Điểm mới của BLHS 2015 đối với các tội xâm phạm hoạt động tư pháp
Ngày đăng : 03:38, 05/10/2017
Quy định mở rộng phạm vi: BLHS 1999 quy định các tội xâm phạm hoạt động tư pháp là hành vi xâm phạm hoạt động đúng đắn của các cơ quan điều tra, kiểm sát, xét xử và thi hành án (Điều 292), nhưng nay khái niệm này được mở rộng hơn, đó là những hành vi xâm phạm sự đúng đắn của hoạt động tố tụng và thi hành án (Điều 367), cho thấy việc mở rộng đối tượng tham gia hoạt động tố tụng, là các cơ quan được giao nhiệm vụ tiến hành một số hoạt động điều tra như Hải quan, Kiểm lâm, Kiểm ngư, Cảnh sát biển, Bộ đội biên phòng, các cơ quan khác của Quân đội nhân dân, Công an nhân dân được giao nhiệm vụ tiến hành một số hoạt động điều tra như (Công an phường, xã, Cảnh sát giao thông) hoặc Thẩm phán, Thư ký phiên tòa, Chấp hành viên… đang xác minh, thu thập chứng cứ để phục vụ công tác xét xử vụ án dân sự, hành chính để thi hành án mà bị người khác xâm phạm vào hoạt động đúng đắn của các cơ quan này thì người có hành vi xâm phạm đó đều trở thành chủ thể của tội phạm.
Bổ sung một số hành vi, đối tượng, chủ thể: Bổ sung hành vi “làm sai lệch hồ sơ vụ việc” vào tội danh ghép làm sai lệch hồ sơ vụ án, vụ việc (Điều 375); BLHS 1999 chỉ quy định hành vi làm sai lệch hồ sơ vụ án mới bị truy cứu trách nhiệm hình sự về tội danh này. Tuy nhiên, trên thực tiễn, trong nhiều lĩnh vực các ngành Công an, Tòa án hoặc Thi hành án dân sự đã xảy nhiều trường hợp làm sai lệch hồ sơ đối với những vụ việc đang xác minh làm rõ ban đầu, là tiền đề để kết luận có sự việc phạm tội hay không nhưng đã bị sự tác động một cách có ý thức của con người vì những động cơ, mục đích khác nhau. Kết quả làm sai lệch nội dung vụ việc dẫn đến tình trạng bỏ lọt tội phạm hoặc làm oan người vô tội. Ngoài ra hồ sơ vụ việc còn bao gồm cả hồ sơ thi hành án trong quá trình xác minh điều kiện thi hành án hay tổ chức kê biên tài sản, bán đấu giá tài sản.. hoặc là các hồ sơ thụ lý giải quyết vụ, việc dân sự, hành chính… Như vậy, BLHS 2015 đã thêm hành vi “làm sai lệch hồ sơ vụ việc” để điều chỉnh hành vi vi phạm pháp luật này.
Bổ sung 02 đối tượng là người bị bắt, người đang chấp hành án phạt tù vào các tội danh: Thiếu trách nhiệm để người bị bắt, người bị tạm giữ, người bị tạm giam, người đang chấp hành án phạt tù trốn (Điều 376); Tội lợi dụng chức vụ, quyền hạn tha người bị bắt, người bị tạm giữ, người bị tạm giam, người đang chấp hành áp phạt tù (Điều 377); Tội tha trái pháp luật người bị bắt, người bị tạm giữ, người bị tạm giam, người đang chấp hành án phạt tù (Điều 378).
Bổ sung hành vi và quy định chi tiết phạm vi trong tội danh dùng nhục hình (Điều 373). BLHS 1999 chỉ quy định hành vi dùng nhục hình trong hoạt động điều tra, truy tố, xét xử và thi hành án. BLHS 2015, còn bổ sung hành vi dùng nhục hình trong hoạt động thi hành các biện pháp đưa vào trường giáo dưỡng, đưa vào cơ sở giáo dục bắt buộc, đưa vào cơ sở cai nghiện bắt buộc và quy định bổ sung những hành vi đối xử tàn bạo, hạ nhục nhân phẩm của người đang là đối tượng bị xem xét, quản lý trong hoạt động trên dưới bất kỳ hình thức nào cũng đều phạm tội dùng nhục hình.
Bổ sung hành vi dùng thủ đoạn trái pháp luật trong hoạt động tố tụng để ép buộc người bị lấy lời khai, hỏi cung phải khai ra những thông tin liên quan đến vụ án, vụ việc vào Tội bức cung (Điều 374). BLHS 1999, tội danh bức cung chỉ là những hành vi dùng thủ đoạn trái pháp luật trong quá trình điều tra, truy tố, xét xử để buộc người bị thẩm vấn khai sai sự thật thì mới bị xử lý về tội bức cung. Nhưng BLHS 2015 đã quy định rõ ràng người tiến hành tố tụng trong hoạt động tố tụng mà có hành vi trái pháp luật ép buộc người bị lấy lời khai và hỏi cung là phạm tội bức cung.
Như vậy BLHS 2015 đã mở rộng diện đối tượng được bảo vệ không chỉ bị can, bị cáo mà là tất cả những người tham gia tố tụng khác như người bị tạm giữ, người làm chứng, người liên quan, người giám định, người phiên dịch, người bào chữa, nguyên đơn dân sự, bị đơn dân sự… và điều luật cũng không quy định dấu hiệu vì động cơ hay mục đích để những người này khai sai hay khai đúng thông tin liên quan đến vụ án, vụ việc là dấu hiệu bắt buộc để định tội danh, mà chỉ cần trong hoạt động tố tụng, người thực hiện nhiệm vụ trong hoạt động tư pháp có hành vi dùng thủ đoạn trái pháp luật để ép buộc họ khai thông tin có liên quan đến vụ án, vụ việc là đã cấu thành tội phạm.
Bổ sung chủ thể là cơ quan có chức năng định giá tài sản về hành vi “từ chối định giá tài sản” vào Tội từ chối khai báo, từ chối kết luận giám định, định giá tài sản hoặc từ chối cung cấp tài liệu (Điều 383), do kết quả định giá tài sản có ý nghĩa quan trọng mang tính quyết định trong quá trình giải quyết vụ án, vụ việc đối với các cơ quan tiến hành tố tụng và thi hành án.
Sửa đổi phạm vi tác động: BLHS 1999 quy định Tội ép buộc “nhân viên tư pháp” làm trái pháp luật. BLHS 2015 sửa thành tội ép buộc “người có thẩm quyền trong hoạt động tư pháp” làm trái pháp luật (Điều 372); Việc quy định cụm từ “người có thẩm quyền trong hoạt động tư pháp” rõ nghĩa và bao hàm rộng hơn cụm từ “nhân viên tư pháp”. Trường hợp nhân viên tư pháp không có thẩm quyền đối với vụ án, vụ việc đang thụ lý thì không xử lý về tội này mà có thể bị xử lý về tội khác có hành vi tương ứng như tội lợi dụng chức vụ, quyền hạn gây ảnh hưởng đối với người khác…, tội lợi dụng ảnh hưởng đối với người có chức vụ, quyền hạn…
BLHS 2015 hình sự hóa một số hành vi chống phá, gây rối loạn, chế tạo, vận chuyển, mua bán, tàng trữ các máy móc, thiết bị thông tin liên lạc .. tại các cơ sở giam, giữ của người đang bị giam, giữ, chấp hành án phạt tù; hành vi xúc phạm, thóa mạ nghiêm trọng người tiến hành tố tụng, đập phá, gây rối trật tự phiên họp, phiên tòa vào 02 tội danh mới là: Tội vi phạm quy định về giam, giữ (Điều 388) và tội gây rối trật tự phiên tòa, phiên họp (Điều 391).
Quy định tăng mức hình phạt: BLHS năm 1999 nhóm tội danh này mức hình phạt cao nhất đối với tội đặc biệt nghiêm trọng chỉ đến 15 năm tù; BLHS 2015 đã tăng mức hình phạt cao nhất lên đến 20 năm tù hoặc tù chung thân.
Thụy Tường
Bài viết có liên quan >>>
Thủ tướng Chính phủ ban hành kế hoạch triển khai thi hành Bộ luật Hình sự năm 2015
Bộ luật Hình sự 2015 chính thức có hiệu lực thi hành từ 01/01/2018
Họp báo công bố Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Bộ luật Hình sự 2015 và 05 đạo luật