Giải pháp nào nâng cao hiệu quả đăng ký kinh doanh ở Hà Nội
Ngày đăng : 11:16, 07/09/2017
Theo quy định tại Điều 13 Nghị định 78/2015/NĐ-CP của Chính phủ thì Cơ quan đăng ký kinh doanh được tổ chức ở tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương và ở quận, huyện, thị xã, thành phố thuộc tỉnh. Ở cấp tỉnh có Phòng Đăng ký kinh doanh thuộc Sở Kế hoạch và Đầu tư. Ở cấp huyện do Phòng Tài chính – Kế hoạch thuộc UBND cấp huyện. Riêng thành phố Hà Nội và thành phố Hồ Chí Minh có thể thành lập thêm một hoặc hai Phòng Đăng ký kinh doanh. Việc thành lập thêm Phòng Đăng ký kinh doanh do UBND thành phố quyết định sau khi thống nhất với Bộ Kế hoạch và Đầu tư.
Theo quy định của Luật Doanh nghiệp năm (2014) và Nghị định số 78/20105/NĐ-CP việc thành lập, đăng ký kinh doanh và quản lý doanh nghiệp tại Việt Nam là quyền của cá nhân và tổ chức được Nhà nước bảo hộ. Luật nghiêm cấm các cơ quan đăng ký kinh doanh và các cơ quan khác gây phiền hà cho người thành lập doanh nghiệp
Việc chấp hành pháp luật trong đăng ký kinh doanh ở Hà Nội trong thời gian qua tuy có những kết quả nhất định, song vẫn còn những tồn tại, hạn chế sau: Việc sửa đổi, bổ sung “Quy trình tiếp nhận và giải quyết thủ tục hành chính về đăng ký kinh doanh” cũng chưa kịp thời, thời gian kéo dài quá lâu, gây nhiều hạn chế cho hoạt động giám sát và đánh giá tình hình đăng ký kinh doanh của thành phố; còn sự bất cập lớn về nhân sự thực hiện đăng ký kinh doanh và các chủ thể đăng ký kinh doanh; việc áp dụng công nghệ thông tin vào đăng ký kinh doanh chưa được hoàn thiện; việc phối hợp giữa các cơ quan đăng ký kinh doanh vẫn còn hạn chế;
Nguyên nhân của tình trạng trên là do:
Với lượng doanh nghiệp lớn đóng trên địa bàn Hà Nội, vấn đề quản lý nhà nước và thực thi pháp luật đăng ký doanh nghiệp gặp nhiều khó khăn và phức tạp. Điều này có thể thấy rõ ở số lượng các công ty ma, công ty bỏ trốn và nợ thuế ngày càng tăng ở Hà Nội, gây khó khăn cho các cơ quan quản lý nhà nước; hệ thống pháp luật đang trong quá trình điều chỉnh và hoàn thiện; hệ quả của quá trình phát triển Cơ quan đăng ký kinh doanh không đúng theo trình tự chưa có sự quan tâm đúng mức đến công tác quản lý đăng ký kinh doanh. Việc nhận thức bản chất hoạt động đăng ký kinh doanh còn chưa rõ ràng dẫn đến cơ quan đăng ký kinh doanh làm khó các chủ thể trong quá trình đăng ký, còn các chủ thể này chưa nhận thức được quyền và nghĩa vụ của mình dù quy định pháp luật là cơ quan đăng ký kinh doanh chỉ kiểm tra tính hợp lệ mà không kiểm tra tính hợp pháp của hồ sơ;
Giải pháp nâng cao hiệu quả hoạt động đăng ký kinh doanh
Một là, tiếp tục nghiên cứu sửa đổi, bổ sung Luật Doanh nghiệp năm 2014.
Qua gần 03 năm thực hiện, Luật Doanh nghiệp năm 2014 đã bộc lộ những bất cập cần được sửa đổi hoặc bổ sung những nội dung sau đây:
– Sửa đổi Điều 3 Luật Doanh nghiệp năm 2014 có quy định về áp dụng Luật Doanh nghiệp và các luật chuyên ngành có quy định: “Trường hợp luật chuyên ngành có quy định đặc thù về việc thành lập, tổ chức quản lý, tổ chức lại, giải thể và hoạt động có liên quan của doanh nghiệp thì áp dụng quy định của Luật đó.” theo hướng yêu cầu thống nhất đăng ký kinh doanh tập trung đối với tất cả các công ty và pháp nhân có hoạt động kinh doanh.
– Về việc báo cáo nội dung thay đổi của doanh nghiệp: Điều 12 Luật Doanh nghiệp năm 2014 quy định về Báo cáo thay đổi thông tin của người quản lý doanh nghiệp. Hiện nay quy định 3 thủ tục về đăng ký, thông báo và báo cáo, như sau: Phải đăng ký khi thay đổi nội dung Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp; phải thông báo khi thay đổi nội dung Giấy đề nghị đăng ký doanh nghiệp và phải báo cáo đối với một số trường hợp khác. Các nội dung trên không có trong Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp cũng như Giấy đề nghị đăng ký doanh nghiệp (trừ trường hợp Giám đốc hoặc Tổng giám đốc kiêm người đại diện theo pháp luật), vì vậy, việc báo cáo là vô lý và không cần thiết. Đề nghị khi sửa đổi, bổ sung Luật Doanh nghiệp cần xem xét bỏ điều luật trên và chỉ phải báo cáo một số nội dung thật sự cần thiết, có ý nghĩa trong việc theo dõi, quản lý nhà nước.
– Về trách nhiệm của người đại diện theo pháp luật của doanh nghiệp: Đề nghị khi sửa đổi, bổ sung Luật Doanh nghiệp đề nghị xem xét sửa đổi quy định về người đại diện theo pháp luật theo hướng: Công ty hợp danh có nhiều người đại diện theo pháp luật; Công ty trách nhiệm hữu hạn và công ty cổ phần có thể có một hoặc nhiều người đại diện theo pháp luật. Trong trường hợp này, người đại diện theo pháp luật có quyền, nghĩa vụ như nhau và Điều lệ công ty phải quy định cụ thể số lượng và chức danh quản lý của các đại diện theo pháp luật của doanh nghiệp và phải đăng ký với Cơ quan đăng ký doanh nghiệp.
– Việc điều chỉnh Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp (ERC) và Giấy chứng nhận đầu tư (IRC): Giữa Luật Doanh nghiệp năm 2014 và Pháp lệnh Ngoại hối năm 2005 (sửa đổi, bổ sung năm 2013) đã có quy định mâu thuẫn nhau, đó là, theo Luật Doanh nghiệp yêu cầu phải góp vốn trước mới làm thủ tục tăng vốn điều lệ. Ngược lại, Pháp lệnh Ngoại hối lại yêu cầu làm thủ tục tăng vốn điều lệ trước, sau mới cho phép góp vốn. Đây cũng là điểm cần sửa đổi, bổ sung cho thống nhất.
– Việc thay đổi nội dung đăng ký doanh nghiệp: Tại điểm b khoản 1 Điều 32 Luật Doanh nghiệp năm 2014 quy định về “Thông báo thay đổi nội dung đăng ký doanh nghiệp”. Theo đó, doanh nghiệp phải thông báo với Cơ quan đăng ký kinh doanh khi thay đổi về một số nội dung, trong đó có việc:“Thay đổi cổ đông sáng lập đối với công ty cổ phần”. Điểm b khoản 1 Điều 33 Luật này quy định sau khi được cấp Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp, Doanh nghiệp phải công bố các thông tin, trong đó có “Danh sách cổ đông sáng lập”. Như vậy, thông tin về “Danh sách cổ đông sáng lập” không có trong Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp cũng như Giấy đề nghị đăng ký doanh nghiệp, vì vậy yêu cầu phải thông báo khi có thay đổi và phải công bố thông tin là không hợp lý.
Hai là, tiếp tục hoàn thiện pháp luật, chính sách về đăng ký kinh doanh.
– Về điều kiện ngành nghề kinh doanh: Luật Doanh nghiệp năm 2014 đã bỏ hẳn Điều 7 của Luật Doanh nghiệp 2005. Hiện tại, những điều kiện kinh doanh và số lượng ngành, nghề kinh doanh có điều kiện theo quy định của Luật Doanh nghiệp 2014 đã giảm đi rất nhiều. Nhưng theo quy định của Luật Đầu tư năm 2014 thì còn tới 267 ngành, nghề kinh doanh có điều kiện. Theo thống kê cho thấy có khoảng 386 ngành, nghề kinh doanh có điều kiện được quy định phân tán tại 391 văn bản pháp luật. Vì vậy, để tránh sự mâu thuẫn trong việc thực hiện thủ tục đăng ký ngành nghề kinh doanh và đăng ký kinh doanh cần phải xem xét bỏ yêu cầu phải làm thủ tục khai báo đối với ngành nghề tự do kinh doanh.
– Về trụ sở doanh nghiệp: Theo quy định của Luật Doanh nghiệp 2014 thì trụ sở chính của doanh nghiệp là địa điểm liên lạc, giao dịch của doanh nghiệp. Quy định như vậy chưa được rõ ràng, cụ thể gây khó khăn cho doanh nghiệp. Vì vậy, cần phải ban hành văn bản quy định về trụ sở cụ thể, rõ ràng hơn so với các quy định hiện nay.
– Về đăng ký kinh doanh qua mạng: Cần phải ban hành văn bản quy định cụ thể biên lai thu phí, lệ phí điện tử; cần phải cải cách phương thức, thao tác thực hiện dẽ dàng hơn, thuận lợi hơn cho doanh nghiệp…
Ba là, nâng cao hiệu quả, hiệu lực công tác quản lý nhà nước đối với doanh nghiệp bằng những việc cụ thể sau:
– Đề nghị sớm có văn bản quy định cụ thể về: Trình tự, thủ tục đăng ký kinh doanh, đăng ký hộ kinh doanh, văn bản hướng dẫn về chuyên môn, nghiệp vụ, biểu mẫu, chế độ báo cáo phục vụ công tác đăng ký kinh doanh, đăng ký hộ kinh doanh và việc đăng ký kinh doanh qua mạng điện tử.
– Tăng cường hướng dẫn, đào tạo, bồi dưỡng nghiệp vụ đăng ký kinh doanh cho cán bộ làm công tác đăng ký kinh doanh và tổ chức, cá nhân có yêu cầu; đôn đốc, chỉ đạo, theo dõi, kiểm tra việc thực hiện đăng ký kinh doanh.
– Công bố nội dung đăng ký kinh doanh; cung cấp thông tin về nội dung đăng ký kinh doanh, tình trạng pháp lý và báo cáo tài chính của doanh nghiệp lưu giữ tại Cơ sở dữ liệu quốc gia về đăng ký kinh doanh cho các cơ quan có liên quan của Chính phủ, cho tổ chức, cá nhân có yêu cầu.
– Tổ chức xây dựng, quản lý, phát triển Hệ thống thông tin quốc gia về đăng ký kinh doanh; hướng dẫn việc xây dựng kinh phí phục vụ vận hành Hệ thống thông tin quốc gia về đăng ký kinh doanh tại địa phương;
– Tổ chức kết nối giữa Hệ thống thông tin quốc gia về đăng ký kinh doanh và Hệ thống thông tin đăng ký thuế.
– Hướng dẫn cụ thể về chế độ thu, nộp, quản lý và sử dụng phí, lệ phí đăng ký kinh doanh, đăng ký hộ kinh doanh, đăng ký hoạt động chi nhánh, văn phòng đại diện, địa điểm kinh doanh, phí cung cấp thông tin và công bố nội dung về đăng ký kinh doanh…
Bốn là, tiếp tục đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính và công khai thủ tục hành chính theo hướng tinh gọn, nhanh chóng, linh hoạt, thân thiện
Năm là, nâng cao hiệu quả hoạt động đăng ký kinh doanh: Tập trung vào việc nâng cao chất lượng công tác cán bộ; tăng cường hướng dẫn, trao đổi nghiệp vụ đăng ký kinh doanh; tiến hành rà soát lại những nhiệm vụ được giao để thực hiện đúng, đủ kế hoạch, nhiệm vụ đã đề ra; đẩy nhanh tiến độ và nâng cao chất lượng hiệu quả của những công việc đang thực hiện; xây dựng hệ thống kiểm tra, đánh giá hoạt động đăng ký kinh doanh; chú trọng tuyên truyền, giáo dục, phổ biến pháp luật; làm rõ trách nhiệm của người thành lập doanh nghiệp trong đăng ký kinh doanh và nâng cao hiệu quả hoạt động của các Trung tâm hỗ trợ doanh nghiệp.
Lê Thị Thu Lý
Vụ 11, VKSND tối cao