Thi hành án dân sự tại trại giam: Lúng túng xử lý tiền thu hồi
Ngày đăng : 11:17, 21/09/2017
Không còn tài sản để thi hành án
Điều 106 Bộ luật Hình sự năm 2015 và Điều 368 Bộ luật Tố tụng hình sự năm 2015 quy định việc chấp hành xong hình phạt bổ sung (hình phạt tiền, án phí, các nghĩa vụ dân sự) là một trong những căn cứ để cơ quan có thẩm quyền xét tha tù trước thời hạn có điều kiện đối với phạm nhân đang chấp hành án phạt tù. Như vậy, thi hành án (THA) các khoản tiền do phạm nhân nộp tại các trại giam mặc dù chiếm một tỷ lệ không lớn (trên 29 nghìn tỷ đồng) so với giá trị có điều kiện thi hành trên toàn quốc (trên 164 nghìn tỷ đồng) nhưng lại có vai trò hết sức quan trọng trong việc góp phần triển khai chính sách pháp luật nhân đạo của Đảng, Nhà nước, đồng thời bảo đảm hiệu quả lâu dài của công cuộc đấu tranh phòng, chống tội phạm.
Kết quả thống kê từ tháng 10.2016 đến tháng 8.2017 (10 tháng năm 2017) cho thấy các cơ quan THADS đã phối hợp với các trại giam, trại tạm giam thi hành xong trên 1.600 tỷ đồng trên tổng số tiền là trên 29 nghìn tỷ đồng. Nếu so sánh kết quả xử lý các khoản tiền THA do phạm nhân nộp tại các trại giam (42,7% về việc và 5,64% về tiền) với kết quả thi hành án bình quân toàn quốc (67,37% về việc và 29,65% về tiền) thì kết quả THA loại này, nhất là về giá trị còn tương đối thấp. Có nhiều nguyên nhân dẫn đến kết quả trên nhưng nguyên nhân chính là điều kiện THA trong những vụ án lớn còn gặp nhiều khó khăn do giá trị phải THA lớn nhưng đa phần tài sản đã bị che giấu, hợp lý hóa hoặc cố tình tẩu tán nên giá trị tài sản bảo đảm rất nhỏ hoặc thậm chí không có tài sản để THA. Điển hình, trường hợp Phạm Thanh Bình, Chủ tịch Tập đoàn Vinashin phải thi hành án hơn 600 tỷ đồng nhưng tài sản bảo đảm THA chỉ có 5 tỷ đồng. Ngoài ra, rất nhiều trường hợp đương sự đang phải chấp hành án phạt tù không có tài sản để THA.
Án “treo” vì không rõ nhân thân
Ngoài việc tài sản bảo đảm không đủ để THA, thì việc tổ chức THADS tại trại giam còn rơi vào tình cảnh, đã thi hành được nhưng chưa tìm được hướng giải quyết. Nghĩa là tiền THA tại trại giam tồn đọng tại các cơ quan THADS chưa được xử lý dứt điểm. Điều này ảnh hưởng trực tiếp đến quyền lợi của phạm nhân. Theo báo cáo của Bộ Tư pháp, các cơ quan THADS đã xử lý được gần 14 tỷ đồng trên tổng số trên 23 tỷ đồng, hiện còn trên 10 tỷ đồng loại này đang tiếp tục được xử lý.
Có nhiều nguyên nhân dẫn đến việc chưa xử lý dứt điểm các khoản tiền THA do phạm nhân nộp tại các trại giam. Trong đó, phải kể đến là việc thiếu các thông tin liên quan đến phạm nhân cũng như bản án, quyết định của tòa. Đây là vấn đề tồn đọng từ trước thời điểm có Thông tư liên tịch số 07/2013/TTLT-BTP-BCA-BTC hướng dẫn trình tự, thủ tục thu, nộp, quản lý tiền, giấy tờ của người phải THA dân sự và trả tiền, giấy tờ cho người được THA dân sự là phạm nhân. Theo quy định của thông tư này thì các thông tin (như tên, địa chỉ người nộp tiền, nộp theo bản án nào, khoản phải thi hành nào…) phải được ghi chép đầy đủ. Tuy nhiên, vào thời điểm chưa ban hành thông tư nêu trên, việc ghi chép đã không được thực hiện đầy đủ nên khi chuyển về cơ quan THADS thì cơ quan này cũng không biết phạm nhân nào đã chấp hành xong hình phạt bổ sung, để làm căn cứ pháp lý cho việc đã chấp hành xong bản án, quyết định. Ngoài lý do có tính chất kỹ thuật nêu trên thì đa số giá trị của khoản tiền do trại giam thu được rất nhỏ, chủ yếu là án phí, dao động từ 50.000 đồng – 200.000 đồng, nhưng phạm nhân thuộc nhiều địa phương trên cả nước nộp nên cơ quan THADS rất khó xử lý. Trong thực tiễn có trại giam thu được trên 1 tỷ đồng nhưng để thi hành cho trên 100 quận, huyện và gần 30 tỉnh, thành phố. Vì số tiền THA nhỏ nên, nhiều trường hợp cơ quan THADS báo gọi nhưng đương sự không đến nhận tiền do khoảng cách địa lý hay giá trị số tiền nhỏ. Trong khi đó, chế độ thông tin theo quy định tại Điều 127, 128 Luật Thi hành án dân sự (sửa đổi, bổ sung năm 2014) chưa chặt chẽ, thiếu hiệu quả. Chính vì thế, còn hiện tượng một số cơ quan THADS chưa thực hiện nghiêm túc việc gửi các quyết định THA, quyết định ủy thác, quyết định miễn giảm nghĩa vụ THA… cho các trại giam. Ngược lại, một số trường hợp do thông tin chưa đầy đủ nên cả trại giam và cơ quan THADS thu tiền THA hai lần nên tồn đọng, khó xử lý.
Từ thực tế nên trên, bên cạnh việc các cơ quan THADS và các trại giam, trại tạm giam phải tiếp tục thực hiện hiệu quả Thông tư liên tịch số 07/2013/TTLT-BTP-BCA-BTC và Quy chế phối hợp số 911/QCLN-TCTHADS-TCTHAHS ngày 26.11.2015 giữa Tổng cục THADS và Tổng cục Cảnh sát thi hành án hình sự và hỗ trợ tư pháp, Bộ Công an trong công tác THADS thì Tổng cục THADS, Bộ Tư pháp cần đề xuất hướng xử lý dứt điểm số tiền THA tồn đọng mà cơ quan THADS không thể giải quyết được. Trong đó, cần tính đến đề xuất sung công quỹ đối với số tiền mà đương sự không đến nhận hoặc không rõ địa chỉ, không rõ đương sự.
Thủ trưởng cơ quan thi hành án hình sự Công an cấp huyện có trách nhiệm thông báo cho cơ quan THADS nơi Tòa án đã xét xử sơ thẩm họ, tên, địa chỉ của phạm nhân là người phải THADS hoặc phạm nhân là người được THADS theo bản án hình sự, trong thời hạn 15 ngày, kể từ ngày tiếp nhận phạm nhân vào trại giam. (Thông tư 07/2013)Bùi Quế/Daibieunhandan.vn