Tại sao phải thanh tra lại quá trình cổ phần hóa Hãng phim truyện Việt Nam!?

Ngày đăng : 10:53, 22/09/2017

(Kiemsat.vn) – Sau cổ phần hoá, nhiều nghệ sĩ làm việc tại Công ty CP đầu tư & phát triển phim truyện Việt Nam bức xúc vì tình hình chậm lương, lương thấp và không có định hướng làm phim của Ban lãnh đạo mới. Đặc biệt, giá trị thương hiệu mang tính lịch sử của hãng phim được định giá bằng 0.
Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam tại buổi làm việc ngày 21/9. Ảnh: VNE.

Hơn một năm sau cổ phần hóa, cuộc sống của các nghệ sĩ thuộc Hãng Phim truyện Việt Nam (VFS) vẫn không thể ổn định. Các nghệ sĩ bức xúc vì tình hình chậm lương, lương thấp, không có định hướng làm phim của ban lãnh đạo mới. Đặc biệt, là việc xác định giá trị thương hiệu của hãng phim truyện VFS bằng 0.

Mâu thuẫn giữa Ban lãnh đạo mới sau khi Tổng công ty Vận tải thủy (Vivaso) mua VFS và các nghệ sĩ chưa có hồi kết. Trục trặc xảy ra sau khi Hãng phim Truyện Việt Nam tiến hành đấu giá cổ phần lần đầu ra công chúng (IPO) và Tổng công ty Vận tải thủy trở thành cổ đông lớn nhất, với tỷ lệ sở hữu lên tới 65% cổ phần.

Giá trị nghệ thuật luôn được tôn vinh

Ngày 21/9, tại buổi làm việc với lãnh đạo Bộ, ngành, Hãng phim truyện Việt Nam (VFS) và Tổng công ty Vận tải thủy (Vivaso), Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam cho biết, sẽ báo cáo Thủ tướng về việc thanh tra lại toàn bộ quá trình cổ phần hóa VFS.

Theo Phó Thủ tướng, các nghệ sĩ, diễn viên đã nhiều năm gắn bó với hãng đều kỳ vọng đây là thương hiệu hàng đầu về phim ảnh, để giá trị nghệ thuật đã gắn bó với tên tuổi của hãng luôn được tôn vinh. Ông cũng nhấn mạnh: “Các Bộ phải bắt tay vào xác định lại giá trị thương hiệu, không thể để tình trạng nhân dân, văn nghệ sĩ đặt vấn đề là những gì nhà nước bán thì xác định giá trị thấp, trong khi những gì nhà nước mua thì giá rất cao”.

Cũng tại buổi làm việc, đại diện Hội điện ảnh cùng các nghệ sĩ, diễn viên đã thẳng thắn nêu quan điểm về sự “bất đồng” trong thời gian qua và cho rằng, định giá thương hiệu VFS bằng 0 là phủ nhận toàn bộ những giá trị nghệ thuật của điện ảnh Việt Nam trong cách mạng, phủ nhận giá trị của hơn 400 bộ phim và những người làm ra tác phẩm đó đã và đang gắn bó với hãng. Những tác phẩm này công chúng đều thừa nhận, được giải thưởng trong nước và quốc tế.

Nếu chỉ dựa vào giá trị lợi nhuận, thương mại mà không đánh giá dựa trên những giá trị lịch sử thì cũng phải xem xét lại, bởi thực tế, những bộ phim này vẫn được công chiếu, khai thác thương mại.

Cũng với quan điểm này, đạo diễn Nguyễn Thanh Vân cho rằng, tuy quy định đưa giá trị lịch sử vào xác định giá trị thương hiệu chưa có tiền lệ bởi chưa có trường hợp tương tự, nhưng Hãng phim truyện có thể là trường hợp đầu tiên để tạo ra tiền lệ đó.

Ông Vân cho biết, trên thế giới có những cách xác định khác nhau. Ví dụ một số thương hiệu thì dựa trên kết quả kinh doanh, lỗ lãi trong vòng 5 năm. Tuy nhiên, nếu chỉ đánh giá trong 5 năm thì chưa tạo ra một thương hiệu có giá trị lịch sử. Thương hiệu nên xem xét dựa trên việc đào tạo, cho diễn viên đi học ở nước ngoài và những bộ phim 100 năm nữa vẫn có giá trị… Ông nhấn mạnh, nên đánh giá lại giá trị thương hiệu thông qua những đơn vị tư vấn độc lập, khách quan hơn.

Biểu đổ cơ cấu cổ đông VFS sau cổ phần hoá. Ảnh: Zing.vn

“Cần thời gian để rà soát lại cách tính lương”

Đó là khẳng định của ông Nguyễn Thuỷ Nguyên – Chủ tịch Vivaso khi Hội điện ảnh cũng như Hãng phim đề cập đến những bất hợp lý trong cách tính toán và trả lương của ban lãnh đạo mới.

Ông Nguyễn Thủy Nguyên cho rằng, một năm, hãng mới sản xuất được một bộ phim, mà làm xong không có ai xem. Vì thế rất khó để làm được điều như các nghệ sĩ đề nghị. Đại diện Vivaso cho biết, hiện mỗi tháng đơn vị này lỗ 800 triệu đồng, 6 tháng đầu năm lỗ hơn 4 tỷ. Đơn vị mới tiếp quản hãng được hơn 2 tháng nhưng cũng đã làm được một bộ phim. Việc trả lương trước mắt mới là tạm ứng bởi cần thời gian để rà soát lại cách tính lương.

Về những bất động sản của hãng quản lý, ông Nguyên cho biết là đất thuê, nên bất cứ khi nào thành phố yêu cầu thu hồi thì doanh nghiệp phải tuân thủ.

Ông Lê Mạnh Hà, Phó chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ cũng nhấn mạnh, với những bất động sản đang thuộc quyền quản lý của hãng, nếu dùng vào làm phim thì được, nếu không sẽ bị thu hồi.

Hãng Phim truyện Việt Nam (VFS) là hãng phim nhà nước được thành lập năm 1953, trực thuộc Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch. Lịch sử tồn tại của hãng gắn liền với dòng phim cách mạng và nghệ thuật. Năm 2016, hãng Phim truyện Việt Nam chào mời cổ phần hóa. Sau nhiều lùm xùm, tổng công ty vận tải thủy Vivaso hoàn tất quá trình mua lại đơn vị hồi tháng 6.

Theo VNE, trước đó, tháng 12/2016, Thủ tướng đã có yêu cầu Bộ Văn hóa, Thể thao & Du lịch rà soát lại toàn bộ quá trình cổ phần hóa VFS. Đồng thời chủ trì, phối hợp với các bộ liên quan tính toán xác định giá trị thương hiệu căn cứ vào yếu tố lịch sử, bề dày truyền thống của hãng phim, nhằm điều chỉnh tăng giá trị phần vốn Nhà nước khi chính thức chuyển thành công ty cổ phần.

Thủ tướng khi đó cũng yêu cầu Bộ Tài chính nghiên cứu, sửa đổi quy định để bán đấu giá quyền sử dụng đất tại các khu đất vàng do doanh nghiệp Nhà nước nắm giữ để bảo đảm sát giá thị trường, tránh thất thoát tài sản Nhà nước.

Loan Bảo

(tổng hợp)