Bàn về thứ tự thanh toán trong thi hành án dân sự

Ngày đăng : 11:39, 02/06/2017

(Kiemsat.vn) - Trên thực tế, công tác thi hành án dân sự nói chung, nhất là thi hành bản án, quyết định liên quan đến tài sản bảo đảm là quyền sử dụng đất của người thứ ba để thu hồi nợ trong các vụ án tín dụng còn nhiều khó khăn, vướng mắc do bất cập của pháp luật về thi hành án dân sự.
thi-hanh-an-ds-622017
Ảnh có tính chất minh họa (nguồn internet)

Bản án, quyết định của Tòa án đã có hiệu lực pháp luật phải được thi hành nghiêm chỉnh và kịp thời. Đó là nguyên tắc đặt ra cho công tác thi hành án dân sự. Trong bài viết này, tác giả nêu một trường hợp cụ thể để phân tích về vấn đề này.

Trong vụ án tranh chấp hợp đồng tín dụng giữa nguyên đơn là Ngân hàng X, bị đơn là ông A, người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan là ông B và bà C (người có tài sản bảo đảm). Bản án của Tòa án (đã có hiệu lực pháp luật) quyết định: Buộc ông A phải thanh toán trả cho Ngân hàng cả gốc và lãi là 3.500.000.000 đồng và lãi phát sinh theo hợp đồng tín dụng đã ký kết cho đến khi trả xong nợ; trường hợp ông A không trả được nợ thì Ngân hàng được xử lý phát mại tài sản là quyền sử dụng đất diện tích 300m2 của ông B, bà C để thu hồi nợ. Về án phí, ông A phải chịu 102.000.000 đồng.

Thi hành án bản án nêu trên, cơ quan thi hành án dân sự ra hai quyết định: Một là, quyết định thi hành chủ động, buộc ông A phải thi hành tiền án phí với nhà nước là 102.000.0000 đồng; hai là, quyết định thi hành án theo yêu cầu, buộc ông A phải trả cho Ngân hàng số tiền 3.500.000.000 đồng. Như vậy, cả hai quyết định này đều xác định người phải thi hành án là ông A, còn ông B và bà C (người có tài sản bảo đảm) là người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan.

Trường hợp người phải thi hành án không có tài sản và không tự nguyện thi hành án, căn cứ bản án, quyết định đã có hiệu lực của Tòa án, cơ quan thi hành án xử lý phát mại tài sản của ông B, bà C (bên thứ ba) để thi hành án, khi đó thứ tự thanh toán được thực hiện như thế nào?

Theo quy định tại Khoản 3 Điều 47 Luật thi hành án dân sự năm 2008 (được sửa đổi, bổ sung năm 2014): “Trường hợp xử lý tài sản cầm cố, thế chấp mà bên nhận cầm cố, thế chấp là bên được thi hành án hoặc trường hợp bán tài sản mà bản án, quyết định tuyên kê biên để bảo đảm thi hành một nghĩa vụ cụ thể thì số tiền thu được từ việc bán tài sản cầm cố, thế chấp, bị kê biên được ưu tiên thanh toán cho bên nhận cầm cố, thế chấp hoặc bên có nghĩa vụ được bảo đảm sau khi trừ án phí của bản án, quyết định đó, chi phí cưỡng chế và khoản tiền quy định tại khoản 5 Điều 115 của Luật này.

Trường hợp xử lý tài sản cầm cố, thế chấp mà bên nhận cầm cố, thế chấp không phải là người được thi hành án thì người nhận cầm cố, thế chấp được ưu tiên thanh toán trước khi thanh toán các khoản theo quy định tại Điều này”.

 Như vậy, theo quy định trên, sau khi phát mại tài sản, cơ quan thi hành án sẽ thi hành khoản tiền án phí trước, số tiền còn lại mới thanh toán cho Ngân hàng. Điều này chỉ phù hợp nếu người có tài sản cầm cố, thế chấp đồng thời là người phải thi hành án; còn với trường hợp tài sản cầm cố, thế chấp là của người thứ ba như trong ví dụ nêu trên, thứ tự thanh toán quy định tại Khoản 3 Điều 47 Luật thi hành án dân sự có phù hợp với các quy định khác của luật thi hành án dân sự và nội dung quyết định của bản án cũng như quyết định thi hành án hay không?

Theo quy định tại Khoản 3 Điều 3 Luật thi hành án dân sự “Người phải thi hành án là cá nhân, cơ quan, tổ chức phải thực hiện nghĩa vụ trong bản án, quyết định được thi hành”. Do vậy, trường hợp cơ quan thi hành án thi hành theo thứ tự quy định tại Khoản 3 Điều 47 nêu trên là chưa phù hợp với quy định tại Khoản 3 Điều 3 Luật thi hành án dân sự vì người có tài sản bảo đảm chỉ là người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan trong vụ việc thi hành án, không phải là người phải thi hành án.

Mặt khác, theo quyết định của Tòa án trong bản án và quyết định thi hành án chủ động của cơ quan thi hành án, người phải thi hành khoản án phí này là ông A chứ không phải là ông B và bà C (người có tài sản bảo đảm).

Trong tình huống cụ thể này, cơ quan thi hành án dân sự đang rơi vào tình cảnh “tiến thoái lưỡng nan”, vì nếu không thực hiện đúng quy định tại Khoản 3 Điều 47 Luật thi hành án dân sự (tức là thi hành khoản án phí trước sau đó mới đến khoản tiền trả cho Ngân hàng) thì có thể bị cơ quan quản lý cấp trên hoặc các cơ quan giám sát “tuýt còi”; nhưng nếu thực hiện thì có thể xâm hại đến quyền lợi của Ngân hàng (nếu số tiền bán được từ tài sản bảo đảm không đủ để thi hành án với Ngân hàng); đặc biệt, thực hiện đúng thứ tự thanh toán quy định tại Khoản 3 Điều 47 Luật thi hành án dân sự sẽ xâm hại trực tiếp đến quyền lợi của bên thứ ba (bên có tài sản bảo đảm) vì theo quyết định của bản án đã có hiệu lực pháp luật và quyết định thi hành án, người phải thi hành khoản tiền án phí này là ông A, chứ không phải ông B và bà C.

Quan điểm của người viết cho rằng, để bảo đảm nguyên tắc pháp chế và quyền, lợi ích hợp pháp, chính đáng của các đương sự, không thể thanh toán tiền án phí từ khoản tiền bán phát mại tài sản của ông B và bà C vì các lý do như đã phân tích trên.

Trong thực tiễn có không ít trường hợp thi hành án có nội dung tương tự như ví dụ nêu trên, cơ quan thi hành án không biết phải xử lý như thế nào cho đúng quy định của pháp luật và bảo đảm được quyền lợi của các đương sự. Do vậy, để bảo đảm tính thống nhất của pháp luật và tạo thuận lợi cho công tác thi hành án dân sự, bảo đảm quyền, lợi ích hợp pháp của các bên trong vụ việc thi hành án, cần nghiên cứu sửa đổi quy định tại Khoản 3 Điều 47 Luật Thi hành án dân sự cho phù hợp với thực tiễn./.

       Trịnh Duy Tám

VKSND tỉnh Vĩnh Phúc