Tìm hiểu Luật bồi thường nhà nước của Vương quốc Anh
Ngày đăng : 05:16, 26/04/2017
Ảnh mang tính minh họa (nguồn internet)
I. Khái quát chung về Luật BTNN của Vương quốc Anh Vương quốc
Anh là một trong những quốc gia ban hành Luật BTNN sớm nhất. Ngày 31/07/1947, Vương quốc Anh đã ban hành Luật về Khởi kiện Hoàng gia. Luật có 6 phần (Phần 1: Những quy định chung, Phần 2: Thẩm quyền và thủ tục, Phần 3: Phán quyết và thi hành, Phần 4: Các quy định khác và quy định bổ sung, Phần 5: Áp dụng đối với Scotland và Phần 6: Phạm vi, hiệu lực và viết tắt) và 54 Điều. Luật BTNN của Vương quốc Anh không chỉ quy định quyền yêu cầu bồi thường các tổ chức, cá nhân bị Nhà nước thiệt hại mà còn quy định cả quyền yêu cầu bồi thường của Nhà nước đối với các tổ chức, cá nhân gây thiệt hại cho Nhà nước. Luật BTNN của Vương quốc Anh chủ yếu quy định TNBTCNN đối với thiệt hại gây ra bởi hành vi thi hành công vụ của người thi hành công vụ, nhưng đồng thời, cũng quy định cả trách nhiệm bồi thường thiệt hại của Nhà nước phát sinh từ hợp đồng. Đặc biệt, để bảo đảm phù hợp với từng khu vực trong phạm vi lãnh thổ của mình, Luật BTNN của Vương quốc Anh có nhiều quy định riêng để áp dụng cho Scotland và một số quy định riêng để áp dụng cho xứ Wales và Bắc Ailen.
II. Những nội dung chính của Luật BTNN của Vương quốc Anh
1. Về người thi hành công vụ
Luật BTNN của Vương quốc Anh không có quy định cụ thể về người thi hành công vụ mà chỉ có quy định về hai đối tượng là công chức và nhân viên của Nhà nước. Trong đó, “công chức” được hiểu bao gồm cả người làm việc độc lập theo chế độ hợp đồng mà Nhà nước tuyển dụng. Còn “nhân viên” thì bao gồm bất kỳ công chức nào của Nhà nước, trong đó bao gồm cả quan chức cấp Bộ trưởng và thành viên của chính quyền điều hành Scotland.
2. Phạm vi trách nhiệm bồi thường của Nhà nước
2.1. Luật BTNN của Vương quốc Anh quy định phạm vi trách nhiệm bồi thường của Nhà nước bao gồm các trường hợp sau đây:
(1) Có vi phạm do công chức hoặc cơ quan của Nhà nước;
(2) Có sự vi phạm nghĩa vụ cẩn trọng mà nghĩa vụ đó do một người giao cho công chức hoặc nhân viên của mình trên cơ sở quy tắc của thông luật với tư cách là người sử dụng lao động;
(3) Có sự vi phạm nghĩa vụ cẩn trọng liên quan đến quyền sở hữu, nắm giữ, chiếm hữu hoặc kiểm soát tài sản;
(4) Trách nhiệm bồi thường do vi phạm nghĩa vụ luật định;
(5) Trách nhiệm bồi thường do có sự vi phạm trong quá trình thực hiện một nhiệm vụ được giao theo quy tắc của thông luật hoặc được giao tại một đạo luật;
(6) Vi phạm quyền sở hữu trí tuệ mà việc vi phạm đó có sự cho phép của Nhà nước.
(7) Thiệt hại do tài sản của Nhà nước gây ra trong trường hợp Nhà nước hoặc bất kỳ người nào nhân danh Nhà nước đã thực hiện việc chiếm hữu thực tế hoặc quản lý bất kỳ tài sản nào như trên hoặc thực tế đã nắm giữ tài sản.
2.2. Một số trường hợp loại trừ trách nhiệm bồi thường của Nhà nước
Luật BTNN của Vương quốc Anh quy định một số trường hợp sau đây thuộc diện loại trừ trách nhiệm bồi thường của Nhà nước:
(1) Hoạt động tố tụng tư pháp;
2) Các hoạt động do Nhà vua hoặc Nữ hoàng thực hiện nhân danh chính Nhà vua hoặc Nữ hoàng;
(3) Hoạt động cứu hộ quân sự;
(4) Hoạt động được thực hiện ngoài phạm vi chức trách của Vương quốc Anh hoặc chính quyền điều hành Scotland;
(4) Đối với bất kỳ tài sản nào giao cho Nhà nước trên cơ sở bất kỳ quy định nào của pháp luật mà việc vận hành tài sản đó là độc lập với các hành vi hoặc ý định của Nhà nước, thì Nhà nước sẽ không phải chịu bất kỳ trách nhiệm nào đối với tài sản đó.
(5) Luật này không thiết lập giới hạn quyền của Tòa án trong việc ban hành lệnh đáp ứng các yêu cầu bằng các chỉ thị xuống Tòa án cấp dưới trong các vụ việc mà trong đó các yêu cầu đã có thể được đáp ứng trước thời điểm Luật này có hiệu lực, tuy nhiên trừ các trường hợp theo quy định của Luật này mà một số yêu cầu vẫn được bảo đảm.
2.3. Một số quy định riêng liên quan đến trách nhiệm của Nhà nước
Luật BTNN của Vương quốc Anh có một số quy định riêng về trách nhiệm của Nhà nước, cụ thể là:
(1) Nếu có một đạo luật mà đạo luật đó phủ nhận hoặc giới hạn mức độ trách nhiệm của bất kỳ cơ quan nào của Chính phủ, chính quyền điều hành Scotland hoặc nhân viên của Nhà nước liên quan đến bất kỳ sự vi phạm nào của cơ quan, chính quyền hoặc nhân viên đó thì đạo luật đó sẽ được áp dụng trong quá trình xem xét trách nhiệm bồi thường của Nhà nước.
(2) Những hành vi mà Nhà nước thực hiện trong khuôn khổ đặc quyền hoặc theo quy định của bất kỳ đạo luật nào, kể cả trong thời gian hòa bình hay thời gian có chiến tranh, nhằm mục đích bảo vệ đất nước hoặc huấn luyện, hoặc duy trì sự hiệu quả của, bất kỳ lực lượng nào của các lực lượng vũ trang.
Việc xem xét một hành vi thuộc diện đặc quyền của Nhà nước hoặc theo quy định của các đạo luật sẽ do Bộ trưởng Bộ ngoại giao thực hiện. Cụ thể là, để xác nhận một hành vi hoặc một sự sơ suất là bởi lý do nhằm mục đích bảo vệ đất nước hoặc huấn luyện, hoặc duy trì sự hiệu quả của, bất kỳ lực lượng nào của các lực lượng vũ trang thì Bộ trưởng Bộ ngoại giao sẽ ban hành một chứng nhận. Và chứng nhận này có giá trị cuối cùng.
(3) Nhà nước không phải chịu trách nhiệm lớn hơn trách nhiệm thông thường, nếu Nhà nước là một chủ thể thông thường, đối với các hành vi hoặc sự sơ suất của bất kỳ nhân viên hợp đồng độc lập nào do Nhà nước tuyển dụng.
(4) Nhà nước không phải chịu trách nhiệm lớn hơn trách nhiệm của Chính quyền địa phương, nếu Nhà nước là cơ quan quản lý đường cao tốc.
2.4. Trách nhiệm của Nhà nước đối với trường hợp thiệt hại do lực lượng vũ trang gây ra
Luật BTNN của Vương quốc Anh có những quy định riêng để áp dụng đối với trách nhiệm bồi thường của Nhà nước trong trường hợp thiệt hại do lực lượng vũ trang gây ra, cụ thể là:
(1) Một người bị chết hoặc bị thương mà người đó là thành viên của lực lượng vũ trang thì Nhà nước sẽ phải chịu trách nhiệm nếu có đủ các điều kiện sau đây:
Thứ nhất, vào thời điểm xảy ra cái chết hay bị thường thì người đã chết hoặc bị thương đang trong quá trình thực hiện nhiệm vụ với tư cách là thành viên của các lực lượng vũ trang, hoặc, nếu người đó không đang trong quá trình thực hiện nhiệm vụ như trên, thì người đó đang ở trên bất kỳ vùng đất, tòa nhà, tàu biển, tàu bay hoặc phương tiện nào trong thời gian mà các vật nêu trên được sử dụng cho các mục đích của các lực lượng vũ trang;
Thứ hai, Bộ trưởng Bộ Ngoại giao chứng nhận rằng, việc người đó bị chết hoặc bị thương đã thuộc diện được hoặc sẽ được xem xét để trao một phần thưởng liên quan đến việc bị thương tật hay bị chết.
Tuy nhiên, nếu Tòa án có thẩm quyền chắc chắn rằng hành vi hoặc sự sơ suất đã gây ra thiệt hại là cái chết hoặc bị thương không liên quan đến việc thực hiện nhiệm vụ của một người với tư cách là thành viên của các lực lượng vũ trang nêu trên thì người đã gây ra thiệt hại sẽ không được miễn trừ trách nhiệm.
(2) Một người bị chết hoặc bị thương mà người đó là thành viên của lực lượng vũ trang thì Nhà nước sẽ phải chịu trách nhiệm nếu có đủ các điều kiện sau đây:
Thứ nhất, cái chết hay tổn thương mà người đó phải gánh chịu là kết quả của tính chất hay điều kiện của bất kỳ vùng đất, tòa nhà, tàu biển, tàu bay hay phương tiện nào kể trên, hoặc là kết quả của tính chất hay điều kiện của bất kỳ phương tiện hay trang thiết bị nào được sử dụng phục vụ cho mục đích của các lực lượng vũ trang;
Thứ hai, Bộ trưởng Bộ Ngoại giao chứng nhận rằng, việc người đó bị chết hoặc bị thương đã thuộc diện được hoặc sẽ được xem xét để trao một phần thưởng liên quan đến việc bị thương tật hay bị chết.
Đối với hai trường hợp nêu trên, khi ban hành chứng nhân, Bộ trưởng Bộ Ngoại giao sẽ chứng nhận như sau: (1) Một người đã thuộc hoặc đã không thuộc bất kỳ trường hợp đặc biệt nào khi thực hiện nhiệm vụ với tư cách là thành viên của các lực lượng vũ trang và (2) Vào bất kỳ thời gian đặc biệt nào, bất kỳ vùng đất, tòa nhà, tàu biển, tàu bay, phương tiện cơ giới, phương tiện, trang thiết bị nào đã được hoặc đã không được sử dụng cho mục đích của các lực lượng vũ trang. Chứng nhận của Bộ trưởng Bộ Ngoại giao sẽ là chứng nhận có giá trị cuối cùng.
2.5. Loại trừ các thủ tục được tiến hành chống lại Nhà nước
Luật BTNN của Vương quốc Anh quy định, trong quá trình tiến hành vụ kiện chống lại Nhà nước thì không được tiến hành việc bắt, cầm giữ hoặc bán bất kỳ tàu biển hoặc tàu bay nào của Nhà nước, hoặc bất kỳ hàng hóa hoặc tài sản khác nào thuộc về Nhà nước, hoặc cho phép bất kỳ người nào khác nắm giữ bất kỳ tàu biển, tàu bay, hàng hóa hoặc tài sản nào của Nhà nước.
3. Thẩm quyền và thủ tục giải quyết bồi thường
Luật BTNN của Vương quốc Anh quy định, mọi vụ kiện dân sự tiến hành chống lại Nhà nước sẽ do Tòa án cấp cao hoặc Tòa án cấp sơ thẩm giải quyết.
Luật quy định, có thể chuyển vụ kiện từ Tòa án cấp sơ thẩm lên Tòa án cấp cao, hoặc chuyển vụ kiện từ Tòa án cấp cao xuống Tòa án cấp sơ thẩm nếu có đủ điều kiện. Riêng đối với việc chuyển vụ kiện từ Tòa án cấp cao xuống Tòa án cấp sơ thẩm sẽ chỉ được thực hiện với sự chấp thuận của Nhà nước.
Trình tự, thủ tục giải quyết sẽ được thực hiện theo quy tắc Tòa án và không có ngoại lệ. Trong quá trình khởi kiện, tất cả các văn bản được yêu cầu phải cung cấp cho Nhà nước, cụ thể là, phải được cung cấp cho luật sư của cơ quan được Chính phủ ủy quyền hoặc cung cấp cho Tổng chưởng lý. Đặc biệt, việc giải quyết tại Tòa án có thể được áp dụng thủ tục rút gọn đối với một số trường hợp, bao gồm: (1) để cung cấp thông tin được yêu cầu bởi bất kỳ người nào theo quy định của các đạo luật có liên quan đến thuế di chuyển vốn; (2) cung cấp tài khoản và chi trả thuế di chuyển vốn theo quy định của Luật Di chuyển vốn 1984; (3) cung cấp tài khoản theo quy định tại Điều 2 Luật Quản lý tem công chứng 1891, hoặc theo quy định tại Điều luật nêu trên mà đã được sửa đổi hoặc đã được áp dụng bởi bất kỳ đạo luật nào sau đó; (4) việc chi trả khoản tiền đã bị ngăn cản không phù hợp theo cách hiểu tại Điều 2 Luật quản lý tem công chứng 1891; (5) đối với việc chi trả cho các nhiệm vụ theo quy định tại các đạo luật có liên quan đến thực thi nhiệm vụ; (6) cung cấp bất kỳ tài khoản nào được yêu cầu, hoặc cung cấp bất kỳ thông tin nào được yêu cầu, trên cơ sở các quy định liên quan đến việc thực thi nhiệm vụ hoặc các quy định liên quan đến nhiệm vụ đó; (7) đối với việc chi trả tiền thuế theo quy định của các đạo luật có liên quan đến thuế giá trị gia tăng; (8) cung cấp bất kỳ tài khoản nào, sổ sách nào, hoặc cung cấp bất kỳ thông tin nào được yêu cầu theo các quy định về thuế giá trị gia tăng.
Việc kháng cáo và hoãn thi hành bản án trong các vụ kiện dân sự chống lại Nhà nước được thực hiện theo thủ tục tương tự như trong các vụ kiện giữa các đương sự thông thường.
4. Cơ quan bồi thường nhà nước
Luật BTNN của Vương quốc Anh quy định cơ quan bồi thường nhà nước là một cơ quan được Chính phủ ủy quyền hoặc Tổng chưởng lý. Đặc biệt, Luật có quy định khá cụ thể về cơ quan này như sau:
Thứ nhất, để ủy quyền cho một cơ quan của Chính phủ, thì Bộ trưởng ngành dân chính hay Bộ trưởng khối các cơ quan dân sự sẽ công bố một danh sách xác định các cơ quan của Chính phủ được ủy quyền và tên và địa chỉ của người là luật sư của các cơ quan đó. Danh sách này có thể được sửa đổi tùy theo yêu cầu vào bất kỳ thời điểm nào.
Thứ hai, các vụ kiện dân sự được tiến hành để chống lại Nhà nước sẽ được tiến hành để chống lại một cơ quan được Chính phủ ủy quyền trong danh sách nêu trên hoặc để chống lại cơ quan Tổng chưởng lý.
5. Thiệt hại được bồi thường
Luật BTNN của Vương quốc Anh quy định khá mờ nhạt về thiệt hại được bồi thường. Trong đó, chỉ quy định cụ thể về thiệt hại là tiền lãi liên quan đến một khoản tiền hay chi phí phải chi trả theo lệnh của Tòa án.
6. Chi trả tiền bồi thường
Luật BTNN của Vương quốc Anh quy định, theo đó, nếu Nhà nước có nghĩa vụ phải trả một khoản tiền cho một người (sau đây tạm gọi là A), mà A lại là người có trách nhiệm chi trả một khoản tiền cho một người khác (sau đây tạm gọi là B), thì Tòa án cấp cao có thể ban hành một lệnh về việc ngăn cản A được nhận tiền từ Nhà nước và quyết định việc chi trả khoản tiền đó cho B.
Ngoại lệ của quy định nêu trên bao gồm các trường hợp: (1) khoản tiền lương phải trả cho bất kỳ nhân viên nào của Nhà nước; (2) khoản tiền nào mà theo các quy định tại bất kỳ đạo luật nào cấm hoặc hạn chế chuyển nhượng; (3) khoản tiền mà Nhà nước có nghĩa vụ chi trả cho bất kỳ ai vào tài khoản tiền gửi ở Ngân hàng tiết kiệm quốc gia.
7. Nghĩa vụ cung cấp các văn bản của Nhà nước
Luật BTNN của Vương quốc Anh quy định, trong các vụ kiện chống lại Nhà nước thì Nhà nước có trách nhiệm cung cấp các văn bản và trả lời các câu hỏi thẩm vấn của Tòa án để phục vụ cho việc điều tra. Tuy nhiên, Nhà nước có quyền đưa ra đề nghị không tiết lộ văn bản hoặc từ chối trả lời câu hỏi thẩm vấn nếu việc đưa ra văn bản đó hoặc trả lời những câu hỏi đó sẽ gây tổn hại đến lợi ích công cộng.
Trong trường hợp yêu cầu nêu trên của Nhà nước được đưa ra thì theo đề nghị của một Bộ trưởng, các cơ quan có liên quan phải bảo đảm về tình trạng một văn bản không bị để lộ nếu việc để lộ văn bản đó gây ra sự tổn hại cho lợi ích công cộng.
8. Một số quy định áp dụng riêng đối với Scotland
Luật BTNN của Vương quốc Anh dành riêng một phần để quy định việc áp dụng Luật đối với Scotland, cụ thể như sau:
Thứ nhất, loại trừ một số quy định sẽ không áp dụng đối với Scotland, bao gồm: Điều về quyền khởi kiện Nhà nước (Điều 1), Phần II (trừ Điều 13 – về các vụ kiện dân sự tại Tòa án cấp cao), Phần III (trừ Điều 26 – về thi hành bởi Nhà nước) và Điều 28 về việc đưa ra các văn bản;
Thứ hai, có một Điều riêng về giải thích thuật ngữ;
Thứ ba, quy định riêng về các vụ kiện chống lại Nhà nước tại Tòa án địa phương Scotland, về yêu cầu đối với các lệnh chống lại Nhà nước tại Scotland, các quy định về bắt giữ, đòi lại các văn bản do Nhà nước nắm giữ;
Thứ tư, một loạt các Điều khoản được sửa đổi cho phù hợp với việc áp dụng tại Scotland, bao gồm: khoản 2 Điều 26, khoản 2 Điều 35, khoản 4 Điều 38.
9. Quy định riêng về việc áp dụng Luật BTNN đối với Bắc Ailen
Tương tự như các quy định riêng áp dụng cho Scotland, Luật BTNN của Vương quốc Anh cũng dành 1 Điều về áp dụng Luật này đối với Bắc Ailen, cụ thể là:
Thứ nhất, Nhà vua có thể ban hành Lệnh quyết định việc áp dụng Luật này đối với Bắc Ailen trong đó có thể bao gồm các điều khoản bổ sung, ngoại lệ và sửa đổi phù hợp;
Thứ hai, Lệnh mà Nhà vua ban hành có thể sửa đổi các quy định liên quan đến việc áp dụng Luật này tại Vương quốc Anh và tại Bắc Ailen;
Thứ ba, Lệnh mà Nhà vua ban hành theo quy định tại Điều này có thể sửa đổi các quy định sau đây: (1) Quyền khởi kiện của Nhà nước tại một Tòa án cấp sơ thẩm tại Bắc Ailen; (2) Việc quyết định một khoản chi phí do Nhà nước phải chi trả hoặc được chi trả cho Nhà nước tại Bắc Ailen;
Thứ tư, Lệnh mà Nhà vua ban hành có thể bị sửa đổi bởi một Lệnh khác cũng do Nhà vua ban hành;
Điều kiện để một Lệnh do Nhà vua ban hành được áp dụng đối với Bắc Ailen là, Lệnh đó phải được trình trước Nghị viện ngay sau khi được ban hành, và, nếu cả hai viện của Nghị viện, trong vòng 28 ngày kể từ ngày mà Lệnh đó được trình, quyết định rằng Lệnh đó bị hủy bỏ, thì Lệnh đó sẽ bị hủy bỏ ngoại trừ các vấn đề trước đó đã thực hiện hoặc đã không được thực hiện, để ban hành một Lệnh mới.
Lê Thái Phương
Nguồn: Cục Bồi thường nhà nước