Mưa lũ lịch sử, miền Bắc thiệt hại nặng nề về người và tài sản
Ngày đăng : 10:48, 13/10/2017
62 người chết và mất tích trong mưa lũ
Do ảnh hưởng của áp thấp nhiệt đới và không khí lạnh, những ngày qua, tại một số tỉnh miền núi phía Bắc và Bắc Trung Bộ đã có mưa lớn, diện rộng, kéo dài, gây sạt lở đất, lũ lụt làm nhiều người chết và mất tích, thiệt hại nặng nề về tài sản, cơ sở hạ tầng của Nhân dân và Nhà nước tại một số địa phương, đặc biệt là tại các tỉnh: Hoà Bình, Sơn La, Yên Bái, Thanh Hoá và Nghệ An, gây thiệt hại nặng nề về người và tài sản.
Dòng lũ như muốn nuốt chửng thị trấn Nghĩa Lộ (Ảnh Tùng Duy – báo Tiền Phong)
Thiệt hại về người: Người chết: 37 người (Sơn La: 05 người, Yên Bái: 04 người, Hòa Bình: 11 người, Thanh Hóa: 08 người, Nghệ An: 08 người, Hà Nội 01 người). Người mất tích: 40 người (Sơn La: 03 người, Yên Bái: 11 người, Hòa Bình: 21 người, Thanh Hóa: 04 người, Quảng Trị: 01 người). Người bị thương: 21 người (Sơn La: 03 người, Yên Bái: 07 người, Thái Bình: 06 người, Hòa Bình: 02 người, Thanh Hóa: 03 người).
Thiệt hại về nông nghiệp: Lúa bị ngập, thiệt hại: 8.071 ha; Ngô, hoa màu, rau màu bị ngập, thiệt hại: 30.390 ha; Cây trồng lâu năm, hàng năm và cây ăn quả tập trung: 897ha.
Thiệt hại về chăn nuôi:Gia súc bị chết, cuốn trôi: 1.166 con; Gia cầm bị chết, cuốn trôi: 39.865 con.
Thiệt hại về giao thông: Đường quốc lộ: sạt lở và ngập nhiều đoạn trên Quốc lộ 6, 21 đoạn đi qua tỉnh Hòa Bình, sạt lở 02 điểm tại Quốc lộ 217, 15 đoạn đi qua địa phận tỉnh Thanh Hóa, 02 điểm quốc lộ 32 qua Yên Bái, một số điểm quốc lộ 37, 43 qua Sơn La, và nhiều điểm tại các Quốc lộ 15A, 16, 48, 48B, 48D, 48E qua Nghệ An; ngập nhiều điểm tại các Quốc lộ 15A, 48B, 48E, có điểm ngập sâu 2-5m (Nghệ An). Đường tỉnh lộ, huyện lộ: Sạt lở nhiều điểm, ngập sâu từ 0,4 – 1,5m tại các tuyến đường thuộc tỉnh Yên Bái, Sơn La, Hòa Bình, Nghệ An gây ách tắc giao thông.
Sự cố hồ đập: tại Hòa Bình: Đập hồ Cháu Mè bị sạt mái hạ lưu (hồ có dung tích 400.000 m3); hiện địa phương đang xử lý. Tại Thanh Hóa: Hồ Ông Già (huyện tĩnh Gia) bị tràn qua đỉnh đập 10cm. Hiện nước đã rút về MNBT (ngưỡng tràn tự do); hồ an toàn. Mưa lớn đã làm vỡ 12m đập Cồ Bương (Cẩm Thủy) và sạt mái hồ Đập Cầu (Hà Trung), chiều dài sạt 60m. Hiện nay địa phương đang khắc phục sự cố trên. Tại Nghệ An: Đập Trại Gà, xã Nghi Văn, huyện Nghi Lộc (dung tích 100 nghìn m3) do mưa lớn tràn qua thân đập, đã mở rộng tràn 5m để xả lũ, đảm bảo an toàn đập. Tại Hà Tĩnh: Đập hồ chứa Cố Châu (dung tích 300 nghìn m3) tại xã Gia Hanh, huyện Can Lộc bị vỡ với với chiều dài 28m, sâu từ 3m¸3,5m, khối lượng ước tính khoảng 810 m3.
UBND các tỉnh đã phải di dời hàng chục ngàn hộ dân đến vị trí an toàn, nỗ lực khắc phục hậu quả thiên tai
Công điện khẩn của Thủ tướng
Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc vừa ký Công điện về việc tập trung khắc phục hậu quả mưa lũ tại các tỉnh Bắc Bộ và Bắc Trung Bộ.
Thủ tướng thị sát, chỉ đạo hộ đê tại Ninh Bình. Ảnh VGP
Thủ tướng đưa ra 10 yêu cầu với các tỉnh, bộ ngành tiếp tục huy động lực lượng, phương tiện tập trung tìm kiếm những người còn mất tích; chủ động di dời dân cư ra khỏi các khu vực nguy hiểm, nhất là các khu vực có nguy cơ xảy ra sạt lở đất để đảm bảo an toàn tính mạng cho người dân.
Tổ chức thăm hỏi, động viên các gia đình bị thiệt hại, đặc biệt là những hộ gia đình có người bị nạn; hỗ trợ cứu chữa người bị thương. Hỗ trợ mai táng người bị nạn và tổ chức chu đáo việc mai táng cho những người bị nạn không còn người thân thích; tổ chức cứu trợ khẩn cấp lương thực, nhu yếu phẩm, không để người dân bị đói; bố trí chỗ ở tạm cho các hộ bị mất nhà cửa hoặc phải di dời.
Bảo vệ hệ thống đê điều, hồ đập, nhất là các khu vực xung yếu; tiếp tục kiểm soát, hướng dẫn, hỗ trợ bảo đảm an toàn giao thông tại khu vực bị sạt lở, ngập sâu; huy động lực lượng hỗ trợ nhân dân sửa chữa nhà cửa, vệ sinh môi trường sau lũ; khôi phục các công trình hạ tầng bị hư hỏng, đặc biệt là công trình y tế, giáo dục, giao thông, thủy lợi, hệ thống điện để bảo đảm sản xuất và sinh hoạt của Nhân dân.
Sơn Tùng