Thứ trưởng Bộ VHTTDL Vương Duy Biên: “Làm nghệ thuật phải xuất phát từ trái tim…”
Ngày đăng : 07:30, 19/09/2017
Với phong cách bình dị nhưng vẫn mang nét đương đại, nhà điêu khắc, họa sĩ, NSND Vương Duy Biên, Thứ trưởng Bộ VHTTDL cho người xem cách nhìn mới về nghệ thuật, một vẻ đẹp quá đỗi gần gũi mà tất cả chúng ta đều có thể thưởng thức.
Chủ đề trong tác phẩm của Vương Duy Biên không mới mẻ thậm chí rất bình dị, nhưng trong mỗi tác phẩm người xem có thể thấy rõ tính biểu diễn và nghệ thuật đan xen hài hòa, điều mà ít nghệ sĩ làm được.
Nhận lời trò chuyện về nghệ thuật, tôi được nghệ sĩ Vương Duy Biên mời đến tư gia. Điều khiến tôi cực kỳ ấn tượng là tư gia của ông không phải là một nơi xa hoa, tráng lệ mà là một nơi cực kỳ bình dị. Ông cười vang khi “khoe” về nơi này, nó là một cái xưởng làm nghệ thuật, là nơi “náu” mình mỗi dịp cuối tuần của ông. Xem tranh của ông cũng khá nhiều nhưng tôi chưa hình dung ra nơi sáng tác những bức tranh của một họa sĩ từng dự nhiều triển lãm tranh quốc tế lại “xoàng” như vậy.
Gặp ông tôi nhận ra nét bình dị ở con người ông có ảnh hưởng rất nhiều đến tác phẩm của ông. Ở tác phẩm là hình ảnh người nông dân, lấm lem, lam lũ, là con trâu ruộng lúa thanh bình thì ngoài đời, nghệ sĩ Vương Duy Biên cũng trút bỏ áo vest, cà vạt để trờ thành họa sĩ lem luốc với màu, với sơn, bụi bặm với đất sét, sơn mài. Ngồi trong vườn của ông, hít thở cũng thấy mùi đất sét, ngó quanh quẩn cũng bắt gặp tác phẩm. Càng trò chuyện với Vương Duy Biên, tôi lại càng thấy con người này rất thú vị.
Tìm hiểu về Vương Duy Biên, chắc không ít người bất ngờ khi ngoài công việc là một nhà quản lý văn hóa thì ông còn là một nhà điêu khắc, một họa sĩ tài ba từng có rất nhiều tranh tham gia triển lãm trong và ngoài nước. Cũng rất ít người biết rằng, tượng đài Trần Hưng Đạo đặt ở thành phố Nam Định, tác phẩm nổi tiếng được người trong giới cũng như các nhà sử học đánh giá là một trong những tượng đài danh nhân đẹp nhất nước ta hiện nay được chính tay Vương Duy Biên tạo dựng.
Để đạt được những thành tựu ấy, đó là sự nỗ lực không ngừng nghỉ của một người nghệ sĩ, của một nhà quản lý tài hoa. Vương Duy Biên cho biết bản thân ông có thiên hướng nghệ thuật ngay từ khi còn nhỏ bởi gia đình có truyền thống làm nghệ thuật. Có cụ nội là nhà hoạt động văn hóa Vương Duy Trinh, bố là nhà phê bình mỹ thuật Vương Như Chiêm – nguyên Giám đốc Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam, mẹ là nhà báo, nhà văn Lý Thị Trung – nguyên Tổng biên tập báo Phụ nữ Thủ đô.
Chính việc được sinh ra trong một môi trường đầy nghệ thuật mà Vương Duy Biên mới có những nền tảng quý giá cho những thành công sau này của mình. Ông cho biết, những ngày đầu khi mới ra trường, những định hướng về nghề nghiệp còn rất mông lung. Với một người nghệ sĩ trẻ như Vương Duy Biên lúc này, việc khẳng định được mình sớm là điều quan trọng và tiền đề cho những cố gắng trên con đường làm nghệ thuật. Và may mắn cũng mỉm cười với Vương Duy Biên khi lần đầu tiên ông tổ chức triển lãm tranh lụa cá nhân năm 1993 tại Hà Nội đã được đông đảo mọi người trong giới văn nghệ sĩ đón nhận, nhiều người đánh giá cao tranh của ông và tên tuổi chàng trai Vương Duy Biên bắt đầu được chú ý. Vương Duy Biên cho biết khi đó ông đã rất vui, tranh của ông được khá đông người mua, một số khách hàng từ nước ngoài họ ngỏ ý muốn mời ông sang nước ngoài làm triển lãm.
Thành công đến với Vương Duy Biên từ ngay triển lãm đầu tiên như một mốc son cho sự nghiệp nghệ thuật rực rỡ của nghệ sĩ. Một sự thành công tất yếu của một chàng trai ham học hỏi và luôn có khát vọng tuổi trẻ trong người. Lúc đó Vương Duy Biên biết con đường đi của mình là đúng hướng.
Liền sau đó là hàng loạt những triển lãm cá nhân chất lượng của Vương Duy Biên được tổ chức ở nước ngoài như: Ba Lan, Nhật Bản, Pháp, Đức, Trung Quốc… Tất cả các tác phẩm dự triển lãm đều được đánh giá cao từ chất lượng chuyên môn đến nội dung thể hiện.
Xem tranh Vương Duy Biên, tôi nhận ra tranh ông mang nét Á Đông, một chút gì đó chân chất mà mộc mạc. Hầu hết các tác phẩm của ông là hình ảnh đồng quê, ao nước, mùa màng, những người nông dân, những câu chuyện nhỏ mang hơi thở của cuộc sống đương đại.
Những tác phẩm của Vương Duy Biên không phải dạng hô hào, cổ động hay những triết lý cao siêu. Mà mỗi tác phẩm của Vương Duy Biên mang trong mình một câu chuyện nhỏ, một triết lý nhân sinh dễ thương mà vô cùng một tí.
Nghệ sĩ Vương Duy Biên chia sẻ: “Những tác phẩm của mình mang một chút gì đó dí dỏm, nho nhỏ, có một chút gì đó cho người ta ngẫm nghĩ chứ không chơi khối một cách đơn thuần”.
Quả thực vậy, khi xem những tác phẩm của Vương Duy Biên, đặc biệt là các tác phẩm điêu khắc, người ta càng thấy triết lý nhân sinh và thông điệp của tác giả lại càng rõ rệt. Vừa dẫn tôi đi lòng vòng ngắm “công xưởng” của mình, nghệ sĩ Vương Duy Biên chỉ vào một tác phẩm điêu khắc và cho biết ông đặt tên là “dễ hơn cưa bom”. Đọc được vẻ ngạc nhiên và khó hiểu của tôi, ông cắt nghĩa: “Mình thấy một số trẻ em ở vùng cao cưa bom vì thiếu nhận thức, đây là hình ảnh hai chú bé đang cưa một quả khế, công việc đơn giản, dễ dàng như vậy thì nên làm, tội gì mà phải đi cưa bom làm gì” – ông cười vang.
Không chỉ đơn thuần là dí dỏm, hài hước mà các tác phẩm của nghệ sĩ Vương Duy Biên có đường nét và hình khối rõ ràng. Những ai tinh ý, khi quan sát các tác phẩm của Vương Duy Biên sẽ thấy, trong hội họa có điêu khắc, và trong điêu khắc có hội họa. Đặc biệt yếu tố trình diễn trong tác phẩm của Vương Duy Biên là “độc nhất vô nhị”. Điều này dễ hiểu khi bản thân ông có một thời gian rất dài gắn bó với rối nước. Vương Duy Biên làm công việc chuyên tạo hình và sáng tác con rối, vẽ phông cảnh và trang trí sân khấu diễn rối, rồi giữ chức Giám đốc Nhà hát múa rối Trung ương. Chính yếu tố nền tảng đó đã tạo nên nét mới trong những tác phẩm mặc dù đề tài đã trở nên quá quen thuộc.
Khi được hỏi về việc liệu ông có sợ các tác phẩm của mình bình dị quá sẽ khó trở nên nổi tiếng hay khó trở thành kiệt tác, Vương Duy Biên chỉ khẽ mỉm cười. Ông cho biết: “Người nghệ sĩ sáng tạo không vì nhu cầu của thị trường mà sáng tạo tác phẩm trước tiên bắt nguồn từ cảm xúc trái tim người nghệ sĩ, việc trở thành kiệt tác hay tác phẩm nổi tiếng là do hậu thế phán xét. Thực ra mà nói, các kiệt tác mà các vĩ nhân của chúng ta để lại không phải là tác phẩm đánh đố, thậm chí nó rất đời thường.”
Xen giữa những câu chuyện về nghệ thuật, Vương Duy Biên dẫn tôi xuống một căn hầm, ông cho biết cuối tháng 10 sẽ tổ chức một triển lãm cá nhân tại tư gia, căn hầm này được ông cải tạo và sẽ trở thành một sân khấu nhỏ, một nơi trình diễn nghệ thuật, ông tự hào “khoe” đây chính là rạp chiếu phim mini của ông. Vương Duy Biên cho biết buổi triển lãm sắp tới ông tổ chức sẽ là tập hợp các tác phẩm đặc sắc nhất của bản thân từ lúc cầm cọ vẽ, trong đó gồm tranh lụa, tranh sơn mài, điêu khắc đồng, tượng (trong nhà, ngoài trời). Ông hy vọng triển lãm lần này sẽ là những đánh giá tổng quan nhất trong toàn bộ quãng đường sáng tạo nghệ thuật của ông.
Mặc dù rất bận rộn trên cương vị một nhà quản lý văn hóa nhưng những lúc rảnh rỗi nghệ sĩ Vương Duy Biên đều dành hết tâm trí cho những tác phẩm của mình. Với ông, nghệ thuật có vô vàn cách biểu hiện, có thể phức tạp hoặc rất đơn giản,… điều quan trọng nhất không thể thiếu là cảm xúc. Nghệ thuật không có cảm xúc như con người không có tâm hồn. Và có lẽ tâm hồn Vương Duy Biên không gì khác ngoài nghệ thuật, suốt cả buổi ngồi nghe ông tâm sự về nghệ thuật mà tuyệt nhiên không hề nghe ông nhắc đến công việc của một nhà quản lý, lĩnh vực mà ông cũng rất thành công. Phải chăng, khi ông trút bỏ bộ vest bỏng bẩy, chiếc cà vạt sặc sỡ, để chân tay lấm lem, người nghệ sĩ ấy chỉ còn lại tình yêu với toan, với màu, với đất sét. Người nghệ sĩ ấy, tôi vinh dự được gọi bằng “Nghệ sĩ nhân dân”./.
Đắc Tới
Tốt nghiệp trường Mỹ Thuật Hà Nội năm 1987. Thành viên Hội Mỹ Thuật Việt Nam.
Năm 2015, Được nhà nước phong tặng Nghệ sỹ nhân dân – Do đã đạt nhiều giải thưởng (trong nước và quốc tế) trong hoạt động của nghệ thuật múa rối với vai trò chỉ đạo nghệ thuật, Đạo diễn, Tác giả kịch bản, Hoạ sỹ thiết kế – Tạo hình múa rối….
Hiện tại đang là Thứ Trưởng Bộ Văn Hoá thể thao và Du lịch.
Đã tham gia nhiều triển lãm trong nước và quốc tế. Có nhiều tác phẩm nghệ thuật đã được đưa vào các bộ sưu tập cá nhân và được trưng bày tại các bảo tàng nghệ thuật tại: Nhật, Ý, Pháp Anh, Hà Lan, Mỹ.
Đã có tác phẩm điêu khắc được đặt tại một số địa phương:
– Tượng Anh Hùng dân tộc Trần Hưng Đạo – Tại tỉnh Nam Định, Đảo Hoàng Sa.
– Tượng nụ cười chiến sỹ – Tại tỉnh Quảng Trị.