Toà án tuyên bố giao dịch dân sự vô hiệu khi các bên đều đã đạt được mục đích chính của mình dù trước đó có nhầm lẫn xảy ra.
Về giao dịch dân sự vô hiệu do không tuân thủ quy định về hình thức, theo nguyên tắc, giao dịch dân sự không tuân thủ về mặt hình thức thì vô hiệu. Tuy nhiên, theo Điều 129 vẫn có hai trường hợp ngoại lệ sau: Thứ nhất, giao dịch dân sự đã được xác lập theo quy định phải bằng văn bản nhưng văn bản không đúng quy định của luật mà một bên hoặc các bên đã thực hiện ít nhất hai phần ba nghĩa vụ trong giao dịch; Thứ hai, giao dịch dân sự đã được xác lập bằng văn bản nhưng vi phạm quy định bắt buộc về công chứng, chứng thực mà một bên hoặc các bên đã thực hiện ít nhất hai phần ba nghĩa vụ trong giao dịch. Trên thực tế đã có không ít những vụ việc liên quan đến yêu cầu tuyên bố giao dịch dân sự vô hiệu do vi phạm về hình thức, tuy nhiên đa phần xuất phát từ sự không thiện chí của một bên trong việc lợi dụng việc không tuân thủ quy định về mặt hình thức để không thực hiện nghĩa vụ như đã cam kết với bên kia(1).
Bảo vệ quyền lợi của người thứ ba ngay tình khi giao dịch dân sự vô hiệu, tại Điều 133 BLDS năm 2015 mở rộng phạm vi bảo vệ quyền lợi cho người thứ ba ngay tình. Theo đó, tài sản đã được đăng ký tại cơ quan nhà nước có thẩm quyền, sau đó được chuyển giao bằng một giao dịch dân sự khác cho người thứ ba ngay tình và người này căn cứ vào việc đăng ký đó mà xác lập, thực hiện giao dịch thì giao dịch đó không bị vô hiệu. Trên cơ sở này, chủ sở hữu không có quyền đòi lại tài sản từ người thứ ba ngay tình, nếu giao dịch dân sự với người này không bị vô hiệu nhưng có quyền khởi kiện, yêu cầu chủ thể có lỗi dẫn đến việc giao dịch được xác lập với người thứ ba phải hoàn trả những chi phí hợp lý và bồi thường thiệt hại. Như vậy, cùng với việc mở rộng phạm vi bảo vệ quyền lợi của người thứ ba ngay tình, tạo một cơ chế thuận lợi hơn để khuyến khích các giao dịch hợp pháp, Điều 133 cũng làm rõ trách nhiệm của chủ thể có lỗi dẫn đến việc xác lập giao dịch với người thứ ba ngay tình và hướng dẫn chủ sở hữu thực hiện quyền khởi kiện của mình trong việc yêu cầu bồi thường thiệt hại.
Về thời hiệu yêu cầu Toà án tuyên bố giao dịch dân sự vô hiệu, có thể nhận thấy ngay rằng quy định tại Điều 132 về thời hiệu yêu cầu tuyên bố giao dịch dân sự vô hiệu trong BLDS năm 2015 có điểm mới so với BLDS 2005 ở chỗ BLDS năm 2015 đã cụ thể hoá và hợp lý hoá các thời điểm bắt đầu thời hiệu. Cụ thể, thời hiệu yêu cầu Toà án tuyên bố giao dịch dân sự vô hiệu là 2 năm đối với các giao dịch dân sự vô hiệu tương đối, phát sinh kể từ ngày giao dịch dân sự được xác lập hoặc kể từ ngày người đại diện của người chưa thành niên, người mất năng lực hành vi dân sự, người có khó khăn trong nhận thức, làm chủ hành vi, người bị hạn chế năng lực hành vi dân sự biết hoặc phải biết người được đại diện tự mình xác lập, thực hiện giao dịch; người bị nhầm lẫn, bị lừa dối biết hoặc phải biết giao dịch được xác lập do bị nhầm lẫn, do bị lừa dối; người có hành vi đe dọa, cưỡng ép chấm dứt hành vi đe dọa, cưỡng ép. Quy định này tránh việc đánh đồng cách xác định thời điểm giống nhau cho tất cả các trường hợp vô hiệu tương đối như trong BLDS năm 2005. Điều 132 BLDS 2015 quy định nhằm công nhận hiệu lực của các giao dịch dân sự khi hết thời hiệu khởi kiện: “Hết thời hiệu quy định tại khoản 1 Điều này mà không có yêu cầu tuyên bố giao dịch dân sự vô hiệu thì giao dịch dân sự có hiệu lực”. Thiết nghĩ, việc đưa thêm một khẳng định như vậy không sai, nhưng có thể trở nên dư thừa nếu xét về kỹ thuật lập pháp. Bởi theo nguyên tắc, khi hết thời hiệu khởi kiện thì các bên mất quyền khởi kiện, và như vậy các giao dịch đó có hiệu lực. Tuy nhiên, nếu điều luật được thiết kế theo lối mô tả và khẳng định như trên, câu hỏi đặt ra là liệu có áp dụng được Điều 156 về thời gian không tính vào thời hiệu khởi kiện và Điều 157 về bắt đầu lại thời hiệu khởi kiện vụ án dân sự hay không? Về vấn đề này, chúng tôi thật sự do dự khi trả lời là có, với cách quy định theo hướng như trên, bởi lẽ không có một nội dung nào khác tiếp theo nhằm phủ định việc áp dụng các điều luật kể trên.
Đại diện
Chế định về đại diện theo BLDS năm 2015 cũng có nhiều thay đổi liên quan đến khái niệm, căn cứ xác lập quyền đại diện, đại diện theo pháp luật, đại diện theo uỷ quyền, hậu quả pháp lý của hành vi đại diện, thời hạn đại diện…
Về khái niệm đại diện là việc “cá nhân, pháp nhân” nhân danh và vì lợi ích của cá nhân, pháp nhân khác xác lập, thực hiện giao dịch dân sự. Như vậy, lại một lần nữa, BLDS năm 2015 đã khẳng định cách tiếp cận mới của mình theo hướng nhất quán khi nhìn nhận về chủ thể trong giao dịch dân sự, đó là cá nhân hoặc pháp nhân. Bên cạnh người đại diện là cá nhân theo cách hiểu truyền thống, pháp nhân cũng có thể trở thành “người đại diện” cho cá nhân hoặc pháp nhân khác trong các giao dịch dân sự. Điều này hoàn toàn phù hợp về mặt lý luận cũng như thông lệ trên thế giới, bởi lẽ pháp nhân cũng là “con người”, chỉ khác con người sinh học ở chỗ “con người” này được tạo ra theo con đường pháp lý và hoàn toàn có khả năng thực hiện quyền đại diện cho một người nào đó trong việc xác lập, thực hiện giao dịch dân sự.
Người đại diện pháp nhân là người nhân danh pháp nhân tham gia xác lập, thực hiện các giao dịch dân sự nhân danh pháp nhân đó. Người đại diện của pháp nhân gồm hai loại là đại diện theo pháp luật và đại diện theo uỷ quyền. Điều 137 quy định một pháp nhân có thể có nhiều người đại diện theo pháp luật và mỗi người đại diện có quyền đại diện cho pháp nhân theo thời hạn và phạm vi xác định, phù hợp với quy định tại Điều 13 Luật Doanh nghiệp năm 2014, theo đó công ty trách nhiệm hữu hạn và công ty cổ phần có thể có một hoặc nhiều người đại diện theo pháp luật. Điều này thể hiện sự nhất quán của các nhà lập pháp, nhằm mục đích đảm bảo hoạt động xuyên suốt, không bị gián đoạn của doanh nghiệp, mà rộng hơn là pháp nhân.
Thời hạn và thời hiệu
Quy định về thời hạn và thời hiệu trong BLDS năm 2015 có những nội dung mới mang tính nguyên tắc liên quan đến thời hiệu khởi kiện: “Toà án chỉ áp dụng quy định về thời hiệu theo yêu cầu áp dụng thời hiệu của một bên hoặc các bên với điều kiện yêu cầu này phải được đưa ra trước khi Tòa án cấp sơ thẩm ra bản án, quyết định giải quyết vụ, việc. Người được hưởng lợi từ việc áp dụng thời hiệu có quyền từ chối áp dụng thời hiệu, trừ trường hợp việc từ chối đó nhằm mục đích trốn tránh thực hiện nghĩa vụ”.
Như vậy, việc hết thời hiệu khởi kiện không còn là cơ sở pháp lý để Toà án từ chối thụ lý vụ án. Nói cách khác, các bên đương sự được quyền viện dẫn thời hiệu khởi kiện hoặc thời hiệu yêu cầu theo hướng có lợi cho mình trước khi Toà án ra bản án, quyết định sơ thẩm để yêu cầu Toà án áp dụng. Trường hợp không yêu cầu hoặc từ chối áp dụng thời hiệu, Toà án vẫn tiến hành xét xử để ban hành bản án, quyết định. Đây có thể được xem là một quy định đột phá về thời hiệu khởi kiện trong pháp luật Việt Nam từ xưa đến nay, phù hợp với thông lệ quốc tế, xoá bỏ cách nhìn cũ về vai trò “bà đỡ” của Toà án trong việc xem xét áp dụng thời hiệu khởi kiện thay cho người dân trong quan hệ dân sự, mối quan hệ mà tính chất vốn có của nó là “việc dân sự cốt ở hai bên”.
(1) Theo quy định tại Điều 134 BLDS năm 2005, các bên đã được Toà án tạo cơ hội để chỉnh sửa lại hình thức của hợp đồng trong một thời hạn, quá thời hạn này mà không thực hiện thì giao dịch vô hiệu.(Trích bài: “Bình luận một số điểm mới trong phần Quy định chung của Bộ luật Dân sự năm 2015” của Tiến sỹ Nguyễn Thị Hồng Nhung, Khoa Luật, Trường Đại học Kinh tế – Luật, Đại học quốc gia thành phố Hồ Chí Minh, Tạp chí Kiểm sát số 14/2017).