Góp ý về chế định miễn trách nhiệm hình sự trong BLHS năm 2015
Ngày đăng : 09:58, 25/05/2017
Ảnh minh họa ( Nguồn Internet)
Miễn trách nhiệm hình sự là một trong những chế định quan trọng trong Bộ luật Hình sự, thể hiện chính sách khoan hồng, nhân đạo của Đảng và Nhà nước ta đối với người phạm tội và hành vi do họ thực hiện, đồng thời qua đó nhằm động viên, khuyến khích người phạm tội lập công chuộc tội, chứng tỏ khả năng giáo dục, cải tạo nhanh chóng để hòa nhập với cộng đồng và giúp họ trở thành người có ích cho xã hội.
Dự thảo BLHS năm 2015 vẫn giữ nguyên quy định về căn cứ miễn trách nhiệm hình sự. Cụ thể, theo Điều 29 BLHS năm 2015:
1. Người phạm tội được miễn trách nhiệm hình sự khi có một trong những căn cứ sau đây:
a) Khi tiến hành điều tra, truy tố hoặc xét xử, do có sự thay đổi chính sách, pháp luật làm cho hành vi phạm tội không còn nguy hiểm cho xã hội nữa;
b) Khi có quyết định đại xá.
2. Người phạm tội có thể được miễn trách nhiệm hình sự khi có một trong các căn cứ sau đây:
a) Khi tiến hành điều tra, truy tố, xét xử do chuyển biến của tình hình mà người phạm tội không còn nguy hiểm cho xã hội nữa;
b) Khi tiến hành điều tra, truy tố, xét xử, người phạm tội mắc bệnh hiểm nghèo dẫn đến không còn khả năng gây nguy hiểm cho xã hội nữa;
c) Người phạm tội tự thú, khai rõ sự việc, góp phần có hiệu quả vào việc phát hiện và điều tra tội phạm, cố gắng hạn chế đến mức thấp nhất hậu quả của tội phạm và lập công lớn hoặc có cống hiến đặc biệt, được Nhà nước và xã hội thừa nhận;
3. Người thực hiện tội phạm ít nghiêm trọng hoặc tội phạm nghiêm trọng do vô ý gây thiệt hại về tính mạng, sức khỏe, danh dự, nhân phẩm hoặc tài sản của người khác và được người bị hại hoặc người đại diện của người bị hại tự nguyện hòa giải và đề nghị miễn trách nhiệm hình sự, thì có thể được miễn trách nhiệm hình sự.
Mặc dù chế định miễn trách nhiệm hình sự được quy định chính thức trong Bộ luật hình sự năm 1985 và đã qua nhiều lần sữa đổi, bổ sung nhưng chế định miễn trách nhiệm hình sự quy định tại Điều 29 BLHS năm 2015 vẫn còn chung chung, không cụ thể và trên thực tế chưa có hướng dẫn, giải thích nên việc hiểu và áp dụng không thống nhất, dễ bị lạm dụng.
Qua thực tiễn áp dụng pháp luật tác giả nhận thấy điểm a khoản 1 Điều 29 BLHS năm 2015 quy định căn cứ để miễn trách nhiệm hình sự cho một người phạm tội là khi có sự thay đổi của pháp luật . Việc chính sách, pháp luật có sự thay đổi không phải là do chuyển biến của tình hình, cho nên không thể áp dụng điểm a khoản 1 Điều 29 BLHS năm 2015 để miễn trách nhiệm hình sự cho người phạm tội. Trong trường hợp này, các cơ quan tiến hành tố tụng phải căn cứ vào Nghị quyết của Quốc hội, Nghị định của Chính phủ, thông tư liên tịch của các bộ, ngành có quy định về miễn trách nhiệm hình sự cho người phạm tội;
Đối với trường hợp miễn trách nhiệm hình sự do chuyển biến của tình hình mà người phạm tội không còn nguy hiểm cho xã hội nữa theo điểm a khoản 2 Điều 29 BLHS năm 2015 thì trước hết phải xác định người đó phạm tội gì, quy định tại điều khoản nào của BLHS, chứ không thể xác định một cách chung chung như “người phạm tội không còn nguy hiểm cho xã hội” hoặc “hành vi không cần thiết xử lý hình sự, chỉ cần xử lý hành chính là đủ”. Như vậy, khi “miễn trách nhiệm hình sự” cho một người phải nêu rõ lý do như do chuyển biển của tình hình thì sự chuyển biến đó thuộc lĩnh vực nào ví dụ như: chính trị, kinh tế, văn hóa, khoa học – kỹ thuật hay lĩnh vực khác… Nếu người phạm tội không còn nguy hiểm cho xã hội nữa thì trong quyết định miễn trách nhiệm hình sự phải ghi đầy đủ tội danh, điều luật mà người được miễn trách nhiệm hình sự thực hiện; nội dung của sự chuyển biến tình hình, lý do mà người phạm tội không còn nguy hiểm cho xã hội nữa.
Ngoài ra theo quy định tại khoản 3 Điều 29 BLHS năm 2015 còn quy định “Người thực hiện tội phạm ít nghiêm trọng hoặc tội phạm nghiêm trọng do vô ý gây thiệt hại về tính mạng, sức khỏe, danh dự, nhân phẩm hoặc tài sản của người khác và được người bị hại hoặc người đại diện của người bị hại tự nguyện hòa giải và đề nghị miễn trách nhiệm hình sự, thì có thể được miễn trách nhiệm hình sự”. Điều luật dùng từ “có thể” mang tính chất tùy nghi. Việc quyết định hoàn toàn phụ thuộc vào ý chí của các cơ quan tiến hành tố tụng như “miễn cũng được không miễn cũng được” cho nên trong trường hợp này, người phạm tội có đủ điều kiện do pháp luật quy định nhưng chưa hẳn đã được miễn trách nhiệm hình sự. Ví dụ như Tội “vi phạm quy định về điều khiển phương tiện giao thông đường bộ”, hậu quả làm chết 1 người thuộc trường hợp tội phạm nghiêm trọng do vô ý. Tuy nhiên, có nơi thì miễn trách nhiệm hình sự, có nơi thì không miễn trách nhiệm hình sự. Như vậy, không đảm bảo cho sự công bằng và nguyên tắc có lợi cho người phạm tội;
Để khắc phục các hạn chế nêu trên, theo ý kiến của tác giả đề xuất sửa đổi bổ sung Điều 29 BLHS năm 2015 như sau:
1. Người phạm tội được miễn trách nhiệm hình sự khi có một trong những căn cứ sau đây:
a) Khi tiến hành điều tra, truy tố hoặc xét xử, do có sự thay đổi chính sách, pháp luật làm cho hành vi phạm tội không còn quy định là tội phạm;
b) Khi có quyết định đại xá.
2. Người phạm tội có thể được miễn trách nhiệm hình sự khi có một trong các căn cứ sau đây:
a) Khi tiến hành điều tra, truy tố, xét xử do chuyển biến của tình hình chính trị, văn hóa, khoa học – kỹ thuật hoặc các lĩnh vực khác mà người phạm tội không còn nguy hiểm cho xã hội nữa;
b) Khi tiến hành điều tra, truy tố, xét xử, người phạm tội mắc bệnh hiểm nghèo dẫn đến không còn khả năng gây nguy hiểm cho xã hội nữa;
c) Người phạm tội tự thú, khai rõ sự việc, góp phần có hiệu quả vào việc phát hiện và điều tra tội phạm, cố gắng hạn chế đến mức thấp nhất hậu quả của tội phạm và lập công lớn hoặc có cống hiến đặc biệt, được Nhà nước và xã hội thừa nhận.
3. Người thực hiện tội phạm ít nghiêm trọng hoặc tội phạm nghiêm trọng do vô ý gây thiệt hại về tính mạng, sức khỏe, danh dự, nhân phẩm hoặc tài sản của người khác và được người bị hại hoặc người đại diện của người bị hại tự nguyện hòa giải và đề nghị miễn trách nhiệm hình sự, thì được miễn trách nhiệm hình sự.
Lê Văn Quang
Phó Viện trưởng VKSND huyện Lộc Ninh, tỉnh Bình Phước