Hành vi lừa đảo chiếm đoạt thẻ ngân hàng và séc

Ngày đăng : 02:01, 24/03/2017

(Kiemsat.vn) - Lừa đảo chiếm đoạt thẻ ngân hàng và séc xảy ra khi người phạm tội đánh cắp thẻ ngân hàng hoặc quyển séc và chiếm đoạt quyền kiểm soát tài khoản của chủ thẻ. Hiện nay, tội phạm này được thông qua hình thức rút tiền tự động, đánh cắp danh tính cá nhân.

Tội phạm khi thực hiện có thể trực tiếp lấy trộm thẻ ngân hàng, séc từ chủ tài khoản theo các cách truyền thống (móc túi, đột nhập…), nhưng chủ yếu hiện nay tội phạm này được thực hiện thông qua các hình thức sau:

Tại máy ATM (máy rút tiền tự động)

Tội phạm sử dụng một thiết bị để quét, sao chụp lại thông tin trên thẻ ATM của một người khi họ đang tiến hành giao dịch tại một trạm ATM. Người phạm tội sử dụng đoạn mã nhúng trên thẻ và các thông tin lấy được để làm giả một thẻ ATM khác tiến hành giao dịch bất hợp pháp tại các cửa hàng có trang bị máy pos, thanh toán trực tuyến (online payment) hoặc thực hiện giao dịch tại các quốc gia mà công nghệ chip và pin còn lạc hậu hoặc thậm chí không được hỗ trợ.

Người phạm tội thường chọn tiến hành các thanh toán mà thẻ tín dụng, thẻ ATM giả không bị yêu cầu phải trình trước mặt người bán hàng. Ví dụ: Đặt hàng, mua hàng và thanh toán qua điện thoại, thư điện tử hoặc mua hàng tại các thiết bị đầu cuối như máy bán vé tự động, máy bán hàng tự động…

Ngày 27/3/2015, Tòa án nhân dân thành phố Hồ chí Minh đã tuyên phạt Bilokonov Vitalii Oleksandrovych mức án 5 năm tù về tội sử dụng mạng máy tính, mạng viễn thông, mạng Internet, thiết bị số thực hiện hành vi chiếm đoạt tài sản. Tại tòa, Vitalii khai cuối năm 2013, đã cùng một người bạn nhập cảnh du lịch Việt Nam tại Sân bay quốc tế Nội Bài. Sau đó, cả hai vào thành phố Hồ Chí Minh và thuê phòng tại một khách sạn trên đường Bùi Thị Xuân, quận 1. Trong thời gian lưu trú tại đây, Vitalii dùng thẻ tín dụng giả đi rút tiền tại nhiều địa điểm. Ngày 03/01/2014, Vitalii đến cây ATM tại một số ngân hàng rút được 30 triệu đồng mang về khách sạn cất giữ. Khi tiếp tục rút 16 triệu đồng trên đường Võ Văn Tần, thì bị bắt quả tang. Khám xét nơi ở của Vitalii, Cảnh sát thu hơn 110 thẻ tín dụng giả và hơn 340 triệu đồng. Kết quả điều tra xác định, Vitalii đã thực hiện trên 150 giao dịch, trong đó có 60 giao dịch thành công, rút gần 370 triệu đồng.

Đánh cắp danh tính cá nhân

– Tội phạm có thể đánh cắp thông tin cá nhân như số hộ chiếu, số chứng minh nhân dân, số tài khoản cá nhân… để thực hiện hành vi đánh cắp tài khoản hoặc giả mạo chủ tài khoản. Sau khi có các thông tin cá nhân từ chủ tài khoản thực sự, tội phạm sẽ vượt qua các cổng an ninh trực tuyến của ngân hàng, giành quyền kiểm soát tài khoản. Một số trường hợp, nhân viên ngân hàng đã tiếp tay cho tội phạm, cung cấp thông tin các khách hàng một cách bất hợp pháp để thu lợi.

– Dấu hiệu nạn nhân của các tội phạm trên là khách hàng nhận ra thẻ tín dụng của mình đã bị thực hiện một giao dịch bất thường, đột ngột sử dụng hết hạn mức của thẻ.

Biện pháp phòng ngừa, ngăn chặn

Một là, ngay lập tức thông báo tới ngân hàng hoặc đơn vị cung cấp dịch vụ thẻ. Sau nhận được thông báo các đơn vị này có trách nhiệm xác nhận sự việc và tiến hành các bước cần thiết để bảo vệ thông tin tài khoản khách hàng. Đồng thời, họ sẽ thông báo tới Cơ quan điều tra trong trường hợp có dấu hiệu tội phạm.

Hai là, vấn đề bảo mật mã PIN: Ghi nhớ mã PIN và xóa bỏ ngay những giấy thông báo nào có chứa thông tin mã PIN từ nhà cung cấp thẻ; che những góc, khu vực dễ bị đặt máy quay trộm khi rút tiền từ máy ATM; thay đổi mã PIN thường xuyên hoặc ngay khi nghi ngờ có ai đó biết mã PIN của bạn; khi thực hiện giao dịch tại máy ATM, phải chú ý không gian xung quanh, dừng giao dịch khi thấy ai đó bên cạnh có dấu hiệu bất minh; nếu phát hiện các dấu hiệu bất thường từ máy ATM, dừng giao dịch và báo theo số đường dây nóng gắn trên máy; khi hoàn thành giao dịch, kiểm tra đầy đủ và cất kĩ thẻ; không in thông báo số dư trong trường hợp không cần thiết, thường xuyên kiểm tra số dư tài khoản; nếu máy ATM không hoàn lại thẻ, ngay lập tức thông báo tới nhà cung cấp dịch vụ thẻ.

Ba là, lưu ý khi sử dụng thẻ tín dụng, thẻ ATM ở nước ngoài: Chỉ mang các loại thẻ mà bản thân có nhu cầu sử dụng thực sự, cất các loại thẻ còn lại trong két an toàn ở nhà; đảm bảo ghi nhớ số điện thoại liên hệ đường dây nóng của nhà cung cấp dịch vụ thẻ; đăng kí dịch vụ bảo vệ thẻ tín dụng (nếu có), cung cấp đầy đủ thông tin cá nhân cho nhà cung cấp thẻ; khi ở nước ngoài: Chú ý dùng tay che khi nhập mã PIN tại các trạm ATM công cộng hoặc trong các cửa hàng; nên dùng đai đeo hông để giữ tiền, giấy tờ tùy thân, các loại thẻ; khi từ nước ngoài trở về: Kiểm tra sao kê để đề phòng các giao dịch không do bản thân chủ thẻ thực hiện.

(Trích bài viết Cảnh báo một số hành vi lừa đảo qua mạng máy tính, mạng internet và các phương tiện điện tử để lừa đảo chiếm đoạt tài sản, Thạc sĩ Nguyễn Đình Trung, Hiệu trưởng Trường đào tạo, bồi dưỡng nghiệp vụ kiểm sát tại Tp. Hồ Chí Minh, TCKS số 10/2016).

Bài tiếp theo: Hành vi lừa đảo hẹn hò qua mạng internet để lừa đảo.