Trao đổi về bài viết: “Cứu người nhưng gây hậu quả nghiêm trọng có bị truy cứu trách nhiệm hình sự không?”

Ngày đăng : 02:54, 18/11/2016

(Kiemsat.vn) - Sau khi đọc bài viết "Cứu người nhưng gây hậu quả nghiêm trọng có bị truy cứu trách nhiệm hình sự không?" trên Kiemsat.vn ngày 04/11/2016 của tác giả Nguyễn Thị Thanh Thủy ở VKSQS khu vực 43, tôi có một vài ý kiến cùng trao đổi như sau.

Để trả lời cho tình huống của tác giả Nguyễn Thị Thanh Thủy đặt ra, chúng ta cần làm rõ những trường hợp như thế nào được coi là “tình thế cấp thiết”. Điều 16 Bộ luật Hình sự năm 1999 sửa đổi, bổ sung năm 2009 (Điều 23 BLHS năm 2015) có quy định về tình thế cấp thiết như sau:

“1. Tình thế cấp thiết là tình thế của người vì muốn tránh một nguy cơ đang thực tế đe doạ lợi ích của Nhà nước, của tổ chức, quyền, lợi ích chính đáng của mình hoặc của người khác mà không còn cách nào khác là phải gây một thiệt hại nhỏ hơn thiệt hại cần ngăn ngừa.

Hành vi gây thiệt hại trong tình thế cấp thiết không phải là tội phạm.

2. Trong trường hợp thiệt hại gây ra rõ ràng vượt quá yêu cầu của tình thế cấp thiết, thì người gây thiệt hại đó phải chịu trách nhiệm hình sự.”

Như vậy, quy định trên đây cho thấy việc gây thiệt hại nhỏ hơn thiệt hại cần ngăn ngừa không bị coi là tội phạm. Đồng thời người có hành vi gây thiệt hại sẽ không bị truy cứu trách nhiệm hình sự.

Hành vi gây thiệt hại trong tình thế cấp thiết không phải chịu trách nhiệm hình sự khi có đủ những điều kiện sau:

– Phải có sự nguy hiểm đang đe dọa gây ra thiệt hại ngay tức khắc:

Sự nguy hiểm đang đe dọa gây ra thiệt hại trong tình thế cấp thiết có thể phát sinh từ nhiều nguồn khác nhau như: các hiện tượng thiên nhiên, cũng có thể phát sinh trong quá trình lao động sản xuất, do sự tấn công của súc vật trong một hoàn cảnh đặc biệt, buộc phải gây thiệt hại để bảo vệ một lợi ích lớn hơn

– Việc gây thiệt hại để tránh một thiệt hại khác là sự lựa chọn duy nhất:

Điều kiện này đòi hỏi người gây thiệt hại trong tình thế cấp thiết phải tính toán thật chính xác và nhanh chóng khả năng đe dọa ngay tức khắc của sự nguy hiểm, nếu không chọn phương pháp gây thiệt hại thì tất yếu không thể tránh được thiệt hại lớn hơn.

Tuy nhiên, trên thực tế việc đánh giá sự lựa chọn của một người không phải dễ dàng, bởi vì, nếu không lựa chọn ngay phương pháp gây thiệt hại thì không tránh khỏi một thiệt hại khác lớn hơn. Thông thường khi tình thế cấp thiết xảy ra, không phải ai cũng bình tĩnh để suy xét xem chọn giải pháp nào cho phù hợp, nhiều người mất bình tĩnh đã vội vã gây thiệt hại rồi sau đó viện lý do để trốn tránh trách nhiệm. Vì vậy, khi đánh giá một hành vi gây thiệt hại có thuộc trường hợp trong tình thế cấp thiết hay không và phương pháp mà người có hành vi sử dụng có phải là phương pháp duy nhất không, phải căn cứ vào tình hình cụ thể lúc xảy ra sự việc, đánh giá một cách khách quan, toàn diện. Nếu còn biện pháp khắc phục sự nguy hiểm và việc gây thiệt hại là không cần thiết, thì không thuộc tình thế cấp thiết.

– Thiệt hại gây ra phải nhỏ hơn thiệt hại muốn tránh:

Trong tình thế cấp thiết, thiệt hại do người có hành vi trong tình thế cấp thiết gây ra chủ yếu là thiệt hại về tài sản và người bị gây thiệt hại trong tình thế cấp thiết lại không phải là người có hành vi gây ra sự nguy hiểm đe dọa gây ra thiệt hại cho xã hội mà là người khác. Về nguyên tắc, luật hình sự nước ta không thừa nhận thiệt hại về tính mạng trong tình thế cấp thiết.

Thiệt hại gây ra trong tình thế cấp thiết bao giờ cũng phải nhỏ hơn thiệt hại muốn tránh. Tuy nhiên, khi đánh giá so sánh giữa hai loại thiệt hại cũng cần phải xem xét một cách khách quan, toàn diện, bởi vì, thiệt hại gây ra là có thật còn thiệt hại muốn tránh lại chỉ là những cái có thể xảy ra hoặc tất yếu sẽ xảy ra nếu không được ngăn chặn. Vì vậy, pháp luật quy định trường hợp thiệt hại gây ra rõ ràng, vượt quá yêu cầu của tình thế cấp thiết thì người gây thiệt hại đó phải chịu trách nhiệm hình sự.
Trong trường hợp mà bạn Thanh Thủy đưa ra: “Chị M và anh H đang đứng chờ xe buýt ở điểm đón, thấy có khách đứng đợi, tài xế cho xe tấp vào lề để đón khách. Tuy nhiên, do tài xế cua gấp, biên độ cua rộng nên góc cua của xe không ở phía trước mặt hành khách mà lại theo hướng đâm thẳng vào hành khách. Nhận thấy khả năng nguy hiểm có thể xảy ra tức thì, anh H theo phản xạ nhảy tránh đồng thời đẩy cả chị M theo. Xe buýt kịp dừng lại đúng vị trí đón khách, nhưng hành động đẩy chị M của anh H lại vô tình gây thương tích nghiêm trọng cho chị M, có thể là do tư thế ngã hoặc do chị M bị va đập vào vật cứng, mặt đường. Nghiêm trọng nữa là hậu quả tử vong.”

Pháp luật không quy định sẵn các tình huống cụ thể trong tình thế cấp thiết. Trong trường hợp mà tác giả đưa ra, có thể được xem là “tình thế cấp thiết”, thế nhưng, hành vi của anh H là vội vàng, mất bình tĩnh, dẫn đến hậu quả mà hành vi của anh H gây ra đối với chị M là rất lớn. Hơn nữa, trong trường hợp này, nếu không có hành vi của anh H, thì thiệt hại cũng không xảy ra: “Xe buýt kịp dừng lại đúng vị trí đón khách”. Vì vậy, trong trường hợp này, thiệt hại gây ra rõ ràng vượt quá yêu cầu của tình thế cấp thiết, nên anh H phải chịu trách nhiệm hình sự.

Hơn nữa, khác với trường hợp “vượt quá giới hạn phòng vệ chính đáng”, Bộ luật Hình sự không quy định trường hợp nào vượt quá yêu cầu của “tình thế cấp thiết” là tình tiết định tội hoặc định khung hình phạt, mà chỉ là tình tiết giảm nhẹ khi quyết định hình phạt./.

Trần Kim Tuyến
VKSQS khu vực 41 quân khu 4