Sân bay tư nhân đầu tiên tại Việt Nam sẽ được quản lý, vận hành thế nào?
Ngày đăng : 10:40, 11/07/2017
Nhiều hãng hàng không quan tâm đến sân bay Vân Đồn
CHK quốc tế Vân Đồn được xây dựng tại xã Đoàn Kết, huyện Vân Đồn, tỉnh Quảng Ninh. Theo quy hoạch được Bộ GTVT phê duyệt năm 2012, đây là CHK cấp 4E (theo mã chuẩn của Tổ chức Hàng không dân dụng quốc tế – ICAO); sân bay quân sự cấp II, có chức năng là CHK nội địa đón được các chuyến bay quốc tế.
Trong giai đoạn đến năm 2020, dự án sẽ xây dựng nhà ga hành khách 2 cao trình; công suất 2 triệu hành khách/năm; giai đoạn đến năm 2030, đầu tư mở rộng nhà ga hành khách công suất có thể đáp ứng 5 triệu hành khách/năm nếu có nhu cầu. Dự án có tổng mức đầu tư gần 7.500 tỷ đồng, trong đó chi phí xây dựng khu bay là 2.124 tỷ đồng.
Lãnh đạo Cục Hàng không Việt Nam (HKVN) cho biết, các cơ quan chức năng của Bộ GTVT đã và đang tăng cường hỗ trợ tỉnh Quảng Ninh và nhà đầu tư Sun Group chuẩn bị các điều kiện để đưa CHK quốc tế Vân Đồn vào khai thác đúng tiến độ. Cục đã thành lập Tổ hỗ trợ thực hiện các thủ tục cấp phép, đưa CHK quốc tế Vân Đồn vào khai thác. Tổ hỗ trợ do một Phó cục trưởng là Tổ trưởng, thường xuyên bố trí cán bộ bám sát địa bàn, kịp thời tháo gỡ vướng mắc, khó khăn, hỗ trợ tích cực thúc đẩy dự án.
Vấn đề an ninh, an toàn cho hành khách luôn phải được đặt lên hàng đầu.
Theo dự kiến, các đường bay được khai thác đầu tiên ngay sau thời điểm mở cửa CHK (31-3-2018) sẽ là các đường bay kết nối Quảng Ninh với khu vực phía Nam. Cụ thể, 3 hãng hàng không Vietnam Airlines, Jetstar Pacific Airlines và Vietjet Air sẽ đồng thời khai trương các đường bay TP Hồ Chí Minh – Vân Đồn (3 – 4 chuyến/ngày) và Nha Trang, Đà Nẵng – Vân Đồn (1 chuyến/ngày). 3 hãng nội địa này và các hãng hàng không Trung Quốc cũng sẽ mở mới các đường bay giữa Vân Đồn và Quảng Châu, Tứ Xuyên, Trùng Khánh, Hàng Châu…
Trong khoảng thời gian tiếp theo đó, dự kiến từ tháng 9-10 năm 2018, các đường bay nối Seoul (Hàn Quốc), Macao và các điểm từ Trung Quốc đến Vân Đồn sẽ tiếp tục được khai trương. Các đường bay quốc tế đến Singapore, Thái Lan… sẽ được nghiên cứu sau đó. Dự kiến trong 1 năm đầu, tần suất khai thác đi/đến của CHK quốc tế Vân Đồn sẽ đạt khoảng 6-9 chuyến/ngày/chiều bằng loại máy bay A320/A321 với lượng khách thông qua ước đạt 400 – 500 nghìn khách.
Được biết, việc phát động thị trường, mở các tuyến bay đi/đến CHK quốc tế Vân Đồn sẽ sớm được khởi động và hoàn tất trước tháng 9-2017 để có thể tiến hành mở các tuyến bay đi/đến trong khoảng thời gian từ 10-2017 đến 3-2018.
Ai sẽ quản lý an ninh sân bay tư nhân?
Phó Cục trưởng Cục HKVN Võ Huy Cường cho biết: Cục HKVN đã có hướng dẫn chủ đầu tư và các cơ quan, đơn vị liên quan triển khai công tác chuẩn bị bảo đảm ANHK, khai thác CHK với nguyên tắc: Tuân thủ quy định của pháp luật, phù hợp chiến lược kết hợp kinh tế với an ninh quốc phòng, chủ trương đẩy mạnh cổ phần hóa, xã hội hóa đầu tư kết cấu hạ tầng hàng không; bảo đảm tạo điều kiện thuận lợi nhất cho các nhà đầu tư đồng thời phù hợp với tiêu chuẩn, thông lệ quốc tế.
Được biết, để triển khai lực lượng ANHK tại Vân Đồn, Cục HKVN đã đề xuất 2 phương án. Phương án 1, sẽ giao cho ACV chịu trách nhiệm tổ chức lực lượng kiểm soát ANHK để đảm bảo an ninh và cung cấp dịch vụ ANHK tại đây. ACV sẽ chịu trách nhiệm và chỉ đạo cơ quan, đơn vị liên quan chuẩn bị phương tiện, một số trang thiết bị…, nhân viên kiểm soát ANHK, đồng thời tổ chức đào tạo, huấn luyện cho nhân viên kiểm soát ANHK làm quen với trang thiết bị, quy trình để đảm bảo triển khai khi CHK Vân Đồn đưa vào khai thác.
Trong khi đó, phía chủ đầu tư Sun Group chịu trách nhiệm đầu tư, mua sắm, lắp đặt máy soi chiếu tia X, máy phát hiện chất nổ, cổng từ, camera giám sát ANHK và kết cấu hạ tầng đảm bảo ANHK theo quy định. Phương án 2, Cục HKVN đề xuất để Công ty cổ phần Đầu tư và Phát triển Vân Đồn (CHK Vân Đồn) sẽ tự tổ chức lực lượng kiểm soát ANHK. Đây là một đề xuất rất mới bởi hiện trên cả nước có 21/21 CHK do TCT Cảng hàng không Việt Nam (ACV) quản lý khai thác. Công tác đảm bảo ANHK tại 21 cảng này đều do ACV trực tiếp tổ chức lực lượng kiểm soát ANHK (bao gồm cả nhà ga hành khách quốc tế Đà Nẵng được xây dựng bằng nguồn vốn xã hội hoá).
Theo ông Cường, dù Cảng HKQT Vân Đồn được đầu tư bằng nguồn vốn tư nhân, theo hình thức BOT nhưng vẫn thuộc đối tượng quản lý của pháp luật về giá dịch vụ chuyên ngành hàng không. Bộ GTVT thực hiện quyền định giá đối với một số dịch vụ chuyên ngành hàng không theo quy định của Luật Hàng không dân dụng. Mức giá dịch vụ được xác định trên cơ sở phương án tài chính của dự án đã được cơ quan có thẩm quyền phê duyệt và các điều khoản quy định trong hợp đồng BOT, đảm bảo thu hồi vốn đầu tư, phù hợp với chất lượng dịch vụ, tình hình thị trường.
Ông Cường lưu ý: Một số dịch vụ chuyên ngành hàng không do Bộ GTVT định giá (mức giá cụ thể hoặc khung giá) theo quy định của Luật Hàng không dân dụng gồm: Hạ/cất cánh máy bay; Điều hành bay đi/đến, Phục vụ hành khách; Đảm bảo an ninh; Sân đỗ máy bay… Các dịch vụ còn lại do doanh nghiệp tự định giá nhưng vẫn phải thực hiện kê khai giá với Cục HKVN.
Đặng Nhật/Báo cônng an nhân dân