Kết hợp kinh tế với quốc phòng – Nhiệm vụ chiến lược lâu dài: Chủ trương lớn vẫn nguyên giá trị
Ngày đăng : 10:35, 08/07/2017
Đại tướng PHẠM VĂN TRÀ, nguyên Ủy viên Bộ Chính trị, nguyên Bộ trưởng Bộ Quốc phòng: Đó là nhiệm vụ chính trị, không phải vì kinh tế đơn thuần
Tôi đồng tình với nội dung các bài viết về vấn đề kết hợp kinh tế với quốc phòng của Báo Quân đội nhân dân nêu lên gần đây. Cách đây ít lâu, khi thực hiện cuốn hồi ký “Đời chiến sĩ”, tôi cũng dành nhiều tâm sức tổng kết vấn đề này. Tôi cho rằng, kết hợp kinh tế-quốc phòng (KTQP) với các cơ sở công nghiệp quốc phòng là ngoài sản xuất hàng quốc phòng, cần phải sản xuất hàng tiêu dùng, phát huy tính năng lưỡng dụng của cơ sở. Với các đơn vị làm nhiệm vụ huấn luyện, sẵn sàng chiến đấu (SSCĐ) thì tăng gia sản xuất, cải thiện đời sống cho bộ đội và tăng cường thế trận hậu cần nhân dân. Lực lượng khoa học kỹ thuật của quân đội có thể kết hợp phục vụ sản xuất và đời sống nhân dân. Nếu thực hiện tốt, quân đội sẽ trở thành một trường học lớn của thế hệ trẻ.
Trong lịch sử, Quân đội ta cũng đã có những bài học thấm thía vào cuối thập niên 50, đầu thập niên 60 của thế kỷ trước. Miền Bắc hòa bình, quân đội cho chuyển ngành hàng loạt công nhân quân giới, vì vậy khi chiến tranh xảy ra, các nhà máy quân giới thiếu nhân lực trầm trọng. Để tránh đi vào “vết xe” cũ, chúng ta phải “kết hợp” sao cho thật tốt, để không bị động, không suy giảm sức mạnh bảo vệ Tổ quốc.
Một vấn đề tôi hết sức tâm đắc là xây dựng các khu KTQP. Có một điều trái ngược giữa ta với một số nước láng giềng là ở ta, dọc theo biên giới dân cư rất thưa thớt. Trong khi đó ở Thái Lan, Ma-lai-xi-a… dọc đường biên rất đông đúc, sầm uất. Tôi cho rằng, phải đưa dân ra sát đường biên. Lực lượng bảo vệ mốc chủ quyền vững chắc nhất, không ai khác là nhân dân. Nước ta có hơn 4.500km đường biên, địa hình chủ yếu là núi non hiểm trở. Phải biến những “vùng rừng không dân” nơi biên cương Tổ quốc thành những vùng KTQP, những nông, lâm trường ở những địa bàn chiến lược, vùng sâu, vùng xa, làm nền tảng cho thế trận quốc phòng-an ninh.
Từ năm 2000, Bộ Quốc phòng đã phối hợp với các địa phương xây dựng đề án trình Chính phủ cho phép xây dựng 12 khu KTQP. Sau đó, do những tình hình ở một số khu vực biên giới, đặc biệt là vụ gây rối đầu năm 2001 tại Tây Nguyên, mà ở đó, Binh đoàn 15 với khu KTQP trải dài trên ba tỉnh đã góp phần quan trọng ổn định tình hình, Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định mở rộng thêm một số khu KTQP, đến nay đã có 28/33 khu KTQP được triển khai, tạo nên thế trận vững chắc nơi phên giậu biên cương của Tổ quốc.
Hiện nay, việc sắp xếp lại các doanh nghiệp quân đội (DNQĐ) đang theo hướng đi đúng đắn. Các doanh nghiệp xây dựng thì cổ phần hóa, quân đội cũng không tham gia buôn bán, thương mại. Các đơn vị kinh tế cũng không được dùng xe biển số đỏ, vừa rồi Bộ Quốc phòng đã triển khai rất quyết liệt, nhanh chóng. Các đơn vị tham gia sản xuất kinh tế đều phải tuân thủ pháp luật bình đẳng và cạnh tranh lành mạnh.
Về lâu dài, quan điểm, chủ trương quân đội tham gia sản xuất, xây dựng kinh tế kết hợp với quốc phòng vẫn còn nguyên giá trị kể cả khi đất nước phát triển. Bởi vì những nơi vùng sâu vùng xa, biên giới khó khăn vẫn cần các đơn vị quân đội và những lĩnh vực phát huy tốt tính chất lưỡng dụng thì hiệu quả KTQP càng cao.
Nguyễn Minh (ghi)
Tiến sĩ Kinh tế Võ Trí Hảo, Phó trưởng khoa Luật, Trường Đại học Kinh tế TP Hồ Chí Minh: Cơ cấu lại hoạt động kinh tế của quân đội
Tôi đánh giá cao việc Bộ Quốc phòng chủ trương rút gọn các đơn vị kinh tế, cải cách một cách cơ bản để trình Chính phủ như Báo Quân đội nhân dân đề cập. Đây là chủ trương, bước đi phù hợp với thực tiễn xây dựng quân đội trong thời kỳ mới, hướng đến chính quy, hiện đại. Việc rút gọn các đơn vị kinh tế cũng giúp cho việc quản lý cũng như giám sát, tăng cao hiệu quả hoạt động của các DNQĐ được chặt chẽ, vận hành theo cơ chế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa (XHCN). Có ý kiến cho rằng, quân đội phải ngưng làm kinh tế ngay. Lập luận như vậy chưa đúng và phiến diện. Nhìn ở góc độ tổng thể và chiến lược xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, trong đó quân đội giữ vai trò nòng cốt và nhìn từ quá trình lịch sử hai cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp và chống Mỹ, cứu nước, quân đội đã luôn thể hiện sự tự lực, tự cường, tích cực tăng gia sản xuất, xây dựng kinh tế để bổ trợ cho nhiệm vụ SSCĐ và chiến đấu.
TS Võ Trí Hảo
Với thực tiễn hiện nay, khi kinh tế phát triển, đất nước hòa bình, ổn định và việc sắp xếp, cơ cấu và rút gọn hoạt động kinh tế theo hướng hiệu quả là tất yếu, nhưng không vì thế mà phải ngưng hoàn toàn các hoạt động kết hợp kinh tế với quốc phòng. Hiện nay, ở nhiều địa bàn biên giới, hải đảo, các đơn vị kinh tế của quân đội đang phát huy được những lợi ích hiệu quả cao, huy động được nguồn lực và trên thực tế không gây chèn ép lên hoạt động kinh tế dân doanh, thực hiện rất hiệu quả trong việc kinh tế kết hợp với quốc phòng. Vì thế, việc sắp xếp các DNQĐ cần hướng đến nâng cao hiệu quả hoạt động sản xuất, kinh doanh, đầu tư có chiều sâu vào công nghệ và nâng cao hiệu quả quản trị, thực hiện nhiệm vụ kinh tế kết hợp với quốc phòng bền vững. Còn đối với những đơn vị quân đội sau khi Bộ quốc phòng cơ cấu giảm thì cần chuyển đổi thành đơn vị kinh tế thuộc Nhà nước quản lý. Tôi tin tưởng rằng, với việc tái cơ cấu mạnh mẽ, đề án Bộ Quốc phòng đang trình Chính phủ sẽ giúp cho quân đội thực hiện tốt chủ trương kết hợp kinh tế với quốc phòng.
Đặng Trung Kiên (ghi)
Ông LÙ VĂN THANH, Chủ tịch UBND huyện Mường Nhé (tỉnh Điện Biên):Có đến các vùng biên giới mới hiểu
Địa bàn huyện vùng cao biên giới Mường Nhé chúng tôi là nơi đặc biệt khó khăn không chỉ do địa hình xa xôi, hiểm trở mà còn bởi tình hình phức tạp của nạn di cư tự do và truyền đạo trái phép. Nhiều năm qua, cùng với nỗ lực của cả hệ thống chính trị và đồng bào các dân tộc, phải khẳng định vai trò vô cùng to lớn của Đoàn KTQP 379 (Quân khu 2). Đơn vị đã không chỉ tích cực tham mưu, giúp đỡ cấp ủy, chính quyền địa phương xây dựng thế trận quốc phòng toàn dân, bảo đảm an ninh chính trị mà còn góp phần đáng kể trong thay đổi nhận thức, tình hình kinh tế-xã hội tại địa phương. Từ khi chia tách khỏi huyện Mường Tè năm 2003, nhiều xã của huyện Mường Nhé không có đường giao thông, cơ bản là đi bộ, nếu không có nguồn lực của quân đội, công sức của Đoàn KTQP 379 thì nhiều nơi khó có thể phát triển kinh tế-xã hội được. Từ các dự án làm đường, công trình thủy lợi, chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi, trồng rừng, phát triển cây cao su đến xóa mù chữ, chống tái trồng cây thuốc phiện, khám, chữa bệnh… đều có mồ hôi, nước mắt của bộ đội trong đó. Đặc biệt đối với Đề án 79/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ về sắp xếp, ổn định dân cư, phát triển kinh tế-xã hội, bảo đảm quốc phòng-an ninh trên địa bàn huyện Mường Nhé.
Đồng chí Lù Văn Thanh
Hiện nay, huyện Mường Nhé vẫn đang có 4 đội sản xuất của Đoàn KTQP 379 đang công tác tại các xã: Sín Thầu, Chung Chải, Mường Nhé, Quảng Lâm. Có đến các vùng biên như nơi đây thì mới hiểu được việc khẳng định kết hợp kinh tế với quốc phòng là nhiệm vụ chiến lược lâu dài đúng như Báo Quân đội nhân dân đề cập.
Trường Giang (ghi)
Ông NGUYỄN VĂN QUÂN, Phó bí thư Đảng ủy xã Song Thuận (huyện Châu Thành, tỉnh Tiền Giang):Cần lắm bộ đội tham gia phát triển kinh tế vùng sâu, vùng xa
Đúng như Báo Quân đội nhân dân đề cập, bộ đội tham gia sản xuất, phát triển kinh tế gắn với thực hiện nhiệm vụ quốc phòng-an ninh là một trong ba chức năng, nhiệm vụ của quân đội do Bác Hồ sáng lập, rèn luyện. Văn kiện Đại hội Đảng qua hàng chục năm cũng đều khẳng định chủ trương lớn này. Để thực hiện nhiệm vụ chiến lược này, việc quân đội tham gia trên mặt trận sản xuất là lẽ đương nhiên.
Ông Nguyễn Văn Quân
Trong thời bình nên phát huy vị trí, vai trò của các đơn vị bộ đội để khai phá các vùng còn hoang hóa, dân không đủ sức làm hay những vùng sâu, vùng xa còn nghèo khó. Ở những nơi ấy, bộ đội đã thực sự trở thành “bà đỡ” để nhân dân xây dựng, phát triển kinh tế-xã hội, tăng cường tiềm lực quân sự, quốc phòng địa phương. Trước đây vùng Đồng Tháp Mười cũng phần lớn là do bộ đội vào khai phá, khơi thông lấy nước ngọt phục vụ nhân dân. Bây giờ cũng nên phát huy tinh thần đó.
Thúy An (ghi)/Theo QĐND