Năm 2020, Bộ Công Thương phải xử lý xong các dự án thua lỗ, yếu kém
Ngày đăng : 09:58, 25/09/2017
Thông tin này được lãnh đạo Bộ Công Thương khẳng định tại cuộc họp chiều 22.9 về hướng xử lý các dự án, nhà máy thua lỗ của ngành.
Hiện, Bộ Công Thương có 12 dự án và nhà máy hoạt động rất kém, có dự án đã nằm “đắp chiếu” nhiều năm, có nhà máy dù đang hoạt động nhưng không đủ bù chi phí… Đặc biệt là một số dự án xơ sợi, ethanol, phân đạm…
Đại diện Vụ Kế hoạch, ông Dương Duy Hưng báo cáo, phấn đấu hết năm 2017, Bộ Công Thương hoàn thành phương án xử lý đối với từng dự án, doanh nghiệp và kế hoạch chi tiết tổ chức triển khai thực hiện. Trường hợp chưa kịp thì tối đa cũng chỉ có thể tới hết quý I năm 2018.
Trước mắt, trước ngày 30.9, Bộ sẽ trình Thủ tướng Chính phủ bản Dự thảo về tình hình xử lý các tồn tại, yếu kém đối với 12 dự án, doanh nghiệp thuộc ngành công thương để tiếp tục trình Bộ Chính trị, Ban Bí thư và Quốc hội.
Lãnh đạo Bộ Công Thương chỉ đạo ngoài việc tiếp tục nâng cao quản trị doanh nghiệp, lãnh đạo các tập đoàn, tổng công ty phải tiếp tục quyết liệt triển khai phương hướng đã xây dựng trong dự thảo. Lãnh đạo các đơn vị nhà máy, dự án phải chủ động tìm hướng xử lý chứ không phải cái gì cũng đùn đẩy trách nhiệm lên cấp trên.
Ví dụ, việc tìm nguồn tài chính để khởi động lại Nhà máy sản xuất xơ sợi Đình Vũ, Nhà máy sản xuất nhiên liệu sinh học Quảng Ngãi… thì cứ để các cổ đông xem xét, quyết định theo quy định của pháp luật. Hoặc việc xử lý con tàu 104.000 DWT của Công ty TNHH MTV Công nghiệp tàu thủy Dung Quất, nay đã có số liệu kết quả kiểm toán tự thực hiện nên cần tiếp tục mời Kiểm toán Nhà nước vào kiểm tra lại xem con số ấy có chính xác hay chưa…
Riêng Dự án Nhà máy bột giấy Phương Nam, sau 2 lần bán đấu giá vẫn chưa thành công sẽ theo quy định của pháp luật: lần sau lại giảm 10%, nếu nhiều lần vẫn không thể bán đấu giá được thì xử lý theo hướng bán thanh lý.
Mục tiêu cuối năm 2018, phải xử lý cơ bản những tồn tại tại các dự án, nhà máy thua lỗ. Đến năm 2020, sẽ phải hoàn thành việc xử lý các tồn tại, yếu kém này.
Lãnh đạo Bộ Công Thương cũng chỉ rõ, việc quản lý trách nhiệm của các đơn vị trực thuộc ở nhiều lĩnh vực ngành có nhiều yếu kém, buông lỏng, dẫn tới việc thua lỗ không bị xử lý nên càng thua lỗ trầm trọng hơn, thậm chí là bị ngưng trệ không hoạt động.
Đồng thời, lãnh đạo Bộ còn chỉ ra công tác quản trị bị buông lỏng không chỉ ở 12 dự án thua lỗ nêu trên mà còn ở các ngành khác, ví dụ cụ thể như ngành bia rượu… Từ đó, lãnh đạo Bộ Công Thương yêu cầu phải xem xét trách nhiệm người đứng đầu các dự án, nhà máy này, cần thiết thì thay thế để tạo sức bật mới.
Theo Đức Thành/LDO