Giọng nói và nhận dạng trong BLTTHS 2015

Ngày đăng : 03:50, 11/08/2017

(Kiemsat.vn) - Giọng nói hay nhận dạng là một trong những căn cứ để các cơ quan tiến hành tố tụng xác định sự thật khách quan vụ án. Trong quá trình giải quyết vụ án, giọng nói hay nhận dạng được nhận biết như thế nào và BLTTHS 2015 quy định ra sao về vấn đề này?

BLTTHS năm 2015 đã bổ sung thêm biện pháp điều tra nhận biết giọng nói. Thực tế đã chứng minh, ở mỗi vùng miền trong một quốc gia có cùng tiếng nói hoặc nhiều quốc gia sử dụng chung một tiếng nói thường có sự khác nhau về âm điệu rất rõ nét, nên việc nhận biết giọng nói sẽ góp phần giúp cho công tác điều tra xác định được vùng, miền của đối tượng gây án.

Giọng nói và nhận dạng trong BLTTHS 2015 Ảnh mang tính minh họa (nguồn internet)

Đi vào chi tiết giọng nói của từng người bao giờ cũng có những đặc điểm riêng biệt để phân biệt giọng nói của người này so với giọng nói của người khác.

Vì vậy, việc nhận biết giọng nói là một trong những biện pháp điều tra, tạo điều kiện thuận lợi cho việc thu thập tài liệu, chứng cứ chứng minh tội phạm.

Điều 191 BLTTHS năm 2015, quy định về nhận biết giọng nói, như sau:

“1. Khi cần thiết, Điều tra viên có thể cho bị hại, người làm chứng hoặc người bị bắt, bị tạm giữ, bị can nhận biết giọng nói. Số giọng nói được đưa ra để nhận biết ít nhất phải là ba và phải có âm sắc, âm lượng tương tự nhau. Trước khi tiến hành nhận biết giọng nói, Điều tra viên phải thông báo cho Viện kiểm sát cùng cấp để cử Kiểm sát viên kiểm sát việc nhận biết giọng nói. Kiểm sát viên phải có mặt để kiểm sát việc nhận biết giọng nói. Nếu Kiểm sát viên vắng mặt thì ghi rõ vào biên bản nhận biết giọng nói.

2. Những người sau đây phải tham gia việc nhận biết giọng nói:

a) Giám định viên về âm thanh;

b) Người được yêu cầu nhận biết giọng nói;

c) Người được đưa ra để nhận biết giọng nói, trừ trường hợp việc nhận biết giọng nói được thực hiện qua phương tiện ghi âm;

d) Người chứng kiến.

Giọng nói và nhận dạng trong BLTTHS 2015 Ảnh mang tính minh họa (nguồn internet)

3. Nếu người làm chứng, bị hại được yêu cầu nhận biết giọng nói thì trước khi tiến hành, Điều tra viên phải giải thích cho họ biết trách nhiệm về việc từ chối, trốn tránh khai báo hoặc cố ý khai báo gian dối. Việc này phải ghi vào biên bản.

4. Điều tra viên phải hỏi trước người được yêu cầu nhận biết giọng nói về những đặc điểm mà nhờ đó họ có thể nhận biết được giọng nói.
Trong quá trình tiến hành nhận biết giọng nói, Điều tra viên không được đặt câu hỏi gợi ý. Sau khi người được yêu cầu nhận biết giọng nói đã xác nhận được tiếng nói trong số giọng nói được đưa ra thì Điều tra viên yêu cầu họ giải thích là họ đã căn cứ vào đặc điểm gì mà xác nhận giọng nói đó.

5. Biên bản nhận biết giọng nói được lập theo quy định tại Điều 178 của Bộ luật này. Biên bản ghi rõ nhân thân, tình trạng sức khỏe của người được yêu cầu nhận biết giọng nói và của những người được đưa ra để nhận biết giọng nói; đặc điểm của giọng nói được đưa ra để nhận biết, lời trình bày của người nhận biết giọng nói; điều kiện về không gian khi thực hiện nhận biết giọng nói.”

Giọng nói và nhận dạng trong BLTTHS 2015

Ảnh mang tính minh họa (nguồn internet)

Nhận dạng được thực hiện bằng cách đưa người hoặc đồ vật, hoặc ảnh cho người làm chứng, người bị hại hoặc bị can trực tiếp ngắm, nhìn để họ chỉ ra có hay không người, vật, ảnh mà họ đã nhìn thấy trước đó.

Điều 190 Bộ luật tố tụng hình sự năm 2015 quy định như sau:

Khi cần thiết, Điều tra viên có thể đưa người, ảnh hoặc vật cho người làm chứng, bị hại hoặc bị can nhận dạng.

Số người, ảnh hoặc vật đưa ra để nhận dạng ít nhất phải là ba và bề ngoài phải tương tự nhau, trừ trường hợp nhận dạng tử thi.

Trước khi tiến hành nhận dạng, Điều tra viên phải thông báo cho Viện kiểm sát cùng cấp để cử Kiểm sát viên kiểm sát việc nhận dạng. Kiểm sát viên phải có mặt để kiểm sát việc nhận dạng. Nếu Kiểm sát viên vắng mặt thì ghi rõ vào biên bản nhận dạng.

Những người sau đây phải tham gia việc nhận dạng:

a) Người làm chứng, bị hại hoặc bị can;

b) Người chứng kiến.

– Nếu người làm chứng hoặc bị hại là người nhận dạng thì trước khi tiến hành, Điều tra viên phải giải thích cho họ biết trách nhiệm về việc từ chối, trốn tránh khai báo hoặc cố ý khai báo gian dối. Việc này phải ghi vào biên bản.

Điều tra viên phải hỏi trước người nhận dạng về những tình tiết, vết tích và đặc điểm mà nhờ đó họ có thể nhận dạng được.

Trong quá trình tiến hành nhận dạng, Điều tra viên không được đặt câu hỏi gợi ý. Sau khi người nhận dạng đã xác nhận một người, một vật hay một ảnh trong số được đưa ra để nhận dạng thì Điều tra viên yêu cầu họ giải thích là họ đã căn cứ vào các vết tích hoặc đặc điểm gì mà xác nhận được người, vật hay ảnh đó.

Biên bản nhận dạng được lập theo quy định tại Điều 178 của Bộ luật này.

Biên bản ghi rõ nhân thân, tình trạng sức khỏe của người nhận dạng và của những người được đưa ra để nhận dạng; đặc điểm của vật, ảnh được đưa ra để nhận dạng; các lời khai báo, trình bày của người nhận dạng; điều kiện ánh sáng khi thực hiện nhận dạng”.

Giọng nói và nhận dạng trong BLTTHS 2015 Ảnh mang tính minh họa (nguồn internet)

Thực chất của việc nhận dạng là quá trình người nhận dạng hồi tưởng, tái hiện, so sánh, nhận lại một đối tượng mà họ đã tri giác và ghi nhớ trong ký ức của mình. Có thể phân thành các loại nhận dạng khác nhau, nhưng tựu trung có hai loại nhận dạng: nhận dạng người và nhận dạng sự vật.

– Nhận dạng người là hình thức nhận dạng mà Điều tra viên để cho người làm chứng, người bị hại, bị can quan sát một số người nào đó hoặc một số bức ảnh hoặc tử thi để xác định đối tượng mà họ đã mục kích hoặc để cho người làm chứng, người bị hại, bị can nghe lại giọng nói của một số người để xác nhận giọng nói của người mà mình đã trực tiếp nghe.

– Nhận dạng sự vật là hình thức nhận dạng mà Điều tra viên để cho người làm chứng, người bị hại, bị can quan sát một số vật thể, súc vật hoặc ảnh chụp các vật thể, súc vật để họ xác nhận cái hoặc con mà họ đã nhìn thấy trước đó.

Anh Nga
(giới thiệu)