Xây dựng hương ước, quy ước: Văn hóa và pháp luật
Ngày đăng : 09:58, 26/06/2017
Khô khan và máy móc
Theo thống kê của Bộ Tư pháp, tính tới tháng 6.2015, trong số 125.083 thôn, làng cả nước được rà soát, có 109.698 hương ước, quy ước đã được phê duyệt, chiếm tỷ lệ 87,7%; 6.694 hương ước, quy ước đang trong quá trình phê duyệt; 3.260 hương ước, quy ước đang xây dựng.
Đó là về số lượng, còn chất lượng các bản hương ước, quy ước cũng là điều đáng bàn, nhất là khi tồn tại những hương ước, quy ước có nội dung vi phạm pháp luật, vi phạm hoặc hạn chế quyền con người, quyền công dân, tác động tiêu cực, ảnh hưởng xấu đến dư luận xã hội và hiệu quả, hiệu lực quản lý nhà nước. Đơn cử như tại Hiệp Hòa, Bắc Giang, khi một công dân tại thôn Chùa, xã Lương Phong qua đời nhưng không được tổ chức an táng bình thường. Gia đình cũng không được sử dụng xe tang, trống, chiêng, chỉ vì người đã khuất có nợ một khoản tiền đóng góp.
Không hiếm bản hương ước quy định hình thức xử phạt một cách tùy tiện, trái luật như “chủ phương tiện có xe bò, xe công nông thuộc người trong thôn thì hàng năm phải nộp một khoản tiền cho thôn” hay “cặp vợ chồng nào sinh con thứ 3 trở lên sẽ bị phạt tiền” hoặc “trai, gái lấy vợ, lấy chồng ngoài xã phải nộp cho thôn một số tiền nhất định”.
“Nếu không trái pháp luật thì các bản hương ước, quy ước đó lại có nội dung rất sơ sài, sao chép, lặp lại pháp luật và chủ trương, chính sách của Nhà nước một cách khô khan; chưa thể hiện được nét đặc trưng văn hóa, xã hội hay phong tục tập quán, thuần phong mỹ tục của địa phương. Việc trình bày, sắp xếp nội dung nhiều bản hương ước cũng lủng củng, không rõ ràng, mạch lạc, ngôn ngữ sử dụng chưa phù hợp, khó hiểu gây khó khăn cho quá trình tổ chức thực hiện” – ông Đỗ Xuân Lân, Vụ trưởng Vụ Phổ biến, Giáo dục pháp luật (Bộ Tư pháp) cho biết.
Nguyên nhân từ đâu?
Nguyên nhân khiến nội dung nhiều bản hương ước, quy ước còn sơ sài, hạn chế, theo nhiều chuyên gia là do việc xây dựng và thực hiện tại một số địa phương chưa bảo đảm được tính dân chủ, chưa tạo điều kiện cho người dân tham gia thảo luận, đóng góp ý kiến. Thậm chí, hương ước, quy ước đã được phê duyệt nhưng không tổ chức phổ biến đến các hộ dân, không được điều chỉnh, sửa đổi, bổ sung cho phù hợp với tình hình thực tế; mức độ chấp hành, thực hiện của người dân đối với quy định trong các bản hương ước, quy ước chưa cao.
Không ít địa phương đang hành chính hóa việc xây dựng hương ước, quy ước; xem đây là việc của cán bộ thôn, xã. Vì vậy, nội dung hương ước thường rập khuôn, cứng nhắc, không thể hiện được nét đặc trưng của thôn cũng như chưa thực sự sát với đời sống của người dân. Đó là nguyên nhân khiến người dân trong thôn, xóm ít quan tâm và hạn chế tính khả thi của hương ước. Có nhiều trường hợp xây dựng hương ước chỉ nhằm đối phó khi có đoàn kiểm tra từ cấp trên hoặc để bình xét các danh hiệu, sau đó được cất trong tủ.
Không ít người thừa nhận rằng, việc còn tồn tại hương ước, quy ước trái pháp luật là do sự chủ quan trong kiểm tra, thẩm định hương ước cũng như năng lực, trình độ soạn thảo của cán bộ địa phương còn hạn chế, điều kiện tiếp cận, cập nhật văn bản pháp luật cũng chưa thường xuyên. Trong quá trình xây dựng và thực hiện hương ước, quy ước chưa có sự phối hợp chặt chẽ giữa các cơ quan liên quan như tư pháp, văn hóa hay Mặt trận Tổ quốc.
Ông Trần Hoàng Thạch, cán bộ tư pháp tại huyện Nghi Xuân, Hà Tĩnh cho rằng, để các bản hương ước, quy ước đúng pháp luật thì cần phải có biện pháp nâng cao trình độ nhận thức của cán bộ cấp thôn, xã. Người chủ trì soạn thảo phải nhận thức được hương ước không phải là pháp luật mà là một hình thức “lệ làng” bổ sung cho pháp luật, điều chỉnh những quan hệ, những tình huống phát sinh trong thôn mà pháp luật không điều chỉnh hoặc chưa điều chỉnh được. Mặt khác, nội dung của hương ước, quy ước phải thể hiện được nguyện vọng do nhân dân tự đặt ra, được thảo luận, bàn bạc và nhất trí thông qua, phù hợp với pháp luật và phong tục tập quán tốt đẹp của nhân dân thì mới được toàn thể nhân dân tự giác chấp hành.
Nhiều ý kiến cho rằng, quy định pháp luật cần phải nêu rõ tiêu chí thông qua hương ước, quy ước, đơn cử như tỷ lệ đồng thuận, bằng hình thức nào để bảo đảm các hương ước, quy ước thực sự đại diện cho ý chí của cộng đồng dân cư chứ không thể hiện ý chí chủ quan của một tổ chức, cá nhân nào.
Theo Thảo Mộc/ ĐBND