Chuyện về người chỉ huy đánh Đồn Cây Điệp

Ngày đăng : 12:05, 25/04/2017

(Kiemsat.vn) - Nhân kỷ niệm 42 năm ngày giải phóng miền Nam thống nhất đất nước, xin giới thiệu tới độc giả người cán bộ Kiểm sát đã từng mặc áo lính, chỉ huy đánh Đồn Cây điệp, tỉnh Kiên Giang một thời. Ông là Mai Anh Giáp, nguyên Viện trưởng VKSND tỉnh Cao Bằng.

Gặp lại thủ trưởng cũ trong dịp Đại hội Hội luật gia tỉnh Cao Bằng nhiệm kỳ 2013 – 2018. Tôi có cảm nhận ông vẫn như ngày nào, nụ cười trên môi, dáng đi nhanh nhẹn, giọng nói sang sảng trên hội trường và những cái bắt tay siết chặt, ấm áp.

Kết quả hình ảnh cho Mai Văn Giáp nguyên Viện trưởng VKSND tỉnh Cao Bằng Đồng chí Mai Văn Giáp, nguyên Viện trưởng VKSND tỉnh Cao Bằng nhiệm kỳ 2001-2010

Tháng 07 năm 1968, theo tiếng gọi thiêng liêng của Tổ quốc vì miền nam ruột thịt, anh thanh niên miền núi Mai Anh Giáp đang học trung cấp chuyên nghiệp đã lên đường nhập ngũ, vào Nam chiến đấu khi chưa tròn 18 tuổi.
Tháng 01/1971, ông được kết nạp Đảng tại chiến trường miền Tây Nam bộ.

Trải qua những năm tháng ác liệt tại chiến trường, ông bị thương trong trận đánh giải phóng Đồn Cây điệp – lộ Lục Phi ở huyện Gò Quao, tỉnh Kiên Giang. Trận đánh diễn ra vào ngày 02/02/1975 (tức ngày 22/12 âm lịch). Lúc này ông là Chính trị viên trưởng Đại đội, trực tiếp chỉ huy trận đánh.

Khi vừa xung phong qua được cửa mở vào đồn thì một ụ đại liên bắn xối xả. Ông và đồng đội đều nằm rạp tại chỗ. Quan sát thấy xạ thủ B41 đang nằm gần mình, ông lao đến hô xạ thủ tiêu diệt ụ đại liên thì bị đạn trúng vào vai phải. Hiện nay vẫn còn mảnh đạn ở vùng vai và sườn bên phải.

Kết quả hình ảnh cho kiên giang Vẻ đẹp vùng đất Kiên Giang (nguồn internet)

Sau ngày giải phóng miền nam thống nhất tổ quốc, năm 1975, ông ra Bắc với tỉ lệ thương tích trên người là 51% và được xếp hạng ¾. Đến năm 1976, ông chuyển ngành sang công tác tại Tòa án nhân dân tỉnh và lúc này ông mới kịp tìm cho mình một tổ ấm gia đình với một cô giáo trẻ cùng quê ở huyện Quảng Uyên, tỉnh Cao Bằng.

Trải qua nhiều vị trí công tác, năm 1989 ông được bổ nhiệm làm Chánh án Toà án nhân dân tỉnh Cao Bằng. Đến tháng 7/2001, do yêu cầu nhiệm vụ, Thường vụ Tỉnh uỷ và Viện kiểm sát nhân dân tối cao, ông chuyển sang làm Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tỉnh Cao Bằng. Bắt đầu một nhiệm vụ mới được Đảng và Nhà nước tin tưởng giao phó.

Với kinh nghiệm lâu năm của người lãnh đạo, ông luôn quan tâm đến đời sống anh em, tìm hiểu tâm tư, nguyện vọng của cán bộ trong ngành. Ông cùng với tập thể Ban cán sự và các đồng chí lãnh đạo Viện nhận định, đánh giá lại những thành tích đạt được và những yếu kém tồn tại của cả hai cấp để tìm ra nguyên nhân yếu kém, đề ra giải pháp khắc phục; xây dựng lại đội ngũ cán bộ chủ chốt của các phòng nghiệp vụ và cấp huyện, thị; thực hiện chế độ chi tiêu hợp lý, đảm bảo chế độ, quyền lợi cho cán bộ, kiểm sát viên trong ngành; đưa ra nhiều giải pháp để lãnh đạo cơ quan hoạt động đi vào nề nếp; sự phối kết hợp giữa các đơn vị, các đoàn thể trong ngành Kiểm sát cũng như phối kết hợp giữa ngành kiểm sát với các cơ quan liên quan luôn nhịp nhàng, chặt chẽ để đạt hiệu quả công tác cao nhất. Từ đó vị thế của ngành Kiểm sát Cao Bằng ngày càng được nâng cao.

Dưới sự lãnh đạo của ông, từ năm 2001 đến năm 2010, Viện kiểm sát nhân dân tỉnh Cao Bằng và các đơn vị trực thuộc đã được Viện kiểm sát nhân dân tối cao, Tỉnh uỷ và UBND tỉnh Cao Bằng tặng thưởng nhiều bằng khen, Cờ đơn vị dẫn đầu phòng trào thi đua… Viện kiểm sát nhân dân tỉnh Cao Bằng vinh dự được Chủ tịch Nước Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam tặng thưởng Huân chương lao động hạng Ba.

Tuy đã chuyển ngành công tác từ quân đội sang cơ quan dân sự lâu ngày nhưng chất lính được tôi luyện trong chiến trường vẫn thấm đẫm trong ông. Tính kỷ luật của người sĩ quan quân đội và tinh thần đoàn kết một lòng trong công việc, sự chia sẻ trách nhiệm và quyền lợi của mỗi cá nhân trong một tập thể luôn được ông đề cao, để từ đó trở thành người Viện trưởng được anh em trong, ngoài ngành kính trọng. Viện kiểm sát nhân dân tối cao, Tỉnh uỷ, Ủy ban nhân dân tỉnh và các đơn vị bạn tín nhiệm.

Đến năm 2010, ông được nghỉ chế độ, nhưng với trách nhiệm của một Đảng viên, một cựu chiến binh và thực hiện tinh thần thương binh tàn nhưng không phế. Ông tiếp tục gánh vác nhiệm vụ khi Đảng bộ tỉnh và UBND tỉnh giao trách nhiệm cho ông giữ trọng trách là Chủ tịch Hội Luật gia tỉnh Cao Bằng. Ông lại trăn trở, suy nghĩ để cùng cơ quan Hội Luật gia tỉnh hoạt động đúng tôn chỉ, mục đích của Hội là một tổ chức chính trị – xã hội – nghề nghiệp đặc thù.

Nghiên cứu phương pháp để phát triển tổ chức Hội ở cơ sở và phát triển số lượng hội viên. Đồng thời tổ chức tuyên truyền đến các cơ quan đơn vị và quần chúng nhân dân hiểu về Hội luật gia, từ đó nâng cao vị thế của giới luật gia trong đời sống xã hội của tỉnh.

Kết quả hình ảnh cho Lãnh đạo Hội luật gia tỉnh Cao Bằng nhiệm kỳ 2013-2018 Lãnh đạo Hội luật gia tỉnh Cao Bằng nhiệm kỳ 2013-2018

Ghi nhận công lao đóng góp của ông, Đảng, Nhà nước và quân đội đã tặng thưởng ông nhiều danh hiệu cao quý như: Danh hiệu dũng sĩ quyết thắng, Huân chương chiến sĩ giải phóng, Huân chương kháng chiến chống Mỹ, Danh hiệu chiến sĩ thi đua, Kỷ niệm chương vì sự nghiệp bảo vệ pháp chế, Bằng khen của Thủ tướng Chính phủ, Huân chương Lao động hạng nhất… và nhiều giấy khen, bằng khen các loại.

Nhớ lại kỷ niệm khi vừa được điều động về công tác ở Viện kiểm sát tỉnh, khi tôi vào phòng Viện trưởng trình ký. Thấy tôi lúng túng, ông chỉ mỉm cười và hỏi thăm về hoàn cảnh gia đình và động viên tôi cố gắng khi chuyển từ VKSND cấp huyện lên cấp tỉnh để tôi lấy lại bình tĩnh rồi mới kiểm tra nội dung văn bản để ký. Sau này, khi được làm việc gần ông nhiều hơn, tôi mới thực sự cảm nhận được sự tinh tế của một người lãnh đạo đứng đầu một ngành pháp luật cấp tỉnh. Sự kính trọng không phải từ quyền lực và mệnh lệnh mà chính là cái tâm để thu phục lòng người.

Ông là Mai Anh Giáp, người lãnh đạo quyết đoán, hết mình vì công việc, gần gũi cán bộ cấp dưới và quần chúng nhân dân; là người cựu chiến binh, thủ trưởng mẫu mực của ngành Kiểm sát Cao Bằng trong thời kỳ đổi mới!

Thanh Tùng
VKSND tỉnh Cao Bằng