Bão Nock–Ten hướng vào biển Đông, miền Trung nguy cơ lũ chồng lũ

Ngày đăng : 01:01, 23/12/2016

(Kiemsat.vn) - Ngày 22-12, theo Trung tâm Dự báo Khí tượng Thủy văn Trung ương, cơn bão có tên quốc tế là Nock-ten đang có hướng di chuyển hướng vào biển Đông.

Miền Trung nguy cơ lũ chồng lũ

Theo Trung tâm Dự báo Khí tượng Thủy văn Trung ương, bão Nock-ten di chuyển theo hướng tây bắc với tốc độ 20-30 km/giờ, đang có xu hướng mạnh dần lên và hướng về phía biển Đông. Bên cạnh đó, từ ngày 26-12 sẽ có một đợt không khí lạnh mạnh tăng cường.

Theo Báo cáo nhanh ngày 23/12/2016 của Ban chỉ đạo Trung ương về phòng chống thiên tai thì từ ngày 26-12, do ảnh hưởng của không khí lạnh và hoàn lưu cơn bão Nock-ten sẽ gây thời tiết xấu trên biển Đông. Từ ngày 27 đến 31-12, các tỉnh Trung Bộ khả năng cao xuất hiện một đợt mưa lớn trên diện rộng (100-300 mm/đợt), trên các sông ở khu vực này sẽ xuất hiện một đợt lũ vừa và nhỏ.

Ngoài ra, do ảnh hưởng của gió mùa đông bắc, ở các tỉnh từ Nghệ An đến Thừa Thiên-Huế có mưa, có nơi mưa vừa, mưa to và giông.

 

 

Dự báo hướng di chuyển của bão Nock-ten hết 27/12/2016

Về tình hình các hồ thuỷ điện tích nước, xả nước, Văn phòng Ban Chỉ huy Phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn Bộ Công Thương báo cáo tính đến 7h00 ngày 23/12, có 144 hồ cập nhật thông tin, trong đó có 30 hồ xả tràn, cụ thể: Khu vực Bắc Bộ: 01 hồ; Khu vực Tây Nguyên: 10 hồ; Khu vực Bắc Trung bộ: 03 hồ; Khu vực Duyên hải Nam Trung bộ: 16 hồ.

Hậu quả lũ lụt 3 tháng cuối năm 2016 hết sức nặng nề 

Theo Báo cáo Công tác ứng phó, khắc phục hậu quả mưa lũ khu vực miền Trung ngày 17/12/2016 của Ban chỉ đạo Trung ương về phòng chống thiên tai, mưa lũ từ giữa tháng 10/2016 đến nay đã làm 111 người chết và mất tích, 121 người bị thương; 316.719 nhà bị ngập, hư hại; 42.804 ha lúa, 4.703 ha mạ và 39.261 ha hoa màu bị ngập hư hại,… (đa phần các hộ dân trong vùng mưa lũ đã mất hoàn toàn cây trồng và diện tích nuôi trồng thủy sản nước ngọt), tổng thiệt hại ước tính trên 8.573 tỷ đồng. Nâng tổng thiệt hại do thiên tai gây ra từ đầu năm đến nay làm 235 người chết và mất tích, ước tính về kinh phí trên 37.650 tỷ đồng (tương đương 1,7 tỷ USD).

Riêng đợt mưa lũ từ ngày 12/12 đến ngày 16/12 đã làm 15 người chết, mất tích (Thừa Thiên Huế: 03 người chết, Bình Định: 06 người chết, 05 người mất tích, Khánh Hòa: 01 người chết); 127 nhà bị sập đổ, tốc mái, hư hỏng; 111.851 nhà bị ngập nước; 10.059 ha lúa bị ngập, hư hại và nhiều thiệt hại về cơ sở hạ tầng, giao thông thủy lợi (hiện các địa phương tiếp tục thống kế thiệt hại).

Ban chỉ đạo Trung ương về phòng chống thiên tai, mưa lũ yêu cầu các địa phương phải huy động cả hệ thống chính trị, phân công cụ thể cho các cán bộ chủ chốt phụ trách địa bàn trực tiếp cùng với chính quyền cơ sở chỉ đạo công tác ứng phó khắc phục hậu quả.

Ủy ban nhân dân, Ban Chỉ huy Phòng chống thiên tai và TKCN các tỉnh đã dừng các cuộc họp để chỉ đạo các Sở, ban, ngành và các cấp chính quyền tập trung triển khai thực hiện các công điện của Thủ tướng Chính phủ và Ban Chỉ đạo TW về PCTT – Ủy ban Quốc gia TKCN.

Tổ chức di dời, sơ tán các hộ dân vùng ngập sâu, sạt lở đến nơi an toàn (Ảnh: Internet) 

Thường xuyên tổ chức kiểm tra, chỉ đạo công tác đảm bảo an toàn hệ thống công trình đê điều, hồ chứa nước và hệ thống công trình thủy lợi; chủ động xả nước đối với các hồ chứa thủy điện, thủy lợi đã đầy và gần đầy nước để đảm bảo an toàn công trình và đón lũ theo quy trình vận hành; một số hồ thủy điện xả lũ đã được phản ánh và nhắc nhở kịp thời nên đến nay tất cả các hồ chứa đều an toàn.

Hiện nay, một số địa phương đã ban hành tình trạng khẩn cấp ứng phó với mưa lũ và ra lời kêu gọi hỗ trợ từ các tổ chức, cá nhân trong nước, quốc tế giúp đỡ nhân dân vùng lũ.

Sơn Tùng