Tâm sự về nghề Kiểm sát
Ngày đăng : 09:10, 31/08/2017
Ngày tôi nhận Quyết định tuyển dụng vào ngành Kiểm sát nhân dân là ngày 01/11/2001, tất cả đều bắt đầu từ con số “1”, người ta thường nói đó là con số của một sự khởi đầu, với tôi cũng không ngoại lệ. Vạn sự khởi đầu nan, cũng từ ngày, tháng, năm ấy tôi bắt đầu gắn cuộc đời và sự nghiệp của mình với màu áo xanh của ngành Kiểm sát. Năm tháng đi qua, tính thời gian công tác đến nay tôi đã hơn 10 năm có lẻ.
Nhớ lại ngày mới vào Ngành khi còn là một cán bộ tập sự, nhận nhiệm vụ được giao với nhiều ngập ngừng và bỡ ngỡ, biết rằng giảng đường đại học đã cho tôi một vốn kiến thức cần có để làm việc, nhưng chỉ với những định nghĩa tội phạm, điều luật và khung hình phạt khô khan thì đó chỉ là điều kiện cần chứ chưa đủ để làm một cán bộ Kiểm sát.
Một điều đơn giản ai cũng hiểu “lý thuyết và thực tiễn” là một khái niệm, nhưng tuy một mà hai, tuy hai mà một. Để vận dụng lý thuyết đi vào thực tiễn công tác một cách có hiệu quả thì mỗi người có một cách riêng và tôi nghĩ đó còn là “nghệ thuật”. Với tôi Phòng THQCT và kiểm sát xét xử phúc thẩm, giám đốc thẩm, tái thẩm VKSND tỉnh Phú Yên ngày ấy, là nơi đã cho tôi những kinh nghiệm nghề nghiệp đầu đời. Sau tám năm công tác, tôi đã tự rút ra nhiều bài học quý giá cho riêng mình. Đến giờ tôi vẫn luôn trân trọng gìn giữ, áp dụng và tiếp tục phát huy vì đó là “tinh hoa” tôi học được của lớp cha anh đi trước, là kinh nghiệm nghề nghiệp, là kinh nghiệm sống, là bản lĩnh riêng có của người cán bộ Kiểm sát, vì những điều ấy chẳng có trường lớp nào dạy mà phải do thực tiễn rèn luyện mà nên.
Kiểm sát viên Ngô Thị Hồng Minh thực hành quyền công tố tại phiên tòa
Ngày 01/4/2008, tôi được chuyển công tác về VKSND thành phố Tuy Hòa, nếu như Phòng THQCT và KSXX phúc thẩm, giám đốc thẩm, tái thẩm là nơi cho tôi những kinh nghiệm đầu tiên của nghề, thì môi trường công tác mới sau này đã cho tôi trách nhiệm và bản lĩnh. Với sự cố gắng không ngừng trong công tác, cùng với sự hướng dẫn chỉ bảo tận tình của các anh, chị đi trước, tôi vinh dự được đứng vào hàng ngũ của Đảng, rồi được bổ nhiệm chức danh Kiểm sát viên sơ cấp. So với cuộc đời của một con người thì 14 năm không phải là quá dài nhưng cũng không phải là ngắn. Còn đối với tôi, 14 năm trong nghề Kiểm sát vẫn là quá ít để trải nghiệm, để tích lũy kinh nghiệm và để … “lớn lên”.
Tôi tự hứa với chính mình là không được tự mãn, tự bằng lòng với những gì đã có mà phải tiếp tục cố gắng, tự rèn luyện nâng cao trình độ chuyên môn, nghiệp vụ, không ngừng “Học, học nữa, học mãi” và thực hiện đúng như mười chữ vàng mà Bác Hồ kính yêu đã dạy người cán bộ Kiểm sát “Công minh, chính trực, khách quan, thận trọng, khiêm tốn”. Thực hiện lời dạy của Bác, những điều cần phải có cho nghề kiểm sát theo năm tháng tôi cũng dần tìm thấy, tôi đã tạo cho chính mình một tư tưởng chính trị vững vàng, có bản lĩnh nghề nghiệp, sẵn sàng đấu tranh không khoan nhượng với mọi âm mưu thủ đoạn, phạm tội của tội phạm, làm tốt chức năng đấu tranh phòng, chống tội phạm và kiểm sát các hoạt động tư pháp.
Và chẳng biết từ bao giờ những câu chuyện về các vụ án đã cuốn hút tôi, tôi càng thêm yêu và thích cái nghề Kiểm sát. Vẫn biết, đằng sau mỗi vụ án mà tôi tham gia giải quyết là những thân phận của một con người. Thực hiện nhiệm vụ được giao tôi đã trực tiếp tham gia thực hành quyền công tố và kiểm sát xét xử nhiều phiên tòa hình sự, mỗi phiên tòa đều ít nhiều cũng để lại cho tôi một cảm xúc khác nhau. Cũng có lúc bị cáo phản cung tại tòa thì lý lẽ sắc bén là công cụ dùng để buộc bị cáo phải cúi đầu nhận tội và hình phạt cho những bị cáo này thường là rất nghiêm khắc. Nhưng cũng có những vụ án, khi nghe Kiểm sát viên trình bày lời luận tội, phân tích những tình tiết tăng nặng, giảm nhẹ hết sức có tình, có lý, bị cáo đã khóc với nỗi niềm ân hận muộn màng, làm tôi cũng thấy chạnh lòng thương cho những con người đã không vượt lên được số phận để rồi phải trả giá…
Bản lĩnh người cán bộ Kiểm sát là phải luôn giữ gìn, dù bất cứ nơi đâu, hoàn cảnh nào tôi cũng đều tự nhủ lòng mình là thực hiện đúng như lời Bác dạy, giải quyết mọi việc thấu tình đạt lý, giữ nghiêm kỷ cương pháp luật, nhưng cũng khoan hồng cho những người biết ăn năn hối cải. Bởi lẽ “Mỗi con người đều có thiện và ác ở trong lòng ta, phải biết làm cho phần tốt ở trong mỗi con người nảy nở như hoa mùa xuân và phần xấu bị mất dần đi, đó là thái độ của người cách mạng. Đối với những người có thói hư tật xấu, từ hạng người phản lại Tổ quốc và nhân dân, ta cũng phải giúp họ tiến bộ bằng cách làm cho cái phần thiện trong con người nảy nở để đẩy lùi phần ác, chứ không phải đập cho tơi bời”. Vì vậy, nếu như người cán bộ kiểm sát không công tâm, bản lĩnh không gắn trách nhiệm của mình vào từng trường hợp cụ thể, thì nhất định sẽ không thể làm tốt chức năng, nhiệm vụ được giao.
Thực tiễn xét xử tôi thấy rằng người cán bộ Kiểm sát là phải có “một cái đầu lạnh và một trái tim nóng”, cương quyết với những người phạm tội liều lĩnh, ngoan cố nhưng cũng biết thương cảm và khoan hồng với những mảnh đời lầm lỗi. Chân lý tôi học được là người cán bộ, Kiểm sát viên phải dùng pháp luật và chính sách hình sự của Đảng và Nhà nước để đấu tranh, dùng lẽ phải để giáo dục thuyết phục, dùng trách nhiệm để cảm hóa và mục đích cuối cùng là vì sự bình yên, hạnh phúc của nhân dân.
Mỗi cán bộ, Kiểm sát viên nói chung và bản thân tôi nói riêng trong thời gian tới cần phải làm tốt hơn nữa chức năng thực hành quyền công tố và kiểm sát các hoạt động tư pháp, nhằm góp phần nâng cao vị thế của Ngành kiểm sát trong thời kỳ hội nhập quốc tế và cải cách tư pháp. Đây là một nhiệm vụ rất nặng nề nhưng cũng rất vinh dự và vẻ vang…
Ngô Thị Hồng Minh
Nguồn: VKSND tỉnh Phú Yên