Nữ thương binh Đồng Lộc và những áng thơ để đời

Ngày đăng : 08:52, 27/07/2017

“Tên em thường gọi hoa Hòe, ai nói em què người ấy thiếu đạo đức lương tâm…” Đó là lời bộc bạch tâm sự của người nữ thương binh hạng 2/4 tại Ngã 3 Đồng Lộc (thuộc xã Đồng Lộc, huyện Can Lộc, tỉnh Hà Tĩnh), chiến trường khắc nghiệt vào loại bậc nhất thời bấy giờ.

Hồi ức chiến tranh

Thị xã Hồng Lĩnh một chiều nắng nhạt sau cơn bão số 4 đi qua, khi dòng người hối hả khắc phục hậu quả của những gì còn sót lại.
Chúng tôi tìm về nhà bà, lấp ló sau những rặng tre của Tổ dân phố Thuận Hồng, phường Đức Thuận, nơi ở của người nữ thanh niên xung phong tại ngã 3 Đồng Lộc năm nào.
Ngã ba Đồng Lộc đi vào lịch sử như một bản anh hùng ca về quyết tâm sắt đá: Tất cả vì miền Nam ruột thịt, vì độc lập tự do, thống nhất Tổ quốc; về sự hy sinh cao cả của 10 cô gái thanh niên xung phong (TNXP) tuổi mười tám, đôi mươi.
Nữ thanh niên xung phong ngã 3 Đồng Lộc Nguyễn Thị Hòe.
Nữ thanh niên xung phong ngã 3 Đồng Lộc Nguyễn Thị Hòe.

Ngày ấy, cũng như những nữ TNXP khác, cô gái Nguyễn Thị Hòe vừa tròn 20 tuổi thì lên đường theo tiếng gọi tổ quốc, đơn vị của cô là Đại đội 557 – Tổng đội 55 – P18, đây từng được mệnh danh là Đại đội thép, lá chắn bom đạn Mỹ vào thời kỳ ác liệt 1968 – 1972.

 Nguyễn Thị Hòe được phân vào Tiểu đội mũi nhọn, trực chiến tại ngã 3 Đồng Lộc và khu vực cầu Tùng Cốc, Cầu Tối. Ký ức về sự hi sinh anh dũng của 10 cô gái TNXP Đồng Lộc năm nào vẫn hằn in trên khuôn mặt bà.
Đó là buổi trưa ngày 24/7 năm 1968, như mọi ngày, 10 cô ra làm nhiệm vụ. 16h30p, trận bom thứ 15 trong ngày dội xuống Đồng Lộc, một quả bom rơi xuống ngay sát miệng hầm, nơi 10 cô đang tránh bom. Tất cả đã ngã xuống khi tuổi đời còn rất trẻ, phần lớn trong số họ chưa lập gia đình. Ngày 24/8 năm đó, ngay tại cầu Tùng Cốc, tiểu đội của bà cũng trúng bom từ trường của giặc, tiểu đội của bà có 3 người hi sinh tại chỗ, Nguyễn Thị Hòe bị thương vùng bàn chân, sau này buộc phải cắt bỏ.
Chiến trường ngã 3 Đồng Lộc trong những năm 1968 -1972.
Chiến trường ngã 3 Đồng Lộc trong những năm 1968 -1972.
Không tiếp tục làm công tác canh giữ giao điểm, phá bom và sửa đường thông xe.
Người nữ TNXP Nguyễn Thị Hòe đi học quân y và làm y tá Tổng đội 55. P18. Mãi đến năm 1988 thì bà nghỉ hưu, hiến trọn tuổi thanh xuân của mình cho thắng lợi của đất nước.
Nay đã tròn 70 tuổi, nhưng khi kể về đồng đội mình, khuôn mặt phúc hậu của bà Nguyễn Thị Hòe ánh lên rực rỡ.
Bà tự hào vì được là thành viên trong số 27 người thuộc 2 tiểu đội mũi nhọn tại ngã 3 Đồng Lộc.
Bà tự hào vì đại đội trưởng của bà, chị Nguyễn Thị Lân trong năm 1968 được cử ra gặp trực tiếp Bác Hồ. Bà tự hào vì những hi sinh của mình và đồng đội, đã đổi lấy Độc lập – Tự do cho dân tộc.

Chữa bệnh và những áng thơ đời

Khi tuổi đã xế chiều, Nguyễn Thị Hòe chọn cho mình người bạn đời đến từ huyện Đức Thọ (Hà Tĩnh) cũng là thương binh chống Mỹ.
Sau 27 năm chung sống, ông cũng rời bỏ bà về với quê hương mình. Bà Hòe sống cùng một người con gái, nối nghiệp bà, cô gái ấy cũng là y tá của một bệnh viện tuyến huyện. Hai mẹ con đùm bọc che chở nhau.
Bà Hòe bây giờ dồn hết tâm huyết của mình sau những tháng năm làm quân y, vốn liếng nghề y đủ để bà chữa trị những căn bệnh về xương khớp, đặc biệt là điều trị những bệnh về cột sống. Rảnh rỗi, bà làm thơ.
Thơ bà giản dị nhưng xúc động đến lạ thường, bà nói, cuối cuộc đời mình chả để lại được gì, chỉ là những vần thơ viết lên cho anh em bạn bè cùng đọc.
Là những áng thơ kể về cuộc đời tươi đẹp nhất, trọn vẹn nhất của mình.
Gặp bà, khi đang cặm cụi xoa bóp chữa trị cho bệnh nhân, tự giới thiệu về mình, bà tươi cười: “Tên em thường gọi hoa Hòe/ Ai nói em què người ấy thiếu đạo đức lương tâm/ Em què vì Đảng vì dân/ Giang sơn tổ quốc mến thân đồng bào..”.
Bà lại tiếp tục cười và cất tiếng: “Tôi là cô gái xung phong/ Trong thời chống Mỹ tuổi hồng sục sôi/ Bây giờ tuổi đã cao rồi/ Nghỉ hưu cầm bút viết vài vần thơ…”.
Người nữ thương binh hạng 2/4 năm nào giờ chữa bệnh và làm thơ tặng mình, tặng đời...
Người nữ thương binh hạng 2/4 năm nào giờ chữa bệnh và làm thơ tặng mình, tặng đời…
 Rồi bà ngậm ngùi nói với chúng tôi: “Vào trận mái tóc còn xanh/ Hòa bình đầu đã trở thành tuyết sương/ Cuộc đời nghĩ lại mà thương/ Thiệt thòi mất mát trên đường chồng con”. Khi thấy chúng tôi xúc động, bà không ngần ngại cất lên: “Bút ký nhà báo nhà văn/ Ngồi nghe em kể thương thầm lệ rơi…”
Tuy vậy, khi nói về đồng đội, bà tự hào: “Ta về Đồng Lộc thầm thì/ Nhớ đại đội thép những khi tắc đường/ Đêm đêm họ hát dưới sương/ Để át mệt nhọc thông trường trong đêm…”
Ngày thương binh liệt sỹ năm nay, bà Nguyễn Thị Hòe vinh dự được UBND thị xã Hồng Lĩnh, UBND tỉnh Hà Tĩnh mời gặp mặt và vinh danh cho những năm tháng cống hiến tuổi thanh xuân rực rỡ.
Bà đau vì những khi trái gió trở trời, lại làm tê buốt đến vết thương trên đôi chân không còn lành lặn. Bà tiếc vì những đồng đội bà hi sinh khi tuổi đời còn quá trẻ, nhưng bà tự hào vì mình đã sống có ích, có ý nghĩa cho những thế hệ sau này.
Thế hệ của bà, của những cô gái ngã 3 Đồng Lộc, “máu có thể chảy, tim có thể ngừng nhưng mạch máu giao thông không bao giờ tắt”, mưa bom, bão đạn không làm khuất phục ý chí anh hùng của lực lượng thanh niên xung phong năm nào.
Theo Trần Hoàng/ PL+