Giải pháp nâng cao chất lượng công tác kháng nghị phúc thẩm hình sự

Ngày đăng : 09:43, 20/10/2017

(Kiemsat.vn) – Từ thực tiễn công tác kháng nghị phúc thẩm hình sự năm 2016 của VKSND hai cấp Tp. Hải Phòng, tác giả đề xuất một số giải pháp để nâng cao hơn nữa chất lượng khâu công tác này.

Công tác kháng nghị phúc thẩm hình sự của VKSND hai cấp ở Hải Phòng

Về số lượng, số kháng nghị mới của VKSND hai cấp ở Hải Phòng tăng so với cùng kỳ năm 2015. Về chất lượng, căn cứ vào kết quả xét xử phúc thẩm các vụ án do VKS kháng nghị phúc thẩm cho thấy, chất lượng kháng nghị phúc thẩm năm 2016 cũng có chuyển biến tích cực so với cùng kỳ năm 2015. Số kháng nghị được Tòa án cấp phúc thẩm chấp nhận là 09 vụ/11 bị cáo. Tỷ lệ rút kháng nghị năm 2016 là 0 vụ/02 bị cáo, giảm 01 vụ so với cùng kỳ năm 2015.

Bên cạnh những kết quả đạt được nêu trên, công tác kháng nghị phúc thẩm hình sự của VKSND hai cấp ở Hải Phòng vẫn còn một số tồn tại về số lượng kháng nghị phúc thẩm chưa nhiều; lãnh đạo một số đơn vị chưa thực sự coi trọng công tác kháng nghị phúc thẩm nên chưa tạo được sự đột phá trong khâu công tác này.

Một số giải pháp

Thứ nhất, tăng cường và đổi mới công tác lãnh đạo, chỉ đạo đối với công tác kháng nghị phúc thẩm hình sự

Các đơn vị cần phải coi trọng chất lượng của hoạt động kháng nghị phúc thẩm hình sự, coi đây là một chỉ tiêu quan trọng đánh giá kết quả công tác năm. Cần tiếp tục đổi mới hơn nữa công tác chỉ đạo, điều hành trong việc phân công những KSV thực sự có năng lực giải quyết những vụ án phức tạp; biểu dương, khen thưởng những KSV làm tốt, đồng thời kiểm điểm, rút kinh nghiệm đối với những KSV làm yếu kém, từ đó tạo ra cơ chế thúc đẩy chất lượng của hoạt động kháng nghị. Lãnh đạo đơn vị phải xây dựng chương trình, có biện pháp cụ thể để tổ chức thực hiện tốt các Chỉ thị về tăng cường công tác kháng nghị phúc thẩm hình sự như phải có chỉ tiêu cụ thể về công tác này, có sự kiểm tra, đôn đốc sâu sát, kịp thời.

Kiểm sát viên thực hành quyền công tố tại phiên tòa phải kịp thời phát hiện vi phạm tố tụng trong hoạt động xét xử của HĐXX, sau phiên tòa phải quan tâm đến việc kiểm sát biên bản phiên tòa để phát hiện kịp thời sai sót của thư ký phiên tòa, từ đó đối chiếu lại giữa kết quả xét hỏi và tranh luận tại phiên tòa cùng với đề nghị trong bản luận tội của VKS, cũng như việc áp dụng các tình tiết tăng nặng, giảm nhẹ trách nhiệm hình sự có căn cứ pháp luật hay không để báo cáo Lãnh đạo Viện xem xét việc kháng nghị phúc thẩm.

Viện kiểm sát hai cấp tổ chức thực hiện tốt công tác thực hành quyền công tố, kiểm sát xét xử tại phiên tòa cũng như sau phiên tòa nhằm phát hiện kịp thời các vi phạm của bản án sơ thẩm để kháng nghị. Đặc biệt, cần tiếp tục nâng cao hiệu quả công tác kiểm sát bản án, quyết định sơ thẩm ở các đơn vị. Các VKS cấp sơ thẩm cần tăng cường chất lượng công tác kiểm sát bản án sơ thẩm, lập phiếu kiểm sát theo đúng mẫu quy định và gửi kèm theo bản án đúng thời hạn cho VKS cấp phúc thẩm. Qua công tác kiểm sát bản án phát hiện các bản án có vi phạm, thiếu sót thì cần kiên quyết kháng nghị phúc thẩm; đối với những trường hợp có vi phạm nhưng không nghiêm trọng, cũng cần tập hợp để kiến nghị yêu cầu Tòa án khắc phục. Trường hợp Tòa án tuyên mức án khác quan điểm của VKS thì KSV phải nghiên cứu lại vụ án, viết báo cáo án việc Tòa án tuyên khác quan điểm; đề xuất việc kiến nghị, kháng nghị, nếu không kiến nghị, kháng nghị phải nêu rõ lý do.

Viện kiểm sát cấp phúc thẩm cần tăng cường công tác kiểm sát bản án để phát hiện vi phạm, thực hiện kháng nghị phúc thẩm trên một cấp, đồng thời, tăng cường rút kinh nghiệm về công tác kháng nghị với các đơn vị cấp sơ thẩm, nhất là đánh giá tính chính xác của những tồn tại đã nêu; qua đó góp phần nâng cao kỹ năng phát hiện vi phạm, kỹ năng xây dựng kháng nghị, giải đáp những vướng mắc cho các đơn vị cấp sơ thẩm. Khi ban hành kháng nghị phải chú ý đảm bảo chặt chẽ từ hình thức đến nội dung và đúng thủ tục, thời hạn pháp luật quy định.

Công tác phối hợp giữa các cấp kiểm sát: Khi có kháng nghị, VKS cấp dưới phải cung cấp đầy đủ các thông tin, kết quả điều tra, các vướng mắc nếu có cho VKS cấp phúc thẩm để có cơ sở xem xét toàn diện việc bảo vệ kháng nghị. Đối với VKS cấp phúc thẩm, khi thấy kháng nghị có căn cứ cần kiên quyết bảo vệ việc kháng nghị. Tuyệt đối không để tình trạng phải rút kháng nghị (trừ một số trường hợp vụ án phát sinh tình tiết mới tại giai đoạn phúc thẩm), vì hiện nay sự phối hợp giữa VKS hai cấp về vấn đề này cho thấy còn nhiều hạn chế. Trong trường hợp Tòa án cấp phúc thẩm vẫn không chấp nhận thì thực hiện báo cáo VKSND cấp cao xin ý kiến chỉ đạo.

Thứ hai, nâng cao nhận thức, trình độ, kỹ năng nghề nghiệp và trách nhiệm của Kiểm sát viên về công tác kháng nghị phúc thẩm hình sự

Các KSV phải xác định được vai trò của mình trong việc kháng nghị phúc thẩm là hết sức quan trọng. Chính vì vậy, một trong những giải pháp hàng đầu là phải xây dựng được đội ngũ KSV đủ mạnh, có nhận thức đầy đủ về vai trò, chức năng và nhiệm vụ của ngành trong tình hình mới. Các KSV phải có trình độ nghiệp vụ vững vàng, có trách nhiệm cao để đảm bảo công việc được giao.

Kiểm sát viên cần phải có kỹ năng nghề nghiệp từ việc phát hiện các vi phạm của Tòa án trong quá trình xét xử đến việc tổng hợp đánh giá và đề xuất kháng nghị. Bản thân mỗi KSV phải tự mình học hỏi, nâng cao trình độ chuyên môn, nắm vững hệ thống các văn bản pháp luật có liên quan để xây dựng cho mình bản lĩnh nghề nghiệp vững vàng. Từ đó có đủ tự tin trong việc giải quyết vụ án nói chung và đề xuất kháng nghị phúc thẩm nói riêng.

Đề xuất, kiến nghị

Một là, về hệ thống chỉ tiêu thi đua: Tiêu chí để đánh giá một đơn vị làm tốt công tác kháng nghị phúc thẩm hình sự là gì? là đơn vị có ban hành nhiều kháng nghị? hay là đơn vị có số kháng nghị được Tòa án chấp nhận nhiều? hoặc chỉ cần VKS cấp trên chấp nhận?

Vậy, đối với đơn vị do làm tốt công tác phối hợp với Tòa án, bên cạnh đó, KSV, Thẩm phán là người năng lực, trình độ tốt do vậy xét xử đúng người, đúng tội, đúng pháp luật nên không có kháng nghị ngang cấp và không bị cấp trên kháng nghị thì có được coi là công tác kháng nghị tốt không? Do đó, chúng tôi cho rằng, cần đánh giá một cách toàn diện và cụ thể không nên chỉ căn cứ vào bộ chỉ tiêu thi đua như hiện tại.

Ví dụ: Có thể đánh giá một đơn vị làm tốt công tác này là một đơn vị mặc dù không ban hành kháng nghị nhưng cũng không bị cấp trên kháng nghị và không có án bị cải sửa và hủy do bị kháng cáo (trừ khi có tình tiết mới phát sinh ở giai đoạn phúc thẩm). Hiệu quả của công tác kháng nghị không phải là số lượng kháng nghị nhiều hay ít mà là chất lượng kháng nghị phải tốt, tức là kháng nghị phải có căn cứ.

Hai là, về chỉ tiêu thi đua. Theo chỉ tiêu số 33 quy định về tỷ lệ bị cáo Viện kiểm sát rút kháng nghị (trước khi mở phiên tòa và rút tại phiên tòa) + số bị cáo Tòa án không chấp nhận kháng nghị/tổng số bị cáo VKS kháng nghị, phải nhỏ hơn hoặc bằng 20%.

Như vậy, đối với một số vụ án kháng nghị nhưng do tại giai đoạn xét xử phúc thẩm có phát sinh tình tiết mới dẫn đến VKS rút kháng nghị thì cách tính chỉ tiêu này thế nào?

Về vấn đề này, theo quan điểm của chúng tôi thì trong hệ thống chỉ tiêu cần phải phân tích cụ thể về lý do rút kháng nghị như:

– Rút kháng nghị do kháng nghị không có căn cứ.

– Rút kháng nghị do có tình tiết mới tại giai đoạn phúc thẩm và rút kháng nghị trong trường hợp này phải được xác định là đơn vị đã ban hành kháng nghị là đúng và không có lỗi trong việc rút kháng nghị. Do đó, cần phải tính kháng nghị đó cũng như việc rút kháng nghị là có căn cứ và không tính vụ án đó trong tổng số vụ án kháng nghị bị rút theo chỉ tiêu số 29 (tức là không tính số thụ lý vụ án đó nữa).

Ngoài ra, đối với những vụ án rút một phần kháng nghị theo quy định tại điểm 7.2 Nghị quyết số 05/2005/NQ-HĐTP ngày 08/12/2005 của Hội đồng Thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao hướng dẫn thực hiện Điều 238 Bộ luật Tố tụng hình sự năm 2003 thì việc rút kháng nghị hoặc một phần kháng nghị trước phiên tòa được coi như không có kháng nghị hoặc không có phần kháng nghị đó. Nhưng đối với việc rút cả kháng nghị hoặc rút một phần kháng nghị tại phiên tòa thì Tòa phúc thẩm vẫn có quyền xem xét cả kháng nghị hoặc phần kháng nghị bị rút đó. Do đó, trong trường hợp thấy cần phải rút kháng nghị hoặc một phần kháng nghị thì VKS nên rút kháng nghị trước phiên tòa và kháng nghị đó cũng như phần kháng nghị VKS rút trước phiên tòa không tính vào số thụ lý nữa.

Ba là, hiện nay Tòa án cấp trên có xu hướng bảo vệ quan điểm của Tòa án cấp dưới, mặc dù VKS cấp phúc thẩm thấy quan điểm của VKS cấp dưới có cơ sở nên đã đề nghị Tòa phúc thẩm chấp nhận kháng nghị nhưng HĐXX xử cấp phúc thẩm không chấp nhận. Vì vậy, cần bỏ chỉ tiêu “Tỷ lệ kháng nghị phúc thẩm được Tòa án chấp nhận” mà chỉ cần “Tỷ lệ kháng nghị phúc thẩm được Viện kiểm sát cấp phúc thẩm chấp nhận” như trước đây là được./.

(Trích bài viết “Giải pháp nâng cao chất lượng công tác kháng nghị phúc thẩm hình sự” của tác giả Nguyễn Thị Lan, Viện trưởng VKSND thành phố Hải Phòng, Tạp chí Kiểm sát số 03/2017).

Xem thêm>>>

Một số giải pháp nhằm nâng cao chất lượng công tác kháng nghị phúc thẩm hình sự ở cấp huyện

Kháng nghị phúc thẩm quá hạn trong tố tụng hành chính

Một số kinh nghiệm trong kháng nghị phúc thẩm các vụ án dân sự