Điểm mới của BLHS 2015 (sửa đổi) về nhóm tội phạm kinh tế, môi trường
Ngày đăng : 10:01, 20/07/2017
Ngày 20/6/2017, Quốc hội đã ban hành Nghị quyết số 41/2017/QH14 về việc thi hành Bộ luật Hình sự số 100/2015/QH13 đã được sửa đổi, bổ sung một số điều theo Luật số 12/2017/QH14 và về hiệu lực thi hành của Bộ luật Tố tụng hình sự số 101/2015/QH13, Luật Tổ chức cơ quan điều tra hình sự số 99/2015/QH13, Luật Thi hành tạm giữ, tạm giam số 94/2015/QH13. Theo đó, kể từ ngày 01/1/2018, tất cả các điều khoản của Bộ luật Hình sự năm 2015 (sửa đổi, bổ sung 2017) được áp dụng để khởi tố, điều tra, truy tố, xét xử và thi hành án đối với người thực hiện hành vi phạm tội từ 0 giờ 00 phút ngày 01/1/2018.
Ảnh mang tính minh họa (nguồn internet)
Nội dung mới, của Bộ luật hình sự năm 2015 liên quan đến nhóm tội phạm về quản lý kinh tế và về môi trường:
1. Bộ luật hình sự năm 2015 bổ sung chế định trách nhiệm hình sự của pháp nhân.
Trách nhiệm hình sự của pháp nhân được quy định tập trung tại Chương XI Bộ luật hình sự gồm 16 điều (từ điều 74 đến điều 89) và trong một số điều khác.
Bộ luật Hình sự đã xác định rõ giới hạn áp dụng chế định trách nhiệm hình sự của pháp nhân theo hướng hẹp cả về chủ thể lẫn loại tội phạm mà pháp nhân phải chịu trách nhiệm hình sự.
Về chủ thể, theo khoản 2 Điều 2 quy định: chỉ pháp nhân thương mại nào phạm tội được quy định tại điều 76 của Bộ luật hình sự thì mới phải chịu trách nhiệm hình sự. Theo đó, pháp nhân thương mại chỉ phải chịu trách nhiệm hình sự đối với 31 tội danh đều thuộc nhóm tội phạm về kinh tế và nhóm tội phạm về môi trường.
Đồng thời, Điều 75 cũng quy định rõ 04 điều kiện để một pháp nhân thương mại phải chịu trách nhiệm hình sự, bao gồm: hành vi phạm tội được thực hiện nhân danh pháp nhân; hành vi phạm tội được thực hiện có sự chỉ đạo, điều hành hoặc chấp thuận của pháp nhân; hành vi phạm tội được thực hiện vì lợi ích của pháp nhân và chưa hết thưòi hiệu truy cứu trách nhiệm hình sự.
Về chế tài áp dụng đối với pháp nhân phạm tội bao gồm 03 hình phạt chính (phạt tiền, đình chỉ hoạt động có thời hạn và đình chỉ hoạt động vĩnh viễn); 03 hình phạt bổ sung (cấm kinh doanh, cấm hoạt động trong một số lĩnh vực nhất định; cấm huy động vốn; phạt tiền khi không áp dụng là hình phạt chính) và 04 biện pháp tư pháp (tịch tu vật, tiền trực tiếp liên quan đến tội phạm; trả lại tài sản, sửa chữa hoặc bồi thường thiệt hại; buộc công khai xin lỗi; buộc khôi phục lại tình trạng ban đầu; buộc thực hiện một số biện pháp nhằm khắc phục, ngăn chặn hậu quả tiếp tục xảy ra).
Ảnh mang tính minh họa (nguồn internet)
2. Bộ luật Hình sự năm 2015 đã sửa đổi, bổ sung nhóm các tội xâm phạm trật tự quản lý kinh tế theo hướng phi tội phạm hoá đối với 04 tội danh (chương XVIII). Các tội bãi bỏ gồm:
– Kinh doanh trái phép;
– Báo cáo sai trong quản lý kinh tế;
– Vi phạm quy định về cấp văn bằng bảo hộ quyền sở hữu công nghiệp;
– Sử dụng trái phép quỹ dự trữ bổ sung vốn điều lệ của tổ chức tín dụng.
Bổ sung 15 tội danh mới trong các lĩnh vực kinh tế gồm:
– Tội làm giả tài liệu trong hồ sơ chào bán, niêm yết chứng khoán;
– Tội gian lận trong kinh doanh bảo hiểm;
– Tội gian lận bảo hiểm xã hội, bảo hiểm thất nghiệp;
– Tội gian lận bảo hiểm y tế;
– Tội trốn đóng bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp cho người lao động;
– Tội vi phạm quy định về cạnh tranh;
– Tội vi phạm quy định về hoạt động bán đấu giá tài sản;
– Tội vi phạm quy định về quản lý, sử dụng tài sản Nhà nước gây thất thoát, lãng phí;
– Tội vi phạm quy định của Nhà nước về quản lý và sử dụng vốn đầu tư công gây hậu quả nghiêm trọng;
– Tội vi phạm quy định của Nhà nước về kế toán gây hậu quả nghiêm trọng;
– Tội vi phạm quy định về đấu thầu gây hậu quả nghiêm trọng;
– Tội thông đồng, bao che cho người nộp thuế gây hậu quả nghiêm trọng;
– Tội vi phạm quy định về đầu tư công trình xây dựng gây hậu quả nghiêm trọng;
– Tội vi phạm quy định về bồi thường, hỗ trợ, tái định cư khi Nhà nước thu hồi đất;
– Tội vi phạm quy định về quản lý, bảo vệ động vật hoang dã.
Ảnh mang tính minh họa (nguồn internet)
3. Bộ luật hình sự năm 2015 đã sửa đổi, bổ sung nhóm các tội phạm về môi trường theo hướng cụ thể hoá các hành vi phạm tội gây ô nhiễm môi trường, quy định chế tài nghiêm khắc đối với các tội phạm về môi trường (Chương XIX).
Bộ luật quy định pháp nhân thương mại phải chịu trách nhiệm hình sự đối với 09 tội danh gây ô nhiễm môi trường, huỷ hoại các loài động vật, thực vật, gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến sự đa dạng sinh học và cân bằng sinh thái.
Những điểm mới trên của Bộ luật Hình sự năm 2015 góp phần bảo vệ và thúc đẩy phát triển kinh tế thị trường theo định hướng xã hội chủ nghĩa.
Anh Minh
(giới thiệu)