Luật sư nên vận động thân chủ tự thú?!
Ngày đăng : 11:02, 05/06/2017
Khoản 3 Điều 19 quy định: “Người bào chữa không phải chịu trách nhiệm hình sự theo quy định tại khoản 1 Điều này trong trường hợp không tố giác tội phạm do chính người mà mình bào chữa đã thực hiện hoặc đã tham gia thực hiện mà người bào chữa biết được khi thực hiện nhiệm vụ bào chữa, trừ trường hợp không tố giác các tội xâm phạm an ninh quốc gia hoặc tội phạm đặc biệt nghiêm trọng khác quy định tại Điều 389 của Bộ luật này”.
Ảnh minh họa nguồn internet
Quy định này vấp phải sự phản ứng mạnh mẽ của giới luật sư, cho rằng kể cả trong tội đặc biệt nghiêm trọng thì việc luật sư đang bào chữa cho thân chủ lại đi tố giác thân chủ của mình là “ngược đời”, đi ngược lại với trách nhiệm phải bảo vệ thân chủ của luật sư trước vòng lao lý. Và hiện nay, giữa các ý kiến ủng hộ nhà lập pháp và ý kiến ủng hộ giới luật sư vẫn “bất phân thắng bại” !?
Vậy, sau khi xem xét kỹ các ý kiến trái chiều, đối chiếu với các quy định của hệ thống pháp luật và thực tiễn các mối quan hệ xã hội, tôi nên một số ý kiến nhằm làm sáng tỏ vấn đề này như sau:
Theo khoản 3 điều 19 thì luật sư (người bào chữa) chỉ xảy ra nghĩa vụ với thân chủ khi thực hiện “nhiệm vụ bào chữa” cho thân chủ về tội phạm đang bị truy tố. Còn với hành vi tội phạm “đã thực hiện hoặc đã tham gia thực hiện mà người bào chữa biết được khi thực hiện nhiệm vụ bào chữa”, thì đó là hành vi phạm tội mới, chưa bị cơ quan tố tụng phát hiện, nằm ngoài tội phạm đang được bào chữa, cũng tức là nằm ngoài nghĩa vụ bào chữa theo hợp đồng (hoặc giấy chỉ định) đã ký với thân chủ. Hành vi phạm tội đang được bào chữa thì đã bị cơ quan tố tụng truy cứu rồi, không cần đến luật sư phải tố giác.
Khi hành vi phạm tội mới của thân chủ đã không phải trong mối quan hệ bào chữa, thì lẽ tất nhiên sẽ không được luật sư bào chữa, do đó luật sư không thực hiện được suy đoán vô tội (thực hiện bào chữa) với hành vi phạm tội mới đang nằm ngoài hợp đồng bào chữa đã ký. Lưu ý, suy đoán vô tội là để cân bằng với suy đoán có tội (tìm chứng cứ buộc tội) của cơ quan tố tụng, cho nên chỉ xảy ra trong hoạt động tố tụng, do đó với hành vi phạm tội chưa bị tố giác (chưa vào tố tụng) thì chưa được áp dụng các quy định trong tố tụng (trong đó có suy đoán vô tội, không buộc phải khai chống lại chính mình), và do chưa bị buộc tội thì cũng chưa được bào chữa.
Ở đây, với hành vi phạm tội mới nằm ngoài nội dung bào chữa này, thì ứng xử của luật sư với thân chủ chỉ là ứng xử của 2 công dân bình đẳng với nhau, chứ không phải là ứng xử của luật sư với thân chủ của mình trong nội dung bào chữa. Việc luật sư biết được hành vi phạm tội mới này khi thực hiện nhiệm vụ bào chữa với thân chủ, thì chỉ mang ý nghĩa là do tình cờ tiếp xúc mà thôi. Cho nên cũng không thể coi là luật sư đã lợi dụng tư cách bào chữa cho thân chủ để được thân chủ cho biết bí mật hành vi phạm tội khác nữa. Vì vậy luật sư không có nghĩa vụ phải giữ bí mật hành vi phạm tội mới của thân chủ.
Còn theo Luật Luật sư, thì tại điều 3. Chức năng xã hội của luật sư: “Hoạt động nghề nghiệp của luật sư góp phần bảo vệ công lý, các quyền tự do, dân chủ của công dân, quyền, lợi ích hợp pháp của cá nhân, cơ quan, tổ chức, phát triển kinh tế – xã hội, xây dựng Nhà nước pháp quyền Việt Nam xã hội chủ nghĩa, xã hội dân chủ, công bằng, văn minh.”
Thì “công lý” theo khái niệm ở bất cứ nơi đâu trên thế giới, cũng không thể là bao gồm việc che giấu cái tội lỗi, cái xấu xa, mà là ngược lại, công lý chỉ có thể là tương tự như chính nghĩa, bảo vệ cái tích cực, cái lương thiện. Cho nên, việc của luật sư đã là “góp phần bảo vệ công lý” thì trong bất kỳ trường hợp nào, cũng không thể là đồng lõa với tội lỗi. Còn “các quyền tự do dân chủ của công dân, quyền lợi ích hợp pháp của cá nhân ” đã nêu ở chương II của Hiến pháp, thì không có quyền nào là quyền được người khác che giấu, giữ bí mật hành vi phạm pháp của mình cả.
Tiếp đến, tại điều 5. Nguyên tắc hành nghề luật sư”
1. Tuân thủ Hiến pháp và pháp luật.
2. Tuân theo quy tắc đạo đức và ứng xử nghề nghiệp luật sư.
3. Độc lập, trung thực, tôn trọng sự thật khách quan.
4. Sử dụng các biện pháp hợp pháp để bảo vệ tốt nhất quyền, lợi ích hợp pháp của khách hàng.
5. Chịu trách nhiệm trước pháp luật về hoạt động nghề nghiệp luật sư”
Thì như vậy rõ ràng luật sư phải độc lập với thân chủ, không được giữ bí mật hành vi phạm tội mới và chỉ được bảo vệ thân chủ bằng các biện pháp hợp pháp, chứ không phải là biện pháp phạm pháp đã được quy định là 1 tội danh như tội không tố giác tội phạm. Với “lợi ích hợp pháp” của thân chủ thì đương nhiên bí mật phạm tội không được coi là lợi ích “hợp pháp”.
Tiếp theo, tại điều 9 trong “Các hành vi bị nghiêm cấm” của luật sư, có :”1. Nghiêm cấm luật sư thực hiện các hành vi sau đây: c) Tiết lộ thông tin về vụ, việc, về khách hàng mà mình biết được trong khi hành nghề, trừ trường hợp được khách hàng đồng ý bằng văn bản hoặc pháp luật có quy định khác;”.
Thì chú ý, ở đây có một quy định mở là “trừ trường hợp… pháp luật có quy định khác;”. Như vậy, luật sư không được tiết lộ thông tin khách hàng, nhưng trừ trường hợp pháp luật có quy định khác, chẳng hạn như là Bộ luật hình sự có quy định “tội không tố giác tội phạm”, thì lúc này luật sư phải tuân theo “quy định khác” này của pháp luật, mà không được giữ bí mật thông tin (phạm pháp) về khách hàng như theo điều 9 Luật Luật sư nữa. Điều này là hoàn toàn đúng đắn, bởi thực ra “thông tin về khách hàng” quy định trong luật đó có ý nghĩa là các thông tin bí mật đời tư hợp pháp mà thôi, chứ không phải bao gồm các thông tin phạm pháp.
Tiếp đến, tại điều 25 về “Bí mật thông tin” có thêm quy định “2. Luật sư không được sử dụng thông tin về vụ, việc, về khách hàng mà mình biết được trong khi hành nghề vào mục đích xâm phạm lợi ích của Nhà nước, lợi ích công cộng, quyền, lợi ích hợp pháp của cơ quan, tổ chức, cá nhân. 3.Tổ chức hành nghề luật sư có trách nhiệm bảo đảm các nhân viên trong tổ chức hành nghề không tiết lộ thông tin về vụ, việc, về khách hàng của mình”.
Thì cũng như trên, ở đây luật đã khẳng định rõ rằng thông tin được giữ bí mật là để bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của cơ quan, tổ chức, cá nhân. Thì rõ ràng, quyền, lợi ích hợp pháp không thể là được che giấu, giữ bí mật về hành vi tội phạm, và do đó thông tin được giữ bí mật tất nhiên không phải là thông tin phạm pháp.
Ngoài ra, theo Hiến pháp điều 30 khoản 1 “Mọi người có quyền khiếu nại, tố cáo với cơ quan, tổ chức, cá nhân có thẩm quyền về những việc làm trái pháp luật của cơ quan, tổ chức, cá nhân”. Và theo điều 5 Bộ luật Tố tụng hình sự và điều 4 Bộ luật Hình sự thì mọi người đều phải có trách nhiệm phòng chống tội phạm.
Như vậy, xét các căn cứ pháp luật thì rõ ràng là luật sư có quyền và nghĩa vụ tố giác thân chủ về hành vi phạm tội mới nằm ngoài tội đang được nhận bào chữa .
Thế nhưng khoản 3 Điều 19 của dự thảo Bộ luật Hình sự lại cho phép luật sư được miễn tố giác thân chủ với các tội từ rất nghiêm trọng trở xuống, chỉ phải tố giác các tội đặc biệt nghiêm trọng và tội xâm phạm an ninh quốc gia.
Quy định này xuất phát từ quy định tại khoản 2 Điều 19 của dự thảo về việc người thân thích (ông, bà, cha, mẹ, con, cháu, anh chị em ruột, vợ hoặc chồng) của người phạm tội được miễn tố giác các tội theo điều 389 trừ các tội xâm phạm an ninh quốc gia hoặc tội đặc biệt nghiêm trọng khác. Như vậy ở đây dự thảo miễn tố giác là xét ở mối quan hệ tình cảm của những người đó với người phạm tội.
Tuy nhiên khi đem “cân” mặt tình cảm giữa người thân thích (có sự nuôi dưỡng) của người phạm tội với luật sư (được thuê) thì rõ ràng là không bằng nhau. Người thân thích có tình cảm ruột thịt, gia đình rất lớn với người phạm tội, do đó nếu pháp luật bắt họ phải tố giác nhau thì được vế này lại làm hỏng vế kia, tuy đấu tranh chống tội phạm được nhưng lại làm phá vỡ tình cảm ruột thịt gia đình của họ. Cho nên trường hợp này pháp luật phải có sự điều chỉnh linh hoạt, ưu tiên bảo vệ nền tảng tình cảm gia đình hơn là bảo vệ trật tự an toàn xã hội, trừ trường hợp đặc biệt nghiêm trọng hoặc xâm phạm an ninh quốc gia, thì lúc đó tội phạm đã vào cái mức “trời không dung đất không tha” thì đến người thân thích cũng không thể thông cảm được.
Còn luật sư thì khác, là người được thuê để bào chữa theo giới hạn nghĩa vụ chỉ trong 1 hợp đồng dịch vụ, mà không có mối quan hệ ruột thịt, tình cảm gia đình với người phạm tội. Cho nên tình cảm của thân chủ với luật sư cũng chỉ giới hạn trong 1 vụ việc hợp đồng mà thôi, không thể so sánh với tình cảm suốt đời của thân chủ với những người trong gia đình được.
Như vậy khi luật sư không phải là người trong gia đình với người phạm tội, thì nếu không tố giác hành vi phạm tội (mới), lại sẽ là vì đồng lõa với tội phạm, chứ không phải là vì mối quan hệ tình cảm với người phạm tội.
Cho nên, vì luật sư là người góp phần bảo vệ công lý (bảo vệ cả người bị hại), nên đứng trước bí mật tội phạm mới mà mình phát hiện, luật sư phải ứng xử là 1 người chính nghĩa, ra tay can thiệp bảo vệ công bằng xã hội, bảo vệ cuộc sống bình yên cho mọi người, chứ không thể vì tình riêng mà quên nghĩa lớn như mối quan hệ tình cảm gia đình được.
Vì vậy, đứng trước bí mật hành vi tội phạm mới bị phát hiện của thân chủ, pháp luật nên quy định luật sư có trách nhiệm vận động thân chủ tự thú để được hưởng chế độ khoan hồng của pháp luật, nếu không luật sư sẽ phải tố giác. Đứng trước sự lựa chọn này, thân chủ sẽ buộc phải tự thú theo lời khuyên của luật sư để được nhẹ tội, mà không để luật sư tố giác mình để mình bị pháp luật trừng phạt nặng hơn. Như vậy việc làm của luật sư vừa thấu lý vừa đạt tình, trọn vẹn cả tình riêng với thân chủ và nghĩa lớn với xã hội.
Phạm Mạnh Hà