Thu tiền bản quyền âm nhạc đối với TV tại khách sạn trên cả nước, khả thi hay không?

Ngày đăng : 09:14, 12/09/2017

(Kiemsat.vn) - Thu tiền bản quyền âm nhạc là một việc đã rất khó, nhưng gần đây, Trung tâm bảo vệ quyền tác giả âm nhạc VN (VCPMC) lại mong muốn làm một điều khó hơn là thu tiền bản quyền âm nhạc đối với TV tại khách sạn trên cả nước.

Đã bị “tuýt còi” một lần

Ngày 26/4/2017, Trung tâm bảo vệ quyền tác giả âm nhạc VN (VCPMC) ban hành Văn bản số 177/CV-BVQTGANVN-PN. Theo văn bản này, trung tâm đề nghị các khách sạn tại TP. Đà Nẵng thực hiện nghĩa vụ trả tiền quyền tác giả khi sử dụng tác phẩm âm nhạc trong hoạt động kinh doanh. Theo Văn bản 177, VCPMC đã đơn phương đưa ra mức giá 25.000 đồng/phòng/năm với các phòng khách sạn từ 2 – 5 sao có ti vi. VCPMC cũng tuyên bố nguyên tắc không thay đổi giá này, vì đó là giá do tập thể quyền đã bàn bạc và cùng đưa ra, không “mặc cả”. Cũng theo đơn vị này, trong trường hợp không thể thỏa thuận được giá cả, trung tâm sẽ báo với Thanh tra Bộ VH-TT-DL để vào cuộc. “Thanh tra sẽ áp dụng Nghị định 131/2013/NĐ-CP quy định xử phạt vi phạm hành chính về quyền tác giả, quyền liên quan”, ông Nguyễn Hoàng Giang, Giám đốc khu vực phía bắc của VCPMC, nói.

Ngay sau đó, Cục Bản quyền tác giả (Bộ VH-TT-DL) đã yêu cầu Trung tâm bảo vệ quyền tác giả âm nhạc dừng ngay việc tổ chức thực hiện thu tiền quyền tác giả tại các khách sạn có ti vi. Quyết định “tuýt còi” này của Cục Bản quyền nhận được sự đồng thuận lớn vì bản thân Văn bản số 177/CV-BVQTGANVN-PN là một sự bất bình đẳng, áp đặt trong giao dịch dân sự. Bên cạnh đó, VCPMC cũng không đưa ra được giải thích hợp lý được việc tại sao đề nghị thu tiền phòng có ti vi hiện đang áp giá đồng hạng cho mọi khách sạn từ 2 – 5 sao. Trong khi đó, điều kiện kinh doanh cũng như lợi nhuận thu được từ các phòng khách sạn này không giống nhau.

Bên cạnh đó, việc thu cả gói theo TV đồng nghĩa với việc Trung tâm bảo vệ quyền tác giả âm nhạc VN (VCPMC) sẽ “thu nhầm” tiền của các tác giả khác không có văn bản thỏa thuận nhờ VCPMC thu tiền bản quyền hộ. Thậm chí, việc đó còn dẫn đến nguy cơ khiếu kiện quốc tế khi các bộ phim, các chương trình truyền hình nước ngoài biết VCPMC có thu nhưng không trả họ tiền bản quyền.

Vẫn quyết tâm “áp đặt”

Chưa trả lời thỏa đáng các vấn đề bị dư luận phản ứng cũng như đã bị Cục Bản quyền tuýt còi thì mới đây, Sáng 11-9, Trung tâm Bảo vệ quyền tác giả âm nhạc Việt Nam đã tổ chức họp báo tại TP.HCM và Hà Nội để “nói rõ sự tình” và tuyên bố từ quý 4-2017 sẽ thu tác quyền ở khách sạn khắp cả nước.

Nhạc sĩ Đinh Trung Cẩn – phó giám đốc Trung tâm bảo vệ quyền tác giả âm nhạc Việt Nam – chủ trì cuộc họp tại TP.HCM vào sáng 11-9 – Ảnh: Q.N.

Về vấn đề “cào bằng” giá cả hay áp đặt thì VCPMC cho rằng mức giá cào bằng này có thể sẽ tiếp tục tạo nên những bất đồng ở vài đơn vị kinh doanh hoặc vài địa phương nhưng Trung tâm Bảo vệ quyền tác giả âm nhạc Việt Nam cho biết nhiều năm qua vẫn áp dụng mức giá này và nhìn chung là “không có phản ứng gì đáng kể”.

Nhạc sĩ Phó Đức Phương thông báo từ tháng 10/2017 sẽ chính thức thu tiền tác quyền âm nhạc qua tivi trong phòng ngủ khách sạn. Ảnh: B.H

Cũng tại cuộc họp báo, VCPMC khẳng định đã chi trả cho các nước, tổ chức có ký kết trên 62 tỷ đồng, nhận từ nước ngoài hơn 5 tỷ tiền bản quyền. Số tiền thu được, VCPMC chi trả cho tác giả 80% và giữ lại 20% để chi phí vận hành.

Theo nhạc sĩ Phó Đức Phương Giám đốc VCPMC, thời gian qua trung tâm đã tiến hành đàm phán với các đài truyền hình để có được danh mục tác phẩm âm nhạc mà các kênh truyền hình đã sử dụng, để trung tâm đối soát làm cơ sở phân phối cho các tác giả. “Cục Bản quyền tác giả đã đồng ý để trung tâm tiến hành thu lại một cách bình thường ngay sau cuộc họp với Cục vào tháng 8 vừa qua”. Nhạc sĩ Phó Đức Phương thông báo. “Chúng tôi chỉ thu tiền của người dùng âm nhạc để kinh doanh chứ không thu tiền của người nghe nhạc. VCPMC cũng chỉ thu đối với những tác phẩm, tác giả đã ủy quyền theo đúng quy định của pháp luật, thực hiện đối soát và cung cấp thông tin công khai dựa trên danh sách tác phẩm – tác giả mà tổ chức, cá nhân có nhu cầu sử dụng. Trong tương lai chúng tôi sẽ làm nghiêm, kể cả sử dụng một tác phẩm âm nhạc để kinh doanh mà không trả tiền, chúng tôi sẽ tiến hành khởi kiện” nhạc sĩ Phó Đức Phương khẳng định.

Hiện nay, Cục Bản quyền tác giả (Bộ VH-TT-DL) chưa có thông tin chính thức gì về cuộc họp báo trên của Trung tâm Bảo vệ quyền tác giả âm nhạc Việt Nam.

Sơn Tùng

Tin liên quan>>>

Khách sạn sử dụng truyền hình cab phát chương trình ca nhạc có phải trả tiền bản quyền?