Trần Thị T không phạm tội “làm giả tài liệu của cơ quan, tổ chức” theo quy định tại Điều 267 BLHS

Ngày đăng : 04:41, 15/11/2016

(Kiemsat.vn) - Sau khi đọc nội dung bài viết: Trần Thị T có phạm tội “làm giả tài liệu của cơ quan, tổ chức” không? của tác giả Nguyễn Thị Lan Hương đăng trên Kiemsat.vn ngày 27/10/2016, tôi đồng ý với nhóm ý kiến thứ hai. Bởi vì ở cuối bài:

Theo khoản 1 Điều 267 BLHS thì tội “làm giả con dấu, tài liệu của cơ quan, tổ chức” được quy định: “Người nào làm giả con dấu, tài liệu hoặc giấy tờ khác của cơ quan, tổ chức hoặc sử dụng con dấu, tài liệu, giấy tờ đó nhằm lừa dối cơ quan, tổ chức hoặc công dân, thì bị phạt tiền từ năm triệu đồng đến năm mươi triệu đồng hoặc bị phạt tù từ sáu tháng đến ba năm”.

Hành vi được quy định trong Điều 267 là sử dụng các con dấu, giấy tờ được tạo ra từ nguồn gốc gian dối không đúng thẩm quyền, tội phạm hoàn thành khi người phạm tội có sử dụng các đối tượng trên để lừa dối cơ quan nhà nước, tổ chức hoặc công dân mà không cần phải có hậu quả xảy ra.

Theo quy định của Điều 267 thì việc làm giả con dấu, tài liệu… theo quy định pháp luật là hành vi làm giống như thật các loại con dấu, giấy tờ hiện đang được phép lưu hành hoặc làm ra các loại con dấu, giấy tờ mới và những hành vi giả mạo này chỉ xem là phạm tội khi các giấy tờ, tài liệu, con dấu giả được sử dụng vào một việc phạm pháp, trái pháp luật, như để được hưởng chế độ ưu tiên, đãi ngộ một cách có lợi nhất và những quyền lợi riêng để nhằm đạt được mục đích khác…

Làm giả con dấu, tài liệu hoặc giấy tờ khác của cơ quan nhà nước, tổ chức là hành vi của người không có thẩm quyền cấp các giấy tờ đó, nhưng đã tạo ra các giấy tờ đó bằng những phương pháp nhất định và xem như một loại giấy tờ thật mà không ai nghi ngờ việc làm giả này. Có thể là giả toàn bộ nội dung hoặc chỉ từng phần nhỏ… và hành vi phạm tội này hoàn thành kể từ khi người không có thẩm quyền, đã tạo ra được con dấu, tài liệu, các giấy tờ giả của một cơ quan nhà nước, tổ chức nhất định, mà không cần biết đã sử dụng vào mục đích gì, vì ở đây điều luật không yêu cầu việc làm giả phải dùng ra sao.

Trong trường hợp này, T tuy có hành vi đánh tráo để nộp bản kết luận giám định lừa dối Cơ quan điều tra, với mục đích giảm nhẹ tội cho e ruột là P. Và đây là tài liệu công khai, T không hề giấu giếm, hay lén lút, lừa dối để có lợi cho em trai khi đưa bản kết luận giám định. Lúc này Cơ quan điều tra, Điều tra viên có quyền không chấp nhận khi T giao bản kết luận giám định ra, chứ không thể coi hành vi của T khi đưa bản kết luận cho Cơ quan điều tra là hành vi lừa dối. Và ở đây tài liệu mà T đưa ra không ảnh hưởng tới trật tự quản lý hành chính nhà nước, T không làm mới hoàn toàn bản kết luận giám định Pháp y về độ tuổi, mà bản kết luận đó được Viện pháp y Quốc gia, Phân viện tại TP. Hồ Chí Minh ban hành nên đây không phải là tài liệu giả như đối tượng trong tội làm giả tài liệu của cơ quan tổ chức quy định tại Điều 267 BLHS, nên Trần Thị T không phạm tội “làm giả tài liệu của cơ quan, tổ chức”.

Trên đây là ý kiến riêng cá nhân tôi về bài viết, rất mong nhận được ý kiến trao đổi từ bạn đọc và đồng nghiệp./.

Cao Văn Huynh
TAQS khu vực 2 quân khu 4