Điều kiện bảo vệ người thứ ba ngay tình
Ngày đăng : 02:18, 17/11/2017
Các điều kiện để người thứ ba ngay tình được bảo vệ quyền lợi khi giao dịch dân sự vô hiệu theo BLDS 2015:
Thứ nhất, trước khi người thứ ba tham gia vào giao dịch dân sự thì đã có một giao dịch dân sự trước được xác lập, thực hiện những giao dịch dân sự trước đó đã bị vô hiệu: Ví dụ: vợ chồng ông A chết lập di chúc để lại di sản là 500m2 đất vườn và căn nhà trên đất cho anh B (con duy nhất của vợ chồng ông A). Sau đó anh B chuyển nhượng quyền sử dụng đất (QSDĐ) và căn nhà trên đất trên cho bà C. Thời gian sau có anh D là con riêng của ông A yêu cầu chia di sản. Như vậy, di chúc của vợ chồng ông A bị vô hiệu một phần. Lúc này, bà C là người thứ ba ngay tình trong giao dịch nhận chuyển nhượng QSDĐ với anh B.
Hình ảnh mang tính chất minh họa (nguồn internet)
Thứ hai, người thứ ba xác lập giao dịch dân sự phải ngay tình: Nghĩa là, người thứ ba không biết hoặc không thể biết những giao dịch trước đó bị vô hiệu bởi bất cứ lý do nào, họ có căn cứ tin rằng đối tượng và chủ thể giao dịch với mình đủ điều kiện mà pháp luật quy định. Thường những trường hợp như thế này xảy ra đối với tài sản là động sản không phải đăng ký như: Gia súc, gia cầm, vàng, điện thoại di động…
Thứ ba, tài sản đưa ra giao dịch phải được phép giao dịch: BLDS không quy định về tài sản được phép giao dịch nhưng căn cứ khoản 10 Điều 3 Nghị định 163/2006/NĐ-CP quy định về giao dịch đảm bảo có nếu “tài sản được phép giao dịch là tài sản không bị cấm giao dịch theo quy định của pháp luật tại thời điểm xác lập giao dịch đảm bảo”. Qua quy định này có thể hiểu “tài sản được phép giao dịch là tài sản không bị cấm giao dịch theo quy định của pháp luật”. Đối với các loại tài sản mà pháp luật quy định cấm lưu thông (ma túy, động vật hoang dã quý hiếm…) thì người thứ ba buộc phải biết và việc xác lập giao dịch đối với loại tài sản này đều bất hợp pháp, không được pháp luật bảo vệ. Còn đối với loại tài sản mà pháp luật quy định hạn chế lưu thông (ngoại tệ, vũ khí) thì chỉ khi đảm bảo các điều kiện ràng buộc kèm theo thì giao dịch dân sự đó mới có hiệu lực pháp luật.
Ví dụ: anh C mua 1 gói ma túy của anh B. Dù anh C không biết gói ma túy đó do anh B trộm cắp mà có thì giao dịch của anh C và anh B là bất hợp pháp và có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự do hành vi vi phạm pháp luật.
Thứ tư, người thứ ba có được tài sản thông qua giao dịch dân sự có đền bù: Đó là những giao dịch mà trong đó một bên sau khi thực hiện nghĩa vụ của mình đối với bên kia thì sẽ nhận được những lợi ích vật chất từ phía bên kia. Khi đó, giao dịch với người thứ ba vẫn có hiệu lực. Tuy nhiên, với những loại tài sản bị lấy cắp, bị mất hoặc trường hợp khác bị chiếm hữu ngoài ý chí của chủ sở hữu thì giao dịch với người thứ ba bị vô hiệu và chủ sở hữu có quyền đòi lại tài sản đó.
Ví dụ: Anh A trộm được 01 cái laptop của anh B. Sau đó, anh A đem bán cho anh C với giá 20.000.000 đồng. Nhưng C không biết A có được tài sản đó do trộm cắp mà có. Nên khi B phát hiện C đang dùng tài sản của mình thì báo với cơ quan cảnh sát điều tra. Do đó, C phải trả lại chiếc laptop cho anh A. Nghĩa là giao dịch giữa A và C bị vô hiệu, B có quyền đòi lại tài sản.
Trái lại, trường hợp người thứ ba có được tài sản thông qua giao dịch dân sự không có đền bù với người không có quyền định đoạt tài sản như: tặng cho, thừa kế…thì quyền lơi của người thứ ba sẽ không được pháp luật bảo vệ. Khi đó chủ sở hữu có quyền đòi lại tài sản.
Tùy vào đặc thù của từng loại tài sản nên có những tài sản là đối tượng của giao dịch dân sự phải đăng ký thì giao dịch dân sự với người thứ ba mới phát sinh hiệu lực pháp luật. Do vậy, tài sản chưa được đăng ký thì người thứ ba mặc dù ngay tình nhưng cũng không được pháp luật bảo vệ quyền lợi và phải trả lại tài sản cho chủ sở hữu. Điều này, đảm bảo cho các quy định của pháp luật về việc đăng ký tài sản được áp dụng nghiêm minh, đồng thời góp phần nâng cao hiệu quả quản lý tài sản của Nhà nước mà chủ yếu là bất động sản. Cũng có những trường hợp, giao dịch với người thứ ba chưa đăng ký nhưng pháp luật vẫn bảo vệ người thứ ba khi công nhận giao dịch đó có hiệu lực pháp luật, cụ thể: Người thứ ba ngay tình nhận được tài sản này thông qua bán đấu giá tại tổ chức có thẩm quyền hoặc giao dịch với người mà theo bản án, quyết định của cơ quan nhà nước có thẩm quyền là chủ sở hữu tài sản nhưng sau đó chủ thể này không phải là chủ sở hữu tài sản do bản án, quyết định bị hủy, sửa (khoản 2 Điều 133 BLDS 2015).
Ví dụ: Chị C căn cứ vào Bản án hôn nhân và gia đình giữa anh A và chị B để xác lập giao dịch chuyển nhượng QSDĐ đối với phần tài sản mà anh A được nhận. Trong thời gian chị C làm thủ tục đăng ký theo Luật đất đai thì Bản án bị sửa theo kháng nghị giám đốc thẩm của VKSND cấp cao. Theo đó tài sản mà anh A đã chuyển nhượng cho chị C này thuộc về chị B. Như vậy giao dịch giữa anh A và chị C bị vô hiệu do anh A không có quyền định đoạt đối với tài sản này. Tuy nhiên, pháp luật vẫn công nhận giao dịch với chị C có hiệu lực pháp luật.
Ngô Thị Mỹ Dung
VKSND Tp. Quy Nhơn, tỉnh Bình Định