Bất cập trong tạm đình chỉ giải quyết vụ án dân sự
Ngày đăng : 02:54, 08/05/2017
Ảnh mang tính minh họa (nguồn internet)
Tạm đình chỉ giải quyết vụ án dân sự là việc Tòa án quyết định tạm ngưng việc giải quyết vụ án dân sự đã thụ lý trong một thời hạn khi có những căn cứ do pháp luật quy định. Khi lý do của việc tạm đình chỉ không còn Tòa án lại tiếp tục giải quyết vụ án dân sự đó.
Quá trình triển khai thi hành BLTTDS năm 2015 thời gian qua, nhìn chung khá thuận lợi. Tuy nhiên, trên thực tế khi áp dụng một số điều luật của Bộ luật này có sự dẫn chiếu đến nội dung của điều luật khác có liên quan do chưa có quy định rõ ràng nên sẽ phát sinh bất cập, từ đó, việc hiểu và áp dụng không thống nhất, ảnh hưởng đến quyền và lợi ích hợp pháp của đương sự, cụ thể sau:
Tại điểm đ, khoản 1, Điều 214 BLTTDS năm 2015 quy định về các trường hợp tạm đình chỉ vụ án dân sự: “Tòa án ra quyết định tạm đình chỉ giải quyết vụ án dân sự khi có một trong các căn cứ sau đây: đ) Cần đợi kết quả thực hiện ủy thác tư pháp, ủy thác thu thập chứng cứ hoặc đợi cơ quan, tổ chức cung cấp tài liệu, chứng cứ theo yêu cầu của Tòa án mới giải quyết được vụ án;”
So với quy định tại khoản 5 Điều 189 BLTTDS năm 2004 (sửa đổi, bổ sung năm 2011) trước đây, thì hiện nay tòa án ra quyết định tạm đình chỉ giải quyết vụ án, khi cần đợi kết quả thực hiện ủy thác tư pháp hoặc đợi cơ quan, tổ chức cung cấp tài liệu, chứng cứ theo yêu cầu của Tòa án mới giải quyết được vụ án, mà không phải phụ thuộc vào điều kiện thời hạn giải quyết vụ án đã hết.
Ảnh mang tính minh họa (nguồn internet)
Nghĩa là, nếu trong quá trình chuẩn bị xét xử Tòa án ra quyết định ủy thác hoặc yêu cầu cá nhân, cơ quan, tổ chức cung cung cấp tài liệu, chứng cứ để giải quyết vụ án theo quy định tại các điều 93, 94 BLTTDS năm 2004 (sửa đổi, bổ sung năm 2011), thời hạn tiến hành thực hiện ủy thác thu thập chứng cứ là 30 ngày kể từ ngày nhận được quyết định ủy thác; 15 ngày đối với cá nhân, cơ quan, tổ chức khi nhận được yêu cầu của Tòa án hoặc Viện kiểm sát, nhưng đến khi hết thời hạn chuẩn bị xét xử theo quy định tại Điều 179 BLTTDS năm 2004 (sửa đổi, bổ sung 2011) mà Tòa án vẫn chưa nhận được kết quả ủy thác hoặc tài liệu chứng cứ theo yêu cầu thì Tòa án sẽ ra quyết định tạm đình chỉ giải quyết vụ án để chờ kết quả, khi nào có kết quả Tòa án sẽ ra thông báo tiếp tục giải quyết vụ án.
Còn tại điểm đ khoản 1 Điều 214 BLTTDS năm 2015 quy định: Cần đợi kết quả thực hiện ủy thác tư pháp, ủy thác thu thập chứng cứ hoặc đợi cơ quan, tổ chức cung cấp tài liệu, chứng cứ theo yêu cầu của Tòa án mới giải quyết được vụ án.
Điều này cho phép, nếu trong quá trình chuẩn bị xét xử, Tòa án ra quyết định ủy thác tư pháp, ủy thác thu thập chứng cứ hoặc đợi cơ quan, tổ chức cung cấp tài liệu, chứng cứ để giải quyết vụ án theo quy định tại Điều 105, Điều 106 BLTTDS năm 2015, thì không cần phải chờ hết thời hạn chuẩn bị xét xử theo quy định tại Điều 203 BLTTDS năm 2015 Tòa án có thể ra quyết định tạm đình chỉ giải quyết vụ án ngay.
Việc áp dụng Điều 214 BLTTDS năm 2015 sẽ cho thấy một bất cập phát sinh, đó là, dễ dẫn đến tình trạng lạm dụng quy định tại Điều 214 BLTTDS năm 2015 để Tòa án ban hành quyết định tạm đình chỉ vụ án. Chủ yếu các quyết định tạm đình chỉ đều có lý do chờ kết quả ủy thác tư pháp, ủy thác thu thập chứng cứ hoặc đợi cơ quan, tổ chức cung cấp tài liệu, chứng cứ.
Do vụ án được tạm đình chỉ, khi có căn cứ phục hồi, Tòa án ra thông báo tiếp tục đưa vụ án ra giải quyết và thời hạn chuẩn bị xét xử theo quy định tại Điều 203 BLTTDS năm 2015.
Như vậy, nhiều vụ án sẽ bị kéo dài thời gian giải quyết một cách không cần thiết, gây ảnh hưởng đến quyền và lợi ích của đương sự.
Anh Minh