Vũ Văn C chỉ phạm tội một lần
Ngày đăng : 11:04, 15/11/2017
* Tác giả Lê Văn Quang, Phó Viện trưởng VKSND huyện Lộc Ninh, tỉnh Bình Phước
Về khái niệm làm giả theo quy định pháp luật là hành vi làm giống như thật các loại con dấu, giấy tờ hiện đang được phép lưu hành hoặc làm ra các loại con dấu, giấy tờ mới hoàn toàn, chưa có loại tương tự trong đời sống. Những hành vi giả mạo này chỉ được coi là phạm tội khi các tài liệu, giấy tờ, con dấu giả được sử dụng vào một việc làm trái pháp luật, như để được vào biên chế, được đi nước ngoài, được hưởng chế độ ưu tiên…
Ảnh minh họa: Nguồn internet
Về mặt khách thể của tội phạm: tội phạm này xâm phạm đến trật tự quản lý hành chính Nhà nước, tổ chức và xâm phạm sự hoạt động bình thường, uy tín của cơ quan Nhà nước, tổ chức trong lĩnh vực quản lý hành chính nhà nước về con dấu, tài liêu hoặc giấy tờ khác. Đối tượng phạm tội là con dấu, tài liệu giả hoặc giấy tờ giả.
Về mặt khách quan của tội phạm: người phạm tội có một trong hai hành vi sau: Làm giả con dấu, tài liệu hoặc giấy tờ khác của cơ quan Nhà nước, tổ chức: là hành vi của người không có thẩm quyền cấp các giấy tờ đó nhưng đã tạo ra các giấy tờ đó bằng những phương pháp nhất định để coi nó như thật. Việc làm giả này có thể là giả toàn bộ hoặc chỉ từng phần như: tiêu đề, chữ ký, con dấu, nội dung…. Hành vi phạm tội này hoàn thành kể từ khi người không có thẩm quyền tạo ra được con dấu, tài liệu, các giấy tờ giả của một cơ quan Nhà nước, tổ chức nhất định (kể cả cơ quan Nhà nước hay tổ chức đó không có thật hoặc đã bị giải thể).
Về mặt chủ quan của tội phạm: là lỗi cố ý trực tiếp. Đối với hành vi làm giả con dấu, tài liệu hoặc giấy tờ khác của cơ quan, tổ chức thì không cần mục đích nhưng hành vi sử dụng chúng thì cần mục đích là để lừa dối cơ quan, tổ chức hoặc công dân.
Như vậy, trở lại nội dung vụ án, khi C phát hiện ra hồ sơ lần thứ nhất C nộp cho Sở Kế hoạch và Đầu tư có lỗi sai về mã số thuế thì C rút về và hủy toàn bộ tài liệu của bộ hồ sơ này để làm lại bộ hồ sơ khác mà mục đích cuối cùng của C làm hồ sơ lần 1 và lần 2 là để sử dụng vào mục đích lừa Sở Kế hoạch và Đầu tư tỉnh V để làm thủ tục chuyển nhượng Công ty giữa chị A – Giám đốc Công ty X thỏa thuận chuyển nhượng Công ty X cho anh B. Vì vậy, lần làm giả hồ sơ lần thứ nhất C đã làm sai mã số thuế và C đã hủy nên không thể tính là phạm tội nhiều lần, vì vậy, chỉ tính C phạm tội làm giả lần thứ 2.
Tóm lại, chỉ có căn cứ để truy tố Vũ Văn C theo khoản 1 Điều 267 BLHS về tội “Làm giả con dấu, tài liệu của cơ quan, tổ chức” và Căn cứ Nghị quyết số 41/2017/QH14 ngày 20/6/2017 của Quốc hội và khoản 3 Điều 7 BLHS năm 2015 đã được sửa đổi, bổ sung theo Luật số 12/2017/QH14 ngày 20/6/2017 của Quốc hội thì Vũ Văn C phạm tội “Làm giả con dấu, tài liệu của cơ quan, tổ chức” theo khoản 1 Điều 341 BLHS năm 2015.
* Tác giả Trần Văn Hùng, TAQS Khu vực 1, Quân khu 4
Theo quy định của BLHS thì phạm tội nhiều lần là người phạm tội đã thực hiện từ hai hành vi phạm tội trở lên, tác động đến cùng một đối tượng hoặc nhiều đối tượng khác nhau. Nếu tách ra từng hành vi phạm tội riêng lẽ thì mỗi hành vi ấy đã đủ các yếu tố cấu thành một tội phạm độc lập.
Trong tình huống nêu trên Vũ Văn C lần thứ nhất đã tự làm 01 bộ hồ sơ theo quy định của pháp luật để nộp cho Sở Kế hoạch và Đầu tư tỉnh V. Trong bộ hồ sơ đó, C tự nghĩ ra chữ ký và tự ký tên anh B, chị A; sau đó C lấy con dấu thật của Công ty X mà C đang giữ đóng vào các giấy tờ tài liệu trên.
Lần thứ hai: Sau khi C trả lại cho chị A con dấu thật của Công ty X thì C mới phát hiện ra mã số thuế trong bộ hồ sơ C vừa làm là sai; do đó, C đã hủy toàn bộ tài liệu của bộ hồ sơ này để làm hồ sơ mới. C đã thuê người khắc 01 con dấu mới có hình dáng, ký tự giống như con dấu thật của Công ty X. Sau đó C lại làm 01 bộ hồ sơ mới có các tài liệu, nội dung tương tự như hồ sơ ban đầu; trong đó, đã sửa lại mã số thuế. Đồng thời, C tự nghĩ ra chữ ký và tự ký tên anh B, chị A và lấy con dấu vừa làm mới (con dấu giả) của Công ty X đóng vào các giấy tờ tài liệu trên, rồi đem bộ hồ sơ này nộp cho Sở Kế hoạch và Đầu tư tỉnh V để làm thủ tục mua bán Công ty.
Như vậy cả hai lần phạm tội trên thì tội phạm được hình thành từ một loạt hành vi nguy hiểm cho xã hội cùng loại, xảy ra kế tiếp nhau và có tính liên tục, cả hai hành vi đó có cùng một mục đích chung, thống nhất, cùng xâm hại đến một khách thể, như vậy hành vi của Vũ Văn C chỉ phạm tội 01 lần.
* Tác giả Phan Hồng Quang, VKSQS khu vực 41, Quân khu 4
Hành vi của C phạm vào tội “Làm giả con dấu, tài liệu của cơ quan, tổ chức” theo khoản 1 Điều 267 BLHS năm 1999, bởi vì, tuy C đã 02 lần làm 02 bộ hồ sơ giả để nộp cho cơ quan Nhà nước làm thủ tục mua bán Công ty, nhưng C mỗi lần thực hiện mỗi hành vi khác nhau và chỉ sử dụng 01 lần giấy tờ đó để thực hiện hành vi trái pháp luật nên hành vi làm giả của C chỉ bị coi là phạm tội 01 lần.
Trong trường hợp này C không phạm tội nhiều lần bởi lẽ, khi C phát hiện ra hồ sơ lần thứ nhất C nộp cho Sở Kế hoạch và Đầu tư có lỗi sai về mã số thuế thì C đã tự rút về và hủy toàn bộ tài liệu của bộ hồ sơ này để làm lại. Việc rút hồ sơ về làm lại chỉ coi là sửa chữa hồ sơ ban đầu bởi mục đích làm hồ sơ lần 2 chỉ là để chuyển nhượng công ty như lần làm giả hồ sơ lần thứ nhất, không tính là lần phạm tội khác, vì vậy chỉ tính phạm tội 01 lần.
Mặt khác phạm tội nhiều lần với làm giả con dấu tài liệu của cơ quan tổ chức là một người thực hiện hành vi làm giả con dấu tài liệu của cơ quan tổ chức hoặc sử dụng con dấu, tài liệu con dấu, giấy tờ giả của cơ quan tổ chức để lừa dối cơ quan nhà nước, tổ chức, công dân thực hiện hành vi trái pháp luật từ hai lần trở lên và mỗi lần thực hiện hành vi đã cấu thành tội làm giả con dấu tài liệu của cơ quan tổ chức. Trong trường hợp này tuy C đã 2 lần có hành vi làm giả nhưng lần làm giả thứ nhất C chỉ giả mạo chữ ký của anh A, chị B do đó trong trường hợp này C chỉ có hành vi giả mạo chữ ký của người khác còn con dấu mà C sử dụng con dấu thật của Công ty X mà C đang giữ đóng vào các giấy tờ tài liệu trên nên không cấu thành tội “Làm giả con dấu, tài liệu của cơ quan, tổ chức” theo điểm b khoản 2 Điều 267 Bộ luật Hình sự (BLHS) năm 1999 và Điều 341 Bộ luật hình sự năm 2015.
Đối với lần thứ hai, C đã hủy toàn bộ tài liệu của bộ hồ sơ này để làm hồ sơ mới, đã có hành vi thuê người khắc 01 con dấu mới có hình dáng, ký tự giống như con dấu thật của Công ty X và sử dụng con dấu giả đó đóng vào hồ sơ tài liệu để nộp cho Sở Kế hoạch và Đầu tư tỉnh V. Do đó, hành vi của C đã thỏa mãn các yếu tố cấu thành của tội làm giả con dấu, tài liệu của cơ quan, tổ chức quy định tại khoản 1 Điều 267 Bộ luật hình sự năm 1999.
Bài viết có liên quan >>>
Vũ Văn C phạm tội 1 lần hay 2 lần?