Từ “khoán hộ” đến đổi mới trong nông nghiệp
Ngày đăng : 04:26, 09/10/2017
Tư duy đổi mới, sáng tạo trong nông nghiệp
Đồng chí Kim Ngọc, tên thật là Kim Văn Nguộc, sinh ngày 10/10/1917, tại thôn Đại Nội, xã Bình Định, huyện Yên Lạc, tỉnh Vĩnh Phúc, trong một gia đình nông dân nghèo. Bản thân có cả quãng thời gian niên thiếu làm tá điền, lao động làm thuê cực khổ trong các đồn điền của địa chủ vùng đất Bình Xuyên (Vĩnh Phúc), chàng thanh niên Kim Văn Nguộc sớm được tiếp xúc và cảm nhận về đời sống lầm than, khổ cực của những người lao động, nhất là những người bần nông nghèo khổ như chính bản thân ông. Từ trải nghiệm cuộc sống ấy, dần hình thành ở Kim Văn Nguộc những suy nghĩ, mong muốn và khát vọng lớn lao phải làm cho người nông dân, trong đó có gia đình và bản thân ông thoát khỏi cảnh cơ cực, đói nghèo, lầm than và có cuộc sống ấm no, hạnh phúc.
Với suy nghĩ và nhận thức ấy, người thanh niên Kim Văn Nguộc đã sớm đi theo cách mạng khi được tiếp xúc và giác ngộ bởi những người cộng sản. Đây là môi trường tốt để đồng chí học tập, rèn luyện và trưởng thành. Năm 23 tuổi, đồng chí được kết nạp vào Đảng Cộng sản Đông Dương. Trải qua các thời kỳ lịch sử, dù ở cương vị và lĩnh vực công tác nào, đặc biệt với vai trò Bí thư Tỉnh uỷ Vĩnh Phúc (Tháng 01/1959, đồng chí làm Bí thư Tỉnh ủy Vĩnh Phúc; năm 1968, khi hợp nhất hai tỉnh Vĩnh Phúc và Phú Thọ, đồng chí là Bí thư Tỉnh ủy Vĩnh Phú cho đến tháng 5/1977), đồng chí Kim Ngọc luôn tỏ rõ phẩm chất của một người cộng sản chân chính, luôn sẵn sàng vượt qua mọi khó khăn, thử thách quyết tâm thực hiện ước vọng lớn nhất của cuộc đời mình là đem lại ấm no cho người dân. Cũng với quyết tâm ấy, chủ trương “khoán hộ” của đồng chí Bí thư Tỉnh uỷ Kim Ngọc và tập thể Ban Thường vụ Tỉnh uỷ Vĩnh Phúc đã ra đời.
Quá trình thực hiện chủ trương “khoán hộ” được thể hiện trong Nghị quyết số 68-NQ/TU, ngày 10/9/1966 của Tỉnh uỷ Vĩnh Phúc, về một số vấn đề quản lý lao động nông nghiệp trong hợp tác xã hiện nay đã đưa đến “luồng sinh khí mới”, cách nghĩ và cách làm mới trong sản xuất nông nghiệp của tỉnh Vĩnh Phúc.
Nghị quyết 68 của Tỉnh uỷ Vĩnh Phúc đề cập tới hàng loạt vấn đề quan trọng đang tồn tại nhiều bất cập ở thời điểm đó, nổi bật nhất là yêu cầu phải giải quyết một số vấn đề có liên quan đến việc sử dụng hợp lý sức lao động nông nghiệp và tăng năng suất lao động nông nghiệp, trong đó đề ra hướng sử dụng công lao động xã hội chủ nghĩa, kiên quyết thực hiện bằng được, đúng và tốt chế độ ba khoán: Khoán việc cho nhóm, cho lao động và cho hộ.
Tuy trên thực tế, thời gian triển khai Nghị quyết 68 không dài nhưng những kết quả mà “khoán hộ” mang lại là vô cùng to lớn, đem lại hiệu quả lao động ngày càng cao. Tính đến cuối năm 1967, toàn tỉnh có 160 hợp tác xã (chiếm 70% số hợp tác xã) đạt năng suất bình quân từ 5 tấn đến trên 7 tấn/ha; sản lượng lương thực quy thóc đạt khoảng 222.000 tấn, tăng hơn năm trước đó 4.000 tấn.
Chủ trương “khoán hộ” là một hướng đi tích cực trong việc tìm tòi cách thức làm ăn mới, cách thức quản lý mới, gắn lợi ích của người nông dân với kết quả lao động của mình nhằm đem lại hiệu quả cao trong sản xuất nông nghiệp. Đây là quá trình đổi mới tư duy về nông nghiệp, nông dân, nông thôn ở Vĩnh Phúc, tháo gỡ những khó khăn, cản trở trong lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn, khắc phục tình trạng “dong công, phóng điểm”, không gắn lợi ích với kết quả lao động, tình trạng lãng phí nguồn lực và tiềm năng trong nông nghiệp.
Các đồng chí lãnh đạoTỉnh ủy Vĩnh Phúc và Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh chủ trì
Hội thảo khoa học: Bí thư Tỉnh ủy Kim Ngọc – Một con người đối mới và sáng tạo.
Với những đóng góp rất quan trọng cả về nhận thức lý luận và thực tiễn trên, tại Hội thảo khoa học với chủ đề: Bí thư Tỉnh uỷ Kim Ngọc – Một con người đổi mới, sáng tạo (tổ chức ngày 3/10), GS.TS. Nguyễn Xuân Thắng, Ủy viên Trung ương Đảng, Giám đốc Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh đánh giá: Chủ trương “khoán hộ” của đồng chí Kim Ngọc là một trong những cơ sở để Trung ương tham khảo, hoạch định đường lối đổi mới, mà trước hết là đổi mới nông nghiệp.
Dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm
Đặt trong bối cảnh nước ta sau khi lập lại hoà bình (năm 1954), tình hình sản xuất nông nghiệp miền Bắc nói chung và tỉnh Vĩnh Phúc nói riêng đã đạt được một số kết quả quan trọng. Tuy nhiên, nền nông nghiệp miền Bắc đang chịu tác động mạnh mẽ bởi cơ chế quản lý tập trung, quan liêu, mệnh lệnh, hành chính, công tác quản lý trong hợp tác xã mà nội dung chủ yếu là cơ chế “khoán việc” dần dần bộc lộ nhiều khuyết điểm, dẫn đến sản xuất nông nghiệp sa sút, đời sống nhân dân gặp nhiều khó khăn. Tình hình trên có nhiều nguyên nhân, trong đó việc áp dụng cơ chế tập trung bao cấp đối với hợp tác xã, làm cho nông dân không tha thiết với đồng ruộng, sản xuất theo kiểu đối phó, năng suất thấp, hiện tượng “dong công, phóng điểm” diễn ra khá phổ biến, đời sống nhân dân gặp khó khăn, thiếu đói diễn ra thường xuyên. Câu hỏi là tại sao nông dân không thiết tha với đồng ruộng và họ vẫn đói nghèo? Năng suất lao động thấp…Những câu hỏi đó đặt ra nhiều vấn đề bức bách cần được giải quyết trong nông nghiệp, nông dân và nông thôn ở Vĩnh Phúc cũng như nhiều địa phương ở miền Bắc nước ta lúc bấy giờ.
Trước tình hình trên, là người đứng đầu Đảng bộ tỉnh Vĩnh Phúc, đồng chí Kim Ngọc luôn suy nghĩ, trăn trở, vì sao hợp tác xã làm ăn sa sút, người nông dân không mặn mà với đồng ruộng, thu nhập ngày công của xã viên quá thấp (nhiều hợp tác xã sau khi ăn chia người lao động chỉ được 2 đến 3 lạng thóc/1 công). Từ kinh nghiệm thực tế, qua lắng nghe, tập hợp mọi ý kiến của người nông dân cùng với tư duy đổi mới, sáng tạo, đồng chí Kim Ngọc đã nhận thấy trong cơ chế vận hành kinh tế nông nghiệp lúc đó chứa đựng nhiều nội dung không phù hợp, xa rời thực tiễn, không gắn với lợi ích thiết thân của người nông dân. Hậu quả tất yếu là nông nghiệp đình đốn, hợp tác xã tan rã, đời sống nông dân ngày càng khó khăn, thiếu lương thực trầm trọng. Vì vậy, đồng chí Kim Ngọc nêu quan điểm, phải tạo cơ chế để: “Hộ nông dân là chủ thể của đơn vị sản xuất nông nghiệp. Muốn thế phải để cho nông dân làm chủ mảnh đất của mình, được chủ động trong kế hoạch sản xuất”.
Bí thư Kim Ngọc tháp tùng Bác Hồ về thăm Vĩnh Phúc (ảnh tư liệu)
Để tìm cách làm ăn mới, quản lý mới trong nông nghiệp ở Vĩnh Phúc, dưới sự chủ trì của đồng chí Kim Ngọc, Tỉnh uỷ Vĩnh Phúc đã kiểm điểm, chỉ ra nguyên nhân của thực trạng và quyết tâm làm chuyển biến tình hình sản xuất nông nghiệp của tỉnh. Ban Thường vụ Tỉnh uỷ, mà trực tiếp là đồng chí Kim Ngọc – Bí thư Tỉnh uỷ chỉ đạo các cơ quan chức năng, chủ trì là Ban Công tác nông nghiệp soạn thảo một nghị quyết về quản lý lao động.
Sau một thời gian trăn trở, tìm tòi đổi mới trong quản lý nông nghiệp, ngày 10/9/1966, dưới sự chủ trì của đồng chí Kim Ngọc, Tỉnh uỷ Vĩnh Phúc ra Nghị quyết số 68- NQ/TU “Về một số vấn đề quản lý lao động nông nghiệp trong hợp tác xã hiện nay”, sau này nhân dân gọi là “khoán hộ”.
“Khoán hộ” đã giải quyết một vấn đề rất cơ bản là giải phóng sức sản xuất đang bị kìm hãm bởi cơ chế quản lý không phù hợp, xa rời thực tiễn sản xuất nông nghiệp; phát huy sự chủ động, năng động, những tiềm năng dồi dào trong nhân dân, khắc phục tình trạng dân chủ hình thức, biến người nông dân thành người chủ đích thực trong sự ràng buộc bởi yếu tố lợi ích. Lần đầu tiên, ý tưởng về khoán cho hộ gia đình xã viên đã khơi dậy tính sáng tạo trong quần chúng lao động và phù hợp với lòng dân nên nhanh chóng đi vào đời sống thực tiễn.
Nội dung của đổi mới tư duy dù mới là quá trình tìm tòi ban đầu, nhưng đã thể hiện tư duy đổi mới vượt trước trong lĩnh vực quản lý nông nghiệp, nông thôn và nông dân, đồng thời là kết quả của quá trình đấu tranh giữa cái mới với cái cũ, giữa cái tiến bộ với cái lạc hậu mà đồng chí Kim Ngọc là người tổ chức và khởi xướng. Chủ trương “khoán hộ” do đồng chí Kim Ngọc đưa ra là một quyết định đúng đắn, táo bạo nhưng đầy trách nhiệm, thể hiện tầm tư duy đổi mới, sáng tạo, đi trước của đồng chí Kim Ngọc.
Tuy vậy, ở thời điểm đó “khoán hộ” bị coi là “đốt cháy giai đoạn”, không phù hợp với chủ trương đẩy mạnh phong trào hợp tác hóa của Trung ương và được coi là một sự “vượt rào”, vi phạm “nghiêm trọng” đường lối của Đảng về phát triển nông nghiệp thời bấy giờ, nên không thể triển khai rộng rãi; bản thân đồng chí Kim Ngọc phải chịu nhiều sức ép, nhưng đồng chí vẫn giữ vững bản lĩnh của người lãnh đạo dám làm và dám chịu trách nhiệm, giữ vững niềm tin sắt đá ở “khoán hộ”. Và trên thực tế, “khoán hộ” ở Vĩnh Phúc vẫn lan tỏa, được vận dụng không chỉ ở Vĩnh Phúc mà cả một số địa phương ở miền Bắc.
Ngày 13/01/1981, trên cơ sở tổng kết thực tiễn làm thử khoán sản phẩm ở các địa phương, Ban Bí thư Trung ương Đảng ra Chỉ thị 100-CT/TW về mở rộng công tác khoán sản phẩm đến nhóm và người lao động trong các hợp tác xã. Tiếp đó, ngày 5/4/1988, Bộ Chính trị ra Nghị quyết số 10-NQ/TW về đổi mới quản lý kinh tế nông nghiệp (hay còn gọi là “Khoán 10”). Khoán 10 đã khẳng định hộ gia đình là đơn vị kinh tế tự chủ, làm thay đổi căn bản nền kinh tế nông nghiệp của cả nước. Như vậy, sau hơn 22 năm, những hạt nhân hợp lý của “khoán hộ” ở Vĩnh Phúc đã được Trung ương khẳng định trong Nghị quyết 10-NQ/TW.
Dù ở bất kỳ cương vị nào, hoàn cảnh nào, đồng chí Kim Ngọc luôn luôn băn khoăn, trăn trở, tìm tòi đổi mới, sáng tạo, dám làm, dám chịu trách nhiệm trước những công việc mình làm. Trong suốt cuộc đời hoạt động cách mạng, đồng chí luôn hướng tới thực hiện quan điểm: “Đã là một người cộng sản để dân đói, dân rét là mất lập trường, là có tội”.
Trên thực tế, Nghị quyết số 68 là kết quả của một quá trình trăn trở, thận trọng thử nghiệm, tìm tòi để thực hiện quyết tâm ấy. Từ nhận thức đi đến hành động, đồng chí Bí thư Tỉnh uỷ Kim Ngọc đã cho chúng ta thấy tấm gương của một nhà lãnh đạo dám nghĩ, dám làm và đặc biệt dám chịu trách nhiệm trước Đảng và nhân dân về những quyết định của mình./.
Theo Báo Điện tử Đảng Cộng sản