Hướng dẫn công tác kiểm sát khiếu tố năm 2017
Ngày đăng : 03:37, 09/01/2017
Năm 2017, các đơn vị tiếp tục chọn khâu đột phá là nâng cao chất lượng công tác giải quyết khiếu nại, tố cáo trong hoạt động tư pháp và kiểm tra đối với quyết định giải quyết khiếu nại đã có hiệu lực pháp luật. Cụ thể:
-
Công tác tiếp công dân
Thực hiện tốt công tác tiếp công dân; chọn lọc, tiếp nhận thông tin khiếu nại, tố cáo, kiến nghị, phản ánh về hoạt động tư pháp nói chung và hoạt động của VKSND nói riêng, phục vụ việc giải quyết và kiểm sát việc giải quyết khiếu nại, tố cáo. Lãnh đạo VKSND các cấp cần bố trí thực hiện lịch tiếp công dân theo quy định của Luật tiếp công dân, Quy chế số 51 và theo yêu cầu của việc giải quyết khiếu nại, tố cáo. Đơn vị Kiểm sát và giải quyết khiếu nại, tố cáo trong hoạt động tư pháp phối họp chặt chẽ với các đơn vị nghiệp vụ liên quan tham mưu cho Lãnh đạo VKSND cấp mình thực hiện việc tiếp công dân, ra văn bản thông báo kết quả tiếp công dân của lãnh đạo Viện.
Những trường hợp công dân khiếu nại, tố cáo, kiến nghị, phản ánh tại địa điểm tiếp công dân của VKSND đã được giải quyết bằng văn bản có hiệu lực pháp luật và kiểm tra lại hoặc không thuộc trường họp được kiểm tra lại theo quy định tại Điều 14 Quy chế số 51, thì đơn vị Kiểm sát và giải quyết khiếu nại, tố cáo trong hoạt động tư pháp báo cáo Lãnh đạo VKSND cấp mình để thực hiện việc từ chối tiếp công dân.
-
Công tác tiếp nhận, quản lý, xử lý đơn
Đơn vị Kiểm sát và giải quyết khiếu nại, tố cáo trong hoạt động tư pháp của VKSND các cấp chú trọng việc tiếp nhận, quản lý, xử lý đơn theo quy định tại Điều 10 Quy chế số 51, đảm bảo kịp thời, chính xác, phục vụ tốt công tác giải quyết và kiểm sát việc giải quyết khiếu nại, tố cáo trong hoạt động tư pháp. Ưu tiên xử lý đơn khiếu nại, tố cáo thuộc thẩm quyền giải quyết của VKSND để thực hiện việc thụ lý giải quyết hoặc chuyển đến đơn vị nghiệp vụ, VKSND khác có trách nhiệm giải quyết.
Đối với các trường hợp khiếu nại đã có quyết định giải quyết có hiệu lực pháp luật, nhưng người khiếu nại có đơn đề nghị xem xét, kiểm tra lại, đơn vị Kiểm sát và giải quyết khiếu nại, tố cáo trong hoạt động tư pháp cần nghiên cứu, đối chiếu với các điều kiện được quy định tại khoản 1 Điều 14 Quy chế số 51, nếu đủ điều kiện và thuộc, thẩm quyền thì báo cáo, đề xuất Lãnh đạo VKSND cấp mình để thực hiện việc thụ lý, kiểm tra lại.
Đối với đơn khiếu nại, tố cáo trong hoạt động tư pháp thuộc thẩm quyền kiểm sát của VKSND cấp mình, đơn vị Kiểm sát và giải quyết khiếu nại, tố cáo trong hoạt động tư pháp căn cứ quy định tại Điều 18 Quy chế số 51 để thụ lý kiểm sát hoặc chuyển đến đơn vị nghiệp vụ tương ứng thực hiện việc kiểm sát.
-
Công tác giải quyết khiếu nại, tố cáo trong hoạt động tư pháp thuộc thẩm quyền
VKSND các cấp thực hiện nghiêm túc Quy chế số 51 về thẩm quyền, nhiệm vụ và trình tự, thủ tục giải quyết khiếu nại, tố cáo trong hoạt động tư pháp; có sự phân công rõ ràng trách nhiệm của đơn vị chủ trì, đơn vị phối hợp trong việc giải quyết khiếu nại, tố cáo về hoạt động tư pháp thuộc thẩm quyền theo quy đinh tại Điều 13, Điều 16 Quy chế số 51. Trước khi ban hành văn bản giải quyết, đơn vị chủ trì giải quyết phải tiến hành làm việc với đương sự, thực hiện việc đối thoại nếu thấy cần thiết, việc đối thoại phải được lập biên bản và đưa vào hồ sơ giải quyết.
Đối với những vụ việc phức tạp, có sự khác nhau về quan điểm giải quyết giữa đơn vị chủ trì và đơn vị phối hợp, thì đơn vị chủ trì làm vãn bản báo cáo lãnh đạo Viện phụ trách hai đơn vị và Viện trưởng để thống nhất quan điểm giải quyết.
-
Công tác kiểm tra lại quyết định giải quyết khiếu nại đã có hiệu lực pháp luật
Đây là loại việc thường có tính chất phức tạp, nếu đủ điều kiện tại khoản 1 Điều 14 Quy chế số 51 thi đơn vị Kiểm sát và giải quyết đơn khiếu nại, tố cáo trong hoạt động tư pháp của VKSND cấp tỉnh trở lên tham mưu với lãnh đạo VKSND cấp mình để thụ lý, ra quyết định phân công thực hiện việc kiểm tra theo quy định tại khoản 2, khoản 3 Điều 14 Quy chế số 51. Qua kiểm tra, xem xét, nếu thấy quyết định giải quyết khiếu nại có vi phạm nghiêm trọng hoặc có tình tiết mới làm thay đổi cơ bản nội dung giải quyết trước đó thì báo cáo Lãnh đạo Viện để hủy bỏ quyết định giải quyết và yêu cầu giải quyết lại theo đúng quy định của pháp luật.
-
Công tác kiểm sát việc giải quyết đơn khiếu nại, tố cáo trong hoạt động tư pháp
VKSND các cấp thực hiện thẩm quyền, nhiệm vụ kiểm sát theo quy định tại Điều 17 Quy chế số 51. Đơn vị Kiểm sát và giải quyết đơn khiếu nại, tố cáo trong hoạt động tư pháp của VKSND các cấp chủ trì, phối hợp với các đơn vị nghiệp vụ khác tham mưu giúp Viện trưởng VKSND cấp mình kiểm sát việc giải quyết khiếu nại, tố cáo trong tố tụng hình sự, tố tụng dân sự, tố tụng hành chính; kiểm sát việc khiếu, nại đối với hành vi của người có thẩm quyền của Toà án nhân dân trong việc áp dụng biện pháp xử lý hành chính; Phối hợp với đơn vị Kiểm sát thi hành án thực hiện kiểm sát việc giải quyết khiếu nại, tố cáo trong thi hành án hình sự và thi hành án dân sự theo quy định của pháp luật và quy định của Ngành.
Trong lĩnh vực tố tụng dân sự, tố tụng hành chính và thi hành án dân sự, VKSND các cấp cần áp dụng đầy đủ 03 biện pháp yêu cầu được quy định tại các điểm a, b, c khoản 1 Điều 18 Quy chế số 51 và Thông tư liên tịch số 02/2016/TTLT-VKSNDTC-TANDTC, số 03/2016/TTLT-VKSNDTC-TANDTC ngày 31/8/2016 quy định việc phối hợp giữa VKSND và TAND trong việc thi hành một số quy định của BLTTDS, Luật TTHC; trong đó, lưu ý thực hiện biện pháp yêu cầu cung cấp hồ sơ, tài liệu liên quan đến giải quyết khiếu nại, tố cáo để thực hiện việc kiểm sát.
Trong lĩnh vực tố tụng hình sự và thi hành án hình sự, VKSND các cấp cần tích cực thực hiện đầy đủ các biện pháp kiểm sát theo quy định tại Khoản 1 Điều 18 Quy chế số 51; chú trọng thực hiện kiểm sát trực tiếp đối với cơ quan tư pháp ngang cấp. Để việc kiểm sát trực tiếp đạt hiệu quả, cần theo dõi, quản lý chặt chẽ số đơn khiếu nại, tố cáo về tư pháp do VKSND chuyển đến và nắm thông tin về việc tiếp nhận đơn của các cơ quan tư pháp làm cơ sở cho việc ban hành kết luận và kháng nghị, kiến nghị. Quá trình kiểm sát trực tiếp, chú ý kiểm sát toàn diện về nội dung và thẩm quyền, trình tự, thủ tục giải quyết khiếu nại, tố cáo trong hoạt động tư pháp của cơ quan tư pháp nhằm nâng cao chất lượng, hiệu quả kháng nghị, kiến nghị.
Ngoài ra, về công tác báo cáo, đơn vị Kiểm sát việc giải quyết khiếu nại, tố cáo trong hoạt động tư pháp chủ động tham mưu cho lãnh đạo Viện phối hợp chặt chẽ với các cơ quan tư pháp cùng cấp để thực hiện việc theo dõi, tổng hợp kết quả giải quyết khiếu nại, tố cáo trong hoạt động tư pháp phục vụ xây dựng báo cáo Quốc hội theo quy định tại Điều 31 Luật tổ chức VKSND năm 2014.
Thực hiện kịp thời, đầy đủ việc báo cáo và trả lời kiến nghị có liên quan đến nhiệm vụ công tác theo yêu cầu của cơ quan có thẩm quyền. Đối với đơn do các cơ quan, cá nhân có chức năng giám sát và lãnh đạo Đảng, Nhà nước chuyển đến, phải thực hiện báo cáo kết quả xử lý, giải quyết đầy đủ, kịp thời theo quy định tại Điều 11 Quy chế số 51; văn bản báo cáo phải đảm bảo hình thức, nội dung, thẩm quyền ký văn bản theo đúng quy định.
VKSND các cấp thực hiện nghiêm túc chế độ thông tin, báo cáo về nghiệp vụ theo đúng quy định của Ngành; phối hợp sơ kết 02 năm thực hiện quy định của Luật tổ chức VKSND năm 2014 về giải quyết đơn đề nghị kháng nghị giám đốc thẩm, tái thẩm khi có Kế hoạch của VKSND tối cao.
Trong quá trình thực hiện, nếu có khó khăn, vướng mắc, đề nghị liên hệ với Vụ 12 VKSNDTC để hướng dẫn, giải quyết.