Thủ tướng Chính phủ: Yêu cầu làm rõ vai trò của tài sản ảo, tiền ảo
Ngày đăng : 10:09, 24/08/2017
Với mục tiêu nghiên cứu, đánh giá đầy đủ, chính xác bản chất của tài sản ảo, tiền điện tử, tiền ảo ở Việt Nam; xác định rõ vị trí, trách nhiệm, vai trò của cơ quan quản lý nhà nước, chủ trì xây dựng, đề xuất các nhiệm vụ, công việc cụ thể và những định hướng để xây dựng, hoàn thiện pháp luật về tài sản ảo, tiền điện tử, tiền ảo nhằm đảm bảo tương ứng với các rủi ro liên quan để kiểm soát, giảm thiểu các rủi ro này;
Theo đó, Thủ tướng chính phủ đã phân công trách nhiệm cho Bộ Tư pháp tiến hành rà soát toàn diện hệ thống pháp luật Việt Nam và các văn bản hướng dẫn thi hành các Luật, Pháp lệnh này về các vấn đề liên quan đến tài sản ảo, tiền ảo. Khảo sát, tập hợp các vướng mắc, bất cập trong thực tiễn đối với các vấn đề liên quan đến tài sản ảo, tiền ảo.
Đáng chú ý, đề án nhấn mạnh việc khảo sát, học tập kinh nghiệm quản lý tiền ảo của Mỹ, EU, Nhật Bản…Tổ chức các hội thảo, tọa đàm với các chuyên gia trong nước, quốc tế để nhận diện, làm rõ vai trò của tài sản ảo, tiền ảo. Trong tháng 8/2018 hoàn thành báo cáo, đánh giá và đề xuất các định hướng hoàn thiện trình thủ tướng Chính phủ.
Bộ Tư pháp chủ trì nghiên cứu, lập đề nghị xây dựng văn bản quy phạm pháp luật về tài sản ảo, tiền ảo; nghiên cứu, lập đề nghị xây dựng luật (các luật) sửa đổi, bổ sung các luật có liên quan đến tài sản ảo, tiền ảo.
Bên cạnh đó, Thủ tướng giao cho Bộ Tư pháp phối hợp cùng một số cơ quan liên quan trong tháng 9 năm 2019 hoàn thành nghiên cứu, đề xuất biện pháp phòng, chống, xử lý các vi phạm hành chính liên quan đến tài sản ảo, tiền ảo. Đến tháng 12/2020, hoàn thành nghiên cứu, lập đề xuất sửa đổi, bổ sung các luật, pháp lệnh nhằm hoàn thiện khung pháp lý quản lý, xử lý tài sản ảo, tiền ảo.
Đan Thanh
(Giới thiệu)