Vai trò của VKSND cấp cao trong hướng dẫn nghiệp vụ, trả lời thỉnh thị VKSND địa phương

Ngày đăng : 10:22, 14/07/2017

(Kiemsat.vn) - VKSND cấp cao là một cấp kiểm sát mới, có nhiệm vụ thực hành quyền công tố, kiểm sát hoạt động tư pháp đối với các vụ án, vụ việc thuộc thẩm quyền giải quyết của TAND cấp cao; chỉ đạo, hướng dẫn, kiểm tra hoạt động nghiệp vụ của VKSND cấp tỉnh, VKSND cấp huyện.

Quy định của pháp luật về nhiệm vụ, quyền hạn của VKSND cấp cao trong việc hướng dẫn, chỉ đạo, trả lời thỉnh thị của VKSND cấp tỉnh, cấp huyện

Theo Quy chế về chế độ thông tin, báo cáo và quản lý công tác trong ngành Kiểm sát nhân dân ban hành kèm theo Quyết định số 379/QĐ-VKSTC ngày 13/7/2012 của VKSND tối cao hiện đang có hiệu lực thi hành, thì Viện kiểm sát (VKS) cấp dưới phải báo cáo thỉnh thị VKS cấp trên những vụ án nghiêm trọng, phức tạp có vướng mắc trong áp dụng pháp luật, đường lối giải quyết hoặc có quan điểm khác nhau giữa các cơ quan tiến hành tố tụng mà VKS địa phương không tự giải quyết được; những vụ, việc do VKS cấp trên uỷ quyền cho VKS cấp dưới thực hiện chức năng theo luật định, khi thực hiện có khó khăn, vướng mắc; những vụ, việc khác khi VKS cấp dưới thấy cần thiết phải thỉnh thị.

Quy chế cũng quy định rõ nếu VKS cấp dưới thỉnh thị về hoạt động nghiệp vụ thì các đơn vị nghiệp vụ VKS cấp trên trả lời; nếu thỉnh thị về đường lối giải quyết vụ án thì Lãnh đạo VKS cấp trên xem xét trả lời. Trước khi thỉnh thị về đường lối giải quyết án thì tập thể Lãnh đạo VKS cấp huyện hoặc Ủy ban kiểm sát VKS cấp tỉnh phải thảo luận, trong báo cáo thỉnh thị phải đề xuất cụ thể các phương án giải quyết, nêu cả ý kiến của cấp Ủy và các cơ quan tiến hành tố tụng ở địa phương (nếu có) về đường lối xử lý đối với vụ, việc. Viện kiểm sát cấp trên phải trả lời thỉnh thị bằng văn bản trong thời hạn quy định, nếu hết thời hạn nêu trên, VKS cấp trên chưa trả lời thì phải thông báo rõ lý do và thời hạn trả lời thỉnh thị để VKS thỉnh thị biết. Đây là những quy định mang tính nguyên tắc cho VKSND các cấp trong hoạt động thỉnh thị, hướng dẫn nghiệp vụ và được ban hành khi chưa có Luật Tổ chức VKSND năm 2014.

Tại điểm b khoản 2 Điều 65 Luật Tổ chức VKSND năm 2014 quy định nhiệm vụ, quyền hạn của Viện trưởng VKSND cấp cao: Chỉ đạo, hướng dẫn, kiểm tra hoạt động nghiệp vụ thực hành quyền công tố và kiểm sát xét xử của VKSND cấp tỉnh, VKSND cấp huyện.

Để cụ thể hóa quy định của Luật Tổ chức VKSND năm 2014, khoản 7 Điều 3 Quy chế tổ chức và hoạt động của VKSND cấp cao ban hành kèm theo Quyết định số 26/QĐ-VKSTC-VC ngày 20/11/2015 của Viện trưởng VKSND tối cao quy định nhiệm vụ, quyền hạn của VKSND cấp cao là: “Chỉ đạo, hướng dẫn, kiểm tra hoạt động thực hành quyền công tố và kiểm sát việc giải quyết các vụ án hình sự, vụ việc dân sự, vụ án hành chính của VKSND cấp tỉnh, VKSND cấp huyện trong giai đoạn xét xử, theo quy chế nghiệp vụ của ngành”.

Điều 29 Quy chế cũng quy định rõ thời hạn, thẩm quyền và yêu cầu khi trả lời thỉnh thị của VKSND cấp cao như sau: “Trong thời hạn 15 ngày làm việc kể từ khi nhận được đầy đủ hồ sơ và báo cáo thỉnh thị VKSND cấp cao phải có văn bản trả lời thỉnh thị của VKSND cấp tỉnh. Hết thời hạn nêu trên, nếu VKSND cấp cao chưa trả lời thì phải thông báo rõ lý do và thời hạn trả lời thỉnh thị để VKSND tỉnh biết. Thỉnh thị về đường lối giải quyết vụ án do Lãnh đạo VKSND cấp cao xem xét trả lời. Nếu VKSND cấp tỉnh thỉnh thị về hướng dẫn nghiệp vụ thì các Viện nghiệp vụ căn cứ quy định của pháp luật và hướng dẫn của VKSND tối cao, để trả lời thỉnh thị của VKSND cấp tỉnh, theo ủy quyền của Lãnh đạo VKSND cấp cao. Trước khi có văn bản trả lời thỉnh thị cho VKS cấp tỉnh, Viện nghiệp vụ cần thảo luận kỹ giữa Lãnh đạo và Kiểm sát viên thụ lý vụ án, vụ việc và phải chịu trách nhiệm trước Lãnh đạo VKSND cấp cao về ý kiến trả lời. Trong trường hợp việc trả lời thỉnh thị liên quan đến thẩm quyền giải quyết của các Viện nghiệp vụ khác nhau trong VKSND cấp cao, đơn vị trả lời phải trao đối thống nhất với Viện nghiệp vụ khác trước khi có văn bản trả lời”.

Những quy định nêu trên là cơ sở pháp lý quan trọng trong công tác chỉ đạo, hướng dẫn nghiệp vụ, trả lời thỉnh thị của VKSND cấp cao đối với VKSND địa phương. Tuy nhiên, Quy chế tổ chức và hoạt động của VKSND cấp cao chỉ đề cập đến trình tự, thủ tục trả lời thỉnh thị, trong khi các Quy chế nghiệp vụ về công tác thực hành quyền công tố, kiểm sát xét xử hình sự; công tác kiểm sát việc giải quyết các vụ việc dân sự, hôn nhân gia đình, hành chính, kinh doanh thương mại, lao động chưa được sửa đổi, bổ sung cho phù hợp với việc hình thành VKSND cấp cao với tư cách một cấp kiểm sát mới. Do vậy, phạm vi hoạt động chỉ đạo, hướng dẫn nghiệp vụ, trả lời thỉnh thị của VKSND cấp cao chưa được xác định rõ ràng, trong thực tiễn đã gặp phải một số vướng mắc như:

– Trường hợp nào VKSND cấp cao chỉ đạo, hướng dẫn nghiệp vụ, trả lời thỉnh thị; trường hợp nào các Vụ nghiệp vụ VKSND tối cao chỉ đạo, hướng dẫn, trả lời? Chính vì vậy, trong thời gian qua nhiều trường hợp VKSND địa phương thỉnh thị về những vấn đề lẽ ra phải thỉnh thị các Vụ nghiệp vụ VKSND tối cao. Tuy nhiên, với tinh thần hỗ trợ cho các địa phương trong hoạt động nghiệp vụ, tất cả những nội dung thỉnh thị của VKSND địa phương đều được VKSND cấp cao nghiên cứu trả lời.

– Viện kiểm sát nhân dân cấp cao có trả lời thỉnh thị trực tiếp của VKSND cấp huyện hay không? Theo Quy chế thì VKS cấp cao chỉ trả lời thỉnh thị của VKS cấp tỉnh, nhưng theo Luật Tổ chức VKSND năm 2014 thì VKS cấp cao có thể trả lời cả thỉnh thị của VKS cấp huyện.

– Trường hợp nào thì VKS cấp huyện thỉnh thị VKS cấp cao. Khi VKS cấp huyện không đồng ý với trả lời thỉnh thị của VKS cấp tỉnh thì báo cáo cấp nào, VKS cấp cao hay VKS tối cao?

– Khi VKS cấp tỉnh không đồng ý với trả lời về hướng dẫn nghiệp vụ của Viện nghiệp vụ hoặc đường lối giải quyết của Lãnh đạo VKS cấp cao thì cấp Vụ của VKSND tối cao hay Lãnh đạo VKSND tối cao giải quyết?

– Những vụ án hủy ở cấp phúc thẩm, giám đốc thẩm, tái thẩm thì việc hướng dẫn, chỉ đạo từ giai đoạn điều tra lại VKS cấp cao có thẩm quyền, trách nhiệm hướng dẫn không (vì VKSND cấp cao có hướng dẫn điều tra sau khi hủy án)?

– Khi hướng dẫn nghiệp vụ, đường lối giải quyết vụ án, vụ việc của VKS cấp cao khác với quan điểm hướng dẫn của các đơn vị nghiệp vụ VKSND tối cao thì giải quyết như thế nào? VKS địa phương phải chấp hành ý kiến của ai?

Những vướng mắc nêu trên cần được quy định rõ khi sửa đổi quy chế nghiệp vụ và quy chế về chế độ thông tin báo cáo của ngành Kiểm sát.

Thực tiễn hoạt động chỉ đạo, hướng dẫn nghiệp vụ, trả lời thỉnh thị của VKSND cấp cao trong thời gian qua

Trong thời gian qua, mặc dù lực lượng cán bộ còn rất hạn chế, khối lượng công việc nhiều, nhưng các VKSND cấp cao luôn xác định công tác hướng dẫn nghiệp vụ, trả lời thỉnh thị các VKSND địa phương là một trong những công việc trọng tâm, cần phải quan tâm đầu tư, nhằm nâng cao chất lượng công tác thực hành quyền công tố, kiểm sát hoạt động tư pháp trong toàn ngành.

Trước hết, hoạt động hướng dẫn nghiệp vụ của VKSND cấp cao được thực hiện thông qua việc hướng dẫn điều tra đối với các vụ án hình sự do TAND cấp cao hủy để điều tra lại. Trong năm 2016, VKSND cấp cao tại thành phố Hồ Chí Minh đã ban hành 32 văn bản hướng dẫn điều tra đối với những vụ án do TAND cấp cao hủy để điều tra lại, đây là cơ sở quan trọng để VKSND các tỉnh, thành phố trong khu vực thực hiện tốt hoạt động thực hành quyền công tố và kiểm sát điều tra, kiểm sát xét xử khi hồ sơ chuyển về cấp sơ thẩm điều tra lại.

Bên cạnh đó, qua các vụ án hình sự, dân sự, hôn nhân gia đình, hành chính, kinh doanh thương mại, lao động bị cấp phúc thẩm, giám đốc thẩm hủy, sửa, VKSND cấp cao đã rút ra những vi phạm của Tòa án các địa phương để ban hành kiến nghị với Tòa án, trên cơ sở các kiến nghị này, VKSND địa phương có thể rút kinh nghiệm trong công tác thực hành quyền công tố, kiểm sát hoạt động tư pháp. Trong năm 2016, VKSND cấp cao tại thành phố Hồ Chí Minh đã ban hành 10 kiến nghị trong lĩnh vực giải quyết án hình sự; 06 kiến nghị trong lĩnh vực giải quyết án dân sự, hôn nhân gia đình; 02 kiến nghị trong lĩnh vực giải quyết án hành chính, kinh doanh thương mại, lao động; tất cả kiến nghị đều được Tòa án các địa phương tiếp thu, thực hiện.

Các vụ án hình sự, dân sự, hôn nhân gia đình, hành chính, kinh doanh thương mại, lao động bị cấp phúc thẩm, giám đốc thẩm hủy, sửa có phần trách nhiệm của VKS chưa làm tốt công tác thực hành quyền công tố, kiểm sát việc giải quyết vụ án. Do vậy, hoạt động hướng dẫn, rút kinh nghiệm hoạt động nghiệp vụ thông qua các vụ án bị hủy, sửa cũng được VKSND cấp cao chú trọng. Trong năm 2016, VKSND cấp cao tại thành phố Hồ Chí Minh đã ban hành 26 thông báo rút kinh nghiệm trong lĩnh vực giải quyết án hình sự; 15 thông báo rút kinh nghiệm trong lĩnh vực giải quyết án dân sự, hôn nhân gia đình; 16 thông báo rút kinh nghiệm trong lĩnh vực giải quyết án hành chính, kinh doanh thương mại, lao động.

Công tác hướng dẫn nghiệp vụ đối với các vụ án hình sự do VKS truy tố, Tòa án tuyên bị cáo không phạm tội đã được VKSND cấp cao quan tâm đặc biệt, tất cả những vụ án mà Tòa án tuyên không phạm tội trong khu vực đều được VKSND cấp cao theo dõi sát để chỉ đạo, hướng dẫn giải quyết hoặc kháng nghị kịp thời. Điển hình là vụ án Nguyễn Văn Đồng do TAND tỉnh Bình Phước tuyên không phạm tội “Giết người” trong năm 2016. Ngay sau khi nắm được thông tin Tòa án tuyên không phạm tội, VKSND cấp cao tại thành phố Hồ Chí Minh đã phối hợp chặt chẽ với VKSND tỉnh Bình Phước đánh giá lại toàn bộ chứng cứ và hướng dẫn VKSND tỉnh Bình Phước những nội dung cần tập trung kháng nghị. Sau đó rút toàn bộ hồ sơ kiểm sát để nghiên cứu trước khi Tòa án cấp phúc thẩm thụ lý hồ sơ. Trong giai đoạn chuẩn bị xét xử phúc thẩm, Kiểm sát viên thực hành quyền công tố, kiểm sát xét xử phúc thẩm đã phối hợp với Kiểm sát viên ở cấp sơ thẩm để nắm chắc diễn biến quá trình điều tra, truy tố, xét xử ở giai đoạn sơ thẩm nhằm chuẩn bị cho các hoạt động nghiệp vụ ở giai đoạn phúc thẩm. Viện trưởng VKSND cấp cao tại thành phố Hồ Chí Minh trực tiếp chỉ đạo giải quyết vụ án, tổ chức họp Ủy ban kiểm sát nghe Kiểm sát viên báo cáo, đánh giá chứng cứ và cho ý kiến về đường lối giải quyết vụ án, kết quả đã bảo vệ được kháng nghị của VKSND tỉnh Bình Phước. Sau khi cấp phúc thẩm chấp nhận kháng nghị, hủy án để điều tra lại, xác định quá trình điều tra, truy tố có thiếu sót, dẫn đến Tòa án tuyên bị cáo không phạm tội, nên VKSND cấp cao tại thành phố Hồ Chí Minh đã hệ thống lại những vi phạm thiếu sót của Cơ quan điều tra và VKS cấp sơ thẩm. Tổ chức họp với Lãnh đạo và cán bộ trực tiếp giải quyết vụ án của Cơ quan điều tra và VKS để rút kinh nghiệm về công tác điều tra, kiểm sát điều tra, kiểm sát xét xử vụ án, đồng thời có văn bản hướng dẫn cụ thể các vấn đề cần chứng minh trong quá trình điều tra lại.

Hoạt động tổng kết thực tiễn cũng được VKSND cấp cao xác định là nội dung trọng tâm trong công tác hướng dẫn nghiệp vụ của VKSND cấp cao đối với VKSND địa phương. Ngoài thông báo rút kinh nghiệm từng vụ án cụ thể bị hủy, sửa, VKSND cấp cao đã tập hợp để thông báo rút kinh nghiệm theo định kỳ 06 tháng, 01 năm, trong đó nêu ra những dạng vi phạm phổ biến để các địa phương rút kinh nghiệm, không để xảy ra các vi phạm tương tự.

Đặc biệt trong năm 2016, VKSND cấp cao tại thành phố Hồ Chí Minh đã triển khai nghiên cứu xây dựng chuyên đề “Án hình sự do VKS truy tố, Tòa án tuyên bị cáo không phạm tội hoặc hủy để điều tra, xét xử lại thuộc khu vực các tỉnh, thành phố phía Nam” nhằm đánh giá thực trạng, xác định nguyên nhân, trách nhiệm và đề ra giải pháp nâng cao chất lượng công tác thực hành quyền công tố, kiểm sát việc giải quyết vụ án hình sự, hạn chế việc VKS truy tố, Tòa án tuyên bị cáo không phạm tội hoặc hủy để điều tra, xét xử lại theo yêu cầu của Nghị quyết số 96/2015/QH13 ngày 26/6/2015 của Quốc hội và nhằm thực hiện hiệu quả Chỉ thị số 04/CT-VKSTC ngày 10/7/2015 của Viện trưởng VKSND tối cao về tăng cường các biện pháp phòng, chống oan, sai và nâng cao trách nhiệm trong giải quyết bồi thường thiệt hại cho người bị oan trong hoạt động tố tụng hình sự. Trên cơ sở kết quả nghiên cứu, xây dựng chuyên đề của VKSND cấp cao tại thành phố Hồ Chí Minh, Lãnh đạo VKSND tối cao đã tổ chức hội nghị rút kinh nghiệm toàn quốc.

Về công tác trả lời thỉnh thị, trong thời gian qua, VKSND cấp cao đã thực hiện tốt việc trả lời thỉnh thị đối với VKSND địa phương về các vụ án hình sự, vụ việc dân sự, hôn nhân gia đình, hành chính, kinh doanh thương mại, lao động khi VKS địa phương có vướng mắc xin ý kiến. Trong năm 2016, VKSND cấp cao tại thành phố Hồ Chí Minh đã trả lời thỉnh thị 10 vụ án hình sự, 01 vụ án dân sự, 05 vụ án hành chính, kinh doanh thương mại. Điển hình là vụ án Trần Cảnh Lạc, phạm tội “Cố ý làm trái quy định của Nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng” gây thiệt hại trên 69 tỷ đồng, xảy ra tại Công ty Mía đường Tây Ninh được cấp ủy và dư luận địa phương quan tâm. Vụ án khởi tố ngày 24/4/2014, sau khi Cơ quan điều tra kết thúc điều tra, đề nghị truy tố Trần Cảnh Lạc, nguyên Tổng Giám đốc và Nguyễn Xuân Danh, nguyên Phó phòng kinh doanh thương mại; VKSND tỉnh Tây Ninh đã báo cáo thỉnh thị. VKSND cấp cao tại thành phố Hồ Chí Minh nhận thấy có dấu hiệu bỏ lọt Nguyễn Thị Phúc, nguyên Kế toán trưởng nên yêu cầu trả hồ sơ để điều tra bổ sung làm rõ và xử lý Nguyễn Thị Phúc, đến nay vụ án đã được TAND tỉnh Tây Ninh xét xử sơ thẩm, Nguyễn Thị Phúc bị xử phạt 05 năm tù.

Thực tiễn nêu trên cho thấy rõ vai trò, trách nhiệm của VKSND cấp cao trong công tác hướng dẫn chỉ đạo, trả lời thỉnh thị VKS địa phương, góp phần tháo gỡ kịp thời các khó khăn, vướng mắc và nâng cao chất lượng hoạt động của VKS địa phương. Những kết quả đạt được cũng là tiền đề cần phát huy để làm tốt hơn trong năm 2017 và những năm tiếp theo.

Một số kiến nghị, đề xuất

Một là, VKSND tối cao sớm ban hành các Quy chế nghiệp vụ thay thế Quy chế số 960/2007/QĐ-VKSTC về hình sự, Quy chế số 567/QĐ-VKSTC về dân sự và Quy chế số 573/QĐ-VKSTC-V12 về hành chính. Trong đó, cần phân định rõ nội dung, phạm vi công tác chỉ đạo, hướng dẫn nghiệp vụ, trả lời thỉnh thị hoạt động nghiệp vụ giữa các Vụ nghiệp vụ VKSND tối cao và VKSND cấp cao với VKSND địa phương nhằm đảm bảo không trùng lặp và nâng cao trách nhiệm từng cấp kiểm sát. Chúng tôi đề nghị các Quy chế nghiệp vụ cần xác định rõ:

– Viện kiểm sát nhân dân cấp cao chịu trách nhiệm hướng dẫn, chỉ đạo đối với những vụ án, vụ việc cụ thể từ giai đoạn Tòa án bắt đầu thụ lý vụ án, vụ việc và đến khi bản án có hiệu lực pháp luật, giai đoạn trước đó thuộc trách nhiệm các Vụ nghiệp vụ VKSND tối cao.

– Đối với các vụ án hình sự do Cơ quan điều tra của Bộ Công an trực tiếp điều tra, VKSND tối cao kiểm sát điều tra, phân công VKSND tỉnh, thành phố thực hành quyền công tố, kiểm sát xét xử sơ thẩm thì khi TAND cấp cao tuyên hủy một phần hoặc toàn bộ để điều tra lại sẽ do VKSND tối cao hướng dẫn điều tra.

– Đối với những vụ án hình sự do cấp tỉnh điều tra, truy tố, TAND cấp cao hủy án để điều tra lại thì do VKSND cấp cao hướng dẫn, trả lời thỉnh thị từ giai đoạn điều tra lại vì VKSND cấp cao thực hành quyền công tố và kiểm sát xét xử vụ án đã có hướng dẫn điều tra án hủy và các căn cứ hủy.

– Đối với các vụ án hình sự khác và các vụ, việc dân sự, hôn nhân gia đình, hành chính, kinh doanh thương mại, lao động, VKSND cấp cao hướng dẫn, trả lời thỉnh thị về đường lối giải quyết; Vụ nghiệp vụ VKSND tối cao hướng dẫn, trả lời thỉnh thị về những vướng mắc trong áp dụng pháp luật.

– Viện kiểm sát nhân dân cấp huyện khi có vướng mắc về công tác thực hành quyền công tố và kiểm sát xét xử thì phải báo cáo thỉnh thị VKSND cấp tỉnh, trong trường hợp không đồng ý với trả lời thỉnh thị của VKSND cấp tỉnh thì báo cáo xin ý kiến thỉnh thị VKSND cấp cao. Riêng đối với các bản án, quyết định đã có hiệu lực pháp luật mà qua công tác kiểm sát VKS cấp huyện thấy có vướng mắc về việc xác định bản án, quyết định đó có vi phạm hay không để xem xét giải quyết thì báo cáo thỉnh thị VKSND cấp cao.

– Khi VKS cấp tỉnh không đồng ý với trả lời về đường lối giải quyết của Lãnh đạo VKS cấp cao thì báo cáo Lãnh đạo VKSND tối cao giải quyết; khi VKS cấp tỉnh không đồng ý với hướng dẫn của Viện nghiệp vụ thuộc VKSND cấp cao thì báo cáo Viện trưởng VKSND cấp cao giải quyết.

– Khi hướng dẫn nghiệp vụ, đường lối giải quyết vụ án, vụ việc của VKSND cấp cao khác với quan điểm hướng dẫn của các đơn vị nghiệp vụ VKSND tối cao thì VKS địa phương phải báo cáo xin ý kiến Lãnh đạo VKSND tối cao quyết định.

Hai là, các đơn vị nghiệp vụ của VKSND tối cao trong quá trình chỉ đạo nghiệp vụ VKSND cấp tỉnh cần trao đổi thông tin để VKSND cấp cao biết, phục vụ cho hoạt động thực hành quyền công tố, kiểm sát xét xử trong giai đoạn phúc thẩm và hướng dẫn nghiệp vụ sau này. Tránh tình trạng VKSND cấp cao không biết các đơn vị nghiệp vụ VKSND tối cao đã có văn bản hướng dẫn giải quyết vụ án và nội dung hướng dẫn, dẫn đến quan điểm chỉ đạo của VKSND tối cao và VKSND cấp cao không nhất quán, gây khó khăn cho VKS địa phương.

Ba là, VKSND địa phương phải gửi báo cáo, thống kê về hoạt động nghiệp vụ cho VKSND cấp cao theo quy định, nhất là tình hình án hủy, sửa và quá trình giải quyết các vụ án kinh tế, chức vụ, tham nhũng lớn, các vụ án an ninh chính trị và trật tự an toàn xã hội phức tạp, dư luận quan tâm. Viện kiểm sát nhân dân cấp tỉnh trong khu vực phải báo cáo và gửi lịch xét xử sơ thẩm cho VKSND cấp cao đối với những vụ, việc được quy định tại Danh mục F và các văn bản tài liệu được quy định tại Danh mục G trong Quy chế tổ chức và hoạt động của VKSND cấp cao để VKSND cấp cao cử Kiểm sát viên theo dõi phiên tòa sơ thẩm. Các VKSND địa phương phải chuyển cáo trạng, bản án, kháng nghị và các văn bản tố tụng khác cho VKSND cấp cao theo quy chế hoặc khi có yêu cầu, nhằm phục vụ việc chỉ đạo, hướng dẫn nghiệp vụ./.

Tiến sĩ Nguyễn Văn Quảng

Nguyên Viện trưởng VKSND cấp cao 3

Nguồn: Tạp chí Kiểm sát số 03/2017