Doanh nghiệp nói không với hối lộ – khó nhưng phải làm

Ngày đăng : 09:29, 20/11/2017

Tại phiên trả lời chất vấn trước Quốc hội ngày 18.11, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đề nghị cộng đồng doanh nghiệp (DN) nói không với việc đưa hối lộ cho cấp chính quyền, cho các ngành và cho rằng rất cần phải bảo vệ cho DN hoạt động đúng pháp luật.
Doanh nghiệp nói không với hối lộ - khó nhưng phải làm
Doanh nghiệp nói không với hối lộ – khó nhưng phải làm

Lời kêu gọi này được nhiều chuyên gia và DN đánh giá cao nhưng cũng không ít ý kiến nhận định để thay đổi thói quen “đồng tiền đi trước” cần rất nhiều nỗ lực từ các phía.

Khi hối lộ trở thành phổ biến

“Chuyện DN hối lộ quan chức không có định nghĩa rõ ràng và dần dần thành một kiểu “văn hoá”, một dạng thói quen mà có khi do tự nguyện, có khi do bị ép buộc. Nên muốn thay đổi phải cần có thời gian và rất nhiều nỗ lực” – anh T – chủ một DN tư nhân kinh doanh đa ngành tại Hà Nội – chia sẻ với Báo Lao Động. Theo anh T, quà biếu quan chức đôi khi xuất phát từ tình cảm thật lòng nhưng cũng có khi là do bị ép buộc nên không có ranh giới rõ ràng cũng như không dễ để định nghĩa đúng sai. Về mặt lý thuyết, các đơn vị hành chính sự nghiệp ít người dám công khai việc ép buộc, gợi ý DN “chung chi” nhưng nhiều lúc vẫn có sự gợi ý, đưa ra các lựa chọn để việc biếu tặng trở thành một việc tất yếu mang tính “luật bất thành văn”.

“Hầu hết các DN phải chủ động, coi đó (việc biếu xén) như một phần công việc, một rủi ro phải làm” – anh T khẳng định.

Cùng quan điểm, chị Lan – chủ một DN tư nhân tại Hải Phòng – cho rằng “đồng tiền đi trước là đồng tiền khôn” và thực tế cho thấy có chi phí mềm việc sẽ trôi, DN đỡ mệt mỏi nên dần dần việc biếu tặng trở thành một hoạt động tất yếu của DN.

Ngược lại, nhiều DN mệt mỏi vì bị gợi ý và phải “chung chi” nhưng chẳng có lựa chọn nào khác. Tại một hội thảo khoa học về tăng trưởng kinh tế Việt Nam vừa được Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam tổ chức mới đây dưới sự chủ trì của Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ, chuyên gia Kinh tế – TS Lê Đăng Doanh cũng chia sẻ về vấn đề này khi khẳng định có một thực tế là DN rất sợ những cuộc gọi lúc 10h đêm. Có DN cho biết, sau cuộc gọi đó là phải “cào cấu” trong nhà được 20 triệu, mang ra nhà hàng để thanh toán theo yêu cầu của quan chức. Đến nơi thì số tiền phải trả không phải 20 triệu mà là 100 triệu. Thế là DN phải “ghi nợ” tại nhà hàng để hôm sau thanh toán.

Bản thân Bộ trưởng Bộ Tài chính Đinh Tiến Dũng cũng thừa nhận trước Quốc hội rằng theo khảo sát, năm 2015, có 63% số hộ kinh doanh “đi đêm” với cán bộ thuế và sang 2016 con số này đã giảm còn 31%. DN “đi đêm” đôi khi vì bị vòi vĩnh nhưng nhiều lúc cũng do DN muốn thông đồng với quan chức để né thuế, giảm thuế, thậm chí là trốn thuế.

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc trả lời chất vấn tại Quốc hội. Ảnh: HẢI NGUYỄN
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc trả lời chất vấn tại Quốc hội. Ảnh: HẢI NGUYỄN

Để thay đổi, điện tử hoá thủ tục là chưa đủ

Khi được hỏi về lời kêu gọi của Thủ tướng, hầu hết các DN đều rất muốn hưởng ứng nhưng thừa nhận là không dễ. Anh T cho rằng phải có quá trình quá độ và ngay cả khi áp dụng toàn diện Chính phủ điện tử thì cũng cần thời gian để thay đổi và các DN phải mạnh mẽ thay đổi tư tưởng vì “ngay cả khi áp dụng cơ chế điện tử 1 cửa vẫn có nguy cơ nảy sinh ra kiểu hối lộ mới vì hạ tầng chưa đồng bộ và hệ thống vẫn do con người vận hành”. Do đó, không thể chuyển biến một sớm một chiều.

Bên cạnh việc áp dụng Chính phủ điện tử, nhiều DN cho rằng cần phải có sự thay đổi trong việc xây dựng quy định, hành lang pháp lý vì nhiều quy định hiện nay còn chưa rõ ràng, mập mờ gây khó cho DN. “Luật, quy định phải rõ ràng, không dùng ngôn ngữ đa nghĩa để làm luật thì DN mới dám làm đúng, mới nói không với hối lộ. Hiện nay, có không ít thông tư đọc mãi vẫn không hiểu, ngay cả các bộ ban ngành cũng không hiểu, hoặc hiểu kiểu 1+1 bằng bao nhiêu tuỳ ý thì DN còn phải biếu xén” – anh N.M – một người kinh doanh lâu năm trong lĩnh vực vận tải thẳng thắn – cho biết.

Liên quan đến vấn đề này, luật sư Bùi Quang Hưng (Trưởng Văn phòng Luật BQH) cho rằng, lâu nay ngay chính cơ quan quản lý nhà nước phân loại tham nhũng vặt và hối lộ khủng. Theo LS Hưng, tham nhũng vặt xuất hiện trong đời sống hằng ngày từ việc người dân phải lên phường làm thủ tục, DN đến các sở ngành xin các loại giấy phép.

Bởi vậy, phải thay đổi ý thức ngay từ chính cơ quan giám sát về tham nhũng vặt. “Cơ quan quản lý còn xuề xoà với tham nhũng vặt thì không thể bảo doanh nghiệp không đưa hối lộ được” – ông Hưng nói. Theo LS Hưng, việc để doanh nghiệp không đưa hối lộ thì việc giám sát cán bộ quản lý phải đặt lên hàng đầu, việc giám sát phải có người dân tham gia đánh giá. “Chứ hiện nay các cơ quan thanh-kiểm tra đều có nhưng rất lâu mới thông báo kết quả, hoặc thông báo nhưng có điểm người dân chưa rõ thì không biết hỏi ai” – LS Hưng nêu quan điểm.

Ở góc nhìn khác, ông Lê Hoàng Châu – Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản TPHCM – cho rằng, doanh nghiệp thường hối lộ để đạt đươc mục đích phải bỏ ra ít tiền hơn so với chi phí chính thức, như trong lĩnh vực kinh doanh bất động sản hối lộ để giảm, miễn tiền sử dụng đất, thay đổi cơ cấu, căn hộ hoặc được cấp phép nhanh hơn…

Bởi vậy, nếu kêu gọi doanh nghiệp không hối lộ thì việc đầu tiên, theo đại diện giới doanh nghiệp bất động sản TPHCM phải đạt được 2 yêu cầu: Cán bộ quản lý không dám nhận hối lộ, và doanh nghiệp không có nhu cầu hối lộ. Còn làm sao để đạt được 2 yêu cầu thì giải bài toán tổng thể về cơ chế giám sát cán bộ công chức, mặt bằng lương công chức phải tăng lên trên mức trung bình xã hội và đạo đức cán bộ, công chức. “Nếu lương cán bộ công chức cao, thậm chí ở mức sung túc thì cán bộ sẽ không có nhu cầu nhận hối lộ. Ngược lại, để hưởng lương cao thì cán bộ phải trong sạch, nếu không trong sạch thì loại ra khỏi đội ngũ” – ông Châu nói.

Theo ông Nguyễn Thanh Nhã (luật sư – chuyên gia phân tích kinh tế độc lập Văn phòng Luật DBS), qua trao đổi với nhiều doanh nghiệp, tôi đều được nghe câu trả lời chung là đã thấy nỗ lực xóa bỏ rào cản, tạo thuận lợi cho doanh nghiệp nhưng mới chỉ ở tầm Chính phủ. Còn về đến bộ, ngành địa phương nỗ lực ấy giảm đi nhiều. Thậm chí họ “nỗ lực” là vẫn giữ lại các điều kiện kinh doanh mà Chính phủ yêu cầu bãi bỏ, hơn là bãi bỏ bớt các điều kiện bất cập, bất hợp lý cho doanh nghiệp. Cho tới nay, với nhiều doanh nghiệp thì thủ tục hành chính vẫn là nỗi ám ảnh. Ở nhiều nước tiên tiến vẫn có nhiều giấy phép con nhưng không phiền hà vì bộ máy hành chính tạo mọi điều kiện để người dân thực thi pháp luật. Không thực thi thì chế tài cực nghiêm. Trong khi đó bộ máy của ta vẫn còn việc cứ để vi phạm, rồi xử lý kiểu gãi ngứa, hoặc là tìm cách phạt nhẹ và vẫn cho tồn tại. Chính những điều đó tạo ra sự nhũng nhiễu. Tôi thiết nghĩ Chính phủ cần nhanh chóng tăng cường ứng dụng CNTT trong quản lý nhà nước; đẩy nhanh xây dựng Chính phủ điện tử; rà soát, kiện toàn tổ chức bộ máy, giảm đầu mối, tinh giản biên chế, bảo đảm dân chủ, công khai, minh bạch, chuyên nghiệp, hiệu lực, hiệu quả trên tinh thần xây dựng hệ thống hành chính nhà nước kiến tạo, phục vụ nhân dân. Thủ tướng khẳng định: Đảng, Nhà nước Việt Nam coi nhiệm vụ chống tham nhũng rất quan trọng nên đã quyết định thành lập Ban Chỉ đạo Trung ương về Phòng, chống tham nhũng do Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng chỉ đạo. Vừa qua, các cơ quan chức năng đã triển khai nhiều việc, từ xây dựng thể chế tới điều tra, truy tố, xét xử; hiện Chính phủ đang tiếp tục hoàn thiện các quy định về phòng, chống tham nhũng theo tinh thần để cán bộ, công chức “không thể, không dám, không muốn tham nhũng”. Thủ tướng cũng cho biết, lần này Chính phủ tính toán để xem xét nâng lương cho cán bộ, công chức, xem đây là giải pháp cần thiết trong bối cảnh tham nhũng vặt đang diễn ra nghiêm trọng. Tiếp tục hoàn thiện thể chế, xây dựng Chính phủ điện tử, tăng cường kiểm soát quyền lực…, đây là các việc quan trọng để ngăn chặn, đẩy lùi tham nhũng.

Theo LDO