Trợ giúp pháp lý trong hoạt động tố tụng

Ngày đăng : 02:50, 04/04/2017

(Kiemsat.vn) - Ngày 03/4,  VKSND thị xã Cai Lậy, Tiền Giang tổ chức triển khai cho đội ngũ cán bộ, Kiểm sát viên đơn vị nắm vững những quy định về trách nhiệm của Viện kiểm sát trong việc thực hiện trợ giúp pháp lý trong hoạt động tố tụng.

vks-cai-lay-tien-giang-tro-giup-phap-ly-trong-hoat-dong-to-tung

VKSND thị xã Cai Lậy họp triển khai thực hiện trợ giúp pháp lý trong hoạt động tố tụng

Đồng chí Trần Văn Hùng, Viện trưởng VKSND thị xã Cai Lậy yêu cầu và chỉ đạo cán bộ, kiểm sát viên đơn vị phải nắm rõ đối tượng được thực hiện trợ giúp pháp lý trong hoạt động tố tụng theo quy định tại Luật trợ giúp pháp lý năm 2007, Thông tư liên tịch số 11/2013 của liên ngành trung ương. Cụ thể, tại Điều 10 Luật trợ giúp pháp lý để khi thực hiện các hoạt động kiểm sát đảm bảo quyền lợi cho họ. Các đối tượng được trợ giúp pháp lý bao gồm: Người nghèo; Người có công với cách mạng; Người già cô đơn, người tàn tật và trẻ em không nơi nương tựa; Người dân tộc thiểu số thường trú ở vùng có điều kiện kinh tế – xã hội đặc biệt khó khăn.

Và khi thực hiện các hoạt động tố tụng cán bộ, Kiểm sát viên phải thực hiện đầy đủ quy định tại khoản 1 Điều 9 Thông tư số 11/2013, gồm:

1.Giải thích cho người bị tạm giữ, bị can, bị cáo và các đương sự biết về quyền và nghĩa vụ của họ theo pháp luật tố tụng; quyền được trợ giúp pháp lý và hướng dẫn họ tiếp cận các thông tin về trợ giúp pháp lý. Việc giải thích phải được ghi trong biên bản tố tụng để lưu tại hồ sơ vụ án.

Khi họ có yêu cầu trợ giúp pháp lý thì cung cấp cho họ mẫu đơn yêu cầu trợ giúp pháp lý và hướng dẫn họ viết đơn yêu cầu trợ giúp pháp lý, địa chỉ liên lạc của tổ chức thực hiện trợ giúp pháp lý và hướng dẫn họ hoặc người thân thích, người đại diện hợp pháp của họ về thủ tục yêu cầu trợ giúp pháp lý.

Trường hợp người bị tạm giam, tạm giữ không đồng ý người thực hiện trợ giúp pháp lý do tổ chức thực hiện trợ giúp pháp lý cử thì họ có quyền lựa chọn và đề nghị thay đổi người thực hiện trợ giúp pháp lý.

Trường hợp những người này không có yêu cầu trợ giúp pháp lý thì người tiến hành tố tụng cũng ghi rõ trong biên bản;

2.Đối với trường hợp người bị bắt theo quyết định truy nã bị tạm giữ thuộc diện người được trợ giúp pháp lý thì Thủ trưởng, Phó Thủ trưởng, Điều tra viên của Cơ quan điều tra có thẩm quyền nơi bắt hoặc tiếp nhận người bị bắt có trách nhiệm thông báo và hướng dẫn người bị bắt hoặc người thân thích, người đại diện của họ liên hệ với tổ chức thực hiện trợ giúp pháp lý thuộc địa bàn cơ quan tiến hành tố tụng đang thụ lý vụ án để làm thủ tục yêu cầu trợ giúp pháp lý.

Vì vậy, khi thực hiện hoạt động kiểm sát cần chú ý ngoài đối tượng là bị can, bị cáo, đương sự trong vụ án hình sự, cần quan tâm nhiều hơn nữa đối tượng là người bị hại trong vụ án hình sự; đương sự trong các vụ việc dân sự, hành chính.

Để thực hiện tốt công tác trợ giúp pháp lý trong hoạt động tố tụng, Viện kiểm sát thị xã Cai Lậy cần phải thực hiện những việc như: Trang bị mới bảng thông tin về trợ giúp pháp lý; mở sổ sách theo dõi hoạt động trợ giúp pháp lý, thực hiện báo cáo định kỳ; phối hợp tốt với Trung tâm trợ giúp pháp lý thị xã Cai Lậy và các cơ quan tiến hành tố tụng trên địa bàn thị xã Cai Lậy, tổ chức thực hiện hoạt động trợ giúp pháp lý đúng theo quy định, để các đối tượng thuộc diện trợ giúp pháp lý trên địa bàn thị xã Cai Lậy, được thụ hưởng hoạt động trợ giúp pháp lý một cách tốt nhất.

T.B