Làm cán bộ kiểm sát phải luôn luôn giữ mình
Ngày đăng : 05:42, 02/08/2017
Tôi thuộc thế hệ được đào tạo và trưởng thành sau ngày giải phóng, đất nước thống nhất. Đến với ngành không phải vì tôi yêu ngành, vì lúc đó tôi không biết gì về ngành Kiểm sát. Rất tình cờ tôi đến với ngành Kiểm sát. Lúc đó ở phía Nam, chưa có trường dạy bài bản dài hạn, tôi được học có 2 tháng, 2 tháng đó cũng chỉ trang bị cho tôi khái niệm chuyên ngành thôi chứ tôi cũng chưa hình dung được hết công việc phải làm. Khi về công tác thực tiễn tại VKSND thành phố Hồ Chí Minh, các anh chị Kiểm sát viên trước đã dạy cho tôi và cả những người ngồi kế bên cũng dạy cho tôi. Các anh chị cũng biết, khi về đơn vị các anh chị giao hồ sơ để tôi trích cung thôi, hồi đó không có máy photo như bây giờ, trích từng bản cung, nhưng làm sao để trích ra cho được thì các anh chị đều chỉ cho tôi. Cứ thế tôi học, tôi đi hiện trường, đi hỏi cung các anh chị đều dẫn tôi đi cùng. Dần dần đi học 6 tháng, rồi sau đó đi học cao đẳng, cứ đi đường vòng rất là xa thì mới có được tấm bằng Đại học.
Qua 30 năm công tác trong ngành, với trách nhiệm của Kiểm sát viên từ lúc không biết gì cho tới khi tiếp cận công việc thì càng ngày tôi thấy yêu nghề lúc nào tôi cũng không hay, có lẽ qua những vụ án mình làm, mình rất căm phẫn những hành vi phạm tội, trước tội ác, trước hành vi chà đạp lên nhân phẩm con người, những hành vi người ta tự nhiên lấy tài sản của Nhà nước một cách vô tư không có sự áy náy gì. Dần dần, tôi thấy rằng rõ ràng cái nghề của mình nó tạo ra cho mình một cái thái độ sống rất rõ ràng, phân biệt, căm ghét cái sai và yêu cái đúng. Từ đó, mình dốc tâm trong việc thực hiện nhiệm vụ và trong công việc thì luôn luôn tâm niệm rằng việc đề xuất bắt giam, khởi tố một con người nào đó, có nghĩa là xác định số phận chính trị của họ, nó ảnh hưởng rất là lớn, do vậy cần phải thận trọng. Khi mà mình làm nhiệm vụ tham mưu đề xuất với lãnh đạo Viện hết sức là cặn kẽ. Trong con người tôi cũng luôn luôn phản biện với chính mình để xem rằng như thế đó là đã đủ căn cứ chưa, đã chặt chẽ chưa? Luôn luôn là có phản biện như vậy thành ra mọi công việc phải luôn luôn nghiêm túc với chính mình. Với chức năng, nhiệm vụ ngành, trong công việc phải đặt nguyên tắc lãnh đạo lên hàng đầu, nguyên tắc của ngành là nguyên tắc thủ trưởng chế. Việc lãnh đạo quyết định thì mình phải chấp hành, nhưng để lãnh đạo quyết định đúng thì mình phải làm hết vai trò tham mưu của một người Kiểm sát viên nghiên cứu đề xuất.
Trong công việc mình phải luôn luôn đấu tranh với bản thân mình trước cám dỗ vật chất, phải “luôn luôn giữ mình”. Các đồng chí biết rằng ngành Kiểm sát mình là nắm sinh mạng của người khác cho nên khi có sự việc gì thì có rất là nhiều người luôn tìm đến mình đề nghị được giúp đỡ, thậm chí có cả vật chất. Chính mình giữ gìn cho mình và trong quá trình làm việc của tôi, một điều đến khi nghỉ hưu lương tâm tôi không áy náy là tôi không trục lợi gì từ hoạt động nghề nghiệp. Khi tôi làm lãnh đạo thì tôi cũng quán triệt với anh em đã xác định làm nghề Kiểm sát thì đừng tơ vương và đừng trục lợi gì ở công việc này thì như vậy mới bền. Sau này, nghỉ hưu rồi nghĩ lại tôi càng thấm thía 5 điều Bác Hồ dạy đối với cán bộ Kiểm sát, quả thật là ngắn gọn nhưng mà đã bao gồm tất cả. Chúng tôi cũng xin nhắn nhủ với các bạn trẻ hãy thấm nhuần 5 điều Bác Hồ dạy đối với người cán bộ Kiểm sát và cũng chỉ cần làm như vậy thôi thì chúng ta đã trở thành những người có ích cho xã hội và cũng góp phần vun đắp thêm truyền thống tốt đẹp của ngành mình.
(Trích bài viết “Làm cán bộ kiểm sát phải luôn luôn giữ mình” của đồng chí Võ Thị Kim Hồng, nguyên Viện trưởng VKSND TP. Hồ Chí Minh”; Nguồn: Tạp chí Kiểm sát số 16/2015)