Những trường hợp tiến hành đối thoại trong thủ tục hành chính
Ngày đăng : 08:51, 03/04/2017
Những trường hợp tiến hành đối thoại
Theo Điều 20 Luật TTHC năm 2015 về đối thoại trong tố tụng hành chính quy định “Tòa án có trách nhiệm tiến hành đối thoại và tạo điều kiện thuận lợi để các đương sự đối thoại với nhau về việc giải quyết vụ án theo quy định của Luật này”. Tuy nhiên, không phải trong trường hợp nào Tòa án cũng có trách nhiệm tiến hành đối thoại, bởi lẽ có những vụ án hành chính không tiến hành đối thoại khi giải quyết. Khoản 1 Điều 134 Luật TTHC năm 2015 về nguyên tắc đối thoại có quy định “trong thời hạn chuẩn bị xét xử sơ thẩm, Tòa án tiến hành đối thoại để các đương sự thống nhất với nhau về việc giải quyết vụ án, trừ những vụ án không tiến hành đối thoại được, vụ án khiếu kiện về danh sách cử tri, vụ án xét xử theo thủ tục rút gọn được quy định tại các điều 135, 198 và 246 của Luật này”.
Đối với những vụ án không tiến hành đối thoại được, có quy định tại Điều 135 Luật TTHC năm 2015 bao gồm 3 trường hợp sau: Người khởi kiện, người bị kiện, người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan đã được Tòa án triệu tập hợp lệ lần thứ hai mà vẫn cố tình vắng mặt; đương sự không thể tham gia đối thoại được vì có lý do chính đáng; các bên đương sự thống nhất đề nghị không tiến hành đối thoại. Đối với hai trường hợp người khởi kiện, người bị kiện, người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan đã được Tòa án triệu tập hợp lệ lần thứ hai mà vẫn cố tình vắng mặt và đương sự không thể tham gia đối thoại được vì có lý do chính đáng được Luật TTHC năm 2015 quy định thuộc trường hợp vụ án không tiến hành đối thoại được là điều hợp lí. Bởi lẽ, bản chất của thủ tục đối thoại là giữa các đương sự phải gặp gỡ nhau cùng trực tiếp thảo luận các vấn đề phát sinh trong tranh chấp hành chính, do vậy, nếu một hoặc các bên vắng mặt vì lí do khách quan lẫn chủ quan thì Tòa án không thể tiến hành đối thoại được. Đối với trường hợp các bên đương sự thống nhất đề nghị không tiến hành đối thoại thì Tòa án cũng tôn trọng ý chí và quyền tự định đoạt của các bên trong vụ án hành chính.
Những vụ án khiếu kiện về danh sách cử tri, Luật TTHC năm 2015 quy định không phải tổ chức đối thoại là phù hợp vì xuất phát từ yêu cầu giải quyết khiếu kiện này phải được thực hiện một cách nhanh chóng, kịp thời; bởi lẽ mục đích chính của người khởi kiện đối với vụ việc này là để có tên trong danh sách cử tri hoặc tên phải được ghi đúng trong danh sách cử tri, nếu như việc giải quyết vụ án hành chính trải qua thủ tục đối thoại sẽ kéo dài thêm thời gian giải quyết vụ án hành chính có thể dẫn đến trường hợp sau khi Tòa án xét xử xong tuyên chấp nhận yêu cầu của người khởi kiện cũng không còn ý nghĩa vì hoạt động bầu cử đã qua đi.
Thủ tục xét xử rút gọn được quy định tại các điều 135, 198 và 246 thì không cần phải thực hiện thủ tục đối thoại vì thủ tục rút gọn trong tố tụng hành chính là thủ tục giải quyết vụ án hành chính nhằm rút ngắn về thời gian và thủ tục so với thủ tục giải quyết vụ án hành chính thông thường nên nếu thực hiện thủ tục đối thoại đối với các vụ việc được quy định tại các điều luật trên sẽ không bảo đảm tính chất của thủ tục xét xử rút gọn.
Như vậy, trừ các trường hợp vừa phân tích thì trong quá trình giải quyết vụ án hành chính Tòa án phải có trách nhiệm tiến hành đối thoại.
Nguyên tắc tiến hành đối thoại
Thủ tục đối thoại phải bảo đảm nguyên tắc công khai, dân chủ, tôn trọng ý kiến của đương sự, thể hiện qua việc thời gian, địa điểm và nội dung đối thoại được thông báo trước cho đương sự và các chủ thể có liên quan, trong quá trình đối thoại các bên đều được quyền đưa ra ý kiến của mình để đánh giá về tính hợp pháp của đối tượng khiếu kiện, Thẩm phán trên cơ sở lắng nghe ý kiến của các bên để từ đó có hướng xử lý tiếp theo đối với vụ án hành chính đang giải quyết.
Nguyên tắc không được ép buộc các đương sự thực hiện việc giải quyết vụ án hành chính trái với ý chí của họ là một trong những nguyên tắc rất quan trọng của thủ tục đối thoại. Vì bản chất của thủ tục đối thoại là nhằm tạo ra sự thống nhất giữa các bên đương sự đối với vụ án hành chính mà Tòa án đang giải quyết nên kết quả của đối thoại phải thể hiện ý chí tự quyết của các bên tham gia đối thoại. Do đó, trong quá trình tổ chức đối thoại, Thẩm phán chỉ hướng dẫn, giúp đỡ các bên đương sự có nhận thức đúng đắn về tính hợp pháp của đối tượng đang tranh chấp để họ lựa chọn một hành động phù hợp với ý chí của mình. Các đương sự khi tham gia đối thoại không một ai được quyền ép buộc, đe dọa hay cản trở các đương sự phải thực hiện một việc trái với ý chí của họ.
Đối với nguyên tắc nội dung đối thoại, kết quả đối thoại thành giữa các đương sự không trái pháp luật, trái đạo đức xã hội đòi hỏi Thẩm phán tiến hành đối thoại phải nắm vững quy định của pháp luật; trước hết, là cần nắm vững các quy định của pháp luật tố tụng hành chính về trình tự, thủ tục tố tụng giải quyết vụ án hành chính, sau đó cần nắm vững quy định của pháp luật liên quan trực tiếp đến khiếu kiện hành chính đang giải quyết để Thẩm phán có thể phân tích cho các đương sự nhận thức đúng về nội dung văn bản quy phạm pháp luật, văn bản hành chính có liên quan để họ có sự lựa chọn và quyết định việc giải quyết vụ án. Bên cạnh việc nắm rõ quy định của pháp luật, Thẩm phán cần phải có sự hiểu biết nhất định về quy phạm đạo đức, phong tục, tập quán nhằm ngăn chặn các bên có những thỏa thuận trái với đạo đức xã hội.
(Trích bài Thủ tục đối thoại trong tố tụng hành chính của Thạc sĩ Lê Việt Sơn, Đại học Luật Tp Hồ Chí Minh, Tạp chí Kiểm sát số 08/2016)
Xem tiếp bài: Thủ tục đối thoại trong tố tụng hành chính.