Quân đội các nước làm kinh tế như thế nào
Ngày đăng : 10:19, 08/07/2017
Nhiều nước trên thế giới từng cho phép quân đội tham gia kinh tế, như Trung Quốc, Indonesia, Pakistan, Ecuador, Honduras hay Peru. Trong đó, tạp chí quân sự Jane’s Defence Weekly đánh giá nổi bật nhất và đi tiên phong chính là Trung Quốc.
Quân đội Trung Quốc tham gia hoạt động kinh tế rất sớm. Ảnh: Reuters
Trong cuốn sách có tên Soldiers of Fortune, được LA Times trích đăng, hoạt động kinh doanh của quân đội Trung Quốc đã có từ khá sớm. Từ năm 1927 đến 1950, quân đội đã được cho phép tự cung cấp tài chính bằng cách điều hành các nhà máy và trang trại. Việc này tiếp tục kéo dài trong thời kỳ Chủ tịch Trung Quốc Mao Trạch Đông.
Cho đến đầu thập niên 80, ông Đặng Tiểu Bình quyết định tập trung vào hiện đại hóa kinh tế và kiểm soát chặt chi tiêu quốc phòng. Năm 1984, ông này nói với các tướng lĩnh quân đội rằng họ nên sử dụng tài nguyên và cơ sở vật chất của quân đội để tăng sản xuất phục vụ dân sinh. Lệnh này đã mở cửa hoạt động cho quân đội. Chỉ trong vài năm, họ đã kinh doanh mọi thứ, từ giày dép, viễn thông, dược phẩm, môi giới chứng khoán đến tên lửa.
14 năm sau đó, quân đội Trung Quốc đã phát triển được một đế chế kinh doanh toàn cầu. Economist dẫn thông tin từ giới truyền thông Trung Quốc cho biết thời đó, đế chế này trị giá 50 tỷ NDT (6 tỷ USD) với lợi nhuận hằng năm khoảng 600 triệu USD. Tổng số doanh nghiệp quân đội vào khoảng 20.000 trên cả nước.
Tuy vậy, đến năm 1998, Chủ tịch Trung Quốc Giang Trạch Dân lại nhìn nhận việc này theo góc độ khác. Ông này cho rằng việc các cơ quan nhà nước tham gia quá sâu vào kinh doanh chính là rào cản với cải tổ và quản lý. Các nỗ lực ban đầu nhằm vạch ra ranh giới giữa hoạt động kiếm tiền của quân đội và chức năng chính của họ đều không thành công. Tệ hơn nữa, các cuộc điều tra buôn lậu và phạm pháp trong kinh doanh cho thấy, có sự tham gia quy mô lớn của quân đội, đặc biệt tại các khu kinh tế tự do ven biển như Thâm Quyến hay Sán Đầu. Vì thế, ông Giang quyết định phải thật mạnh tay và ra lệnh tất cả lực lượng vũ trang phải rút khỏi việc kinh doanh ngay trong năm 1998.
Dù vậy, Xinhua trích lời Jiang Luming – Giáo sư Đại học Công nghệ Quốc phòng Trung Quốc cho biết quân đội vẫn được dùng tài nguyên dư thừa để cung cấp dịch vụ cho người dân tại 15 lĩnh vực, do ngành dịch vụ của Trung Quốc khi đó còn yếu. Những dịch vụ này đã giúp phát triển kinh tế trong nước, tạo sự tiện lợi cho người dân và bù đắp thiếu hụt trong chi tiêu quốc phòng. Tuy nhiên, những năm gần đây, khi kinh tế thị trường phát triển và hoạt động kinh doanh còn nhiều kẽ hở, ngày càng nhiều vụ tham nhũng có sự tham gia của quân đội xuất hiện.
Jiang lý giải nguyên tắc kinh doanh không phù hợp với tinh thần cống hiến của quân đội. Bên cạnh đó, nó cũng khiến quân nhân xao nhãng tập luyện và tài nguyên quân đội suy giảm.
Tháng 11 năm ngoái, Bộ Quốc phòng Trung Quốc tuyên bố các hoạt động không thiết yếu như bệnh viện và khách sạn quân đội phục vụ dân chúng sẽ bị dừng hoạt động. Tháng 5 năm nay, Quân ủy Trung ương Trung Quốc cũng thông báo sẽ chấm dứt mọi hoạt động kinh tế của quân đội, để tập trung vào việc bảo vệ đất nước. Việc này sẽ được chia làm 2 giai đoạn, hoàn thành cuối tháng 6 này và cuối tháng 6/2018.
Tại Indonesia, quân đội tham gia làm kinh doanh từ thập niên 40, khi nước này còn đấu tranh giành độc lập từ Hà Lan. Mỗi đơn vị trong quân đội Indonesia khi đó phải tự tìm nguồn tài chính cho mình và mọi cách làm đều được chấp nhận.
Quân đội Indonesia đã bị cấm làm kinh tế từ năm 2004. Ảnh: Reuters
Dưới thời Tổng thống Suharto, các doanh nghiệp này đã trở thành những cỗ máy kiếm tiền. Nguồn thu từ các hoạt động trồng trọt, khai thác gỗ, khách sạn và bất động sản đã giúp quân đội độc lập đáng kể so với chính phủ. Dù quân đội Indonesia chịu nhiều tai tiếng vì bị cáo buộc tham gia hoạt động khai thác gỗ và săn bắn bất hợp pháp, họ vẫn phải dựa vào lợi nhuận từ kinh doanh, do ngân sách chính phủ chỉ đáp ứng 30% nhu cầu vào thời điểm năm 2005, Reuters cho biết.
Đầu thế kỷ 21, khi kinh tế Indonesia dần tự do hóa và các công ty quân đội cũng mất thế độc quyền, hoạt động của họ bắt đầu xuống dốc. Sau khi lên nắm quyền năm 2004, ông Susilo Bambang Yudhoyono đã cam kết đẩy lùi tham nhũng. Quyền lực của quân đội nước này cũng suy giảm dần. Năm 2004, Indonesia ra lệnh cấm quân đội tham gia hoạt động kinh tế. Việc này dự kiến hoàn thành trong 5 năm.
Một nghiên cứu của Brookings Institution cho thấy đến năm 2006, tổng doanh thu các công ty quân đội của Indonesia chỉ còn vào khoảng 185 triệu USD, với lợi nhuận gần 73 triệu USD. Đến năm 2008, Bộ trưởng Quốc Phòng Indonesia khi đó – ông Juwono Sudarsono cho biết họ có khoảng 1.500 công ty quân đội. Tuy nhiên, phần lớn đã phá sản, sắp đóng cửa hoặc bị tư nhân mua lại. Chỉ còn 6 công ty có tài sản trên 50.000 USD.
Trong khi đó, tại Pakistan, sức mạnh kinh tế của quân đội nước này thể hiện rất rõ tại mọi con phố. Từ các cửa hàng bánh, ngân hàng, công ty bảo hiểm đến trường đại học, quân đội đều có thể sở hữu.
Quân đội Pakistan tham gia kinh tế từ thập niên 50 và đã gây dựng được một hệ thống khá vững chắc. Nhiều chuyên gia ước tính họ đóng góp khoảng 10% nền kinh tế nước này, tương đương hàng chục tỷ USD với hàng nghìn công ty. Tại Pakistan, quân đội tham gia vào cả 3 lĩnh vực – nông nghiệp, công nghiệp, dịch vụ và điều hành qua 3 cấp độ – công ty, chi nhánh, cá nhân.
Trong một cuốn sách nghiên cứu về quân đội Pakistan, xuất bản năm 2007, tác giả Ayesha Siddiqa ước tính quân đội kiểm soát khoảng một phần ba ngành công nghiệp nặng và có khoảng 20 tỷ USD tài sản.
Siddiqa cho biết quân nhân về hưu thường tham gia vào hoạt động kinh doanh của quân đội. Theo số liệu của chính phủ nước này năm 2008, các quỹ phúc lợi cho quân nhân về hưu đã đầu tư khoảng 10 tỷ USD vào các dự án thương mại, từ khai thác dầu khí đến dịch vụ an ninh và tuyển dụng.
Dù vậy, cũng như các nước khác, sự tham gia vào kinh tế của quân đội Pakistan vẫn gây ra nhiều tranh cãi, từ việc lạm dụng quyền lực, lãng phí tài nguyên đến khó tập trung vào việc chính. Năm ngoái, họ bị điều tra về cáo buộc tham nhũng với các khoản đầu tư bất động sản. Vì việc này, Bộ trưởng Quốc phòng Khwaja Asif đã phải nộp lên quốc hội danh sách gần 50 dự án mà các đơn vị quân đội đang nắm giữ, Guardian cho biết. Một số quan chức quân đội bị bắt giữ để điều tra.
Theo Hà Thu/Vn.express