Cần Thơ cấm công chức mặc quần jean, áo thun đi làm
Ngày đăng : 09:22, 08/09/2017
Có quá cứng nhắc?
Theo quy tắc ứng xử TP Cần Thơ mới ban hành quy định khá nhiều về tác phong làm việc, tiếp xúc với nhân dân, với đồng nghiệp… Những quy tắc cơ bản đều hướng dẫn cán bộ, công chức trong giao tiếp và ứng xử phải ân cần, nhã nhặn, niềm nở, biết lắng nghe ý kiến và giải thích, hướng dẫn rõ ràng, cụ thể các quy định liên quan đến công việc; ưu tiên giải quyết công việc với người già yếu, bệnh tật, người khuyết tật, phụ nữ mang thai; sử dụng các từ “xin chào”, “xin lỗi”, “cảm ơn” trong các ngữ cảnh phù hợp.
Trang phục làm việc tại công sở hoặc trong thời gian thực thi nhiệm vụ, công vụ (trường hợp không có quy định đồng phục riêng của ngành), phải đảm bảo gọn gàng, lịch sự, kín đáo, kiểu dáng – màu sắc nhã nhặn, phù hợp với hoàn cảnh và đặc thù công việc. Nam cán bộ, công chức mặc áo sơ mi, quần tây (cho áo vào quần), sử dụng giày hoặc dép có quai hậu; nữ cán bộ, công chức mặc áo sơ mi, quần tây, áo dài, váy, đầm công sở… Tuy nhiên, bộ Quy tắc này có một điều đặc biệt, cả nam và nữ không mặc quần jeans, áo thun các loại.
Bộ quy tắc ứng xử này khiến một số cán bộ, công chức cho rằng không được mặc quần jeans đi làm là cứng nhắc. Trả lời phỏng vấn báo chí, Ông Võ Ngọc Đồng (giám đốc Sở Nội vụ TP Đà Nẵng) cho rằng việc cán bộ, công chức mặc quần jean và áo sơmi bỏ vào quần đi làm ở công sở cũng là bình thường. Ông cho biết Đà Nẵng lâu nay vẫn thực hiện quyết định 129/2007/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ về quy chế văn hóa công sở tại các cơ quan hành chính nhà nước và không ban hành thêm các quy định khác, bởi quyết định này đã quy định rất cụ thể. Chẳng hạn: khi thực hiện nhiệm vụ, cán bộ, công chức, viên chức phải ăn mặc gọn gàng, lịch sự; nếu có trang phục riêng của ngành thì mặc theo ngành đó.
Ông Võ Ngọc Đồng (giám đốc Sở Nội vụ TP Đà Nẵng): Đà Nẵng không cấm công chức mặc quần jean đi làm
Ông Lê Văn Thinh (chủ tịch UBND Q.Bình Tân, TP.HCM): thì cho rằng quần tây, áo sơ mi vẫn là tốt nhất. Tuy nhiên theo ông, trường hợp công chức, cán bộ làm thêm buổi tối hoặc làm thêm vào ngày thứ bảy, chủ nhật có thể mặc quần jean, áo thun…
Quần áo có làm nên thầy tu?
Bộ quy tắc ứng xử của Cần Thơ đã tạo ra một cuộc tranh luận giữa các đơn vị hành chính, nhà nước còn người dân đa số không quan tâm đến điều này. Theo họ, chỉ cần giải quyết tốt công việc cho người dân thì mặc quần jean hay không, không quan trọng.
Chị Lại Thị Ngọc Hạnh (Cần Thơ) cho rằng: “Theo tôi, chỉ cần ăn mặc lịch sự, kín đáo, đơn giản là được. Điều quan trọng nhất là thái độ đối với nhân dân và hiệu quả công việc thực tế chứ không chỉ là quần tây hay quần jean. Nếu là một cán bộ công chức làm việc có trách nhiệm thì sẽ tự biết cần ăn mặc như thế nào cho phù hợp”.
Quần jeans đẹp, màu sắc lại đa dạng, nhã nhặn, nếu phối hợp mặc cùng áo sơ mi hoặc áo thun có cổ thì cũng lịch sự, sang trọng
“Liệu cái quần, cái áo có làm ảnh hưởng đến suy nghĩ và tư duy của người làm không? Tư duy về công sở nên thoáng một xíu. Căn bản nhất vẫn là thái độ phục vụ, chứ không phải quần jeans, áo thun”. Anh N.V.T thành phố Hồ Chí Minh cho hay. “Quần jeans hiện nay rất đẹp, màu sắc lại đa dạng, nhã nhặn, nếu phối hợp mặc cùng áo sơ mi hoặc áo thun có cổ thì rất lịch sự, sang trọng hơn. Tôi thấy điều đó không ảnh hưởng gì đến hình tượng công chức cả”, một độc giả đến từ Đà Nẵng chia sẻ.
Rõ ràng, quần áo chẳng làm nên thầy tu, một công chức tận tuỵ với công việc, hết lòng giúp đỡ nhân dân thì dù anh ta có mặc quần jean hay không vẫn đẹp trong mắt người dân. Còn công chức có quần tây, áo sơ mi lịch sự mà hách dịch, văn hoá ứng xử kém thì dù có bao nhiêu bộ quy tắc ứng xử được đặt ra cũng chỉ là vô ích mà thôi.
Sơn Tùng