Ngành kiểm sát nhân dân đã đào tạo tôi trưởng thành, tiến bộ

Ngày đăng : 10:18, 26/07/2017

(Kiemsat.vn) - Ngành Kiểm sát nhân dân đã đào tạo tôi trưởng thành, có kinh nghiệm, có kiến thức sâu rộng để hoàn thành nhiệm vụ. Lớn lên và được trưởng thành trong mái nhà chung Viện kiểm sát nhân dân trong quá nửa cuộc đời, đó là niềm tự hào và hạnh phúc của tôi.

Năm mươi lăm năm qua là một chặng đường lịch sử vẻ vang của ngành Kiểm sát nhân dân Việt Nam. Lịch sử đó được viết lên bằng bao công sức, trí tuệ, có cả sự hy sinh, tận tâm, tận lực và cống hiến hết mình của nhiều thế hệ cán bộ Kiểm sát qua nhiều thời kỳ từ năm 1960 đến nay. Năm mươi lăm năm qua, ngành Kiểm sát nhân dân luôn nắm vững và thường xuyên quán triệt chủ trương, đường lối, chính sách của Đảng để xác định mục tiêu, phương hướng hoạt động của công tác kiểm sát. Nhận thức đúng chức năng, nhiệm vụ của Viện kiểm sát nhân dân trong bộ máy Nhà nước; các đơn vị trong toàn ngành đã phấn đấu hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ mà Đảng, Nhà nước và nhân dân giao cho.

Bác Hồ chụp ảnh với đồng chí Hoàng Quốc Việt và Đoàn đại biểu VKSTC Trung Quốc nhân dịp đoàn sang thăm và làm việc với VKSTC Việt Nam. Ảnh: Tư liệu của TCKS

Thực tiễn 55 năm qua đã cho thấy, vai trò, trách nhiệm của Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tối cao và người đứng đầu Viện kiểm sát nhân dân các cấp rất có vị trí rất quan trọng, ảnh hưởng trực tiếp đến việc tổ chức thực hiện chức năng, nhiệm vụ của toàn ngành. Trong 55 năm qua, ngành Kiểm sát nhân dân luôn tiếp tục đổi mới mạnh mẽ phương pháp công tác kiểm sát, nên đã đạt được nhiều kết quả tốt. Từ khi mới thành lập ngành, đồng chí Hoàng Quốc Việt kính mến đã quan tâm đến công tác xây dựng ngành về mọi mặt, trong đó có công tác đào tạo cán bộ. Các đồng chí Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tối cao kế tiếp cũng đã chú trọng việc kiện toàn tổ chức bộ máy, xây dựng đội ngũ cán bộ, Kiểm sát viên trong sạch, vững mạnh, trung thành với sự nghiệp của Đảng, dũng cảm đấu tranh bảo vệ công lý và pháp luật, có trách nhiệm, bản lĩnh và nêu cao lương tâm nghề nghiệp. Kết quả của 55 năm qua cũng gắn liền với việc ngành Kiểm sát nhân dân luôn chú trọng và tăng cường mối quan hệ công tác giữa Viện kiểm sát nhân dân với các cơ quan, tổ chức từ Trung ương đến các địa phương và không ngừng mở rộng quan hệ hợp tác quốc tế và tương trợ tư pháp giữa Viện kiểm sát nhân dân Việt Nam với Viện kiểm sát, Viện Công tố các nước trên thế giới. Được sự quan tâm của Đảng và Nhà nước, cơ sở vật chất, điều kiện và phương tiện làm việc của Viện kiểm sát nhân dân ngày càng được tăng cường.

Trong 43 năm công tác, trừ 8 năm là người lính đặc công trên mặt trận Sài Gòn – Gia Định, còn lại 35 năm tôi công tác trong ngành Kiểm sát nhân dân. Từ ngày đầu công tác ở Trường Trung cấp Kiểm sát Hà Nội đến khi về công tác ở Viện kiểm sát nhân dân tỉnh Thái Bình và sau này làm việc ở các đơn vị Văn phòng, Tạp chí Kiểm sát và Vụ Hợp tác quốc tế thuộc Viện kiểm sát nhân dân tối cao; tôi đã có quá nửa đời gắn bó với ngành và có thời gian dài sâu nặng nghĩa tình với đồng chí, đồng nghiệp.

Tôi có may mắn và vinh dự được một số lần gặp bác Hoàng Quốc Việt, bác Trần Hữu Dực và có một số năm làm việc dưới sự chỉ đạo trực tiếp của các bác Trần Lê, Trần Quyết. Những năm tháng ấy, tôi đã được trực tiếp nghe những lời chỉ bảo ân cần của các bác Viện trưởng tiền bối của ngành. Tôi nhớ mãi lời các bác Viện trưởng căn dặn: Làm cán bộ Kiểm sát trước hết phải yêu ngành, yêu nghề; phải phấn đấu thực hiện theo lời dạy của Chủ tịch Hồ Chí Minh là “Cán bộ Kiểm sát phải công minh, chính trực, khách quan, thận trọng, khiêm tốn”. Bác Hoàng Quốc Việt thường nhắc nhở cán bộ: “Cán bộ Kiểm sát phải có đạo đức trong sáng như pha lê”. Bác Trần Lê căn dặn chúng tôi: “Cán bộ Kiểm sát phải yêu nghề, phải cầm nắm chức năng, nhiệm vụ cho chắc và phải sống liêm khiết”. Bác Trần Quyết có lần đã tâm sự: “Làm cán bộ Kiểm sát phải luôn có cái đầu tỉnh táo và phải có bàn tay sạch, anh cầm đuốc đi soi người ta thì đầu anh phải tỉnh táo và tay anh phải sạch sẽ”… Những lời huấn thị của các bác Viện trưởng đã luôn bên tôi suốt 35 năm công tác trong ngành và chính vì làm theo những lời căn dặn quý báu đó đã giúp tôi vượt qua mọi khó khăn để hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ.

Những tấm gương sáng về đạo đức cách mạng, về lối sống giản di, chân thành, tận tâm, tận lực với ngành của các bậc tiền bối như bác Hoàng Quốc Việt, bác Trần Hữu Dực, bác Trần Lê, bác Trần Quyết cùng các bác Phó Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tối cao tiền nhiệm như bác Trần Hiệu, bác Nguyễn Quốc Hồng, bác Huỳnh Lắm và nhiều vị lãnh đạo tiền bối khác của ngành mãi mãi còn sáng đọng trong tâm trí của các thế hệ cán bộ Kiểm sát chúng tôi.

Tôi xin bày tỏ tình cảm và lòng mến phục với những người thầy, người anh trong ngành Kiểm sát đã luôn chỉ bảo ân cần, dạy nghề, truyền đạt phương pháp công tác, lối sống đối với chúng tôi một cách tận tình, chu đáo. Tôi xin trân trọng cảm ơn bác Nguyễn Văn Thìn, nguyên Phó Viện trưởng Thường trực Viện kiểm sát nhân dân tối cao; anh Lê Thanh Đạo, nguyên Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tối cao, cảm ơn các anh chị Phó Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tối cao Nguyễn Văn Đức, Nguyễn Thị Tuyết, Nguyễn Đăng Kính và một số anh chị khác không chỉ là cấp trên mà còn là những người đồng chí, đồng nghiệp chân thành của chúng tôi.

Là những cán bộ hưu trí của ngành, chúng tôi vô cùng phấn khởi và tự hào khi thấy trong hai nhiệm kỳ gần đây các đồng chí Viện trưởng Trần Quốc Vượng, Nguyễn Hòa Bình đã cùng tập thể lãnh đạo Viện kiểm sát nhân dân tối cao tận tâm, tận lực với ngành, làm được nhiều việc lớn để ngành Kiểm sát nhân dân ngày càng trưởng thành, vững mạnh; tăng thêm niềm tin của nhân dân, của Đảng, của Nhà nước, của các cấp, các ngành với Viện kiểm sát nhân dân. Điều đó được ghi nhận trong các Nghị quyết quan trọng của Bộ Chính trị, Nghị quyết của Quốc hội và trong sự đánh giá đúng mức của đồng chí Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, của Chủ tịch nước Trương Tấn Sang và của Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng.

Tôi đề nghị trong thời gian tới, các đồng chí lãnh đạo Viện kiểm sát nhân dân tối cao đương nhiệm và Thủ trưởng các đơn vị trong toàn ngành tiếp tục đoàn kết, chí công vô tư, phát huy truyền thống của ngành để ngành Kiểm sát nhân dân ngày càng phát triển. Tôi mong muốn và đề nghị các Thầy giáo, cô giáo Trường Đại học Kiểm sát Hà Nội hãy đồng tâm hiệp lực; dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm vì mái trường Đại học Kiểm sát thân yêu, vì sự nghiệp đào tạo của toàn ngành. Tôi xin phép được chia sẻ đôi điều từ 35 năm công tác trong ngành với các đồng chí cán bộ Kiểm sát đương nhiệm còn trẻ và các cháu học sinh của Trường Đại học Kiểm sát Hà Nội – những cán bộ Kiểm sát tương lai của ngành.

Là những người lính trở về ngành sau khi kết thúc chiến tranh, đối với chúng tôi còn rất nhiều bỡ ngỡ. Thế hệ chúng tôi đã trưởng thành và hoàn thành nhiệm vụ được giao trước hết là được sự quan tâm của ngành; được rèn luyện, phấn đấu về mọi mặt trong môi trường công tác đặc thù của ngành Kiểm sát nhân dân.

Trước hết, khi đã vào ngành, chúng tôi xác định ngành Kiểm sát nhân dân là trường đời, trường nghề của mình. Vì yêu ngành, yêu nghề Kiểm sát nên mỗi chúng tôi đều không ngừng học tập vươn lên để nâng cao trình độ về mọi mặt. Chúng tôi không có may mắn được học Đại học Kiểm sát ngay như bây giờ, mà lần lượt học qua các lớp nghiệp vụ 6 tháng, Trung cấp Kiểm sát, Cao đẳng Kiểm sát và Đại học Luật. Tròn 8 năm 6 tháng, kể cả học tập trung và vừa học vừa làm mới có tấm bằng Cao đẳng Kiểm sát và Cử nhân Luật, nhưng chúng tôi vẫn kiên trì và quyết tâm. Chúng tôi học từ các bậc lãnh đạo tiền bối, học từ thực tiễn, từ các bậc chuyên gia đầu ngành, từ các đồng nghiệp để tự trang bị cho mình những kiến thức và kinh nghiệm cần thiết trong công tác.

Thứ hai, chúng tôi luôn xác định trách nhiệm của bản thân mình phải tham gia xây dựng khối đoàn kết thống nhất trong cơ quan, đơn vị Kiểm sát; coi đó là bài học, là nguyên nhân dẫn đến mọi thành công. Người cán bộ Kiểm sát không những phải có tâm trong sáng mà còn phải có tầm mới đủ. Trong mọi việc, để cái tôi sang một bên, mọi việc phải vì lợi ích chung, vì tập thể, vì đơn vị, vì ngành thì dễ đi đến thống nhất trong nhận thức và hành động. Từ khi được giao nhiệm vụ làm công tác quản lý tôi đã đề ra cho bản thân mình một phong cách làm việc là: “Nhiệm vụ gì được giao cũng là vinh dự và trách nhiệm. Làm nhiệm vụ thì phải làm đến nơi, đến chốn”. Do thực hiện được điều tâm nguyện đó, thế hệ chúng tôi đã có nhiều người hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ được giao.

Thứ ba, chúng tôi cho rằng trong bất cứ hoàn cảnh nào, ở bất cứ cương vị nào; người cán bộ Kiểm sát phải luôn nêu cao bản lĩnh và ý chí nghề nghiệp. Cán bộ Kiểm sát phải dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm thì mới hoàn thành nhiệm vụ. Chỉ có dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm thì trong cái khó mới ló cái khôn, mới có những biện pháp tốt để thực hiện công việc có hiệu quả. Chính vì dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm nên khi được giao bất cứ nhiệm vụ gì, từ đào tạo cán bộ, đến khi thực hành quyền công tố, kiểm sát điều tra, làm công tác tổng hợp, làm báo của ngành và làm công tác hợp tác quốc tế tôi đều hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ.

Thứ tư, đồng chí Hoàng Quốc Việt đã từng nói: “Công tác kiểm sát thực chất là công tác chính trị”, do vậy người làm công tác kiểm sát phải xuất phát từ thực tiễn, biết vận dụng lý luận vào thực tiễn để rồi tổng kết thực tiễn đem lại những bài học và kinh nghiệm cho chính mình. Chúng tôi rất vui mừng khi thấy trong những năm gần đây lãnh đạo Viện kiểm sát nhân dân tối cao đã có chủ trương “hướng về cơ sở”, bám sát thực tiễn để thực hiện chức năng, nhiệm vụ của ngành một cách sát hợp. Tôi muốn nói với các cháu sinh viên Trường Đại học Kiểm sát Hà Nội rằng kiến thức ở Nhà trường là gốc cơ bản để vào nghề, điều quan trọng là phải tiếp tục học nữa trong thực tiễn công tác của Ngành.

Cuối cùng, chúng tôi xác định khi đã vào công tác trong ngành Kiểm sát nhân dân phải yêu ngành, yêu nghề, nguyện gắn bó trọn đời với ngành, với đơn vị mà mình công tác. Chỉ có tình yêu nghề nghiệp mới đem lại niềm say mê trong công việc và giúp chúng tôi vượt qua mọi khó khăn, thử thách và có thêm nhiều kinh nghiệm.

Tôi trân trọng và vô cùng cảm ơn ngành Kiểm sát nhân dân đã đào tạo tôi trưởng thành, có kinh nghiệm, có kiến thức sâu rộng để hoàn thành nhiệm vụ. Lớn lên và được trưởng thành trong mái nhà chung Viện kiểm sát nhân dân trong quá nửa cuộc đời, đó là niềm tự hào và hạnh phúc của tôi.

(Trích bài viết “Ngành kiểm sát nhân dân đã đào tạo tôi trưởng thành, tiến bộ” của đồng chí Lại Hợp Việt, Nguyên Vụ trưởng Vụ Hợp tác quốc tế, VKSND tối cao trong chùm bài “Nguyện giữ mãi ngọn lửa thế hệ đi trước đã thắp lên”; Nguồn: Tạp chí Kiểm sát số 16/2015 )