Nhiệm vụ, quyền hạn của Viện trưởng, Kiểm sát viên, Kiểm tra viên theo Luật Tố tụng hành chính 2015
Ngày đăng : 05:01, 10/07/2017
Khoản 2 Điều 25 Luật TTHC năm 2015 đã nêu rõ: “Viện kiểm sát kiểm sát vụ án hành chính từ khi thụ lý đến khi kết thúc việc giải quyết vụ án; tham gia các phiên tòa, phiên họp của Tòa án; kiểm sát việc tuân theo pháp luật trong công tác thi hành bản án, quyết định của Tòa án; thực hiện các quyền yêu cầu, kiến nghị, kháng nghị theo quy định của pháp luật”.
Nhiệm vụ, quyền hạn của Viện trưởng Viện kiểm sát
Điều 42 Luật TTHC năm 2015 quy định nhiệm vụ, quyền hạn của Viện trưởng VKS như sau:
1. Khi thực hiện kiểm sát việc tuân theo pháp luật trong hoạt động tố tụng hành chính, Viện trưởng VKS có những nhiệm vụ, quyền hạn sau đây:
a) Tổ chức và chỉ đạo thực hiện công tác kiểm sát việc tuân theo pháp luật trong hoạt động tố tụng hành chính;
b) Quyết định phân công KSV thực hiện kiểm sát việc tuân theo pháp luật trong hoạt động tố tụng hành chính, tham gia phiên tòa, phiên họp giải quyết vụ án hành chính theo quy định của Luật này và thông báo cho Tòa án biết; phân công KTV tiến hành tố tụng đối với vụ án hành chính bảo đảm đúng nguyên tắc theo quy định tại Điều 14 của Luật này;
c) Quyết định thay đổi KSV, KTV;
d) Kháng nghị theo thủ tục phúc thẩm, giám đốc thẩm, tái thẩm bản án, quyết định của Tòa án theo quy định của Luật này;
đ) Yêu cầu, kiến nghị theo quy định của Luật này;
e) Giải quyết khiếu nại, tố cáo theo quy định của Luật này;
g) Thực hiện nhiệm vụ, quyền hạn khác theo quy định của Luật này.
2. Khi Viện trưởng vắng mặt, một Phó Viện trưởng được Viện trưởng ủy nhiệm thực hiện nhiệm vụ, quyền hạn của Viện trưởng, trừ quyền quyết định kháng nghị quy định tại điểm d khoản 1 Điều này. Phó Viện trưởng chịu trách nhiệm trước Viện trưởng về thực hiện nhiệm vụ, quyền hạn được ủy nhiệm.
Với quy định trên có thể thấy Luật TTHC năm 2015 kế thừa hầu hết các quy định của Luật TTHC năm 2010 về nhiệm vụ, quyền hạn của Viện trưởng VKS. Bên cạnh đó, Luật TTHC năm 2015 đã bổ sung, sửa đổi một số nhiệm vụ, quyền hạn cho Viện trưởng VKS như sau:
Một là, bổ sung quy định về việc thông báo việc phân công KSV cho Tòa án. Theo đó, tại điểm b khoản 1 Điều 42 Luật TTHC năm 2015 đã bổ sung quy định quyết định phân công KSV thực hiện kiểm sát việc tuân theo pháp luật trong hoạt động tố tụng hành chính phải được thông báo cho Tòa án biết. Quy định này đã tạo điều kiện thuận lợi trong cơ chế phối hợp để kiểm sát việc giải quyết vụ án hành chính giữa Tòa án và VKS mà cụ thể là giữa KSV với những người tiến hành tố tụng khác trong vụ án. Ngoài ra, Luật TTHC năm 2015 đã bổ sung quy định việc phân công KSV, KTV tiến hành tố tụng đối với vụ án hành chính phải bảo đảm sự vô tư, khách quan trong tố tụng hành chính theo quy định tại Điều 14 Luật TTHC năm 2015. Đây là quy định mới nhằm giúp cho việc phân công KSV, KTV của Viện trưởng VKS được thực hiện đúng theo quy định của pháp luật, bảo đảm tính vô tư, khách quan của KSV và KTV trong quá trình kiểm sát việc giải quyết vụ án hành chính, đồng thời ngăn ngừa sự không vô tư, khách quan của Viện trưởng VKS trong việc phân công KSV và KTV nhằm bảo đảm cho công tác kiểm sát việc tuân theo pháp luật trong tố tụng hành chính đạt hiệu quả tốt nhất.
Hai là, bổ sung quy định thay đổi KTV. Tại điểm c Điều 42 Luật TTHC năm 2015 đã bổ sung quy định thay đổi KTV cùng với quy định thay đổi KSV. Quy định bổ sung này là hoàn toàn hợp lý vì KTV là người tiến hành tố tụng được Luật TTHC năm 2015 bổ sung theo quy định tại khoản 2 Điều 36. Vì vậy, trong trường hợp KTV rơi vào các trường hợp do pháp luật quy định mà có thể ảnh hưởng đến tính vô tư và khách quan thì Viện trưởng VKS sẽ ra quyết định thay đổi KTV để bảo đảm tính khách quan trong việc giải quyết vụ án hành chính.
Ba là, Luật TTHC năm 2015 đã bỏ quy định Viện trưởng VKS kiểm tra hoạt động kiểm sát việc tuân theo pháp luật trong hoạt động tố tụng hành chính của KSV. Chúng tôi cho rằng, việc bỏ đi quy định này là hoàn toàn hợp lý, bởi lẽ, với quy định việc kiểm tra của Viện trưởng VKS đối với hoạt động kiểm sát của KSV vô hình trung đã tạo ra sự can thiệp vào hoạt động kiểm sát giải quyết vụ án hành chính, ảnh hưởng đến tính độc lập của KSV khi thực hiện nhiệm vụ, quyền hạn mà pháp luật quy định. Theo quy định trong tố tụng hành chính, KSV có nhiệm vụ kiểm sát việc tuân theo pháp luật và họ chịu trách nhiệm trước pháp luật về nhiệm vụ, công vụ của mình nên đã có cơ chế xử lý nếu KSV sai phạm mà không cần phải có thêm cơ chế kiểm tra của Viện trưởng VKS.
Bốn là, bổ sung quy định tại điểm đ khoản 1 Điều 42 Luật TTHC năm 2015 về quyền “yêu cầu, kiến nghị theo quy định của Luật này”. Việc bổ sung quy định này là cần thiết để bảo đảm sự phù hợp với các quy định khác của Luật TTHC năm 2015, vì pháp luật tố tụng hành chính hiện nay đã quy định cho Viện trưởng VKS được quyền yêu cầu và kiến nghị trong nhiều trường hợp khác nhau. Ngoài ra, tại điểm g khoản 1 Điều 42 Luật TTHC năm 2015 đã bổ sung quy định Viện trưởng VKS còn “thực hiện nhiệm vụ, quyền hạn khác theo quy định của Luật này”.
Năm là, Luật này bổ sung quy định những trường hợp không được ủy nhiệm cho Phó Viện trưởng khi Viện trưởng vắng mặt tại khoản 2 Điều 44, cụ thể là đối với quyền quyết định kháng nghị theo thủ tục phúc thẩm, giám đốc thẩm, tái thẩm bản án, quyết định của Tòa án thì Viện trưởng VKS không được ủy nhiệm cho Phó Viện trưởng thực hiện. Chúng tôi cho rằng việc bổ sung này là hợp lý, vì việc kháng nghị theo thủ tục phúc thẩm, giám đốc thẩm, tái thẩm sẽ làm phát sinh việc xét xử phúc thẩm hoặc xét lại bản án theo thủ tục giám đốc thẩm hoặc tái thẩm và có thể làm thay đổi quyền và lợi ích hợp pháp của các bên đương sự trong vụ án hành chính. Vì thế, kháng nghị theo các thủ tục này là một hoạt động rất quan trọng của VKSND, đòi hỏi trách nhiệm của người ký quyết định đối với quyết định kháng nghị của mình. Do đó, quyền quyết định kháng nghị theo thủ tục phúc thẩm, giám đốc thẩm, tái thẩm bản án, quyết định của Tòa án thuộc về Viện trưởng VKS, không được ủy nhiệm cho Phó Viện trưởng VKS.
Nhiệm vụ, quyền hạn của Kiểm sát viên
Luật TTHC năm 2015 đã có sự bổ sung cụ thể nhiệm vụ, quyền hạn của KSV được rõ ràng và chi tiết hơn so với Điều 40 Luật TTHC năm 2010; cụ thể, Điều 43 Luật TTHC năm 2015 quy định: Khi được Viện trưởng VKS phân công thực hiện kiểm sát việc tuân theo pháp luật trong hoạt động tố tụng hành chính, KSV có những nhiệm vụ, quyền hạn sau đây: 1. Kiểm sát việc trả lại đơn khởi kiện; 2. Kiểm sát việc thụ lý, giải quyết vụ án; 3. Nghiên cứu hồ sơ vụ án; xác minh, thu thập tài liệu, chứng cứ theo quy định tại khoản 6 Điều 84 của Luật này; 4. Tham gia phiên tòa, phiên họp và phát biểu ý kiến của VKS về việc giải quyết vụ án theo quy định của Luật này; 5. Kiểm sát bản án, quyết định của Tòa án; 6. Yêu cầu, kiến nghị Tòa án thực hiện hoạt động tố tụng theo quy định của Luật này; 7. Đề nghị với Viện trưởng VKS có thẩm quyền kháng nghị bản án, quyết định của Tòa án có vi phạm pháp luật; 8. Kiểm sát hoạt động tố tụng của người tham gia tố tụng; yêu cầu, kiến nghị cơ quan, tổ chức có thẩm quyền xử lý nghiêm minh người tham gia tố tụng vi phạm pháp luật; 9. Thực hiện nhiệm vụ, quyền hạn khác theo quy định của Luật này.
Với quy định trên có thể thấy, Luật TTHC năm 2015 đã có một số sửa đổi, bổ sung đáng chú ý sau:
Thứ nhất, Luật TTHC năm 2015 đã bổ sung cụ thể các nhiệm vụ, quyền hạn của KSV khi kiểm sát việc tuân theo pháp luật trong việc giải quyết các vụ án hành chính mà trước đây Luật TTHC năm 2010 chưa quy định như: Kiểm sát việc trả lại đơn khởi kiện, kiểm sát việc thụ lý, giải quyết vụ án, nghiên cứu hồ sơ vụ án; xác minh, thu thập tài liệu, chứng cứ theo quy định; yêu cầu, kiến nghị Tòa án thực hiện hoạt động tố tụng theo quy định của Luật này; đề nghị với Viện trưởng VKS có thẩm quyền kháng nghị bản án, quyết định của Tòa án có vi phạm pháp luật… Chúng tôi cho rằng, với việc quy định cụ thể và chi tiết như vậy sẽ giúp KSV thuận lợi trong quá trình thực hiện các nhiệm vụ, quyền hạn của mình trong quá trình kiểm sát việc tuân theo pháp luật việc giải quyết vụ án hành chính.
Thứ hai, bổ sung thêm quy định KSV được quyền phát biểu quan điểm của VKS về việc giải quyết vụ án theo quy định của pháp luật khi tham gia phiên tòa, phiên họp. Việc sửa đổi này là hợp lý, bởi lẽ, KSV là người kiểm sát việc giải quyết vụ án ngay từ khi vụ án hành chính được khởi kiện, KSV cũng được quyền nghiên cứu hồ sơ vụ án nên hơn ai hết KSV là người nắm rõ bản chất vụ việc. Do đó, KSV phát biểu quan điểm về việc giải quyết vụ án được xem là kênh quan trọng để Hội đồng xét xử tham khảo, đánh giá về tính hợp pháp của đối tượng khiếu kiện.
Thứ ba, sửa đổi quy định “kiểm sát việc tuân theo pháp luật của những người tham gia tố tụng” của Luật TTHC năm 2010 thành quy định “kiểm sát hoạt động tố tụng của người tham gia tố tụng; yêu cầu, kiến nghị cơ quan, tổ chức có thẩm quyền xử lý nghiêm minh người tham gia tố tụng vi phạm pháp luật”. Như vậy, theo quy định của Luật TTHC năm 2015 thì KSV chỉ có nhiệm vụ, quyền hạn kiểm sát hoạt động tố tụng của người tham gia tố tụng mà không còn phải kiểm sát việc tuân theo pháp luật nói chung như Luật TTHC năm 2010. Có quan điểm cho rằng, với việc sửa đổi này, Luật TTHC năm 2015 đã thu hẹp phạm vi kiểm sát của KSV vì KSV chỉ kiểm sát các hoạt động tố tụng của người tham gia tố tụng. Chúng tôi không đồng ý với quan điểm này, bởi lẽ, các hoạt động kiểm sát khác của KSV đã được Luật TTHC năm 2015 quy định tại các khoản khác nhau của Điều 43 và đã được phân tích trong phần trên mà trong đó việc kiểm sát hoạt động tố tụng của người tham gia tố tụng chỉ là một trong các nhiệm vụ của KSV. Ngoài ra, Luật TTHC năm 2015 đã bổ sung quy định trên cơ sở kiểm sát hoạt động tố tụng của người tham gia tố tụng, KSV phát hiện người tham gia tố tụng có hành vi vi phạm pháp luật thì được quyền yêu cầu cơ quan, tổ chức có thẩm quyền xử lý nghiêm minh những người tham gia tố tụng có hành vi vi phạm nhằm bảo đảm cho việc giải quyết vụ án hành chính được đúng đắn.
Nhiệm vụ, quyền hạn của Kiểm tra viên
Theo quy định tại khoản 2 Điều 36 Luật TTHC năm 2015 thì KTV là người tiến hành tố tụng hành chính mới được Luật TTHC năm 2015 ghi nhận. Việc bổ sung này để bảo đảm sự phù hợp với quy định Luật Tổ chức VKSND năm 2014, vì đây là chủ thể tố tụng cũng được quy định rất cụ thể trong văn bản luật này. Ngoài ra, quy định này còn giúp KTV chủ động thực hiện các nhiệm vụ, quyền hạn theo quy định của pháp luật cũng như tự chịu trách nhiệm trước pháp luật về kết quả thực hiện các nhiệm vụ và quyền hạn đó, góp phần nâng cao được tinh thần, trách nhiệm của KTV trong việc thực hiện nhiệm vụ, công vụ được giao, tạo nguồn có chất lượng cao để tiến tới bổ nhiệm KSV khi đáp ứng đầy đủ các điều kiện theo quy định của pháp luật.
Những quyền hạn, nhiệm vụ của KTV được quy định tại Điều 44 Luật TTHC năm 2015 bao gồm: Nghiên cứu hồ sơ vụ án, báo cáo kết quả với KSV; lập hồ sơ kiểm sát vụ án hành chính theo sự phân công của KSV hoặc Viện trưởng VKS; giúp KSV kiểm sát việc tuân theo pháp luật theo quy định của Luật này.
Như vậy, nhiệm vụ, quyền hạn của KTV ít hơn so với KSV và các quyền hạn, nhiệm vụ này góp phần cùng với KSV kiểm sát việc giải quyết vụ án hành chính. Bên cạnh đó, có thể thấy KSV thực hiện các nhiệm vụ, quyền hạn này trên cơ sở được phân công, giám sát và phải báo cáo công tác với KSV. Chúng tôi cho rằng, Luật TTHC năm 2015 quy định như thế này là phù hợp, bởi lẽ, khoản 1 Điều 90 Luật Tổ chức VKSND năm 2014 đã quy định: “Kiểm tra viên là người được bổ nhiệm theo quy định của pháp luật để giúp Kiểm sát viên thực hành quyền công tố, kiểm sát hoạt động tư pháp; thực hiện các nhiệm vụ, quyền hạn khác theo sự phân công của Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân”.
Trong các nhiệm vụ, quyền hạn của KTV được Luật TTHC năm 2015 quy định có thể nhận thấy, KTV có các nhiệm vụ, quyền hạn rất quan trọng như: Quyền nghiên cứu hồ sơ vụ án, báo cáo kết quả với KSV hay như nhiệm vụ giúp KSV kiểm sát việc tuân theo pháp luật theo quy định của Luật này. Với các quyền hạn, nhiệm vụ này thì KTV đã hỗ trợ và giúp sức rất lớn cho KSV, bởi lẽ, trên cơ sở báo cáo kết quả nghiên cứu hồ sơ vụ án đã giảm tải khối lượng công việc cho KSV, đồng thời nâng cao chất lượng kiểm sát của KSV tại phiên tòa. Ngoài ra, với nhiệm vụ “giúp Kiểm sát viên kiểm sát việc tuân theo pháp luật” đã nâng cao chất lượng kiểm sát việc tuân theo pháp luật của KSV và kết quả của việc kiểm sát việc tuân theo pháp luật.
Tóm lại, nhiệm vụ, quyền hạn của Viện trưởng VKS, KSV và KTV theo Luật TTHC năm 2015 đã quy định đầy đủ, rõ ràng và chi tiết hơn so với Luật TTHC năm 2010. Với những sửa đổi, bổ sung quan trọng này sẽ tạo điều kiện thuận lợi cho Viện trưởng VKS, KSV và KTV thực hiện tốt chức năng, nhiệm vụ và quyền hạn của mình khi tham gia vào hoạt động tố tụng hành chính, góp phần giúp cho việc giải quyết vụ án hành chính được chính xác và khách quan./.
Lê Việt Sơn
Khoa luật Hành chính Nhà nước, Đại học Luật thành phố Hồ Chí Minh.
Tạp chí Kiểm sát số 05/2017