Các ngân hàng rốt ráo xử lý “cục máu đông” nợ xấu

Ngày đăng : 01:38, 18/09/2017

(Kiemsat.vn) – Nghị quyết 42/2017/QH14 về thí điểm xử lý nợ xấu có hiệu lực từ 15/8/2017 đã giúp các tổ chức tín dụng, Ngân hàng có đủ cơ sở pháp lý xử lý “cục máu đông” nợ xấu. Trong vòng một tháng trở lại đây, liên tục nhiều tài sản bảo đảm đang được các chủ nợ “nhịn đau” bán rẻ, thu hồi vốn.

“Chìa khóa vàng” để xử lý nợ xấu

Nghị quyết số 42/2017/QH14 (Nghị quyết 42) về thí điểm xử lý nợ xấu của các tổ chức tín dụng ra đời được đánh giá như chiếc chìa khóa tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, bất cập trong các quy định của pháp luật về xử lý nợ xấu, tài sản bảo đảm của tổ chức tín dụng, thúc đẩy nhanh quá trình xử lý nợ xấu trong hệ thống ngân hàng, đảm bảo sự an toàn hoạt động của hệ thống ngân hàng nói riêng và nền kinh tế nói chung.

Một trong những nguyên nhân chính khiến quá trình xử lý nợ xấu trở nên chậm chạp là vướng mắc liên quan tới quyền thu giữ tài sản đảm bảo. Bộ luật Dân sự 2015 đã bỏ quyền thu giữ tài sản đảm bảo của bên nhận bảo đảm, trừ trường hợp luật liên quan có quy định khác. Khi đó, VAMC cũng như các tổ chức tín dụng không thể chủ động thu giữ nếu các chủ tài sản không đồng thuận, cố tình chống đối, thậm chí tạo ra các tranh chấp khác liên quan tài sản đảm bảo để khởi kiện ra tòa nhằm kéo dài thời gian xử lý tài sản đảm bảo, tạo nên tâm lý chây ỳ trả nợ của bên có nghĩa vụ. Việc xử lý tài sản đảm bảo của VAMC tổ chức tín dụng  bị kéo dài, ảnh hưởng lớn đến hiệu quả xử lý nợ xấu …

Nghị quyết số 42/2017/QH14 là đòn bẩy cần thiết để giúp các tổ chức tín dụng, ngân hàng xử lý dứt điểm nợ xấu, “cục máu đông” của nền kinh tế

Nghị quyết 42 có nhiều điểm mới như thể hiện rõ quan điểm kinh tế thị trường, không phân biệt thành phần sở hữu của các tổ chức tín dụng , bảo đảm quyền lợi hợp pháp của chủ nợ, không kéo dài thời gian xử lý nợ. Quy trình xử lý tài sản đảm bảo theo nguyên tắc không trái với Hiến pháp, không gây xung đột với các luật khác.

Quan trọng nhất là Nghị quyết 42 đã cho phép bán tài sản đảm bảo dưới giá gốc, theo giá thị trường. Chỉ cần mua bán công khai dựa trên giá trị định giá của tổ chức định giá độc lập. Khoản 3, Điều 6 của Nghị quyết 42 quy định rõ Tổ chức mua bán, xử lý nợ xấu được thỏa thuận với tổ chức tín dụng mua khoản nợ xấu với giá mua bằng giá trị định giá của tổ chức định giá độc lập; xử lý, bán, thu hồi nợ theo quy định của pháp luật và phân chia phần giá trị còn lại của số tiền thu hồi được từ khoản nợ xấu này sau khi trừ giá mua và các chi phí xử lý. Tổ chức mua bán, xử lý nợ xấu phải thống nhất với tổ chức tín dụng lựa chọn tổ chức định giá độc lập.

Ngân hàng tăng tốc xử lý “cục máu đông”

Công ty Quản lý tài sản của các tổ chức tín dụng Việt Nam (VAMC) cho biết đã tiến hành thu giữ tài sản bảo đảm của Công ty Cổ phần Địa ốc Sài Gòn M&C là chủ đầu tư dự án Saigon One Tower nhằm mục đích xử lý, thu hồi nợ theo quy định của pháp luật. Theo đó, danh mục tài sản đảm bảo mà VAMC sẽ thu giữ bao gồm cả quyền sở hữu và quyền khai thác kinh doanh toàn bộ công trình xây dựng tầng hầm; khu trung tâm thương mại; khu văn phòng cho thuê và các công trình phụ…

Được khởi công từ năm 2007, Saigon One Tower dự kiến sau khi hoàn thành năm 2009 sẽ là tòa nhà cao thứ 3 tại TP.HCM (trên 195 m). Dự án có tổng mức đầu tư khoảng 256 triệu USD (5.000 tỷ đồng) và được thực hiện theo hình thức tổng thầu EPC, do nhà thầu Bouygues Batiment International thi công. Được biết, VAMC mua lại dự án này với 1.500 tỷ đồng, tức khoảng 50% giá gốc. Hiện nay, tổng nợ của dự án lên con số hơn 7.000 tỷ đồng, trong đó nợ gốc 3.500 tỷ đồng và nợ quá hạn 3.700 tỷ đồng.

Dự án Saigon One Tower với khoản nợ hơn 7000 tỷ đồng được VAMC mua lại

Trên website chính thức của mình, NH Quốc Dân (NCB) cũng thông báo tiến hành bán đấu giá tài sản đang thế chấp tại ngân hàng như lô đất 2.100 m2 tại khu phố Hòa Lân 1, phường Thuận Giao, thị xã Thuận An, tỉnh Bình Dương, với giá khởi điểm hơn 11,6 tỷ đồng; quyền sử dụng đất 4.941 m2 tại tờ bản đồ số 01, Phường Hiệp An, thành phố Thủ Dầu Một, Tỉnh Bình Dương giá khởi điểm hơn 16 tỷ đồng

Ngày 19/9, Agribank dự kiến ngày tổ chức bán đấu giá toàn bộ tài sản và quyền sử dụng đất của dự án V-Ikon với mức khởi điểm 319,5 tỷ đồng. Dự án này được xây dựng trên khu đất 1.106 m2, quy mô 4 tầng hầm và 26 tầng cao, tọa lạc trên đường Điện Biên Phủ, phường 15, quận Bình Thạnh, TP. HCM do Công ty Việt Thuận Thành làm chủ đầu tư.

Tính đến 18/9, Techcombank đã thông báo thu giữ 32 tài sản đảm bảo là bất động sản và xe của cá nhân và tổ chức.

Rõ ràng, Nghị quyết 42 của Quốc Hội đã thực sự đi vào cuộc sống, tạo một đòn bẩy cần thiết để giúp các tổ chức tín dụng, ngân hàng xử lý dứt điểm nợ xấu, “cục máu đông” của nền kinh tế nhức nhối bao lâu nay.

Điều 6 Nghị quyết 42/2017/QH14 quy định về Mua, bán nợ xấu của tổ chức mua bán, xử lý nợ xấu

1. Tổ chức mua bán, xử lý nợ xấu được mua khoản nợ xấu đang hạch toán trong, ngoài bảng cân đối kế toán của tổ chức tín dụng, trừ tổ chức tín dụng liên doanh và tổ chức tín dụng 100% vốn nước ngoài, được chuyển khoản nợ xấu đã mua bằng trái phiếu đặc biệt thành khoản nợ xấu mua theo giá thị trường theo hướng dẫn của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam.

2. Tổ chức mua bán, xử lý nợ xấu được bán nợ xấu cho pháp nhân, cá nhân, bao gồm cả doanh nghiệp không có chức năng kinh doanh mua, bán nợ.

3. Tổ chức mua bán, xử lý nợ xấu được thỏa thuận với tổ chức tín dụng quy định tại khoản 1 Điều này mua khoản nợ xấu với giá mua bằng giá trị định giá của tổ chức định giá độc lập; xử lý, bán, thu hồi nợ theo quy định của pháp luật và phân chia phần giá trị còn lại của số tiền thu hồi được từ khoản nợ xấu này sau khi trừ giá mua và các chi phí xử lý.

Tổ chức mua bán, xử lý nợ xấu phải thống nhất với tổ chức tín dụng lựa chọn tổ chức định giá độc lập.

Sơn Tùng