Bàn về nguyên tắc xét xử công khai trong Bộ luật Tố tụng hình sự năm 2015

Ngày đăng : 05:33, 14/02/2017

Xét xử công khai là một trong những nguyên tắc cơ bản trong hoạt động tố tụng hình sự được quy định tại Điều 18 Bộ luật Tố tụng hình sự (BLTTHS) năm 2003 và được khẳng định lại tại BLTTHS năm 2015.

Điều 25 BLTTHS năm 2015 quy định: “Tòa án xét xử công khai, mọi người đều có quyền tham dự phiên tòa, trừ trường hợp do Bộ luật này quy định. Trong trường hợp đặc biệt cần giữ bí mật nhà nước, thuần phong mỹ tục của dân tộc, bảo vệ người dưới 18 tuổi hoặc để giữ bí mật đời tư theo yêu cầu chính đáng của đương sự thì Tòa án có thể xét xử kín nhưng phải tuyên án công khai”. Nội dung nguyên tắc này một mặt thể hiện tính dân chủ, tạo điều kiện cho nhân dân kiểm tra, giám sát được các hoạt động của Tòa án, của các chủ thể tiến hành tố tụng, qua đó phát hiện những thiếu sót hoặc sai lầm trong tiến trình giải quyết vụ án, bảo vệ quyền và lợi ích của Nhà nước, của công dân theo quy định của pháp luật, mặt khác qua xét xử công khai còn có tác dụng tuyên truyền pháp luật cho quần chúng nhân dân.

Như vậy có thể thấy xét xử công khai nhằm đảm bảo cơ chế kiểm tra và giám sát của nhân dân đối với hoạt động xét xử và tuyên truyền, giáo dục ý thức pháp luật cho người dân. Tuy vậy Tòa án có thể quyết định xét xử kín trong một số trường hợp quy định hoặc theo yêu cầu chính đáng của đương sự như đã viện dẫn trên. Đây là trường hợp ngoại lệ của nguyên tắc xét xử công khai trong tố tụng hình sự.

Xử kín là một chế định đã được quy định từ BLTTHS năm 1988 và được khẳng định lại tại Điều 18 BLTTHS năm 2003, Điều 25 BLTTHS năm 2015. So với quy định tại Điều 18 BLTTHS năm 2003 thì quy định về trường hợp xét xử kín tại Điều 25 BLTTHS năm 2015 không có gì khác biệt. Thực tiễn xét xử thời gian qua cho thấy trong những trường hợp cần bảo vệ bí mật đời tư theo yêu cầu chính đánh của đương sự BAO GỒM cả bị hại, nguyên đơn dân sự, bị đơn dân sự, người có quyền lợi liên quan đến vụ án…) thì Tòa án vẫn có thể quyết định xét xử kín.

Tuy nhiên việc giải thích cụm từ “Đương sự” trong BLTTHS năm 2015 đã làm thay đổi đáng kể đối tượng được đề nghị Tòa án quyết định xét xử kín. Cụ thể tại điểm g, khoản 1 Điều 4 BLTTHS năm 2015 quy định: “Đương sự gồm nguyên đơn dân sự, bị đơn dân sự, người có quyền lợi nghĩa vụ liên quan đến vụ án hình sự”. Chiếu theo quy định tại Điều 25 BLTTHS năm 2015 thì bên cạnh một số trường hợp như để giữ bí mật nhà nước, thuần phong mỹ tục của dân tộc, bảo vệ người dưới 18 tuổi thì chỉ có 03 chủ thể có quyền yêu cầu Tòa án xét xử kín để giữ bí mật đời tư theo yêu cầu chính đáng của họ là nguyên đơn dân sự, bị đơn dân sự, người có quyền lợi liên quan đến vụ án.

Như vậy đối tượng có quyền đề nghị xét xử kín tại Điều 25 BLTTHS năm 2015 chưa phù hợp với thực tiễn xét xử, chưa bảo vệ hết được quyền và lợi ích chính đáng theo yêu cầu của đương sự trong một số vụ án cụ thể, nhất là việc bảo vệ bí mật đời tư, danh dự, nhân phẩm của bị hại trong các vụ án xâm phạm đến danh dự, nhân phẩm của con người (vụ án hiếp dâm).

Để bảo đảm tuân thủ nguyên tắc xét xử công khai đồng thời bảo đảm lợi ích của đương sự, thể hiện sự tôn trọng của pháp luật đối với nhân phẩm, danh dự của đương sự trong vụ án, phù hợp với xu hướng phát triển chung của luật pháp luật tố tụng hình sự trên thế giới thiết nghĩ cần phải sửa đổi BLTTHS năm 2015 theo hướng thay cụm từ “đương sự” thành “người tham gia tố tụng”. Theo đó Điều 25 BLTTHS năm 2015 sửa đổi như sau:“Tòa án xét xử công khai, mọi người đều có quyền tham dự phiên tòa, trừ trường hợp do Bộ luật này quy định. Trong trường hợp đặc biệt cần giữ bí mật nhà nước, thuần phong mỹ tục của dân tộc, bảo vệ người dưới 18 tuổi hoặc để giữ bí mật đời tư theo yêu cầu chính đáng của người tham gia tố tụng thì Tòa án có thể xét xử kín nhưng phải tuyên án công khai”. Đồng thời cần quy định một cách cụ thể, chi tiết các trường hợp xét xử kín để áp dụng thống nhất, hạn chế tình trạng quyết định xét xử kín chỉ dựa vào sự đánh giá chủ quan của cơ quan xét xử./.

Thanh Đạm
(Phòng 7 VKSND tỉnh Kiên Giang)