Nếu không có các anh, em đã “trở thành” tên trộm cắp!
Ngày đăng : 08:01, 14/06/2017
Câu chuyện thứ nhất: Một buổi sáng, bà Lô Thị S đến Công an huyện Q.C trình báo về việc mất trộm vàng. Bà khai đêm qua nhà có việc mời bà con dân bản đến uống rượu, bà xếp dọn xong thì đã khuya, mệt quá bà ngủ say sưa nên ông Lô Văn C là người cùng bản lẻn vào gỡ mất đôi vòng tai bà vẫn đeo ở tai, đôi vòng nặng hơn chỉ vàng.
Từ lời khai bà S, Công an huyện đã bắt khẩn cấp ông C để làm rõ. Sau mấy ngày quanh co chối cãi, Lô Văn C phải thừa nhận là đêm qua sau khi uống rượu ở nhà bà S về đến nhà, ông lại quay lại nhà bà S, trèo lên sàn thấy cả nhà bà ngủ say, ông rón rén đến chỗ bà S nằm, bóp cổ bà lấy đôi vòng bà đeo ở tai. Mang vàng về nhà, ông dùng dao chặt chỏ đôi vòng cho vào ống lông ngỗng và mờ sáng hôm sau mang đến thị trấn QH bán cho ông Q chủ hộ gia công kinh doanh vàng. Tiền bán vàng hơn 300.000 đồng ông đã uống rượu hết.
Căn cứ lời khai của ông C, Công an huyện Q.C đã khởi tố vụ án, khởi tố bị can, hoàn tất hồ sơ chuyển Viện kiểm sát. Thụ lý hồ sơ là một cán bộ trẻ mới được bổ nhiệm Kiểm sát viên nhưng khá nhạy bén về nghề nghiệp. Nghiên cứu hồ sơ, anh nhận thấy có nhiều điều mâu thuẫn: Tại sao bà S ngủ say mà vẫn biết ông C lấy trộm vàng? Tại sao ông c bảo bóp cổ bà S mà bà không vung vẫy la hét? Tại sao ông C lại chặt nhỏ vàng bán vừa giảm giá vừa dễ bị nghi ngờ? Tại sao…? Những câu hỏi liên tiếp được đặt ra.
Kiểm sát viên trực tiếp tìm gặp ông Q tại thị trấn QH, ông Q xác định đã mấy tháng nay ông không thấy ai ở QC xuống bán vàng vụn, vàng đựng trong ống lông ngỗng lại càng không có. Kiểm sát viên quay về gặp ông c đang bị tạm giam, nhìn bị can phờ phạc, tiều tụy, anh nhỏ nhẹ hỏi: Tại sao ông lại khai bán vàng cho ông Q? Ông C giơ tay lên như định nói điều gì, nhưng rồi ông lại để tay xuống có vẻ chán nản: “Thế bây giờ cán bộ bảo ta phải khai thế nào, ta sẽ khai đúng mà”. Kiểm sát viên lại gọi đến bà S. Sau lời trình bày như đọc bài thuộc lòng, thấy anh cán bộ lặng im nhìn thẳng vào mặt bà vẻ nghiêm nghị, bà S thấy chột dạ. Kiểm sát viên từ tốn hỏi: “Thường ngày bà ngủ ở đâu?”. Bà trả lời cả nhà vẫn ngủ chung trên sàn. Hỏi: Sao ngủ say mà bà vẫn biết được ông C lấy vòng tai mà bà không kêu lên cho mọi người trong nhà dậy đuổi bắt ông C? Bà S ấp úng không nên lời. Kiểm sát viên nghiêm giọng: “Pháp luật bảo vệ quyền lợi cho mọi công dân, nhưng cũng rất nghiêm khắc với những ai cố tình vu khống, bịa đặt để làm hại kẻ khác. Bà vẫn còn đủ thời gian để trình bày sự việc đúng sự thật”. Bà S run rẩy rồi bất chợt ôm mặt khóc. Kiểm sát viên cố trấn tĩnh rồi ôn tồn bảo bà uống cốc nước và bình tĩnh lại. Tiếp đó, bà S thú nhận: Trong một lần đi lấy củi trong rừng, bà bị vướng vào cây làm rơi vòng tại mất không tìm thấy được, vì lo sợ chồng đánh mắng, lại sẵn có mâu thuẫn từ trước với ông C trong việc làm ăn nên bà đã dựng chuyện mất vàng như trên. Khi thấy ông C bị bắt giam, bà rất ân hận và lo sợ…
Được Viện kiểm sát trả tự do và đình chỉ điều tra vụ án, ông Lô Văn C lắp bắp: “Đời tôi ơn cán bộ cho đến bao giờ…”
Câu chuyện thứ hai: Nghiên cứu hồ sơ vụ án H.V.T ở huyện Đ trộm cắp tài sản công dân, Kiểm sát viên rất băn khoăn. Bằng kinh nghiệm nghề nghiệp, anh biết rằng chứng cứ buộc tội T vẫn rất mong manh, cho dù cập trâu bò (tang vật vụ án) đã được thu hồi nguyên vẹn và trả về cho chủ sở hữu, tang vật đó đã được thu giữ trong tay T, thế nhưng trong hồ sơ phản ánh T vẫn một mực khai rằng: T làm nghề buôn bán, thường đi các chợ quê ở huyện Đ và huyện H mua gạo, cám rồi chiều đạp xe đưa về chợ thành phố bán. Vào lúc 12 giờ 30 ngày 14/5, T đạp xe đến cầu M thuộc địa phận huyện H thì gặp một người đi bộ dắt một cặp trâu bò đi nghênh ngang làm T phải dừng xe chờ trâu bò đi qua. Người dắt trâu bò hỏi T có mua trâu bò không, T cũng tò mò hỏi giá cả, người đó bảo đang cần tiền cho người nhà đi chữa bệnh nên bán rẻ 1.500.000 đồng cả cặp. Biết đó là giá quá rẻ, T Chợt nghĩ mua cặp trâu bò này nhập cho lò mổ bà Béo kiếm dăm trăm bạc. bằng lãi cả tuần đi chợ, vậy là y trả giá 1.200.000 đồng. Hai bên cò kè một lúc rồi thỏa thuận mua bán với giá 1.300.000 đồng. T đếm tiền trả và nhận trâu bò ngay giữa đường. Sau đó T dắt xe đạp, lùa cặp trâu bò đi đến nhà bà Béo ở xã P huyện N cách nơi mua cặp trâu bò 14 km. Đến nhà bà Béo lúc 17 giờ cùng ngày, bà Béo đồng ý mua cặp trâu bò này với giá 1.800.000 đồng nhưng đòi T phải đưa giấy bán trâu bò. Lúc này T mới ngớ ra vì không hỏi giấy bán, nhưng đã chót “thì phải trét”, T hứa ngày mai sẽ đưa giấy tờ đến – bà Béo đưa trước cho T 1.000.000 đồng, phần còn lại chờ giấy tờ sẽ thanh toán. T cầm tiền đạp xe vào bến xe thành phố, gửi cám, gạo cho người quen rồi đón xe ôtô về quê. Tại đây cho đến hết trưa hôm sau, T vẫn không xin được giấy bán trâu bò. Y đành bấm bụng đạp xe xuống nhà bà Béo với ý định để bà bớt cho bao nhiêu thì bớt, nhưng vừa đến nhà bà Béo, Công an huyện H đã chờ sẵn, bắt giữ và đưa T cùng cặp trâu bò về Công an huyện để điều tra.
Theo lời khai của ông Y ở xã T huyện H, là người bị hại, chủ của cặp trâu bò, thì lúc 22 giờ đêm ngày 13/5, ông đi kiểm tra vẫn thấy trâu bò trong chuồng, đến 4 giờ 30 ngày 14/5 thì trâu bò không còn trong chuồng đó nữa, gia đình ông đã tổ chức tìm nhưng không thấy. Kiểm sát viên yêu cầu Cơ quan điều tra xác minh về việc sử dụng thời gian của T đêm 13/5, kết quả là đêm đó T đi chơi với thanh niên trong xóm (ở huyện Đ) đến 22 giờ về ngủ. Sáng ngày 14/5 đi chợ lúc 6 giờ 30. Điều này cũng phù hợp với lời khai của T, số gạo, cám T mua được còn gửi ở quán nước cạnh bến xe thành phố…
… Do nghiên cứu kỹ hồ sơ thấy có mâu thuẫn và yêu cầu Cơ quan Công an điều tra bổ sung nên Kiểm sát viên đã phát hiện và xác định H.V.T không phạm tội. Khi được Viện kiểm sát huỷ bỏ lệnh tạm giam, H.Y.T không cầm nổi nước mắt: “Nếu không có các anh Kiểm sát, em đã trở thành một tên trộm cắp.. “./.
Hồng Lam
VKSND huyện Hưng Nguyên, tỉnh Nghệ An
(Trích từ “Kỷ yếu Những kỷ niệm sâu sắc về ngành Kiểm sát nhân dân”, VKSNDTC – năm 2010)