Giải pháp phòng ngừa tội phạm về ma túy xuyên quốc gia

Ngày đăng : 08:11, 15/06/2017

(Kiemsat.vn)- Một trong những nguyên nhân phát sinh tội phạm về ma túy xuyên quốc gia là do chúng ta còn thiếu kinh nghiệm quản lý nhà nước về an ninh trật tự trong bối cảnh Việt Nam hội nhập quốc tế.

Tội  phạm về ma túy hoạt động có phạm vi xuyên quốc gia (tội phạm về ma túy xuyên quốc gia) trong những năm gần đây diễn biến hết sức phức tạp có chiều hướng gia tăng không chỉ về số vụ, đối tượng, chủng loại chất ma túy mà còn cả về phạm vi địa bàn, tuyến hoạt động và nhất là tính chất hành vi của chúng ngày càng manh động, táo tợn hơn nhằm chống trả lực lượng thi hành pháp luật.

Theo số liệu thống kê của Cục Điều tra tội phạm về ma túy Bộ Công an (C47) trung bình 5 năm trở lại đây, mỗi năm tội phạm về ma túy xuyên quốc gia xảy ra và bị lực lượng chức năng phát hiện bắt giữ trên phạm vi toàn quốc hơn 9.000 vụ, với gần 18.000 đối tượng, thu giữ 250 kg heroin, 30.000 viên methamphetamine, 130.000 viên ma túy tổng hợp các loại, 35 khẩu súng K54, K59, AK… cùng nhiều tài sản khác giá trị lên đến hàng ngàn tỉ đồng.

Ảnh có tính minh họa (nguồn internet)

Điển hình như: Chuyên án 408P do lực lượng Cảnh sát điều tra tội phạm về ma túy Công an tỉnh Quảng Ninh phối hợp với Bộ Tư lệnh Cảnh sát biển, Hải Quan tỉnh Quảng Ninh dưới sự chỉ đạo của lãnh đạo Cục C47 đã tiến hành phá án bắt giữ 5 đối tượng là người Trung Quốc tại Quảng Ninh vận chuyển 8,8 tấn nhựa cần sa từ khu vực Trung đông – Pakistan vào Việt Nam và đi sang Canada. Đây là vụ án vận chuyển trái phép cần sa lớn nhất vào Việt Nam, giá trị số lượng cần sa tương đương với 90 triệu đô la, có phạm vi hoạt động đi qua 3 quốc gia và đều do các đối tượng là người nước ngoài thực hiện đã bị phát hiện, bắt giữ tại Việt Nam vào năm 2008.

Chuyên án 006N do đối tượng cầm đầu là Nguyễn Thị Bích Ngọc, 42 tuổi, thường trú tại Hiệp Hòa, Bắc Giang đứng ra tổ chức đường dây gồm 125 đối tượng chuyên vận chuyển heroin từ Việt Nam bán sang cho các đối tượng người Trung Quốc với số lượng trên 32.000 bánh heroin, tương đương với 12 tấn heroin đã bị lực lượng Cảnh sát điều tra tội phạm về ma túy dưới sự chỉ đạo của lãnh đạo Tổng cục Cảnh sát – Bộ Công an bắt giữ. Đây là chuyên án đấu tranh chống tội phạm mua bán heroin lớn nhất từ trước đến nay tại Việt Nam mà đối tượng cầm đầu là nữ giới, có phạm vi xuyên quốc gia từ Việt Nam đi Trung Quốc. Các đối tượng tham gia trong tổ chức đường dây này bao gồm người Việt Nam cấu kết chặt chẽ với người Trung Quốc, thời gian hoạt động kéo dài. Giai đoạn đầu xét xử 99 đối tượng trong chuyên án vận chuyển, mua bán 32.000 bánh heroin do Nguyễn Thị Bích Ngọc cầm đầu, có 98 đối tượng thành án, trong đó có 30 bản án tử hình và nhiều mức án tù có thời hạn khác.

Nguyên nhân phát sinh tội phạm về ma túy xuyên quốc gia thời gian qua chủ yếu là do chúng ta còn thiếu kinh nghiệm quản lý nhà nước về an ninh trật tự trong bối cảnh Việt Nam hội nhập quốc tế, nhất là kể từ khi gia nhập Tổ chức thương mại thế giới (WTO) và Khu vực tự do thương mại Asian (AFTA) tình hình tội phạm xuyên quốc gia, trong đó có tội phạm về ma túy cũng gia tăng đáng kể. Tội phạm về ma túy ở trong nước đã cấu kết với tội phạm về ma túy nước ngoài, nhất là ở khu vực Tam giác vàng, Lưỡi liềm vàng ngày càng chặt chẽ hơn, tính chất táo bạo, manh động hơn với số lượng chất ma túy lớn hơn. Một nguyên nhân nữa đó là do lãi suất siêu lợi nhuận từ việc buôn bán ma túy trái phép nên đã kích thích số đối tượng tham gia vào mua bán ma túy ngày càng nhiều; sự phối hợp giữa các quốc gia trong cuộc đấu tranh phòng, chống tội phạm về ma túy xuyên quốc gia vẫn chưa đáp ứng thực tiễn cuộc đấu tranh chống tội phạm về ma túy mang tính chất toàn cầu như hiện nay; nhận thức pháp luật của một bộ phận người dân còn hạn chế dẫn đến vi phạm pháp luật hình sự…

Để phát hiện đấu tranh có hiệu quả với tội phạm về ma túy hoạt động có tổ chức, tính chất chuyên nghiệp và phạm vi xuyên quốc gia, chúng tôi xin trao đổi một số biện pháp sau:

Thứ nhất, lực lượng Cảnh sát điều tra tội phạm về ma túy cần thực hiện tốt công tác điều tra cơ bản, kịp thời nắm bắt tình hình đối tượng

Lực lượng Cảnh sát điều tra tội phạm về ma túy cần chủ động rà soát các tuyến trọng điểm và có đối sách, nhất là các tuyến hoạt động của tội phạm ma túy có phạm vi từ nước ngoài vào Việt Nam và từ Việt Nam ra nước ngoài. Cụ thể là các tuyến trọng điểm xuyên quốc gia như tuyến Lào – Việt Nam bao gồm cả tuyến đường bộ, đường hàng không và tuyến bưu điện quốc tế. Đây là tuyến phức tạp nhất, thường xuyên diễn ra các hoạt động vận chuyển ma túy là heroin, ma túy tổng hợp từ khu vực Tam giác vàng vào Việt Nam với số lượng rất lớn. Đặc biệt đối tượng hoạt động trên tuyến này gồm người dân tộc H’mông, người Hán… đi thành từng toán từ 15 đến 25 đối tượng có vũ trang đem theo súng AK, AR15 gần như công khai và rất manh động chống trả lực lượng thi hành pháp luật.

Thực hiện tốt công tác điều tra cơ bản nắm tình hình, lên danh mục các đối tượng sưu tra trên tuyến Việt Nam đi Trung Quốc và Đài Loan (Trung Quốc) bao gồm các tuyến đường bộ, đường sắt, đường hàng không và đường bưu điện quốc tế.

Rà soát, chủ động lên danh mục đối tượng cần theo dõi trên tuyến Việt Nam đi Campuchia đây cũng là tuyến phức tạp vận chuyển, mua bán trái phép chất ma túy của các đối tượng người Campuchia cấu kết với đối tượng phạm tội về ma túy người Việt Nam vận chuyển, mua bán trái phép ma túy tổng hợp khá lớn. Tuyến này bao gồm đường bộ, đường biển, đường hàng không và tuyến bưu điện quốc tế. Đặc biệt, lợi dụng sự quản lý đường biển của Việt Nam còn sơ hở nên các đối tượng người Campuchia đã cấu kết với người Việt Nam vận chuyển cần sa với số lượng lớn từ cảng Xihanucvin của Campuchia vào các cảng biển phía Nam của Việt Nam.

Thứ hai, phối hợp chặt chẽ với các nước có chung đường biên giới với Việt Nam nhằm phục vụ có hiệu quả công tác phòng ngừa và điều tra khám phá tội phạm

Xu hướng hoạt động của tội phạm về ma túy có phạm vi rộng qua nhiều quốc gia và có sự cấu kết chặt chẽ giữa các đối tượng trong và ngoài nước. Do vậy, cần phải có sự hợp tác quốc tế giữa các nước có chung đường biên giới với nhau nhằm tăng cường sức mạnh tổng hợp trong cuộc đấu tranh chống tội phạm về ma túy. Trước hết, lực lượng Cảnh sát điều tra tội phạm về ma túy ở các tỉnh có chung đường biên giới giữa Việt Nam với các nước Trung Quốc, Lào và Campuchia cần thường xuyên, chủ động trong việc trao đổi thông tin liên quan đến hoạt động phát hiện, phòng ngừa và điều tra khám phá tội phạm nói chung trong đó có tội phạm về ma túy nói riêng. Duy trì tốt và có hiệu quả, thiết thực các buổi họp giao ban định kỳ với Cảnh sát nước bạn nhằm kịp thời cung cấp, trao đổi thông tin về tội phạm và phối hợp hành động trong việc truy tìm, bắt giữ tội phạm về ma túy hoạt động xuyên quốc gia.

Thứ ba, tăng cường cung cấp, trao đổi thông tin tình báo giữa các cơ quan chức năng nhằm phục vụ có hiệu quả cuộc đấu tranh phòng, chống tội phạm về ma túy

Thực tế chứng minh nếu chúng ta chủ động phối hợp với các cơ quan chức năng đấu tranh phòng, chống tội phạm của Liên hợp quốc UNODC thì sẽ đem lại kết quả tốt trong việc ngăn chặn, phát hiện và bắt giữ tội phạm một các chủ động, hiệu quả.

Thứ tư, chủ động và tích cực ngăn chặn các băng nhóm tội phạm vận chuyển trái phép chất ma túy có vũ trang từ Lào vào Việt Nam. Quán triệt Phương án 279 ngày 27/7/2015 của Chính Phủ về đấu tranh phòng, chống tội phạm ma túy có vũ trang các lực lượng chức năng đấu tranh phòng, chống tội phạm về ma túy cần chủ động, tích cực ngăn chặn và đẩy đuổi các toán vận chuyển ma túy có vũ trang ra khỏi biên giới.

Thứ năm, tăng cường vai trò tổ chức chỉ đạo của lãnh đạo Bộ Công an và lãnh đạo Cục Cảnh sát điều tra tội phạm về ma túy đối các lực lượng đơn vị cơ sở trong đấu tranh chống tội phạm về ma túy

Tội phạm về ma túy hoạt động xuyên quốc gia thường có tổ chức, tính chất chuyên nghiệp liên quan đến nhiều quốc gia. Do vậy cần có sự chỉ đạo quyết liệt của lãnh đạo Bộ Công an và lãnh đạo Cục Cảnh sát điều tra tội phạm về ma túy đối với lực lượng Cảnh sát điều tra tội phạm Công an các địa phương. Sự phối hợp chỉ đạo là một đòi hỏi thực tiễn khách quan. Kinh nghiệm cho thấy, nếu đơn vị địa phương có sự phối hợp chặt chẽ dưới sự chỉ đạo của lãnh đạo Bộ Công an thì các đơn vị đó thường thành công trong việc bắt giữ, xử lý các đối tượng phạm tội về ma túy là người nước ngoài…

Sự phối hợp trong việc chỉ đạo của cấp trên đối với cấp dưới về tổ chức đấu tranh, áp dụng các biện pháp nghiệp vụ, phối hợp trong trao đổi thông tin và cùng hành động với Cảnh sát nước bạn trong hoạt động đấu tranh chống tội phạm về ma túy hoạt động xuyên quốc gia.

(Trích bài “Bàn về phòng ngừa tội phạm về ma túy hoạt động xuyên quốc gia” của Đại tá, PGS.TS, Bùi Minh Trung,Học viện Cảnh sát nhân dân, TCKS số 20/2015).