Vướng mắc phát sinh trong áp dụng BLTTDS năm 2015
Ngày đăng : 02:31, 03/10/2017
Sau hơn 01 năm BLTTDS năm 2015 có hiệu lực thi hành, Tòa án nhân nhân tối cao đã ban hành 03 văn bản giải đáp vấn đề nghiệp vụ (Văn bản giải đáp số 01/GĐ-TANDTC, ngày 25/7/2016; số 02/GĐ-TANDTC, ngày 19/9/2016, số 01/2017/GĐ-TANDTC ngày 07/4/2017) nhằm tháo gỡ những vấn đề khó khăn, vướng mắc trong quá trình thi hành BLTTDS năm 2015. Tuy nhiên, vẫn còn một số vướng mắc cần hướng dẫn để thống nhất áp dụng.
– Về thẩm quyền giải quyết của Tòa án đối với vụ án tranh chấp liên quan đến yêu cầu tuyên bố văn bản công chứng vô hiệu theo quy định tại khoản 11 Điều 26 BLTTDS năm 2015, cụ thể là nguyên đơn yêu cầu hủy hợp đồng tặng cho quyền sử dụng đất. Đây là tranh chấp có đối tượng tranh chấp là bất động sản hay tranh chấp phát sinh từ quan hệ hợp đồng. Tòa án có thẩm quyền thụ lý giải quyết trong vụ án này là Tòa án nơi bị đơn cư trú theo quy định tại điểm a khoản 1 Điều 39 BLTTDS năm 2015 hay Tòa án nơi có bất động sản theo quy định tại điểm c khoản 1 Điều 39 BLTTDS năm 2015.
– Theo quy định tại khoản 1 Điều 194 BLTTDS năm 2015 thì người khởi kiện có quyền khiếu nại, Viện kiểm sát có quyền kiến nghị đối với Tòa án đã trả đơn khởi kiện trong thời hạn 10 ngày kể từ ngày nhận được văn bản trả đơn khởi kiện. Tuy nhiên BLTTDS năm 2015, tại khoản 2 Điều 195 chỉ quy định “Khi trả lại đơn khởi kiện và tài liệu, chứng cứ kèm theo cho người khởi kiện, Thẩm phán phải có văn bản nêu rõ lý do trả lại đơn khởi kiện, đồng thời gửi cho Viện kiểm sát cùng cấp” mà không quy định cụ thể thời hạn gửi cho Viện kiểm sát cùng cấp.
– Tại khoản 3 Điều 209 BLTTDS năm 2015 quy định “Trong vụ án có nhiều đương sự mà có đương sự vắng mặt, nhưng các đương sự có mặt vẫn đồng ý tiến hành phiên họp và việc tiến hành phiên họp đó không ảnh hưởng đến quyền, nghĩa vụ của đương sự vắng mặt thì Thẩm phán tiến hành phiên họp giữa các đương sự có mặt; nếu các đương sự đề nghị hoãn phiên hòa giải để có mặt tất cả các đương sự trong vụ án thì Thẩm phán phải hoãn phiên họp. Thẩm phán phải thông báo việc hoãn phiên họp và việc mở lại phiên họp cho đương sự.” Vậy, theo quy định trên thì việc hoãn phiên họp của Tòa án phải được thông báo bằng văn bản hay không, nếu không thể hiện bằng văn bản thì bằng cách nào để Viện kiểm sát kiểm sát được việc hoãn phiên họp là theo sự đề nghị của các đương sự và Tòa án đã thông báo việc hoãn phiên họp, việc mở lại phiên họp cho đương sự.
– Theo quy định tại khoản 1 Điều 212 BLTTDS năm 2015 thì “Hết thời hạn 07 ngày, kể từ ngày lập biên bản hòa giải thành mà không có đương sự nào thay đổi ý kiến về sự thỏa thuận đó thì Thẩm phán chủ trì phiên hòa giải hoặc một Thẩm phán được Chánh án Tòa án phân công phải ra quyết định công nhận sự thỏa thuận của các đương sự.” BLTTDS năm 2015 không quy định cụ thể hết thời hạn 07 ngày thì Thẩm phán “phải ra ngay” quyết định công nhận sự thỏa thuận của các đương sự nên trong trường hợp đã hết thời hạn 07 ngày, Thẩm phán vẫn chưa ra quyết định công nhận sự thỏa thuận của các đương sự mà để vài ngày sau mới ra quyết định thì của Viện kiểm sát có kiến nghị được không?
Trên đây là một số vướng mắc phát sinh trong quá trình áp dụng BLTTDS năm 2015, xin trao đổi cùng quý độc giả để bàn luận, làm sáng tỏ thêm và đề nghị cơ quan có thẩm quyền hướng dẫn giải quyết trong thực tiễn.
Lâm Phượng Tú
VKSND huyện Dương Minh Châu, tỉnh Tây Ninh
Bài viết có liên quan >>>
Khó khăn, vướng mắc trong áp dụng một số quy định của BLTTDS năm 2015 khi tiến hành kiểm sát
Tòa án nhân dân tối cao giải đáp một số vướng mắc liên quan đến các Bộ luật, Luật (Phần 4. Về tố tụng dân sự)