Thứ trưởng Bộ GTVT đối thoại trực tiếp với gần 200 DN vận tải

Ngày đăng : 08:10, 01/03/2017

(Kiemsat.vn) - Chiều 01/3, Thứ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Hồng Trường; Phó Chủ tịch UBND TP Hà Nội Nguyễn Thế Hùng và lãnh đạo Sở GTVT Hà Nội cùng các cơ quan ban ngành liên quan đã đối thoại với các DN vận tải thuộc diện điều chuyển luồng tuyến trong thời gian vừa qua.

Một trong những chủ trương lớn của UBND TP Hà Nội và có ý nghĩa lớn đối với sự phát triển của đất nước là việc giải quyết ùn tắc giao thông. Đây cũng là vấn đề trọng tâm của Bộ GTVT và UBND TP Hà Nội là phải tập trung giải quyết, đồng thời triển khai đồng bộ 06 nhóm giải pháp gồm: Đầu tư nâng cao năng lực kết cấu hạ tầng giao thông; tổ chức giao thông hợp lý, khoa học nhất để khai thác kinh doanh vận tải có hệ thống; đáp ứng nhu cầu đi lại của người dân; hạn chế các phương tiện giao thông cá nhân; nâng cao ý thức người tham gia giao thông; xử lý các vi phạm tham gia giao thông và phương án giảm ùn tắc đường Vành đai 3 là một trong những 03 phưng án phải thực hiện trong quy hoạch.

Theo Quyết định 2288/QĐ-BGTVT thì việc điều chỉnh, bổ sung luồng tuyến vận tải liên tỉnh sẽ được thực hiện 06 tháng/lần, vào các thời điểm 31/06 và 31/12, do đó thời điểm điều chuyển luồng tuyến vừa qua là hoàn toàn phù hợp với quy định.

Toàn cảnh Thứ trưởng Bộ GTVT đối thoại trực tiếp với gần 200 DN vận tải.
Toàn cảnh Thứ trưởng Bộ GTVT đối thoại trực tiếp với gần 200 DN vận tải.

Tại buổi đối thoại, ông Nguyễn Sơn La – Giám đốc Cty TNHH Mạnh La đã phản ánh: “Gần 60 ngày qua sau khi phân luồng ở bến xe nước Ngầm thì các xe của doanh nghiệp không có khách đi còn ở bến xe Mỹ Đình, vào những ngày lễ, tết thì quá tải” nên DN Mạnh La khẳng định lỗ vốn, dễ dẫn đến nguy cơ phá sản.

Theo ông Nguyễn Văn Thạc – Chủ tịch Hiệp hội vận tải Nam Định: “Việc điều chuyển trong 02 tháng vừa qua đã gây thiệt hại lớn về kinh tế, các DN thua lỗ và có nguy cơ phá sản do việc điều chuyển tuyến gây ra. Thậm chí, từ việc điều chuyển này đã xuất hiện nhiều dạng xe Limousine 9 chỗ ngồi, 16 chỗ ngồi hoạt động dưới dạng hợp đồng”. Ông cho rằng điều này không công tâm, ông kiến nghị: “Sở GTVT xem xét lại quy hoạch luồng tuyến sao cho phù hợp với vận tải, kinh doanh khai thác của các doanh nghệp. Đồng thời có biện pháp xử lý triệt để vấn đề xe hợp đồng. Trường hợp vẫn giữ nguyên việc điều chuyển thì đề nghị xem xét và có biện pháp cân bằng giữa các phương tiện đang hoạt động ở bến xe Giáp Bát có cùng tuyến với các phương tiện mới”.

Một doanh nghiệp vận tải nêu quan điểm tại cuộc đối thoại.
Một doanh nghiệp vận tải nêu quan điểm tại cuộc đối thoại.

Ông Trần Quảng – GĐ Cty TNHH Hà Sơn Hải (Thanh Hoá) thì cho rằng: “với lý do nguyên nhân tắc đường do các xe khách tuyến cố định mà Sở GTVT Hà Nội đưa ra là không có căn cứ, không có cơ sở khoa học”…

Giải đáp khó khăn mà DN gặp phải tại buổi đối thoại, ông Vũ Văn Viện – Giám đốc Sở GTVT Hà Nội đã chỉ ra 05 nguyên nhân khiến các DN vận tải vắng khách do: Chưa quen tuyến; chưa thuận tiện do chưa có xe buýt kết nối; trùng lộ trình một số tuyến giữa Giáp Bát với Nước Ngầm. Vì vậy, để hỗ trợ các DN, Sở GTVT và UBND TP Hà Nội sẽ triển khai 02 bến xe mới là di chuyển bến Gia Lâm về bến xe Cổ Bi mới và bến xe Giáp Bát di chuyển ra khỏi vành đai 3; nghiên cứu sắp xếp 01 tuyến xe đi 01 tỉnh tại 01 bến xe…

Mặc dù thời gian đầu, việc điều chuyển sẽ gặp nhiều khó khăn vì phải thay đổi phương thức sản xuất kinh doanh, khó khăn trong đi lại nhưng Sở GTVT Hà Nội sẽ cùng các DN giải quyết từng bước các vướng mắc. Đồng thời, tiếp tục khảo sát để kết nối các tuyến xe buýt thông suốt các bến trên địa bàn TP và xem xét việc mở tuyến xe buýt đặc thù để vận chuyển hàng hoá trên xe. Dự kiến đến năm 2020, bến xe Thanh Trì hoàn thiện sẽ tiếp tục điều chỉnh cho phù hợp.

Ông Vũ Văn Viện - Giám đốc Sở GTVT Hà Nội đã chỉ ra 05 nguyên nhân khiến các DN vận tải vắng khách.
Ông Vũ Văn Viện – Giám đốc Sở GTVT Hà Nội đã chỉ ra 05 nguyên nhân khiến các DN vận tải vắng khách

Tiếp nhận những ý kiến, tâm tư nguyện vọng của các DN vận tải, Thứ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Hồng Trường khẳng định: “Bộ GTVT và UBND TP Hà Nội rất chia sẻ với những khó khăn của DN, chúng tôi rất tôn trọng ý kiến của DN, và sẽ tiếp thu để từ đó có những điều chỉnh phù hợp, tôi xin hứa tất cả những ý kiến này sẽ được trả lời đầy đủ sau khi báo cáo Thủ tướng vào ngày 10/03 tới”.

Thứ trưởng khẳng định: “Việc điều chuyển luồng tuyến đặc biệt là ở bến xe Mỹ Đình là cần thiết, bởi bến xe này đã quá tải so với hiện tại, quá chật so với yêu cầu thực tế trong những năm vừa qua, lỗi đầu tiên là do quy hoạch chậm so với sự phát triển của đất nước, quy hoạch thiếu tầm nhìn dẫn đến quá tải, tiêu cực như cò mồi, móc túi, ăn trộm, thậm chí là bức tử hành khách chèn ép lên xe dẫn đến những bức xúc của nhân dân. Thủ tướng Chính phủ đã chỉ đạo phải xử lý nhanh việc điều chuyển để hạn chế tối đa tình trạng ùn ứ tại các bến xe, đặc biệt là bến xe Mỹ Đình”.

Thứ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Hồng Trường rất chia sẻ những khó khăn cùng DN.
Thứ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Hồng Trường rất chia sẻ những khó khăn cùng DN.

Phương án điều chuyển các luồng tuyến xe từ bến xe Mỹ Đình sang bến Nước Ngầm và Giáp Bát nhằm giảm tải và tránh ùn tắc giao thông cho TP Hà Nội và các tuyến đường ven thành phố, đã trình và được Bộ Giao thông Vận tải chấp thuận.

Theo đó, từ ngày 02/01/2017, các tuyến xe sẽ được điều chuyển gồm: những tuyến đi Đăk Lăk, Gia Lai, Hà Tĩnh, Nam Định, Nghệ An, Thái Bình, Thanh Hóa, Ninh Bình đang hoạt động tại bến xe Mỹ Đình, Gia Lâm, Yên Nghĩa, Sơn Tây, Trôi, Phùng sẽ chuyển về bến Nước Ngầm; các tuyến xe đi Bắc Giang, Lạng Sơn đang hoạt động tại bến Yên Nghĩa, Nước Ngầm, Sơn Tây, chuyển về bến xe Gia Lâm.

Loan Bảo – Trần Tùng

Xem thêm>>>

Xác định mức thu lệ phí trước bạ đối với ôtô, xe máy
Tại sao hoạt động vận tải của Cty Uber không được Bộ GTVT “đồng ý”!?
Quy định mới về lệ phí cấp thẻ căn cước công dân