Đặc khu kinh tế: Nơi thu nhập người dân sẽ gấp 5 – 7 lần trung bình cả nước
Ngày đăng : 09:12, 16/10/2017
So sánh 9 nhóm tiêu chí đưa ra trong dự thảo luật về đặc khu kinh tế cho thấy các ưu đãi được tạo cho Vân Đồn, Bắc Vân Phong, Phú Quốc còn cao hơn so với các đặc khu đang vận hành của Trung Quốc, Hàn Quốc, Singapore... Với sức hút mạnh mẽ từ các ưu đãi vượt trội ấy, chỉ ít năm nữa, 3 đặc khu được kỳ vọng sẽ chuyển mình thần tốc, mang lại mức thu nhập cao gấn 5 - 7 lần trung bình cả nước cho người dân.
Cơ chế, chính sách hấp dẫn chưa từng có
Dự án luật Đơn vị hành chính – kinh tế đặc biệt đã trình làng, được đưa ra UB Thường vụ Quốc hội lần đầu và đang hoàn thiện để trình Quốc hội xem xét trong tháng 10 này. Có 9 nhóm chính sách đặc biệt được đưa ra về môi trường đầu tư kinh doanh; phát triển kết cấu hạ tầng; dịch vụ hỗ trợ đầu tư; ưu đãi đầu tư; đất đai; lao động; giải quyết tranh chấp; thu hút ngoại kiều; xuất nhập cảnh nhằm tạo lực, tạo đà cho 3 đặc khu phát triển.
Trước hết, việc mở cửa thị trường tại các đặc khu có mức cao hơn các khu vực khác; cắt giảm tối đa ngành nghề kinh doanh có điều kiện; quy định việc đăng ký đầu tư kinh doanh đối với nhà đầu tư theo trình tự, thủ tục đơn giản nhất, không thực hiện thủ tục quyết định chủ trương đầu tư đối với dự án đầu tư thuộc thẩm quyền quyết định của Thủ tướng và UBND cấp tỉnh theo quy định tại Luật đầu tư…
Về đất đai, dự thảo luật đặc khu đưa ra quy định thời hạn giao đất tối đa lên tới 99 năm, tổ chức, cá nhân nước ngoài có quyền nhận chuyển nhượng, chuyển nhượng, mua, cho thuê mua, nhận tặng cho, nhận thừa kế nhà ở thương mại trong dự án đầu tư xây dựng nhà ở và dự án đầu tư bất động sản nghỉ dưỡng.
Trên quan điểm làm luật để tạo được sức bật, đảm bảo để các đặc khu kinh tế cạnh tranh được với khu vực và thế giới, dù sinh sau đẻ muộn, lãnh đạo Bộ KH-ĐT (cơ quan chủ trì soạn thảo dự án luật) khẳng định, trên có sở so sánh 9 nhóm tiêu chí như kể trên, những quy định đưa ra có tính ưu đãi cao hơn, thuận lợi hơn so với các đặc khu, các khu kinh tế tự do tại Trung Quốc, Hàn Quốc, Nhật Bản, Indonesia, Malaysia, Thái Lan, Singapore, Myanmar.
Thu nhập trung bình ở đặc khu: 12.000 – 13.000USD/năm
Và như khẳng định của Vụ trưởng Vụ Quản lý các khu kinh tế, Bộ KH-ĐT Trần Duy Đông, các chính sách không chỉ dừng ở ưu đãi, đó chỉ là tiêu chí đứng hàng thứ 4, thứ 5 mà điểm cơ bản nhất được tạo ra là sự đột phá về thể chế.
Mô hình tổ chức tại 3 đặc khu, theo đó, đặc biệt gọn nhẹ, hiện đại, với tính hiệu lực, hiệu quả cao, được phân cấp mạnh về thẩm quyền quản lý. Đặc khu trước hết trực thuộc tỉnh nhưng không phải là một cấp chính quyền, một quận/huyện của tỉnh mà chỉ có một thiết chế quản lý là Trưởng đặc khu.
Trưởng đặc khu nhận quyền lực trực tiếp từ Thủ tướng, do Thủ tướng bổ nhiệm, dự kiến được giao 116 nhóm thẩm quyền, trong đó nhiều thẩm quyền thuộc Thủ tướng (77/116), nhiều thẩm quyền như Chủ tịch UBND tỉnh. Trưởng đặc khu có thể ra quyết định đầu tư ngay cả đối với các dự án nhóm A, trừ các dự án quan trọng cấp quốc gia, thậm chí được phép tự ban hành các văn bản quy phạm pháp luật quy định các trình tự, thủ tục hành chính trong phạm vi thẩm quyền của mình…
Tán thành định hướng này, Viện trưởng Viện Kinh tế Việt Nam – TS.Trần Đình Thiên ví đây là việc chuẩn bị để “xây tổ để cho phượng hoàng đến đẻ trứng. Muốn gọi phượng hoàng đến thì không thể chỉ làm những cái tổ như tổ chim sẻ”.
Với những dụng công đó, Bộ KH-ĐT kỳ vọng chỉ trong ít năm tới, 3 đặc khu sẽ thu hút hàng chục tỉ USD vốn đầu tư, giúp nhà nước thu hàng chục tỷ USD từ thuế, phí, đất đai và tạo ra giá trị gia tăng nhiều chục tỷ đồng khác đóng góp vào GDP cả nước. Tương lai cũng không xa khi chỉ 2020, đặc khu Phú Quốc sẽ đạt mức thu nhập bình quân 5.000 USD (cao gấp đôi thu nhập bình quân cả nước hiện nay) và tới 2030, cả 3 đặc khu nhanh chóng vượt ngưỡng thu nhập 12.000 – 13.000USD/người/năm (gấp 5-7 lần trung bình cả nước).
Cơ hội lớn cho Vân Đồn
36.000 tỉ đồng là số vốn đầu tư hạ tầng tỉnh Quảng Ninh đã thu hút được cho đặc khu kinh tế Vân Đồn trong thời gian qua – những nỗ lực lớn sẽ tạo sức bật cho địa đầu phía Bắc tổ quốc. Diện mạo Vân Đồn đang đổi thay từng ngày.
Cảng hàng không Quốc tế Vân Đồn có số vốn tới 7.500 tỉ đồng (riêng giai đoạn 1 là 4.000 tỉ đồng) với đường cất hạ cánh dài nhất Việt Nam hiện nay, quy mô còn lớn hơn sân bay Phú Quốc, đang vào giai đoạn hoàn thiện. Sân bay có thể khai thác với những loại máy bay cỡ lớn, hiện đại nhất hiện nay như Boeing cũng như những dòng máy bay thông thường như Airbus A321, công suất phục vụ 2,5 triệu khách/năm và có thể nâng lên 10 triệu khách/năm. Dự kiến cuối năm nay, sân bay sẽ đón chuyến bay hiệu chuẩn để sẵn sàng khai thác thương mại vào giữa năm 2018.
Báo cáo với lãnh đạo Chính phủ trong cuộc thị sát gần đây, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Ninh Nguyễn Văn Thành cho biết, tuyến cao tốc Hạ Long – Móng Cái cũng được tỉnh đề xuất điều chỉnh kịp thời để nắn tuyến đường đi qua Vân Đồn, kết nối với tuyến đường cao tốc Hạ Long – Hải Phòng – Hà Nội, tạo trục giao thông xuyên suốt các trung tâm kinh tế khu vực phía Bắc.
Cảng du lịch Cái Rồng đã được nâng cấp, hoàn thiện từ 2014. Cầu Vân Tiên, đường xuyên đảo Minh Châu – Quan Lạn đã hoàn thành. Con đường lớn nối trung tâm Vân Đồn với sân bay đã chạy dài, giai đoạn II sẽ kết nối với khu công viên giải trí, casino phức hợp có 2.000 phòng khách sạn hạng 5 sao, trung tâm hội nghị, thương mại… Quần thể sân golf Ao Tiên được phê duyệt với tổng mức đầu tư gần 1.800 tỉ đồng, đã thực hiện giải phóng mặt bằng.
Với đặc thù cần thu hút vốn làm hạ tầng, Quảng Ninh cũng đề xuất có ưu đãi lớn cho các nhà đầu tư chiến lược, đồng hành cùng địa phương ngay từ thời kỳ đầu.
“Khi làm Đề án đặc khu kinh tế Vân Đồn, chúng tôi tự tin nhưng thời gian chạy đà tương đối dài rồi mà các nhà đầu tư đang chờ, và nếu phải chờ lâu hơn thì niềm tin của nhà đầu tư giảm sút” – Phó Chủ tịch Nguyễn Văn Thành nhấn mạnh.
Theo Ngọc Hân/LDO