Giải pháp nâng cao chất lượng kiểm sát giải quyết tố giác, tin báo về tội phạm và kiến nghị khởi tố

Ngày đăng : 01:30, 16/12/2016

(Kiemsat.vn) - Công tác tiếp nhận, giải quyết tố giác, tin báo về tội phạm và kiến nghị khởi tố có ý nghĩa đặc biệt quan trọng trong đấu tranh phòng, chống tội phạm, bởi đây là giai đoạn đầu tiên để các cơ quan có thẩm quyền xác định có hay không có hành vi phạm tội, từ đó quyết định khởi tố hay không khởi tố vụ án hình sự.

Viện kiểm sát nhân dân có trách nhiệm kiểm sát việc giải quyết tố giác, tin báo về tội phạm và kiến nghị khởi tố, không làm oan người vô tội, chống bỏ lọt tội phạm. Qua thực tiễn công tác kiểm sát, tôi xin nêu ra một số giải pháp để nâng cao chất lượng công tác kiểm sát việc giải quyết tố giác, tin báo về tội phạm và kiến nghị khởi tố để đồng nghiệp tham khảo:

Một là, nắm vững các quy định của Thông tư liên tịch số 06/2013/TTLT ngày 02/8/2013 của Liên ngành Trung ương; Quyết định số 422/QĐ-VKSTC ngày 17/10/2014 của VKSND tối cao; Quy chế phối hợp liên ngành về tiếp nhận, giải quyết tố giác, tin báo về tội phạm và kiến nghị khởi tố để vận dụng kiểm sát vào từng trường hợp, vụ việc cụ thể.

Hai là, thực hiện tốt trách nhiệm của Kiểm sát viên về vai trò của công tác kiểm sát việc tiếp nhận, giải quyết tố giác, tin báo tội phạm, xác định rõ đây là một trong những nhiệm vụ quan trọng trong đấu tranh phòng, chống tội phạm để từ đó mỗi cá nhân nâng cao ý thức trách nhiệm khi thực hiện nhiệm vụ.

Ba là, khi có những vụ việc phức tạp, nhất là những vụ xâm phạm hoạt động tư pháp, liên quan đến nhiều ngành, nhiều cấp; những vụ việc cần xem xét xử lý để phục vụ nhiệm vụ chính trị địa phương cần tăng cường mối quan hệ phối hợp giữa các đồng nghiệp, nhất là các Kiểm sát viên trong đơn vị để kịp thời phát hiện, nắm đầy đủ, chính xác các thông tin liên quan, chủ động tiếp nhận và đối chiếu nguồn tin, không được coi việc nắm bắt thông qua Cơ quan điều tra là phương thức duy nhất. Phối hợp chặt chẽ với cơ quan Thanh tra, Thuế, Kiểm lâm, Quản lý thị trường, Hải quan, Bộ đội biên phòng.., để nắm bắt tố giác, tin báo về tội phạm.

Bốn là, trong quá trình thực hiện nhiệm vụ được phân công, Kiểm sát viên cần chú ý:

– Kiểm sát chặt chẽ ngay từ đầu việc tiếp nhận, thụ lý, vào sổ tố giác, tin báo về tội phạm và đề ra yêu cầu xác minh.

– Thường xuyên cập nhật thông tin, theo dõi tiến độ xác minh của Cơ quan điều tra.

– Khi kết thúc việc xác minh, Kiểm sát viên cần phối hợp với Điều tra viên đánh giá toàn diện các tài liệu đã thu thập, báo cáo lãnh đạo đơn vị thống nhất quan điểm xử lý trước khi ra quyết định cuối cùng, tránh tình trạng vi phạm thời hạn.

Năm là, thường xuyên kiểm tra, hướng dẫn cán bộ, Kiểm sát viên Viện kiểm sát nhân dân các cấp được phân công kiểm sát giải quyết tố giác, tin báo về tội phạm, kịp thời phát hiện những hạn chế, thiếu sót để có biện pháp khắc phục; chú trọng tổng kết thực tiễn, xây dựng chuyên đề, tổ chức tập huấn công tác kiểm sát giải quyết tố giác, tin báo tội phạm giúp cán bộ, Kiểm sát viên nắm vững kiến thức chuyên môn, tích cực, chủ động nâng cao chất lượng công tác./.

Hoàng Hữu Sỹ – Phòng 3, VKSND tỉnh Lạng Sơn
(Trích nguồn VKSND tỉnh Lạng Sơn)